Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

CHUYỆN ĐẠO-CHUYỆN ĐỜI VÀ THÌ TƯƠNG LAI

Sau khi thỏa mãn cảm giác (cực)
mạnh, đứng ngay nơi sinh ra và chết đi của hai cái tên vĩ đại nhất trong lịch
sử loài mang tên con người,  Chúa và Phật, hôm nay bắt tay vào viết séries
này.


Cảm ơn Giám mục Phanxico Xavie
N. và Sư cụ Minh Đạo N. với những chỉ dẫn tận tình về phần Chuyện Đạo.


Entry trong Blog chỉ là những gạch đầu
dòng, chia sẻ với các bạn quan tâm đến đề tài này trên góc độ sơ lược sự kiện.


KÌ 1: LỊCH SỬ GIÁO
HỘI TOÀN CẦU


*Từ khi ra đời cho đến thời kì thực dân 1781.


Vị Giáo hoàng đầu tiên của
Giáo hội là thánh Phéro, trị vì ở Zerusalem bắt đầu năm 33 với vỏn vẹn 12 giáo
dân là những thuyền chài. Sau đó Phéro chuyển qua Syrie lập tòa thánh ở Antiokio
và sống ở đây 25 năm. Cuối đời, ông sang Roma truyền đạo và mất năm 67.


Từ năm 33 tới  năm 314, tất cả các Giáo hoàng đều bị các đời
Hoàng đế La mã giết chết, tổng cộng 32 vị cả thảy.


Giai đoạn này, Giáo hội gắn với
thân phận người lao động nghèo. Bám rất chặt vào lời dạy của Chúa Giêsu trong
kinh Phúc âm: những người bóc lột, tham của khó vào thiên đàng hơn con lạc đà
chui qua lỗ kim.
(Phúc âm Mathieu chương 19 câu 44). Và đây chính là lí do Phúc
âm  vượt ra khỏi đế quốc La mã và lan tỏa
nhanh chóng trên toàn cầu, bất chấp mọi chém giết.


Rất giống lịch sử đạo Phật, Đạo
thiên chúa chỉ triển dương và thịnh phát khi nhà cầm quyền đồng tâm. Năm 314, Hoàng đế Constantino cải đạo,
nhường  Roma cho Giáo hội làm thủ đô và
lập thủ đô mới ở Constantinople, nghĩa là thành của Constantino, giờ thuộc Thổ
Nhĩ Kì.


Constantino cũng dâng một số
cung điện để làm nhà thờ. Ngày nay, các cơ sở thờ tự mang tên Vương cung thánh
đường  ( basilique) là bởi gốc chữ Vua
(basileas) trong tiếng Hy lạp mà ra. Nhà thờ  đức bà Sàigòn nằm trong số này, vui ở chỗ nó được gọi là Vương cung bởi xây bằng tiền của... nhà nước Pháp.


Suốt 15 thế kỉ, có thăng có
trầm nhưng về cơ bản, các Giáo hoàng đã thiết lập uy quyền của mình về phần
đời, Vua trên các Vua châu Âu, khi giành cho mình cái quyền phong và phế Vua.
Trong đó có thể kể 3 nhân vật nổi tiếng nhất, đi vào  văn chương là Henri VIII (Anh), Napoléon I (Pháp)
và Barberousse (Phổ). Riêng Vua Phổ sau đó phải xin đến tu viện Cassanova ăn
chay để được Giáo hoàng giải vạ.


Giáo hội làm được rất nhiều
việc thay đổi thế giới như sửa lại
dương lịch: năm 1582, sau ngày 4/10 thay vì ngày 5 lại là ngày 15; Lập ra các
trường đại học lớn của châu Âu; Hộ trì cho dòng nghệ thuật Phục hưng; Khi C.
Colombo tìm ra châu Mỹ, Giáo hội đứng ra làm trọng tài trong các cuộc  tranh chấp đất đai như chia cho Bồ đào Nha
phần đất lập ra nước Brasil hay Tây Ban Nha phần đất lập ra nước Argentina ngày
nay.


Tuy thế, một sự kiện lớn do
Giáo hội cầm đầu lại đã tàn phá Hy lạp, Thổ Nhĩ Kì, Syrie và làm kiệt quệ cả
châu Âu: cuộc Thập tự chinh nhằm chiếm lại ngôi mộ của Chúa Giêsu bị Đạo Hồi chiếm giữ, vào thế kỉ
15.