Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Tu chính hiến pháp ?


Có sửa đổi hiến pháp vào kỳ quốc hội tới hay không, nhận định của Beo là không, mặc dù tin từ bác cựu chủ tịch quốc hội, bảo có.


Lý do. Có hai sửa đổi đáng quan tâm nhất của hiến pháp là nhập Tổng bí thư vào chủ tịch nước và phân lập tam quyền rõ ràng hơn. Tách hai để làm nổi vấn đề,  thực chất hai ý này chỉ là một.


*** Bản hiến pháp đầu tiên năm 1946 copy về cơ bản những nguyên tắc tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước tư bản phương Tây, tinh thần pháp quyền hết sức sáng rõ. Có thể đó là lý do mà gần đây, người ta mong muốn quay lại với bản hiến pháp chưa hề được công bố và thực thi chính thức này, hơn là những bản sửa đổi các lần sau đó. Hiến pháp 59 phân chia quyền lực nhà nước như mô hình hiện nay, chỉ thay đổi tên gọi theo từ ngữ chính trị của từng thời kỳ và copy nguyên bản Nhà nước của Mao. Bắt đầu từ bản hiến pháp này, một bộ máy nhà nước cồng kềnh phân làm 4 cấp từ trung ương xuống tới địa phương ra đời, tận năm 2010 nay còn hậu quả mấy triệu nhân viên hành là chính những người đóng thuế nuôi mình.


Hiến pháp 80 lần đầu tiên thể chế hóa câu cửa miệng của một thời Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý. Nếu như ở lời nói đầu, bản 46 chỉ đưa ra những nguyên tắc cơ bản để viết nên bản hiến pháp thì bản năm 80, choang choang những từ ngữ đao to búa lớn, rất ít liên dẫn tới những điều cụ thể bên dưới. Chiến tranh vừa kết thúc, những hạt giống đổi mới gieo từ thời cụ Trường Chinh lác đác nảy mầm ( phải đến năm 86 trào lưu đổi mới mới chính thức được thừa nhận nhờ công của cụ Nguyễn Văn Linh)…có lẽ thế nên bản 80 này vừa ngầm chứa lời đe dọa của phái bảo thủ khi xác quyết ở điều 2 giữ vững chế độ chuyên chính vô sản, vừa đưa ra những quy định đầy chủ quan, duy ý chí về con đường tiến lên CNXH và CNCS.


Tinh thần hiến văn 92 không khác 59 và 80 là bao, chỉ đặt lại một vài nhiệm vụ chính trị cho phù hợp với thời thế, trong nước cũng như quốc tế.


*** Dự thảo Cương lĩnh phát triển đất nước sẽ được thông qua vào Đại hội Đảng 2011 tới là một văn bản hay, thực dụng về mục tiêu và gọn gàng về câu chữ hơn rất nhiều cương lĩnh năm 91. Dự thảo này đề ra  mục tiêu tổng quát, thời điểm hoàn thành cũng như những nhiệm vụ rất cụ thể của giai đoạn quá độ  lên CNXH. Định hướng trung tâm cho 5 năm tới là phát triển kinh tế thị trường, đây có thể xem là bước tiến dài khi Cương lĩnh 91 mới dừng ở cấp độ xây dựng một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.


Có một điểm, Beo đặc biệt lưu tâm, đó là làm mới  định nghĩa Mặt trận tổ quốc. Cương lĩnh 2011 thừa nhận MTTQ là một tổ chức liên minh chính trị (lần này mở rộng thêm cho cả kiều bào), là một bộ phận của hệ thống chính trị. Phải chăng đây là những câu chữ để mở đường cho sự tham gia của các Đảng phái chính trị vào chính trường trong tương lai, thông qua MTTQ. Dĩ nhiên, sớm nhất thì cũng phải sau 5 năm nữa điều đó mới có cơ may xảy ra, và phụ thuộc không nhỏ vào hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế hiện nay. Xây xong đường rồi, sắm ôtô chẳng lấy gì làm muộn.


