Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Tu chính hiến pháp ?


Có sửa đổi hiến pháp vào kỳ quốc hội tới hay không, nhận định của Beo là không, mặc dù tin từ bác cựu chủ tịch quốc hội, bảo có.


Lý do. Có hai sửa đổi đáng quan tâm nhất của hiến pháp là nhập Tổng bí thư vào chủ tịch nước và phân lập tam quyền rõ ràng hơn. Tách hai để làm nổi vấn đề,  thực chất hai ý này chỉ là một.


*** Bản hiến pháp đầu tiên năm 1946 copy về cơ bản những nguyên tắc tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước tư bản phương Tây, tinh thần pháp quyền hết sức sáng rõ. Có thể đó là lý do mà gần đây, người ta mong muốn quay lại với bản hiến pháp chưa hề được công bố và thực thi chính thức này, hơn là những bản sửa đổi các lần sau đó. Hiến pháp 59 phân chia quyền lực nhà nước như mô hình hiện nay, chỉ thay đổi tên gọi theo từ ngữ chính trị của từng thời kỳ và copy nguyên bản Nhà nước của Mao. Bắt đầu từ bản hiến pháp này, một bộ máy nhà nước cồng kềnh phân làm 4 cấp từ trung ương xuống tới địa phương ra đời, tận năm 2010 nay còn hậu quả mấy triệu nhân viên hành là chính những người đóng thuế nuôi mình.


Hiến pháp 80 lần đầu tiên thể chế hóa câu cửa miệng của một thời Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý. Nếu như ở lời nói đầu, bản 46 chỉ đưa ra những nguyên tắc cơ bản để viết nên bản hiến pháp thì bản năm 80, choang choang những từ ngữ đao to búa lớn, rất ít liên dẫn tới những điều cụ thể bên dưới. Chiến tranh vừa kết thúc, những hạt giống đổi mới gieo từ thời cụ Trường Chinh lác đác nảy mầm ( phải đến năm 86 trào lưu đổi mới mới chính thức được thừa nhận nhờ công của cụ Nguyễn Văn Linh)…có lẽ thế nên bản 80 này vừa ngầm chứa lời đe dọa của phái bảo thủ khi xác quyết ở điều 2 giữ vững chế độ chuyên chính vô sản, vừa đưa ra những quy định đầy chủ quan, duy ý chí về con đường tiến lên CNXH và CNCS.


Tinh thần hiến văn 92 không khác 59 và 80 là bao, chỉ đặt lại một vài nhiệm vụ chính trị cho phù hợp với thời thế, trong nước cũng như quốc tế.


*** Dự thảo Cương lĩnh phát triển đất nước sẽ được thông qua vào Đại hội Đảng 2011 tới là một văn bản hay, thực dụng về mục tiêu và gọn gàng về câu chữ hơn rất nhiều cương lĩnh năm 91. Dự thảo này đề ra  mục tiêu tổng quát, thời điểm hoàn thành cũng như những nhiệm vụ rất cụ thể của giai đoạn quá độ  lên CNXH. Định hướng trung tâm cho 5 năm tới là phát triển kinh tế thị trường, đây có thể xem là bước tiến dài khi Cương lĩnh 91 mới dừng ở cấp độ xây dựng một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.


Có một điểm, Beo đặc biệt lưu tâm, đó là làm mới  định nghĩa Mặt trận tổ quốc. Cương lĩnh 2011 thừa nhận MTTQ là một tổ chức liên minh chính trị (lần này mở rộng thêm cho cả kiều bào), là một bộ phận của hệ thống chính trị. Phải chăng đây là những câu chữ để mở đường cho sự tham gia của các Đảng phái chính trị vào chính trường trong tương lai, thông qua MTTQ. Dĩ nhiên, sớm nhất thì cũng phải sau 5 năm nữa điều đó mới có cơ may xảy ra, và phụ thuộc không nhỏ vào hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế hiện nay. Xây xong đường rồi, sắm ôtô chẳng lấy gì làm muộn.


*** Hệ thống chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa có một điểm chung nhất, đó là mọi quyền lực tập trung vào Đảng cộng sản mà đại diện cao nhất là Bộ chính trị. BCT can dự vào công việc cụ thể của cả ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp chứ không chỉ là đầu não hoạch định chiến lược như bản thể. Nhìn từ phương đầu óc phát triển hơn tứ chi đã dư ăn thừa mặc, hình thức chế độ này kìm hãm sự phát triển những khuynh hướng tư tưởng khác cộng sản, kéo chậm lại tiến trình văn minh hóa con người. Thế nhưng nhìn từ nơi dân trí thấp, âu lại là một lợi thế không hề nhỏ.


Đơn cử Hội nhà văn VN. Chắc không ai phản đối đây là chỗ tập hợp toàn người thông kim bác cổ trên thông thiên văn dưới tường địa lý mỗi thứ biết một tý. Tóm lại, họ là trí thức?. Hãy đọc những gì họ công khai quăng thẳng vào mặt nhau trước thềm đại hội Hội của họ.


Đến bất cứ một trường đại học nào đó tại Sàigòn, sẽ thấy ngay cảnh những công dân ưu tú tương lai nhếch nhác bệ rạc ở những quán cóc vỉa hè trước cổng, không một chút mặc cảm chưa nói đến tự trọng về chính bản thân mình. Tệ hơn, sự lê lết ấy  thi thoảng, được tôn làm phong cách sống.


(

 : một bạn nhà thơ -có tác phẩm đăng trên Tiền vệ- tưởng hiến pháp và bộ luật hình sự là chung một văn bản khi email cho Beo).


Quan trí, chỉ cần  theo dõi các phát ngôn về xây dựng đường sắt cao tốc trong kỳ họp quốc hội vừa qua đã là minh chứng quá đầy đủ và tiêu biểu.


Lấy những ví dụ nhỏ từ tầng lớp có nhận thức cao nhất xã hội để thấy, đất nước chỉ có một tập hợp quyền lực mạnh giai đoạn này là phù hợp và đúng đắn.


Thượng đế đã chết lâu rồi nhưng Vua thì vẫn còn cần thiết, ở xứ này. Tuy nhiên, để dẫn tới một ngày kia không cần Vua nữa, phải có  những bước đi mà mỗi lần sửa đổi hiến pháp là một bước dò dẫm khá thú vị của lịch sử, cho tiến trình này.


*** Sửa đổi hiến pháp cho phù hợp với cương lĩnh mới của Đảng cầm quyền là việc bình thường, chưa kể bản hiến pháp ấy chứa nhiều điều chồng chéo và lỗi thời. Hiến pháp 92 quy định cho chức Chủ tịch nước rất nhiều quyền hạn, nhất là quyền thống lĩnh quân đội nhưng, Bí thư quân ủy Trung ương lại là Tổng bí thư kiêm nhiệm. Ngược lại, TBT tuy là bí thư quân đội nhưng lại không có quyền ký gọi thành viên hội đồng quốc phòng và an ninh, quyền này thuộc Chủ tịch nước. Lại nữa, rất ít quốc gia nghênh đón Tổng bí thư theo nghi lễ nguyên thủ đơn giản vì, nước họ không có cấp đối ứng…


Hiệu quả việc sáp nhập hai chức vụ này làm một là điều không bàn cãi, khi hình mẫu Trung Quốc đã thực hiện xong. Nhưng, rất đặc trưng Việt, cái gì cấp thiết đến mấy cũng phải xếp hàng sau chữ Ai.


Xem ra chưa có gương mặt nào nổi trội để được giao phó quyền lực lớn nhất tính đến thời điểm này. Khi những chiếc ghế còn  mang tính tình thế hay quân bình quyền lực thì hẳn nhiên, chia nhỏ nó như hiện nay mang tính an toàn cao hơn và như thế, chưa có chuyện tu chính bất cứ cái gì trong tương lai gần.


Hôm nay tờ Le Monde đưa tin bác Thơm được cơ cấu thay bác Khỏe. Beo sẵn sàng chấp 1 ăn 1000000000……. với ai, tin điều này thành hiện thực đấy.


Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

LIỀN ÔNG

Từ hôm đâm đầu làm tin nhanh toilet đến sáng nay mới có chầu càphê với mấy đứa lau nhau. Hai tuần chứ mấy, thế mà cái quán yêu thích của mình kịp chăng móc một đống hoa giả. Chùm hoa khế li ti tím đẹp thế ngoắc ngay giò lan nhựa, xốn mắt không thể tả, càphê nhạt thếch thác vì bông với chả hoa.


Lũ nhóc căn vặn, tỉ lệ liền ông xấu tốt là nhiêu? Trả lời đại 1/10. Thế sao chị khinh liền ông thế. Khinh bao giờ, ở đâu. Thì trong blog đó.


Làm nghề viết lách, thuở mới bắt đầu, cái gì được in ra đọc đi đọc lại thuộc lòng. Lâu dần, liếc liếc coi họa sĩ trình bày ra sao. Lâu đến mốc ra như mình thì hầu như không thèm dòm lại. Có lẽ hôm nào phải bỏ ra một buổi chỉnh sửa câu chữ  cái bờnốc này chứ không nhớ, mình khinh  liền ông ở entry nào nữa.


Đời gặp 2 người, mút chỉ tận cùng hai thái cực. Xấu quá thành thử quên tiệt. Tốt quá lại như cái gông, chả  dám ăn chơi nhảy múa ngoại giao cải thiện thêm với ai, đâm ra ít kinh nghiệm sống.


Mà nhân sinh quan  thế giới quan về liền ông của mình đôi khi quay ngoắt 180 độ chỉ vì vài ba câu của một đứa  nhóc.  Như lần mình hân hoan khoe được một nhà thơ cực nổi tiếng cực liền ông tỏ tình, cái cách ông nói giữa thanh thiên bạch nhật có bác làm sách Dương Thắng cùng nghe thấy, ngọt lịm tận tim Em là thất bại lớn nhất đời anh. Con Boo mặt lạnh tanh táng ngay Xí, sến rện vậy cũng sướng. Ngay lập tức, mình tụt hứng, thấy đúng sến thật.


Mình còn dăm vài chàng tụt hứng thế nữa. Tự dưng  lào xào chuyện mình mê một một họa sĩ già hói sọi, sóng đôi thì chàng gần gần tới vai mình ấy là khi đi dép xẹp. Bù lại, chàng khá nổi tiếng trong lẫn ngoài xứ Vịt. Ngẫm nghĩ mãi không biết trường phái biểu hiện của mình thế nào khiến chàng tưởng vậy. Kể ra cũng có  lần, mình giúp gỡ bí cho nàng bên Tuổi trẻ một vụ liên quan đến tranh pháo của chàng. Nó giống như một trò đùa ác nên không tiện kể. Mà bây giờ mới thấy ác chứ lúc ấy, hai con  ngặt nghẽo cười ngoài quán cà phê Highland góc Đồng Khởi như dở người.


Nhưng chàng này mới là hàng độc. Doanh nhân, viết dăm ba cuốn sách gì đó toàn về Bác Hồ. Chàng thao thao với chính lão í nhà mình rằng thì là mà con ong chàng đã tỏ đường đi lối về mình, chán vạn lần ra rồi. Dĩ nhiên chả tả cũng biết, mặt lão í sưng một đống ra sao.


Mình ủ mưu. Mình gọi nhà báo Duy Vượng bằng chú, ông có đặc tính rất hiếm là giúp ai cái gì cực kỳ tận tình, nhất là xem phong thủy địa lý khi xây cất tang ma…10 năm sau đấy và  một ngàn lần hơn, ông vẫn còn kể lại vanh vách không sót một chi tiết việc ông đã giúp ai như thế nào. Mình nhờ ông, cùng đi tìm chân tướng chàng nhà văn doanh nhân để khi về, ông loa loa lên giúp.


Mình còn nhớ, mặt chàng đỏ tím lên, đỏ lan tới tận cổ khi lần đầu tiên diện kiến mình. Mỗi lần nghe chữ Hôn môi xa của Tuấn Khanh, mình hay nhớ về nhân vật buồn cười này. Đám nhóc bảo, chàng xấu hổ vì chị thật trông như Dạ Xoa. Hình như có lẽ thế. Đây là người mình rất muốn gọi tên thật mà nhớ mãi chưa ra.


Nàng ở nhà hát kịch Hà Nội có lần hỏi, ngần ấy năm mày có mỗi một lão mà không chán à? Mình đem câu này hỏi lão í. Có những giá trị gia đình mạnh mẽ  to lớn đến mức vượt qua  cái sự chán hay không chán bản năng. Khi cả hai cùng tôn trọng, yêu thích giá trị ấy thì còn thấy nhau trên cả tuyệt vời. Chiết lý này do mình sáng tác ra, chứ trả lời câu mình hỏi, lão ấy  gọn lỏn: lại định giở quẻ gì hả?

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

NGƯỜI CỦA TỔNG CỤC 2


* Vụ tướng Stanley McChrystal -người mà cả nhân cách lẫn tư duy chiến lược đều đáng nể trong quân đội Mỹ- bị cách chức vì đã không hành xử theo tiêu chuẩn của một vị tướng, cụ thể ở đây là nói xấu đồng nghiệp với nhà báo, chắc chả soi rọi gì sang được Việt ta.


Tướng lĩnh, đặc biệt khu vực hưu trí, lâu nay có một cách góp ý với các nhà đương quyền vô cùng phi kỷ luật quân đội, phi tướng tá ( giải thích chữ này khí hỗn: chả ra vị thế gì). Ý thì quá cũ, góp thì thường cho các trang mạng chống đối nhà nước đọc dăm vài bữa trước khi nó đến tay người cần góp. Tôn trọng truyền thống kính lão, trung ương thường mời các cụ lên hoặc cử người xuống tận nơi giải thích cho các cụ nhưng đã lâu rồi, những ngừơi đương chức không nghe lời các cụ nữa, và sức nặng những bức thư kiến nghị góp ý ấy với dư luận trong nước, vì thế mà nhạt.


** Một thể chế dân chủ và văn minh nhất, bao giờ cũng chừa những khoảng trống cho các ý chí cá nhân có điều kiện biểu lộ, thực thi và phát triển. Cũng đã từ lâu lắm, chính trường nước nhà thiếu vắng những chính khách đủ tầm cỡ khuynh loát chuyện quốc gia, dạng cụ Lê Đức Thọ ngày nào - có chủ thuyết, dám quyết đoán và giàu khả năng thuyết phục. Trong khúc lịch sử dị dạng này của Việt ta, chính khách ít dám tuyên ngôn bởi họ đang còn phải đi hai hàng, tay đã làm như tư bổn nhưng miệng vẫn phải trung thành với ông mặt đầy lông vì, còn rất đông thế hệ nhồi đầy đầu lý thuyết mặt nhẵn bất nghì ngồi đấy, không dễ ngày một ngày hai mà gột sạch óc não. Thế giới mạng chỉ lan truyền những cái thư giật gân tầm tầm, liên quan đến đấu đá ông nọ bà kia, chứ ít ai biết các cụ còn cả những  cái thư quyết sống mái với thằng nào dám sửa điều 4 hiến pháp nữa cơ. Ngay như chính khách cấp thấp, bác Người Tốt đấy, mới dại miệng đưa ra tí ti thay đổi đã bị bóp chết từ trong trứng bởi chính những người đang hàng ngày gào thét đòi, đổi mới hay là trết.


Không nói ra được thì khả năng thuyết phục cũng vì thế, rất thấp. Nói hay không nói đều chết, không nói chết chậm hơn.


Khi người ta còn đổ đồng tính tập thể với khái niệm dân chủ thì cá thể còn bị triệt tiêu tới tận gốc rễ. Khi người ta bằng lòng với quyết định của 100 người dốt nát hơn là của 1 người thông minh thì bàn chuyện quan trí là xa xỉ vì như vậy thì, cần gì đến…quan.


*** Hai ý trên để dẫn tới một điều, cần một thùng rác để đám đông đổ vào đấy những hèn-kém-lầm-lẫn của chính mình. Thiên hạ luận bàn chim hoa cá gái mi khác người, dám nói lớn thay vì thậm thụt bóng gió, dám chê chính phủ trên blog, dám khen đảng cộng sản trên RFA…đích thị dân tổng cục 2. Quan trí thấp, người do tổng cục 2 đưa lên. Không bắn thẳng ngư lôi vào tàu của Khựa, vì tổng cục 2 thân Trung hoa…


Sát gần đại hội, series chuyện tổng cục 2 lại nóng sốt. Nhất là khi các thông tin vỉa hè xếp bác Nguyễn Chí Vịnh vào ghế bộ trưởng bộ Quốc phòng kỳ đại hội sắp tới.


