Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

VỀ VỚI EM TÔI.

Được đăng bởi phot_phet
Mẹ tôi đẻ nó ra trong một chiều đông vội vã khi đang sàng sảy mớ gạo hàng xáo
dở dang. Bố tôi cuống quýt dìu lên trạm xá, bọp phát chui ra liền, khóc oe oe.
Mẹ tôi kể, đẻ bốn anh em tôi đều thế cả. Ý là nhanh, không vật vã.

Nó ra đời như bao đứa trẻ của thời thổ
tả. Tức là sữa chay, bột loãng, tã bỉm vải sô, thuốc thang tự chế. Được cái
may, ngoan như cún, nhớn nhanh như ông Gióng. Phải cái tội nhà nghèo, đông anh
em nên sự ra đời của nó ảnh hưởng trầm trọng đến khẩu phần của tôi và hai đứa
em nữa. Mỗi khi nó chén bột xong, quẳng cái xoong quấy bột bé tí xuống gầm
giường là anh em tôi lao vào vồ lấy, tranh nhau cạo, vét những gì còn dính lại.
Có lần tôi cạo thủng cả đít xoong, mẹ tôi mắng cho thậm tệ.

Tôi anh nhớn nhất nhà nên phần trông em
luôn được ưu tiên. Một thứ ưu tiên rất quái đản. Khi nó tròn ba tháng, mẹ tôi
quẳng đó mà đi hàng xáo. Thời đó tuyền phải mang gạo đi ban đêm tránh thuế vụ.
Cứ ba giờ sáng là mẹ tôi đi. Cả bố tôi nữa. Chui nhủi trong màn đêm đặc quánh
trên những chiếc xe đạp không phanh chuông gác đờ bu, săm lốp buộc chằng vá
chịt. Những lúc ấy, mẹ thức tôi dậy, dặn trông em, khóc thì lấy cái bình sữa có
núm vú giả mà đút vào mồm. Tôi ngoan ngoãn nghe lời. Nhưng hễ tiếng xích líp
tằng tặc tắt đi cái là lại lăn quay ra ngủ khò khò như chết. Ngày ấy, tôi bé tí
mà, mới 7 tuổi.

Thằng cu em vắng hơi mẹ, dậy ngay, khóc
ngằn ngặt. Tiếng trẻ trong đêm khóc vắng mẹ nghe não lắm. Nhưng tôi biết chó
gì, ngủ vô tư. Chỉ đến khi bà hàng xóm già yếu khó ngủ đập cửa chui sang thì
mới tỉnh. Nhưng nó vẫn khóc vì vắng mẹ và khát sữa. Nghe nhời mẹ dặn, tôi lấy
cái bình sữa có núm vú giả mà tống vào mồm nó. Nó ngậm lấy, nút chùn chụt và
câm ngay. Nhưng được một lúc lại nhè ra, khóc to hơn. Phải tội, ngậm cái vú cao
su chả nước non mẹ gì cả.

Sốt ruột, bà già hàng xóm già yếu tốt
bụng vạch vú cho bú. Nó một tay bám chặt vú kia, một mồm tóp má rít. Và lại câm
bặt. Rồi lại nhè ra, khóc to hơn. Bỏ mẹ thật. Nó khóc làm tôi cũng khóc theo.
Khóc vì thương em, vì rối trí. Hai đứa em tôi bị điếc tai nên cũng lồm cồm bò
dậy, dụi mắt ngồi chơ lơ, thẫn thờ. Điên quá, tôi thò ngón tay út đút mồm nó.
Lạ thay, nó ngậm lấy và im hẳn. Cơ sự có vẻ ổn. Bà già hàng xóm thấy im nên
cũng về. Hai đứa em tôi lại ôm nhau ngủ tiếp. Tôi cũng lăn quay ra ngủ, mặc
ngón tay út để mồm nó cả đêm.

