Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI.3

Lạ.


Thủ tục nhập cảnh Ai cập,
thay vì chụp vân tay thì chụp mắt. Nhưng đây không phải điều lạ, vì công nghệ
này từng chào bán cho Việt Nam
từ mấy năm trước. Lạ là đang làm, tự dưng nhân viên cửa khẩu bỏ đi…uống
càphê.


Chuyển sang xếp hàng chỗ khách
dân thường không được, không phải vì đông mà vì không được-đứng đó đi, thế là phải đứng. Mình nghĩ bụng, tất cả
những thằng nào quai mồm ra chửi thủ tục ở sân bay Việt, nên phạt bằng hình
thức bắt ba lần làm thủ tục ở Ai cập này hoặc sân bay Los Angeles, bảo đảm tắt
đài vĩnh viễn.


Đêm cuối ở Dubai , đại sứ mời cơm ở quán mang tên Hội An,
đầu bếp người Thái và thực đơn lần lượt thế này. Khai vị bằng bốn miếng gì đó
và một chén phở bò không tái không chín không nước béo. Một gắp kem bạc hà. Món
chính chọn một trong bốn loại gà bò cừu cá nướng. Kế đến là cơm ăn với chả giò
(người bắc gọi là nem), canh chua Thái. Không phải cơm trắng, mà cơm trộn muối
và rau thì là băm nhuyễn. Cuối cùng lại kem, ăn nhưng không rõ vị gì. Quán bài
trí rất đẹp và khá đông khách. Mấy cô phục vụ người Nam Định, Hải hưng nói ngọng líu
nhưng trắng trẻo xinh ơi là xinh.


Thực đơn của  vùng Trung đông cơ bản giống nhau. Đầu tiên
là hàng chục loại sa lát hơi quá tay chanh. Món nướng chính không tẩm uớp và
tráng miệng bằng bánh ngọt, rượu hồi. Có một món mình luôn thấy chủ nhà ăn khí
thế, bánh mì chấm dầu oliu. Mình chịu. Lúc nào bị xếp ngồi vị trí trung tâm,
phải nhận lời mời xơi món ấy, mình cũng chấm khí thế nhưng bánh  không chạm dầu. Vừa ăn vừa khen, đã ngon còn
lạ.



Ngủ nghê.


Thật quá phí tiền phòng cho
mình, những căn phòng design đẹp như mơ nhưng mình hầu như chỉ đặt lưng 2-3
tiếng. Đêm đầu ở Jerusalem,
lang thang lạc vào con phố đi bộ. Tượng được bày dọc hai bên lối đi, bán chứ
không  phải trưng. Ngẩn ngơ vì đẹp, vì mơ
ước là đại tỉ phú để khuân hết chỗ tượng ấy về nhà. Đêm hôm sau, mưa tầm tã và
lạnh. Không nhịn được, lại bò ra phố ấy ngắm thêm lần nữa. Liên tưởng đến phố
tranh chép Nam
kì khởi nghĩa hay phố tranh hẩu lốn Tràng tiền, nghĩ mà  tủi.


Mình vác về một con lạc đà baby
trong tư thế quỳ, không biết bao nhiêu người phải ngó nhìn khi ôm nó đi trong
sân bay. Để ngay đầu cầu thang, sáng nào dậy chính mình cũng vuốt đầu nó một
cái. Người chế tác đã làm cho nó một cặp mắt nhẫn nhịn, u buồn, đẹp không thể
tả được. Mémé cũng thích nhưng bảo nhà mình như cái sở thú với hàng đàn chó
chuột ếch voi thiên nga…từ tứ xứ.


Mua được trong  cửa hàng hương liệu ở Cairo một loại thảo mộc. Về pha như trà uống
thơm lừng, Mémé ngủ ngon lành tận 6h sáng, điều cực kì hiếm. Thật tiếc, không
thể nhớ nổi, chú bán hàng gọi nó là loại hoa cỏ gì.


Ghế của hãng bay Cathay khiến tất cả phì cười cùng lúc, giống hệt như cái
chuồng kẹp con bò vào lúc vắt sữa. Nhưng ơn trời, ấm áp, riêng biệt, duỗi dài
tay chân ngủ một giấc không biết trời trăng mây nước gì.


Cuộc vui ngắn chẳng tày gang,
cuộc vui mới tiếp diễn bằng một cú đu chặt lên cổ của Nàng. Nàng, xinh lắm nhé.


ĐỂ LÀM GÌ?

*** Lật bất cứ trang thể thao
của bất cứ báo nào, cũng có thể bắt gặp 
bài không dài thì ngắn, đập Liên đoàn bóng đá. Báo đêlì thì đập hàng
ngày mà báo uýchlì thì đập hàng tuần. Hơn chục năm nay như thế. Chưa có bất cứ
tổ chức xã hội nào trên đời, bị đập nhiều như VFF.


Khí thở ô nhiễm trầm trọng
hay cơm ăn vào mồm tẩm đầy hóa chất độc hại, không ồn ã râm ran bằng việc đội
tuyển thua ở cái giải, không hơn giải dút quần của  bà nông dân.


VFF có chết vì bị đập không? Còn
khuya. Bóng đá Vịt có vì thế mà khấm khá hơn không? Còn khuya hơn nữa.


*** Vài năm gần đây, mỗi năm Việt
nam có trên dưới 50 cuộc biểu tình có số người tham dự trên trăm, thấp hơn
không tính. Nhăng nhố như đám  biểu tình
Hồ Gươm đếm trên đầu ngón một bàn tay, nếu không muốn nói là duy nhất. Tuyệt
đại đa số liên quan đến chuyện đòi công bằng trong việc đền bù giải tỏa đất
nông nghiệp, khi chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, của chính quyền.


Và như vậy, người biểu tình
tuyệt đại đa số là nông dân các vùng quê. Địa điểm tuyệt đại đa số diễn ra tại
Hà Nội và Sàigòn, nơi họ tin rằng, đánh trống kêu oan còn có một ông Bao Công
nào đó,  nghe đến.


Beo biết không nhiều, nhưng
tin rằng quy định đầu tiên của bộ luật biểu tình ở mọi quốc gia có bộ luật này,
đó là phải xin phép trước.


Phàm đã phải xin phép, ở ta,
thì…


Thời điểm này, giai đoạn này,
sự ra đời của bộ luật biểu tình, vô tình  bóp chết nốt nơi bấu víu cuối
cùng, của người nông dân.