Mình, ước, có một quyền lực tổng cục 2 như thế thật, và có càng nhiều tổng cục 2 càng tốt, cho xứ này.


Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

TRÒ BẨN


Hãy hình dung, gần ba trăm con người, 7 tiếng đồng hồ, phi hành đoàn bao gồm cả tổ lái, chỉ còn 8 người phục vụ. Số còn lại bị tạm giữ tại Úc vì nghi ngờ buôn lậu.


Chẳng cãi chuyện nhân viên nhà Vietnam delay buôn lậu, nhưng xui xẻo cho các bạn Úc, lần này vồ trượt, thế nên bị các bạn Air Việt kiện ngược Úc đe dọa an toàn bay khi trên chuyến bay kia, chỉ còn một phi công.


Từ sự vồ trượt, lòi tẩy ra, đấy là một trong những cách các bạn Air Úc đang thực hiện nhằm giải vây cho hai đồng hương Daniella Masilli và Jerry Woods, đang bị cấm xuất cảnh khỏi Việt, trong vụ Jetstar Pacific airline làm thiệt hại 31 triệu đô từ thương vụ mua bán xăng dầu. Vụ này chú Tổng giám người Việt xộ khám và tương lai sẽ đếm kiến dăm năm,  cùng 2 cô chú Úc sẽ bị khởi tố nay mai, nếu...


Chữ nếu đó là, các bạn Úc đang đi đêm xin đền bù thiệt hại.  Cái cách đền bù thiệt hại cũng…bẩn: Qantas  sẽ bán cho air Việt hai chiếc máy bay với giá thấp hơn thị trường 31 triệu Obama nếu air Việt dùng bay, còn không bay thì bán lại cho bên thứ ba do chính Qantas mối lái, lãi cũng đúng như thế. Bù lại, dĩ nhiên là Việt thả người (Úc). Như vậy Việt không mất tiền và Úc không mất thể diện, lợi cả đôi đường. Kết quả đàm phán là siêu thanh: từ nay tới hết tháng phải xong.


Ma mãnh trong làm ăn, thế giới chung một chuồng, chẳng ai khác ai. Nhưng câu chuyện trên khiến Beo tự hỏi, cả bộ máy nhà nước phối hợp vào cuộc, chỉ để cứu 2 công dân (phạm pháp) của họ nơi xứ người, liệu doanh nhân Việt  có lúc nào tủi thân, mơ được bằng thế?


Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

copy của CÁNH CUNG XANH

Đại biểu cuốc hội.