Sáng, bố mẹ tôi về mừng khôn xiết khen
tôi trông em ngoan. Tôi rút ngón tay út ra khỏi mồm nó. Giời ạ, ngón út tôi nó
bợt bạt, nhăn nheo và bé tí. Thằng em tôi ngọ nguậy. Thường thì khi thức giấc
nó sẽ khóc rất ghê. Nhưng sao hôm nay...? Tôi la to gọi mẹ. Mẹ tôi đang thay dở
cái quần lao ra bế lấy em tôi, vạch vú cho bú. Nó không vồ mà cũng chẳng ngậm,
mắt khép hờ thiêm thiếp. Mẹ tôi hoảng hồn gọi bố tôi. Ông bình tĩnh hơn, hỏi
tôi chuyện trông nom em ún. Tôi chả biết kể gì, chỉ bảo em khóc cả đêm. Bố tôi
bắt mẹ tôi vắt sữa ra ngoài, rồi bóp miệng nó mà đổ vào. Lúc sau thì nó oe oe
rồi ngoe ngoe thật. Hóa ra em tôi kiệt sức, lả đi vì khóc lắm. Hú hồn.

Khi nó nhơn nhớn một tí và biết ăn cơm
nhá lẫn cơm lống thì đỡ hơn. Chỉ việc cho lên phản, bắt há mồm mà đút. Hôm nào
mọc răng, ốm đau tí chút thì phải bế rong đi khắp làng, vừa đút vừa nịnh thì
mới chịu ăn. Mà nó ăn khỏe lắm, bữa nào cũng chơi nguyên bát ô tô. Hôm nhiều
thức ăn thì còn hơn. Mà thức ăn thì có chó gì, vài con tôm đồng dim mặn, mấy
miếng tóp mỡ già, là hết.

Thế nên, khi trưởng thành, nó cao đến
mét bảy tám. Anh em tôi chả đứa nào cao đến thế. Đã cao lại còn đẹp giai, đúng
kiểu cao to đẹp giai nhiều em thích. Mỗi tội học lại ngu nhất nhà. Nhà tôi rất
lạ, cái trí tuệ cứ theo chiều mũi tên đi xuống. Nhiều lúc tôi cứ băn khoăn, bọn
trẻ ngày một to ra về thể xác nhưng não lại bé đi thì phải.

Lúc nó nhớn khôn thì anh em tôi đã ra
đời hết. Mẹ kiếp, đánh vật với cuộc đời ở cái xứ sở này nhọc thân không phím
nào tả xiết. Đôi lúc hồi tưởng lại, cứ rưng rưng. Khổ quá rồi, nên giờ cứ ai sơ
í chạm vào một tí là lại trằn trọc, suy tư ngang lãnh tụ. Và cũng chính vì thế
nên anh em tôi thương yêu nhau lắm. Nhất là nó. Tất cả tình thương iêu dành nó
phần nhiều. Chúng tôi chắt chiu cho nó từ manh áo đẹp, đôi giày xinh, cả những
đồng hào nhỏ lẻ. So với lũ bạn cùng lứa ở quê, nó tươm hơn tất thảy.

Những tưởng nó theo gương anh chị mà
phấn đấu, đâu ngờ lại bước thụt xuống hố sâu. Một hố sâu mà khi đã bước xuống
thì rất ít cơ hội để kéo lên được. Nó bập vào ma túy. Ở cái làng quê bé nhỏ đó
những người hiểu chuyện này ít như Phạm Tuân được đi vũ trụ. Bố mẹ tôi không
hay, anh em tôi ở xa cũng tậm tịt. Khi phát hiện ra, đã muộn.

Cho nó đi cai hai lần. Lần cuối hai
năm. Lúc về ngon lắm. Tôi bắt nó ở nhà tu dưỡng. Nhờ vòng trong, vòng
ngoài để ý canh chừng. Một năm, nhà mọc thêm khu vườn mới tốt tươi. Khu chậu
cảnh non bộ có thêm nhiều cây mới. Gà lợn đầy vườn, chó mèo đây sân. Nó lao
động, tu dưỡng như một gã nông dân chính hiệu. Tôi mừng lắm. Tính thuê thêm đất
ruộng người ta bỏ không làm cho cái trang trại mini mà lập nghiệp. Rồi nó cũng
có người yêu. Con này nó quen khi còn trong trại và con bé là một thực tập
sinh. Nhiều lần tôi hỏi con bé, hơn hai mươi tuổi đầu đã ăn hết bao nhiêu buồng
gan?. Nó không hiểu ý tôi, chỉ cười và bảo, em sợ ăn gan nhất.

