Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

GIỮ KÍN- ĐỂ TẾ AI?


***

 Trong văn bản trả lời cử tri các tỉnh về yêu cầu chính phủ phải xử lí triệt để hơn nữa các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, bộ Công an đề xuất  Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Một trong đề xuất đó  là nghiên cứu sửa đổi điều 7 Luật Báo chí, theo hướng: viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chánh án toà án nhân dân và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định thế này: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân hoặc chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên ...”.

So sánh có thể thấy, Bộ công an chỉ đề xuất thêm vào một đối tượng: thủ trưởng cơ quan điều tra, tức người lãnh đạo cao nhất đang trực tiếp làm án, được quyền biết nguồn thông tin, so với luật báo chí.

***

Tuyệt đại đa số các vụ việc tiêu cực tham nhũng do báo chí phát hiện, nguồn tin lấy được, thông qua các ngả thế này:

1. Từ mối thân quen riêng với...công an và viện kiểm sát, tuồn tài liệu cho.

Một chuyện ngoài lề nhưng có thật. Thời cụ Phan Văn Khải, Thông tấn xã VN có lệ làm báo cáo mật tổng hợp tình hình trong nước gửi riêng các UV Bộ chính trị. Cụ Khải có lần bực mình: tại sao cứ chép một đoạn báo cáo của công an làm báo cáo riêng không đầy đủ thế này.

2. Nội bộ đơn vị đấu đá, tay trong cung cấp thông tin nhằm mượn báo chí diệt nhau.

3.Cấp cao đấu đá, chỉ đạo cung cấp thông tin cho báo chí, cũng nhằm mượn báo chí diệt nhau nốt.

Ở hai trường hợp sau, tạm gọi tình thế của báo chí là ngư ông đắc lợi, nếu tờ báo đó giữ vững tôn chỉ vì một xã hội lành mạnh và trong sạch.
Cầm bằng ngược lại, thì việc bắt buộc xác định nguồn tin (từ bất cứ cơ quan nào) thực sự là...thảm họa không chcủa tờ báo đó.

Chiểu theo quy trình (thông dụng hiện hành) này, có thể thấy, việc báo chí hợp tác chia sẻ nguồn tin với công an là cần thiết vì: bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ phanh phui sự thật nó còn giúp báo chí cẩn trọng (và tự trọng) hơn trong việc sử dụng nguồn tin. 
Theo luật, biết được nguồn tin để rồi từ đó sàng lọc, xác định mức độ của sự việc hay xác định hướng điều tra, công an phải đề nghị Viện Kiểm sát phê chuẩn. Nghiễm nhiên, việc phê chuẩn yêu cầu báo chí mở miệng phải đi trước  việc phê chuẩn khởi tố.

Hãy hình dung đường đi và thời gian di chuyển của những văn bản đó, có thừa sức để tội nhân xóa sạch sẽ dấu vết?

Nếu có gì cần nói thêm, thì điều 7 luật báo chí  hình như từ ngày ra đời đến nay chưa được mang ra dùng bao giờ. Bởi nhẽ, những vụ chống tiêu cực nổi nang của  báo chí lâu nay mới chỉ  lòe được đám chúng dân, chưa qua mặt được nghiệp vụ của cơ quan chức năng để mà được yêu cầu...cung cấp nguồn tin.

***

Nếu có gì đáng bàn nhất trong đề xuất của bộ Công an, thì nó nằm ở chỗ: liệu các anh có bảo vệ được những người tố cáo trung thực trong quá trình trấn áp cái xấu? Câu trả lời của Beo dứt khoát là: không. Việc báo chí từ chối hay cung cấp nguồn tin cho công an, chẳng có chút  ảnh hưởng nào tới câu trả lời ấy. Giữ điều 7  hay mở rộng điều 7, cũng vậy mà thôi.

Thời buổi này, chỉ có những thằng Alếchxan đờ Ếch ao lắm lắm mới nhận định rằng, bộ công an (hay bất cứ bộ nào) đủ khả năng triệt thoái được (cái gọi là) tinh thần của báo chí.

Tinh thần thế, nguồn tin thế, giữ-để mà tế ai à!

TRĂNG NƠI CUỐI RỪNG TỔ QUỐC-tiếp


Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo.

Điện biên không ngoài cuộc đua chen lên thành thành phố, nhưng nhìn đâu cũng vẫn đậm mầu tỉnh lẻ, vắng lặng tẻ nhạt.

Cách Điện biên chỉ hơn trăm cây, để đến được những bản tận cùng giáp biên giới Lào của huyện Mường nhé, phải đi hết non ngày.

Rừng Tây bắc giờ sạch sẽ toàn cỏ lác, giống như rừng Tây nguyên. Người Mông đốt rừng làm nương, thi thoảng xót lại những cây đại thụ cô quạnh cháy xém.

Cứu rừng bằng cách định canh cho người Mông, nhưng những người làm chính sách ngồi tận thủ đô và đám chống phá, núp sau đạo giáo, lợi dụng triệt để những khoảng cách giữa thực tế và chính sách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bạo loạn Mường nhé hồi năm ngoái.

Mặt trời từ từ lặn.