Mình nhớ cách đây hơn hai mươi năm, bọn trẻ chúng mình đã từng trông thấy những con tàu cao tốc của nước ngoài trên những tờ báo đen nhẻm. Nhìn lại những đoàn tàu xứ mình khi í, lê lết từ Hà Nội vào TP.HCM mất năm sáu ngày đêm. Ấy là tàu thường, tàu chợ còn lâu hơn thế. Xưa năm nào mình cũng ra Hà Nội vào dịp hè, bạn mẹ làm cả bao cơm nắm với thịt kho mang theo, cả nhà ăn hết cái bao í thì đến. Nghĩ lại thì hay thật, ký ức lúc nào cũng đẹp nhưng chúng mình khi í đã biết ước mơ khi đất nước mình lớn lên, sẽ có những con tàu cao tốc như trong tờ báo đen nhẻm í.
Thế mà sau hai mươi năm, cái mơ ước của chúng mình khi í được mang ra bàn vẫn còn là chuyện…không tưởng. Khiếp thật! Điều đó cho thấy cái tư duy ì ạch, nặng nề, cũ nát như các đoàn tàu thống nhất vẫn còn đang lê lết giữa hai miền hàng mấy chục năm nay đã ám sâu trong đầu của phần lớn đại biểu quốc hội. Ấy là cái sự hèn nhát, sợ khó, sợ dấn thân, sợ chịu trách nhiệm. Mà nói thật, thật đáng thương cho dân tộc nào có những đại biểu quốc hội như thế!
Có cảm giác như các vị đại biểu quốc hội rất sợ NỢ, nghe chữ nợ thôi là phân đã vãi cả ra quần rồi. Nước nào chả nợ, ai muốn làm giàu chả nợ? Cứ nhìn Hà Dũng mà xem, nợ ty tỷ vẫn trả hết rồi mơ đủ các kiểu từ rồ dại đến hoang tưởng, một mình dám mơ giấc mơ bay. Ai mắng bác này chứ mình cực kỳ ngưỡng mộ. Hay nhìn sang cái ông chủ tịch hội đồng quản trị của FPT mà xem ông í có những ý tưởng khùng điên như thế nào và ông í đã thổi cái tinh thần í ra sao vào các nhân viên của mình. Bất kỳ một công ty nào trên đoạn đường phát triển cũng có những vấn đề của nó và mình cũng từng khiếp vía với những “ca” ở FPT nhưng gạt qua tất cả chúng ta có thể nhìn thấy tập đoàn í đang lớn mạnh ra sao. Và đất nước có lớn lên hay không là nhờ những con người như thế chứ chả phải cứ thấy cái gì choang choáng tý là biến cái quần mình thành cái hố xí.
Còn nói thật, xứ này trí thức thì ít chứ trí ngủ nhiều vô kể. Nằm phè phỡn ra đấy cứ nghe ai định làm gì cái mà bật dậy chổng mông…chống. Chưa nghĩ gì cả chống trước cái đã, nó như một thói quen, nó đã thành cái nếp hằn sâu trong não, ăn luôn vào tủy rồi. Nữa là trâu buộc ghét trâu ăn, thấy cỏ nó nhiều quá trong khi chỗ mình toàn rơm khô, rạ vụn thế là phản đối. Lại thêm các ông bà dân chu, dân chủ, văn minh văn mọt từ bên kia đại dương múa may, nhảy nhót trên các diễn đàn ảo. Các vị này chỉ phá bĩnh là giỏi cứ có xây dựng gì óeđ đâu. Mang cả núi thù hận, dằn vặt từ quá khứ rồi hóa thân thành diễn viên phản biện. Có cái quái gì diễn ra ở trong nước mà lũ í thuận lòng, có mua cả tạ trầm hương rồi bỏ vào mồm sau đó rắm ra thì chưa nghe mùi lũ í đã ỏng eo chê là thối lắm! thối lắm! Chả thơm được. Biển thì tám nước giành nhau, hễ có cái gì ngoài biển là kích động sao nhà nước hèn thế, im lặng thế, chả có động thái gì cả. Mến khựa chớ gì? Mua vũ khí về phòng thủ thì chúng bảo sao lại phí thế? GDP bao nhiêu mà vác tiền đi mua vũ khí trong khi kinh tế đang trong cơn khủng hoảng. Đằng nào thì lũ í nói cũng được. Đã bảo là một khi có thành kiến thì khó mà đưa ra những phản biện đáng tin.
Đã đến lúc Việt Nam cần những người biết ước lớn, biết tham vọng thậm chí táo bạo. Cần những người dám chơi, dám chịu trách nhiệm chứ không phải là những kẻ mới đưa cái gì ra là đã Ội! Em sợ nắm! Em sợ nắm! Em đái đây! Ối giời! Nhìn thiên hạ mà xem, người ta đã lên cung trăng để đo ba vòng chị Hằng rồi, đã biết lông chú Cuội là xoăn hay thẳng mà ở xứ này có mỗi cái dự án cũ bét của thiên hạ mà không dám “bấm nút” thì làm thế nào để đất nước lớn lên?
Làm đường sắt nghĩa là tạo công ăn việc làm, nghĩa là hiện đại hóa giao thông mà giao thông là xương sống của sự phát triển. Giao thông tốt thì hẳn mong kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế đi lên. Bến Tre kia ngủ gục suốt mấy chục năm vì qua lại với đất liền phải đi bằng phà, nay có cái cầu thì mới hơi tinh tỉnh. Việt Nam còn kém bởi cơ sở hạ tầng còn quá kém, đường đất còn nhiều hơn đường nhựa, bê tông. Hơn hết, một khi biết ước mơ và dám sống cùng với ước mơ đó thì nó sẽ tạo ra một động lực, sự kích thích phát triển. Ví như thằng mơ có nhà lầu sẽ làm gấp 3 lần thằng chỉ thích ở nhà lá. Hãy nhìn vào những thứ sẽ tỏa ra đằng sau cái dự án ấy mang lại, nó không thuần túy chỉ là những con số cụ thể chi ra và thu về. Nếu chỉ biết nhìn vào những con số bỏ ra rồi sợ hãi thì chắc chắn đó chỉ là lối tư duy ngắn tầm, tủn mủn, của một bà nhà quê đi chợ chứ không phải là của đại biểu quốc hội.
Nợ ư! Có nợ thì chúng ta sẽ phải nỗ lực để trả, sao không lấy đó để làm động lực phát triển có hơn là cứ ước mơ tà tà để rồi làm việc cũng tà tà như lão nông dân ngày ra đồng, đêm về uống rượu ngắm trăng, chả có mơ ước gì lớn lao hơn thế…
Còn việc sợ con cháu sẽ trả nợ thay ư? Mình e rằng đó chỉ là lối nói ngụy biện, là trốn tránh trách nhiệm. Một người cha ông tốt là dám nghĩ, dám làm cho đời con cháu nó được nhờ chứ không phải là thấy việc nào to quá thì “đùn” sang cho con cháu để mang được cái tiếng là mình vô can. Còn lỡ mà trả nợ không xong, con cháu phải trả thay thì nếu chúng ta làm tốt, chúng ta không xà xẻo, bòn rút nguồn vốn để làm của riêng thì chả con cháu nào lại đi trách ông bà cả. Chỉ khi nào chúng ta mang vốn đi vay để chơi gái, để mua trinh thì hẳn lo. Bởi con cháu thì con cháu nhưng chúng cũng là công dân, chúng cũng có trách nhiệm phải lao động để xây dựng đất nước chứ. Nghĩ thế chả khác bảo con cháu chúng ta là lũ vô trách nhiệm, sinh ra là để hưởng thôi chứ vô tích sự, chả biết làm gì? Sao không nghĩ được lao động để trả nợ cho ông bà vì dựng xây đất nước cũng là một niềm tự hào của chúng.  Ông bà ta từng dám bỏ cả tính mạng, cả máu xương và nước mắt cho đất nước thì tại sao giờ này chỉ vì sợ nợ mà chúng ta chùn tay dựng xây đất nước? Buồn cười!
Ai đó bảo lo lắng cho con cháu chúng ta phải trả nợ thay nhưng không biết ai đó có nghĩ rằng ở một lúc nào đó trong tương lai, con cháu của chúng ta sau khi lội qua hết sáu con mương, băng thêm tám con đường bùn đất thì mới ra được lộ để bắt được xe vào thành phố thi đại học. Trên hành trình ấy con cháu của chúng ta bị sang đi bán lại tám l
ần qua mười hai chủ xe, bị nhồi như nhồi thịt, cơm thì vẫn ăn cơm tù như đời bố nó. Chúng nó nhìn ngang nhìn dọc rồi tự nhủ sao thiên hạ đã đi học bằng máy bay mà quê mình vẫn còn phải lội bùn sình để đến trường là sao nhỉ!? Giá mà phương tiện đi lại thuận lợi để tiện việc đi lại, học hành, làm việc thì mỗi tháng có trích ra ít tiền để trả nợ cũng thấy vui. Chả nhẽ ông bà mình ở thời í chỉ ngủ là giỏi hay sao nhỉ!?
Trên cả những giá trị vật chất là giá trị tinh thần mà chúng ta truyền lại cho con cháu, không chỉ là dự án cao tốc mà còn nên dám nghĩ, dám làm ra nhiều dự án khác nữa. Tinh thần truyền lại là tinh thần lao động, không phải là cái kiểu vừa làm vừa ngủ như hiện nay. Đời chúng ta làm được cái này thì sẽ là cú hích cho con cháu phải làm những cái khác to hơn, vĩ đại hơn. Phải hiểu được như thế thì may ra xứ này mới hóa rồng, hóa phượng.
Ở một tờ báo điện tử nào đấy đưa ra cái bảng thăm dò, phần lớn ý kiến là can không làm. Quốc hội họp thì bấm nút cũng thế! Có nghĩa đại biểu quốc hội thì cũng chả hơn gì cái đám đông kia, tầm vóc ngang nhau. Nói xin lỗi chả biết có phạm húy không chứ đám đông xứ này trình đến đâu nó rõ hơn ban ngày. Mà đại biểu quốc hội là người đi trước (không phải đi ngược), là người khai đường, mở lối cho đám đông í chứ không phải theo sau cái đám đông í rồi bảo mình thuận ý Đảng, lòng dân. Cứ nghĩ như dân nghĩ, tầm nhìn bằng dân nhìn thì làm đại biểu quốc hội làm cái gì? Đại biểu là phải nhìn xa trông rộng hơn dân và biết cái nào có lợi cho dân, cho nước thì cứ mạnh dạn mà làm. Còn đại biểu mà cứ như thế thì mở quốc hội ra làm gì cho tốn tiền điện nước, khách sạn, ăn ở, đi lại của ngần í con người. Cứ lên mạng mà up cái bảng “vote” cho bà con thiên hạ từ trong lẫn ngoài nước thi nhau mà “vote” đã có kết quả có đỡ phí hơn không? Trình lên trình xuống làm gì cho mỏi não, tốn tiền, mất thời gian.

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

CÀM RÀM

Chả biết điềm gì mà ngày nhà báo năm nay được mùa quan chức tới thăm tòa soạn. Hai ngày rồi chưa  giấc nào ngủ quá được một tiếng, tồn tại chủ yếu bằng càphê, thế mà vẫn lên ký, không thể hiểu được, hay càphê có pha bột nở nhỉ?


Bờ nốc viết xong, bấm đăng, nó cãi chờ xử ní, cáu tiết tắt phụt máy. Hôm nay nó mới hiện lên. Hơn trăm chữ hai ngày mới xử xong. Father monkey yahoo làm bờ nốc thiu.


Hai thằng phi công trẻ nó lừa mình, hàng ngày chúng khá dịu dàng, tận tụy, những tưởng chúng dày cơm là ngon. Chúng làm mình tràn trề thất vọng cay đắng. Hôm nay, nhân ngày nhà báo, mới phát hiện khoảng cách chúng kém mình quá xa, ai đời mình làm 4 vại chúng mới 1 rồi trốn luôn ra hành lang giả vờ hút thuốc.


Cả tòa soạn không đứa nào gõ phím được mười ngón. Nhớ ngày xưa mấy chị Việt tấn xã Sài gòn cũ, máy đánh chữ  rất nặng, các chị ấy mắt nhìn bản thảo, miệng tám tía lia, hai tay hai bút chì gõ máy rào rào, mà bản thảo tiếng Anh tiếng Pháp mới nể chứ. Giải phóng về, có chị cả mấy tháng chưa quen mặc áo ngắn đi làm, khi ngồi vẫn quơ tay  kéo tà áo lên trước. Mình đầu sỏ trong chuyện bôi son phấn, vận váy cũn cỡn vào cơ quan. Lần nào họp chi đoàn cũng bị lôi ra kiểm điểm. Các chị không dám bênh nhưng ủng hộ ngầm, bằng cách son phấn ăn diện theo. Họ giờ hưu cả. Chẳng ai xinh nhưng phong thái trí thức của các chị ấy, tới giờ vẫn chưa thấy lại ở ai.


Nếu không làm báo, thì mình sẽ làm gì? Mình chẳng băn khoăn mấy nếu ngay ngày mai bỏ nghề đi mở tiệm uốn tóc hay quán càphê. Sao cứ phải phóng đại sự cao qúy của chữ nghĩa để rồi tự xếp mình  vào hạng xang chọng nhỉ? Chỉ là một trong muôn ngàn nghề kiếm sống. Đặc trưng nổi bật ư:  nói mà không biết, biết mà không nói.