*** Hệ thống chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa có một điểm chung nhất, đó là mọi quyền lực tập trung vào Đảng cộng sản mà đại diện cao nhất là Bộ chính trị. BCT can dự vào công việc cụ thể của cả ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp chứ không chỉ là đầu não hoạch định chiến lược như bản thể. Nhìn từ phương đầu óc phát triển hơn tứ chi đã dư ăn thừa mặc, hình thức chế độ này kìm hãm sự phát triển những khuynh hướng tư tưởng khác cộng sản, kéo chậm lại tiến trình văn minh hóa con người. Thế nhưng nhìn từ nơi dân trí thấp, âu lại là một lợi thế không hề nhỏ.


Đơn cử Hội nhà văn VN. Chắc không ai phản đối đây là chỗ tập hợp toàn người thông kim bác cổ trên thông thiên văn dưới tường địa lý mỗi thứ biết một tý. Tóm lại, họ là trí thức?. Hãy đọc những gì họ công khai quăng thẳng vào mặt nhau trước thềm đại hội Hội của họ.


Đến bất cứ một trường đại học nào đó tại Sàigòn, sẽ thấy ngay cảnh những công dân ưu tú tương lai nhếch nhác bệ rạc ở những quán cóc vỉa hè trước cổng, không một chút mặc cảm chưa nói đến tự trọng về chính bản thân mình. Tệ hơn, sự lê lết ấy  thi thoảng, được tôn làm phong cách sống.


(

 : một bạn nhà thơ -có tác phẩm đăng trên Tiền vệ- tưởng hiến pháp và bộ luật hình sự là chung một văn bản khi email cho Beo).


Quan trí, chỉ cần  theo dõi các phát ngôn về xây dựng đường sắt cao tốc trong kỳ họp quốc hội vừa qua đã là minh chứng quá đầy đủ và tiêu biểu.


Lấy những ví dụ nhỏ từ tầng lớp có nhận thức cao nhất xã hội để thấy, đất nước chỉ có một tập hợp quyền lực mạnh giai đoạn này là phù hợp và đúng đắn.


Thượng đế đã chết lâu rồi nhưng Vua thì vẫn còn cần thiết, ở xứ này. Tuy nhiên, để dẫn tới một ngày kia không cần Vua nữa, phải có  những bước đi mà mỗi lần sửa đổi hiến pháp là một bước dò dẫm khá thú vị của lịch sử, cho tiến trình này.


*** Sửa đổi hiến pháp cho phù hợp với cương lĩnh mới của Đảng cầm quyền là việc bình thường, chưa kể bản hiến pháp ấy chứa nhiều điều chồng chéo và lỗi thời. Hiến pháp 92 quy định cho chức Chủ tịch nước rất nhiều quyền hạn, nhất là quyền thống lĩnh quân đội nhưng, Bí thư quân ủy Trung ương lại là Tổng bí thư kiêm nhiệm. Ngược lại, TBT tuy là bí thư quân đội nhưng lại không có quyền ký gọi thành viên hội đồng quốc phòng và an ninh, quyền này thuộc Chủ tịch nước. Lại nữa, rất ít quốc gia nghênh đón Tổng bí thư theo nghi lễ nguyên thủ đơn giản vì, nước họ không có cấp đối ứng…


Hiệu quả việc sáp nhập hai chức vụ này làm một là điều không bàn cãi, khi hình mẫu Trung Quốc đã thực hiện xong. Nhưng, rất đặc trưng Việt, cái gì cấp thiết đến mấy cũng phải xếp hàng sau chữ Ai.


Xem ra chưa có gương mặt nào nổi trội để được giao phó quyền lực lớn nhất tính đến thời điểm này. Khi những chiếc ghế còn  mang tính tình thế hay quân bình quyền lực thì hẳn nhiên, chia nhỏ nó như hiện nay mang tính an toàn cao hơn và như thế, chưa có chuyện tu chính bất cứ cái gì trong tương lai gần.


Hôm nay tờ Le Monde đưa tin bác Thơm được cơ cấu thay bác Khỏe. Beo sẵn sàng chấp 1 ăn 1000000000……. với ai, tin điều này thành hiện thực đấy.