23 tình nguyện viên của  chương trình Áo ấm biên cương (AABC), tụ đến từ ba miền, nguyên đêm gật gừ trên xe đò, tiếp gần nguyên ngày dằn xóc, như được tiếp liều thần dược từ khoảnh khắc thiên nhiên huy hoàng ấy, quên mệt hòa nhau hát.

Đêm rừng thẫm rất nhanh. Vật vã gần 10h mới tới điểm tập kết.

Đồn 415 Nà Khoa là đồn biên phòng vất vả, xa xôi nhất trên toàn tuyến hơn 400 cây số đường biên do  Biên phòng Điện Biên quản lí. Cả đồn, vẫn ngồi chờ cơm. Cơm canh dọn ra trong những cái thau hai quai của lính.

Ba dãy nhà nứa lợp tôn che chắn gió lạnh mưa táp bằng những tấm bạt. Ngăn nắp, sạch sẽ. Cạnh gian bếp giữ lửa không bao giờ tắt theo phong tục người Mông là một cái nhà tắm cho nữ vừa dựng vội. Thượng tá Long nói như phân trần, 8 năm làm đồn trưởng 415, AABC là đoàn thiện nguyện đầu tiên vào đến tận nơi hoang sơ thế này, hẳn tiếp đón có nhiều sơ xuất. Những người đàn ông khỏe mạnh, đẹp đẽ giữa bốn bề rừng núi. Cả năm vài ngày về thăm gia đình.

Đốt một đống lửa giữa sân, nắm tay nhau chạy vòng tròn. Mưa sập xuống, nện vào đầu đau buốt. Không ai chịu núp mưa. Trời đổ nước cả tiếng, đống lửa vẫn không tắt.

Những thằng bé tầm tuổi Gái đẹp, níu chặt cánh tay mình hỏi Cô ơi kể cho cháu nghe với, ở Sài gòn người ta ăn chơi thế nào hả cô? Cô ơi hôm nay chúng cháu vui hơn Tết ta. Cô ơi ngày mai đoàn về chúng cháu buồn lắm...
Trăng nơi tận cùng của rừng tổ quốc, vàng đục, vẩn buồn.
Đêm thứ hai không ngủ.
Long tặng cho bộ đồ lính biên, tháo quân hiệu đang đeo nơi ve áo tự tay cài cho mình.
Thức dậy bằng kẻng. Nỗ lực đến tuyệt vọng cũng không thể ăn nổi cơm vào 6h sáng. Long bảo ăn mì nhé. Mì là quà của đoàn tặng đồn, không được phạm. Chị Hậu khảo cổ pha cho li cà phê hòa tan. Nhấm nháp thứ nước xa xỉ và tận hưởng những ánh mắt ấm áp bao quanh mình.
Chào cờ. Lá cờ tổ quốc lồng lộng bay trên đỉnh cọc tre đơn sơ. Chưa bao giờ hai chữ thiêng liêng mang cảm giác cụ thể đến thế. Nghẹn thắt nơi ngực, không thể hát nổi quốc ca.
Lại mưa. Tốp đu theo xe U-oát, tốp chập chuội xe máy của bộ đội. Điểm phân phát quà xe tải không vào được, cả đoàn vừa bì bõm khuân vác vừa cười đùa tạo dáng chụp hình, bao nhiêu đứa bấy nhiêu máy ảnh, Iphone Ipad. Gần 1h chiều điểm cuối cùng mới giao xong.
Lên cột mốc.
Mốc nằm trên đỉnh núi, sức lính leo chừng 45 phút là tới. Đồn cho 5 chú lính dẫn đi. Mình rớt vào tốp cuối. Và lạc đường.
Kì thực cũng chỉ phát hiện ra  triền lan đất xanh mướt điểm bông tím đẹp mê hồn khi quay về nhà ngắm qua ảnh. Cắm mặt leo. Chiếc khăn choàng mỏng điệu đà không che được hết hai cánh tay bị lá lan sắc cứa vào nhoi nhói. Vờ không thấy những con sâu róm vằn vàng vằn đen to bằng ngón tay út. Đầu tóc mồ hôi gội ướt sũng.
Ngẩng mặt lên, cột mốc ngay phía trước.
Điện biên là một trong hai tỉnh có cột mốc ba mặt Việt-Trung-Lào. Cột mốc kia là Việt-Lào-Campuchia thuộc Kontum.
Ngày đầy tràn những cảm xúc. Rưng rưng khóc.
Không cần nửa lời giáo huấn nào về lòng yêu nước. Từ cột mốc này, là Tổ quốc mình.
Chia tay. Cả đồn lên tận đường xếp thành hàng dài tiễn, trừ Long. Mình nấn ná đi cuối cùng. Ngoái lại, Long đứng nghiêm giơ tay chào, mình chào lại, như hai người lính.
Vì mưa, cung đường ấy lần ra gian nan gấp bội lần vào. Bọn thanh niên phải đẩy xe lấm lem lên tới cổ.
Cố giữ cái áo của Long thật sạch. Nắng, lấy áo trùm qua đầu. Chui trong áo, thầm sung sướng khi cảm thấy được chở che.

Chợt so, nơi phố thị, bao thằng đàn ông, nhỏ nhoi đến thảm hại, trước những thằng bé, trước Long.