Gần sáng rồi, chat với một gái thế này


trieu: Gái đẹp ơi


trieu: Cái bỏ phiếu cho Đường cao tốc ế


trieu: cứ y như cái giải Cống hiến nhà gái đẹp ế


hong ho:


trieu: mấy thằng rỉ tai nhau nói: Bỏ cho anh nhá, bỏ cho chị nhá


trieu: sau đó, ra 1 cái sản phẩm dở nhất, mà lỗi lại do nhà báo (Quốc hội) chọn


trieu: Ối dào


trieu: trò trẻ con


trieu: khổ mỗi lũ dân đen

PHÉP THẮNG LỢI TINH THẦN

Dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc của chính phủ bị quốc hội bác bỏ. Tất thảy (những gì mình đã đọc được) hân hoan theo một hướng, lần đầu tiên, quốc hội thắng chính phủ, theo kiểu chính thắng tà, theo kiểu thời của trọng lượng tiếng nói cử tri trong việc nước, đã đến…


Sao không ai thấy, quốc hội thực chất là chính phủ phẩy, với level thấp hơn rất nhiều, nên chuyện thắng thua hôm nay chỉ dấu cho những điều khác, nhỉ ?


*** Xét về thành phần quốc hội. Đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh gồm  2 nguồn, một là địa phương tại chỗ và hai là do trung ương phân bổ về ứng cử. Nguồn địa phương thì ngoài bí thư chủ tịch tỉnh đương kim là người của chính phủ 100%, còn lại, đã cơ cấu vào quốc hội đồng nghĩa với sẽ là lực lượng chính phủ kế nhiệm không khóa sau thì cũng khóa sau nữa, ví như bí thư thành đoàn, chủ tịch hội phụ nữ…chẳng hạn. Nhóm này có ưu điểm nổi trội là nắm rõ tình hình địa phương, hay nói cách khác, họ biết cử tri họ muốn gì cần gì, còn họ có truyền đạt điều muốn điều cần ấy ra quốc hội lại là chuyện khác.


Nhóm thứ hai, cũng là đương kim chính phủ nốt, một năm 2 lần, trước mỗi kỳ họp, họ xuống gặp gỡ với cử tri, như chuồn chuồn đạp nước. Beo có dự một cuộc như thế. 8h, bác đại biểu nói quãng 50 phút về tình hình thời sự trong nước thi thoảng đá ngang tý quốc tế, đại diện phường nói lời chào mừng và lời cảm ơn bác đại biểu 10 phút. 15 phút còn lại là một bản vọng cổ ca nhân cây nhà lá vườn lấy không khí vui tươi và các quãng nghỉ mời cử tri có ý kiến nhưng không ai nói gì. 9h15, giải tán. Cử tri một tốp về thẳng, tốp hưu trí có thắt cà vạt hoặc đeo cuống huân chương ngồi lại hăng say bàn tiếp về khả năng chiến tranh giữa Nam Bắc Hàn và sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội khi chồng hiếp vợ ngay chỗ đông người.


Dĩ nhiên cuộc họp Beo dự ấy không phải là tiêu biểu bởi vị dân biểu khu vực Beo chức vụ chính quyền quá cao và chuyện dân sinh trong khu vực cũng khá yên bình và ổn định. Ai chú tâm với chuyện quốc hội hẳn thấy những đại biểu hay phát ngôn nhất thường truyền đạt  những gì báo chí viết trước đó hoặc ngay trong ngày lên quốc hội, và cung cấp ý chí của cử tri (tỉnh khác) cho báo chí một cách hết sức mãnh liệt. Thế nên mới có chuyện một vị bộ trưởng nổi cáu bảo sao không chất vấn chuyện miền núi của mình mà lo cho cử tri tận miền biển. Rồi chuyện đoàn quốc hội tỉnh nọ kiện phát biểu của một vị dân biểu tỉnh kia về họ, vị dân biểu thanh minh dẫn nguồn lấy thông tin từ …2 tờ báo.


Quay lại chuyện ĐSCT, bảo đảm toàn thể cử tri khu vực Beo chỉ nghe đến đại dự án này khi báo đăng, tức là quốc hội đã nhóm họp. Thần giao cách cảm kiểu chi chi để bảo rằng, nguyện vọng cử tri tôi là hổng ham hay ham tàu nhanh? Đợi Beo hỏi bác cuốc hội khu vực mới zả nhời nổi, câu này hỏi khí khó.


*** Chỉ dấu khác từ chính phủ phẩy Beo nói ở trên là cái gì?. Là cuộc chiến đấu đã bắt đầu vào hồi quyết liệt. Đoạn Sàigòn-Nha trang nhấn nút Y, đoạn Nghệ an nhấn ngược N, đoạn Cao bằng Bắc cạn trắng phớ, đoạn chả thuộc các đoạn trên ngó nghiêng, Y hay N phụ thuộc sự lấy lòng bác ngồi cạnh. Cũng có đoạn lao tâm khổ tứ trước khi Y hay N nhưng đoạn này quá ngắn, chẳng ảnh hưởng gì đến chung cuộc. Quyền lực thứ tư, nhóm đắc lực phục vụ Y hay N, nhóm hân hoan thơ ngây mình là thằng dư luận đang được tôn trọng…


*** Ngày đẹp giời tinh số 1 năm sau, đâu lại hoàn đấy, vào lền lếp như cũ. Bây giờ chứng minh đúng sai nhanh  lắm, chả phải đợi lâu la gì.


Duy có một thứ phải đợi, không thể đốt cháy giai đoạn, ấy là mong muốn có một nhà nước pháp quyền thực sự, thì phải chờ thế hệ giai xinh gái đẹp học hành đến nơi đến chốn, trở về.


Nói thế, chứ cũng sắp rồi.

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Nếu Beo là thủ tướng

Beo sẽ trả lời với các đại biểu cuốc hội thế này về dự án ĐSCT.


Quý vị hãy dòm sang Mỹ nếu lấy cuốc gia này làm mẫu hình của sự phát triển kinh tế. Sinh thời, đồng chí Eisenhower khi quyết định xây 75 ngàn kilômếch đường freeway  phủ khắp nước Mỹ, biểu tình chống đối  cơ man nào mà kể, đặc biệt là vì chuyện lấy đất bởi freeway tốn đất gấp 8 lần ĐSCT. Lấy phiếu cuốc hội, Eisenhower còn báo cáo láo có 25 tỷ làm trong 12 năm. Kết toán tới 114 tỷ và 35 năm mới xong. Điều chỉnh theo giá trị lạm phát nhân thêm 4 lần nữa. Dưng đồng chí í cứ làm và bây giờ, quý vị nào chạy xe trên trăm cây số giờ êm ru không đường cắt ngang trên freeway chưa thấy sướng, chính phủ bỏ tiền cho quý vị đi tọa sát 49 bang, nếu đừng dừng lại sốp binh thì kịp quay về nhấn nút OK tàu cao tốc, khỏi lăn tăn. Mà tôi báo trước, tôi cho chú Tử Quảng lập trình việc theo dõi bấm nút rồi, đại biểu nào không bấm, con cháu quý vị sẽ bị cấm vĩnh viễn hay nhẹ nhất cũng cấm có thời hạn di chuyển bằng tàu cao tốc sau này, ảnh quý vị được chụp dán trên mỗi ghế tàu chua rõ các phát ngôn của từng người hôm nay,…rõ chửa.


Tôi quyết tâm theo gương đồng chí Eisenhower, dĩ nhiên là theo ý chí một nguyên thủ làm tới bến công trình để đời, chứ không phải theo xuống suối vàng.


Xin cảm ơn  cuốc hội


Còn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Beo sẽ trả lời thế này.


Lâyđi en dentơlơmân


Tôi trân trọng cảm ơn quý bà quý ông xếp  đất nước tôi vào diện đáng quan ngại về tệ nạn buôn người. Với cá nhân tôi, đây là  tiếng chuông gióng lên cảnh báo mức độ nghiêm trọng của một  tệ nạn mới mà với hệ thống luật cũng như khả năng quản lý điều hành của chính phủ tôi, chúng tôi còn rất nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình xử lý. Chúng tôi hy vọng Hoa kỳ cũng như các quốc gia có kinh nghiệm trong vấn đề này hỗ trợ, tư vấn cho chúng tôi trong các lĩnh vực liên quan để bảo vệ lương dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.