Rồi chúng nó cưới nhau. Tôi mừng càng
tợn hơn. Một cơ ngơi tôi tạo ra cho nó, một tình yêu đẹp, một con vợ xinh và
những đứa con. Bằng đấy thứ sẽ cứu dỗi và giữ chân nó trước vòng tay ma quỷ.
Nhưng không phải thế, ma quỷ vẫn có sức mạnh vô đối và phi phàm. Nó cướp đi em
tôi trong một chiều buốt giá bởi cơn sốc thuốc sau nhiều năm chơi lại. Đúng 6
tháng sau ngày cưới.

Nó bỏ lại bố mẹ, anh em tôi. Bỏ lại con
vợ trẻ chưa quen với những cú dằn sóc trên đường đời. Bỏ lại tất cả. Trừ ước
mơ. Bởi nó chưa từng có ước mơ gì cả ngoài cái mong muốn nhỏ nhoi nhưng cũng
cực phi phàm là trèo thoát khỏi hố sâu.

Mấy hôm nữa là đến ngày nhị thất. Cầu
mong cho em tôi được bình yên. Và tôi cũng đang sửa soạn, để về với em tôi.


 

DẬU ĐỔ BÌM LEO

*** Đúng là phải nghiêng mình
kính trọng Tuổi trẻ số hôm nay trong việc đưa tin  nghị  
 Đặng Thị Hoàng Yến. Một bài nửa hoan
nghênh nửa cảm ơn hai đồng nghiệp già Cựu
chiến binh và Người cao tuổi, đã bền bỉ  đeo
bám đề tài để làm rõ trắng đen cho tới hôm nay. (Với Beo thì hai cụ này còn  thêm phần dũng cảm).


Trong bài chính trang 18,
Tuổi trẻ đã chọc đúng vào tổ kiến lửa, vào tâm điểm, gốc gác của vấn đề: trách
nhiệm của các cơ quan hữu quan ra sao và đến đâu. Chính tại đây, nó phơi bày một
điều thuộc về…lỗi hệ thống và  bà Yến chỉ
là nhân vật phụ, là một ví dụ-bất kì, lẩy ra để chứng minh. (Từ lỗi hệ thống này phải hiểu theo nghĩa
của người  dùng computer).


Mọi sự biện bạch phát đi từ hệ thống vào giờ này, chỉ đẩy sự việc từ
thiếu trung thực lên thành xảo trá.


Nhân vô thập toàn, một đại
biểu như bà Yến trong quốc hội, kì thực đáng giá hơn rất nhiều lần những em
25/26 xứ Mù Căng Chải, biết mấy nả để bấm nút những quyết sách liên quan đến
vận mạng  tám chín trục triệu con người.


Vì vậy, giá mà nhân vụ này,
Tuổi trẻ đầy tiếp đề tài theo hướng, phải sửa chữa (vá víu cũng được) cái lỗi
hệ thống kia cụ thể ra sao, để sau đây những người như bà Yến, không phải (và không thể) man
trá khi muốn lấn sang làm chính trị.


*** Đê tiện nhất là Người lao
động.


Sau khi  cố nèo kéo vụ án hình sự đốt chồng là một
phóng viên bản báo vào những bài báo về vụ li hôn của bà Yến thất bại, hôm nay
đánh tiếp Tân tạo với nguồn thông tin…nghe 
người dân nói.


Đối với công luận, bà Yến và
Tân tạo là hai cá thể khác nhau. Bà Yến khai man lí lịch thuộc về đạo đức. Tân
tạo liên quan đến hàng chục ngàn người lao động, nếu nó có thất bát thua lỗ cũng
không  phải bởi  sự thiếu đạo đức kia mà nên nông nỗi.


Leo lên cái dậu đổ, âu cũng
chỉ loài bò sát đất mà thôi.