Tôi đánh giá cao việc làm hết sức nhân bản của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Tôi hy vọng quý vị sẽ có những hành động thiết thực tiếp theo và tôi cam kết với quý vị cũng như cộng đồng quốc tế, sẽ bằng mọi giá triệt tiêu tận gốc vấn nạn này.


Thanh kìu các du

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Sác cờ rờ


*** Hôm qua mới đọc được bài bác Trương Nhân Tuấn về Trí thức. Bác này viết rất giản dị về những vấn đề không hề giản dị. Thái độ với các vấn đề ấy  tương đối điềm đạm. Riêng bài Trí thức kể trên, bác xử dụng phương pháp tổng hợp các ý kiến để đưa ra chính kiến rất ngọt. Tóm lại là hay. Phần Trí thức Việt, bác tìm kiếm định nghĩa khá thuyết phục và thú vị nhưng tình trạng trí thức hiện nay ở trong nước, bác lại thiếu thực tế vì hình như, chỉ có nguồn thông tin mạng.


Dăm vài hạt sạn không đáng có trong bài, viết cho vui trong lúc mệt, không có ý bình luận.


tin tức trong nước cho biết, hầu như tất cả những công cụ kỹ thuật phục vụ cho nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay đều do giới nông dân tự sáng chế ra.


Nông dân sáng chế mới thành tin, chứ không ai đưa tin công việc nghiễm nhiên của một kỹ sư. Có thể các loại tin mà bác Tuấn  tiếp nhận không viết kỹ. Ví như cái máy tuốt lúa của ông nông dân sáng chế thì nguyên bộ phận căn bản nhất là cái moteur, phải thuổng của ông kỹ sư. Máy của ông kỹ sư giá thành cao vì phải trả tiền sáng chế bản quyền cho cái moteur ấy, ông nông dân thì không. Máy ông kỹ sư tuốt 1tấn/h máy ông nông dân 10ký/h. 1000 máy ông kỹ sư trên tỷ lệ 1 máy ông nông dân. (Beo giả dụ vậy). Như thế mới có thể kịp xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới  sau hai mùa vụ chính mỗi năm.


Ngày nay người cộng sản Việt Nam thờ ông Mác, ông Lê (thậm chí cả ông Mao) kính cẩn hơn bất kỳ một người dân Đức hay dân Nga nào, mặc dầu ông Mác sinh ra ở Đức và ông Lê sinh ra ở Nga. Bất kỳ ai lên tiếng phê bình thì sẽ bị trù dập không thuơng tiếc.


Giá trị của cả một bài viết đôi khi bị làm nhòe bởi một vài câu hết sức blogger. Ngoài những tác giả đã dẫn trong bài, có lẽ bác không coi thêm Tạp chí cộng sản khi viết. Trong đó có không ít bài phân tích những sai lầm của Marx. Ngay trong giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học của  trường Đảng Nguyễn Văn Cừ cũng có gần 80 trang không hề kính cẩn tý nào với Marx. Nếu ngại thì có thể tìm ngay những ví dụ bất kính cẩn nhan nhản trên vietnamnet, trang mạng thông dụng dễ tìm dễ đọc nhất. Bất kỳ ai lên tiếng phê bình thì sẽ bị trù dập không thương tiếc, trừ bạn Beo. Vì luận văn tốt nghiệp của bạn í gần chục năm trước viết về một vài  không tưởng trong chủ nghĩa Marx.


Phạm Thị Hoài có một bài cực hay cùng đề tài, Về tư cách của trí thức Việt nam, viết lâu rồi nhưng đọc vẫn rất mới. Cho đến giờ này vẫn chưa thấy bài nào hay hơn thế.


*** Entry hôm qua thực ra là để dẫn đến entry hôm nay. Bởi đại văn hào gái Anna Karenina, người oánh bại  Danielle Steel ngay trên đất Mỹ, chỉ do một bạn nhà báo biên ra. Nhà dưới đây nổi tiếng hơn nhà báo, giàu trí tuệ hơn nhà báo bội phần.


Nhà í thao thao khai sáng cho đám chúng sinh ngu muội trong đó có Beo về văn học hiện sinh. Nhà dẫn chứng như ngâm thơ về anh chàng Nô dê  trong tác phầm Buồn nôn (La Nausée) của Sác cờ rờ, thi thoảng nhầm nhọt tý nội dung tý tên họ sang của Ca mu khi bảo Nô dê vô cảm với ngay cái chết của mẹ anh ta.


Bác Sác cờ rờ đặt tên nhân vật bẩn kinh.


Nhà này bác Trương Nhân Tuấn biết, thông qua bài Trí thức kể trên.


*** Mệt kinh khủng với toillette cup, còn cả tháng nữa mới xong. Bóng với chả bánh, mặc dù báo bán chạy ầm ầm.


Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Không còm, dứt khoát không cho còm


Tác giả mẩu tin trên bi giờ đương là nhà báo rất nhớn của tờ báo cũng rất nhớn


Còn mấy mẩu tương tự của một số nhà nhớn khác, rảnh sẽ post

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

ĐỪNG CÓ MƠ


Vào hồi 17h15 ngày 14-5-2004, khi tại hành dinh của mình ở Leipzig, FIFA đã bỏ phiếu quyết định chọn Nam Phi là nước đăng cai WC 2010.


Gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên cẩu thả khi viết lách, ai từng làm việc với gã, thấy là chuyện thường, nhưng  kỹ như Tuổi trẻ mà chuyển cả hành dinh FIFA từ Zurich-Thụy Sĩ về Leipzich-Đức ngay trên trang nhất thì,  giấc mơ khuân WC về Việt ta ư, còn xa vời vợi.


Còn nữa, không biết lão Nguyên chép từ đâu mà bảo FIFA coi vuvuzela là đặc trưng văn hóa Nam Phi. Cây kèn này được phát minh ra từ quãng những năm 1990 do một người Hà Lan. Làm bằng nhựa, sản xuất ở Trung quốc và Đức. Âm thanh khá vô cảm (hay vô cảm là đặc trưng văn hóa Nam Phi mà Beo chưa tìm hiểu kỹ chăng).



Nhưng mấy cái sai ấy mới chỉ là tiểu tiết trong  mục thời sự chẳng cần nghĩ hôm thứ Sáu tuần trước. Cái này mới đáng nói, đáng thất vọng về Tuổi trẻ. Nam Phi đáng tự hào vì sự nỗ lực vượt bậc của mình để chỉ mới sau 16 năm thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc đã được FIFA chọn. Lằng nhằng thêm mấy dòng phía trên, có thể hiểu rằng tác giả dẫn giải,  sau đêm trường trung cổ của chủ nghĩa apartheid dã man, Nam Phi vùng lên sáng lòa chỉ vỏn vẹn 16 năm.


Nam Phi mang ơn không biết để đâu cho xiết người da trắng bởi cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, văn minh văn hóa… của họ đổ vào xứ này. Giá Mandela chịu khó ngồi tù thêm chục năm nữa, có khi Nam phi được đăng cai WC từ… 2004 chưa biết chừng. Trạng huống lịch sử này của Nam Phi rất gần với Việt Nam và thực dân Pháp. Lạy hồn, cứ nghĩ không có người Pháp, đến 8 vạn năm nữa người Việt chưa xoá mù chữ nổi nếu vẫn viết chữ Nôm, chưa nói đến đường xá cầu cống rồi nào Sapa với Đà Lạt.


Tôn vinh Mandela  cứ tôn, cũng như ca ngợi chiến thắng Điện biên phủ cứ ca, nhưng nhìn vào đó để phủi sạch công của của ân nhân, là cách thức tuyên truyền  50 năm trước. Tờ báo hàng đầu Việt nam đang hướng dẫn dư luận,  khuân WC về Việt ta ư,  đừng có mơ.


Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

VIỆT KÌU VÀ VIỆT GIAN


Nếu như bây giờ Beo biên ra chuyện ai bán Phạm Thị Hoài và Nguyễn Hưng Quốc để đến nỗi  hai người ấy bị đưa vào diện cấm nhập cảnh, thì chí ít có tới ba bác nhà văn nghệ kiêm nhà rân trủ bĩnh ra quần chứ chả chơi.


Thật tiếc đây là hai Việt kìu mà Beo kính trọng trong hiếm hoi các nhà văn nghệ đáng để kính trọng. Và ba Việt gian lại cũng là những người Beo quen biết từ hồi nẳm lận, nên sẽ phải cân nhắc viết thế nào cho phải phép.


Hồi Việt kìu còn là của hiếm, là thần tượng của các em gái đứng đường, Beo đã chả mấy kính trọng hai từ này rồi. Nguyên  là một chú Việt kìu, thuộc hàng có giáo dục và cũng không đến nỗi nghèo mấy, vay số tiền không nhỏ mấy của Beo và cho đến giờ này, khi Beo đang ngồi kể chuyện Việt kìu, chú vẫn chưa giả.


Dĩ nhiên chẳng ai vì một chú vay tiền không trả mà túm quần lại 3 triệu người  tinh loại lừa đảo xấu xa.



He he, đã có hai trong ba Việt gian kể trên phản ứng, một chửi (gì đâu không á) trước phủ đầu một hòa đàm thông qua vợ. Đề tài này không sợ cũ, Beo làm uột cắp Nam Phi xong sẽ biên chi li. Vui thiệt bác đầu trọc hỉ.


 

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

tác nghiệp


Đôi khi  băn khuăn, không biết mình có phải là dị nhân. Chuyện hôm nay là một ví dụ.


Mình cứ nghĩ đơn giản, đến tận thời bây giờ rồi mà còn khoe mình được sang trực tiếp Nam phi đưa tin  về World cup lên mặt báo thì quê kinh khủng. Mình bảo với phóng viên, trừ khi WC tổ chức ở mặt trăng thì chị sẽ cho chú lên trang nhất, tả tình tả cảnh quá trình lên mặt trăng thế nào chứ ngay Nam Phi, vé máy bay thì rẻ visa thì dễ đội quân báo chí thì đông như quân Nguyên, hàng độc chỗ nào mà phải trương mặt lên. Lật hầu hết các báo thể thao, chả báo nào nghĩ và làm giống mình. Nghĩa là họ tự thuật từ lúc lên máy bay, chen ngang lấy thẻ hoạt động, gi gỉ gì gi những chuyện phi thể thao  phi luôn văn hóa.  Nghĩa là việc họ có mặt tại Nam Phi cũng là một sự kiện, ngang tầm Giải bóng đá thế giới. Suy nghĩ này của mình khiến chú phóng viên và nhà tài trợ buồn thiu thành thử, mình cũng khí áy náy. Nhưng cương quyết không đầu hàng, những lúc như thế này mới thấy có quyền, sướng thật.


Sang Thái lan giữa lúc căng thẳng nhất  ở Bangkok , mình  té ngửa người khi thấy mấy chú thường trú Việt ta khoanh chân trên ghế ngồi dịch bạo động từ báo Thái chuyển về nước. Đã thế, còn nhìn mình như mụ dị nhân trong bộ mũ áo chống đạn, đi bộ gần ba cây số chỉ xem mỗi cảnh bắn nhau. Mình đánh đu với hai anh một chị kênh truyền hình ABC Mỹ và Kyodo, chúng nó cũng nói đùa sao bà nội không ở nhà trông cháu nhưng, cứ tạch cái dù lắc lơ ở đâu, chúng nó cũng  ngáng che ngay cho mình. Mình cảm nhận thấy, chúng nó đi vào chỗ  bắn nhau giống như đi dự cuộc họp báo, nghĩa là một công việc hết sức bình thường, chẳng hồ hởi háo hức (như mình) và cũng chẳng âu lo căng thẳng. Riêng mình, cái giá để trả cho chuyến đi này  khí đắt khi lão í tịch thu cả hai hộ chiếu, chưa biết đi Nam Phi kiểu gì. Đã diễn các trò từ õng ẹo đến bạo lực với lão nhưng chửa ăn thua.


Diễn đàn kinh tế Đông Á trong toàn cầu hóa kinh tế diễn ra ngay giữa Sài gòn. Thật ra đây mới là lần thứ hai mình được coi loại hình forum này. Lần đầu là bên Malaysia , nội dung về Khổng giáo do… người Mỹ chủ xướng. Nói khí xấu hổ chứ lần ấy thực ra như bò nghe nhạc, chả hiểu gì. Nội mấy cái tài liệu in sẵn về tra từ điển toét mắt chưa nói đến nghe vo. Lần này, cũng chả hiểu gì, nhưng theo một ý khác không phải món ngoại ngữ.


Đúng nghĩa diễn đàn, nghĩa là mạnh ai nấy nói. Người đặt vấn đề một đằng, người trả lời một nẻo. Chiểu theo những gì diễn ra trong forum thì không hiểu kinh tế Đông Á mà cụ thể là Việt nam đang ở đâu và sẽ đi về đâu. Hơn 400 members kề vai sát nách, mỗi người mỗi nhận định phân tích,  theo  mẫu giáo trình gốc Havard hay Cambridge và chỏi nhau 180 độ.


Đứng ở góc độ phóng viên trước một sự kiện như trên, quả thực việc tác nghiệp là cực kỳ khó khăn, gấp  vạn vạn lần hành trình sang Nam Phi, bởi anh phải đủ bản lĩnh nghề và trình độ chuyên môn về  kinh tế  để chuyển tải các thông điệp của thế giới nhìn nhận về Việt nam và khu vực trong forum này đến cho bạn đọc, một cách tương đối đúng nhất. Nếu muốn như vậy (chưa nói có được như vậy hay không)  thì tối thiểu anh cũng phải ngồi từ đầu chí cuối, tất tả ngó nghiêng phòng này phòng kia, đeo bám người này người kia hỏi han những điều anh chưa biết chưa rõ hay cao hơn, phản bác lại diễn giả tý đỉnh. Hâyza, mình chỉ thấy đông vui nhất chỗ nào có Thủ tướng ta xuất hiện mà lần này, sự chuẩn bị của chợ lý hình như không cẩn thận. Khách đặt vấn đề phải chăng kinh tế Việt nam đang chuyển hướng quan tâm vào thị trường nội địa, chủ giải thích đừng thấy tôi xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới mà cho rằng tôi hướng vào xuất khẩu…


Một bác dùng từ này,  gilt-edget securities, bác í người Ấn lại nói rin rít hai hàm răng, lúc đầu tưởng món trứng chiên.  Tra từ điển hok có mà cũng hok biết mình biên ra có đúng không nữa, nó liên quan gì đó đến thị trường chứng khoán, chả dính gì đến ăn nhậu.


 


 


Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

NÓNG THẬT

*** Beo đã thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng,  Cường đôla đã lên tiếng bảo vệ Hồ Ngọc Hà và thật sảng khoái, khi nhìn ảnh hai đứa ngồi ở Mojo -như một đẳng cấp khác- khinh bỉ nhìn thẳng vào ống kính chĩa vào mình.


Beo gặp Cường loáng thoáng ở lễ trao giải âm nhạc Cống hiến, trông  ngoan và xinh giai hơn trong hình, bằng đúng tuổi giai nhà Beo. Tây học, quản lý cả một doanh nghiệp, gái dễ gì lừa được  nó. Mà, nó làm ra tiền để cung phụng người đàn bà nó yêu, đứt đuôi nòng nọc nó là thằng đàn ông đích thực, văn minh văn hóa hơn khối giai đậm đà bản sắc Việt. Xứ mình, đàn ông ăn bám đàn bà  quá nhiều quá lâu, nên lấy thế làm cáu, phải gào lên Hà hồ Hà tăng nó ăn cắp nhà cướp giật xe của mày kìa. Giúc vào tận  giường ngủ của con đàn bà hít hà mùi giao hoan chục năm trước của nó để rồi lớn giọng cảnh báo rằng, cả chân dài lẫn đại gia đều xuống cấp trầm trọng về đạo đức.


*** Báo chí, đương nhiên có nhiều loại, phục vụ đối tượng chính  mua báo của mình. Không biết T&S đã cung cấp thông số thăm dò bạn đọc cho những báo nào mà giờ đây, nhất loạt cướp giết hiếp lên trang nhất. Tả chi li tỉ mỉ, có cả video kẹp díp nếu là báo mạng.


Thông tin, khẳng định ngay không cần kiểm chứng, đa phần nội dung đều do công an cung cấp. Cơ quan điều tra kiểu gì mà  lời khai bị can trong giai đoạn làm án, mà lại là trọng án, quay lại rồi tặng không (??) cho báo chí. Anh Nhanh ơi, anh vừa được kiêm nhiệm thêm cái chức để phong tướng hai sao rồi, anh ham hãm cái trò khuyếch trương thành tích lại cho những người tử tế hay trẻ em vị thành niên nhờ với. Anh cũng hết tuổi lên TW lên bộ rồi, dù rằng chả ai nỡ bắt anh hà tiện giấc mơ...Mà nhà em nói thật, bọn lính của anh nó bảo án loại vụ ku Đức Nhanh, xin lỗi nhầm Đức Nghĩa, chặt đầu chặt tay người tình cũ, là loại án dễ làm bởi dễ tìm ra thủ phạm và các bằng chứng phạm tội nhất, chỉ có điều muốn làm, nhanh hay chậm, mà thôi.


*** Sau cái tháng Giêng ăn chơi cả nước lên đồng vì lễ hội, giờ tiếp tục các thầy phong thủy lên ngôi khi bàn tính dịch chuyển trung tâm hành chính Thủ đô lên Ba vì. Beo đồ rằng rất ít ĐBQH chưa từng đến Malaysia, nhưng có lẽ các bác sang đấy chỉ chăm chăm shoping ở tháp đôi cao nhất nhì thế giới hay lượn lờ Gentting đánh bạc vụn mà không đánh mắt sang Trung tâm hành chính xây mới  của Mã. Quảng trường non triệu người đứng đả đảo thoải mái, ngay hàng thẳng lối với 4 công trình "tâm linh" mà bất cứ thành phố văn minh nào cũng phải đủ đó là Nhà thờ, Thư viện quốc gia, Tòa án, Tòa thị chính. Khoảng cách từ KL đến trung tâm này na ná khoảng cách từ mả ông cụ đến đỉnh chóp nơi cụ Sơn tinh cùng cụ bà về giời. Đầu tiên là các cơ quan, thứ đến là dân giãn dần ra khỏi KL chật chội đông đúc hướng về "trục tâm linh". Khu này được xây mấy tầng tối đa màu gì gạch gì khu kia ngang mấy dài mấy thò thụt ra sao, giá cả đất cát chiểu theo quy hoạch tổng thể ấy mà sốt siếc. Đầu cơ hả, ngày ấy tháng ấy mà mua  xong đất chưa xây, rút phép thông công mất cả chì lẫn chài.


Nhân chuyện xây mới thủ đô, mới thấy ra  nước mình có mấy ông siêu của siêu. Như chuyên gia địa chất thổ nhưỡng trong vụ bauxite, thoắt cái như kiến trúc sư trong vụ quy hoạch Thủ đô, thắt cái nữa lại  như CIO của Meriin Lynh về đầu tư, tài chính trong vụ đường sắt cao tốc... Tuyệt đại đa số các công trình tỷ tỷ đô hiện nay, ai cũng biết phải thuê tư vấn nước ngoài và hình như, chưa tư vấn nước ngoài nào thuê lại để tận dụng chất xám tại chỗ từ mấy ông siêu của siêu kia, dù chỉ làm điếu đóm.


Khi đến ĂngKo, Beo hiểu ngay lập tức tại sao đất nước này sinh ra Khơme Đỏ. Không có bạo chúa, khó có công trình kỳ vĩ để đời. Mỗi cái lát đá quanh Hồ Gươm, đồng bộ ba bốn loại gạch thời Lý Lân Dũng lổn nhổn, rồi cũng phải dừng lại lấy ý kiến dân. Mà dân thì năm người mười ý, chênh nhau từ thằng Mỹ học Lào học đến Củ chi học. Chuyện vặt thế mà còn chờ số đông gật mới dám làm hỏi  bản lĩnh nào dám quyết việc lớn.


Trong khi chờ đợi bạo chúa xuất hiện, bật TV nghe nhà sử học của quốc hội và nhà quốc hội học của Hội sử, dạy đời cái đã.



 

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

TRÒ XƯA TÍCH CŨ (TIẾP)


Nhân sự, nói cho oách, kỳ thực gần gần như một bản kể tội 4 nhân vật cao cấp nhất nhì quốc gia.


Bác Khỏe, chưa đọc cũng biết tội to nhất là vụ bao che cho Tổng cục 2 quân đội. Lạ, Nguyễn Chí Vịnh phẩm chất xấu xa, làm nhiều sai trái,  dăm vài cụ mắt mờ chân run, thậm chí có cả cụ  sống đời thực vật, ra rả vạch tội năm này qua tháng khác thế mà sao cả  ban chấp hành TW hơn trăm người không thấy không biết, nhỉ?.  Dòng trên chê bản lĩnh bác Khỏe yếu, dòng dưới bảo bác Khỏe khỏe khi đề bạt bác Vịnh, khỏe nữa khi lấn sân át vía cả Nghìn cân lẫn Philo.


Tội bác Nghìn cân to nhì khi làm cái nhà thờ họ hết 40 tỷ. Nhà thờ họ thì chắc làm trên đất hương hỏa rồi, như vậy khoản trên chỉ dành cho việc xây cất. 40 tỷ xứ khỉ ho hù hụ, không biết mái lợp  bằng gì cho hết ngần ấy tiền. Beo đồ rằng chửa cụ nào dòm tận mắt cái nhà kia, còn căn cứ trên hình ảnh thì khéo chụp ra, cái nhà ống 4-18m phố Thụy Khê của một cụ cựu tổng lần bị tung lên mạng, trông  na ná sêm sêm dinh thự của ông hoàng Monaco.


Bác Nghìn cân còn mắc một số trọng tội khác như khai thác than thổ phỉ, cháy rừng, mất không khoản đầu tư vào chính phủ điện tử, giá cả tăng vọt có thứ  100%...


Tội riêng của bác Dân bảo thì mắc từ thời mới lên TW, ấy là chưa thấy phát hiện được vấn đề gì mới về lý luận. Còn đâu giống tội hai bác trên, lặp lại 3 lần cho 3 bác: Phá hội trường ba Đình; Cho người nước ngoài khai thác bauxite Tây nguyên; Mở rộng Hà nội…


Bác cuối cùng, không nằm trong tứ trụ, bị đưa vào tầm ngắm can tội để quá nhiều tiêu cực phát sinh trên mặt trận tư tưởng-văn hóa. Thông tấn xã vỉa hè đang xếp bác này ghế thường trực ban bí thư, đạn dính hơi sớm.


***


Sát các kỳ đại hội Đảng, đơn thư tố cáo nhiều là chuyện bình thường. Tiêu cực thì nhìn ở góc độ tranh giành địa vị, tích cực nhìn ở góc độ mong muốn có những người tử tế ngồi vào những chỗ lãnh đạo đất nước. Tích cực hơn nữa, âu cũng là cơ hội để các ứng viên tự chứng minh tư cách, bản lĩnh mình giữa thanh thiên bạch nhật.


Không biết xếp 7 trang của các cụ vào dạng gì. Góp ý thì toàn những chuyện người ta làm đã từ lâu. Thư tố cáo lại chẳng tội nào ra tội nào. Nó như một bản nhặt nhạnh chuyện vỉa hè, đã đăng rải rác trên các trang mạng hải ngoại chuyên chống đối nhà nước dăm vài năm gần đây. Và, cụ chấp bút (thấy chữ ký nào cũng run run như parkinson thì chắc không phải là  một trong các cụ ký tên)  khi tập hợp tội danh lại ít chú ý đến tính logich của sự việc, nên  tréo ngoe, chuyện nọ xọ ngược chuyện kia.


Đi hỏi già, các cụ dẫn đường chỉ lối kiểu trò diễn thì xưa tích kể thì bịa tạc như thế e  rằng, chẳng những con cháu nó sẽ không buồn hỏi mà rồi đến cả khi các cụ nói, chúng cũng chẳng buồn nghe.


Thật dại, khi tự tước bỏ uy lực, chí ít thành vô dụng, với lớp hậu sinh.