Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

‘NGUYÊN THỦ” LỘ DIỆN


Nói cho nhanh khỏi úp mở, đó là kẻ giết người
cực kỳ man rợ Nguyễn Đức Nghĩa. Không phải nguyên thủ, phải cỡ siêu nguyên thủ.


Này nhé, có ai trên đất nước này, bố chết mà
được hầu hết các báo đưa lên trang nhất và không chỉ đưa một lần. Đến hôm nay,
Bộ Thông tin truyền thông thông qua tiếng nói chính thức của mình là  tờ
Vietnamnet, vẫn đưa tiếp với xu hướng  kiểu như muốn đòi thả ngay Nguyễn
Đức Nghĩa, kiểu như cả nước dang tay ôm Nghĩa vào lòng… Phải so sánh mới thấy
mức độ báo chí Việt kính yêu tử tù thế nào: phu nhân Tổng bí thư từ trần cũng
chỉ được một vài dòng cáo phó không ra phân ưu chẳng giống.


Chuyện dưới đây thì chẳng liên quan gì đến 
tử tù.


Nhà ông Quang Lập Quê Choa thành nhà ma, ông
Hữu Vinh Ba Sàm thành nhà hoang, từ bỏ vinh hoa phú quý chạy theo tiếng gọi của
tình yêu như Đồ long, 4 tháng nữa từ cô gái thành lão bà bà…


Chả lẽ lại phải dạy cho nhà quản lý nhà chức
trách nên coi cái gì nguy hiểm cho xã hội hơn cái gì, từ hai mẩu trên.



TÌNH CHA MẸ

Chuyện này có thật, vì nhân
vật chính là một nhạc sĩ có địa vị xã hội và tiếng tăm lớn trong làng nhạc. Vợ
ông, để bảo vệ cán bộ cách mạng đã bóp mũi chết đứa con của mình. Mình đọc nó
trong sách truyện trước khi gặp ông và trong 
nhiều năm làm phóng viên văn hóa sau đó, không bao giờ mình tiếp cận ông dù sự
kiện liên quan tới ông lớn cỡ nào. Bản năng. Không giải thích được.


Chị là một họa sĩ, tế nhị
cách nào cũng phải buông lời: bất tài. Khi ấy chị làm thư ký riêng cho nữ tướng
Nguyễn Thị Định và căn cứ đóng trên đất Campuchia, dĩ nhiên thuở nó còn là
rừng  già thâm u. Con chị mất vì lý do
hết sức cay đắng, 8 tháng tuổi bị tướt mọc răng, chỉ vì không thuốc men, nó đứng
tròng ngay trên tay chị. Gần 20 năm sau (1985), chị vẫn ứa nước mắt đau đáu nhắc
nhớ về con.


Một đêm, trong giấc mơ, nó về
chỉ đường chi tiết cho chị nơi nó nằm. Sáng ra chị vẽ lại và, bắt đầu hành
trình đi tìm con.


Thật kỳ lạ, không một chi
tiết nào sai trong bản vẽ nhớ lại từ giấc mơ. Căn cứ cũ dân phá rừng lập ấp.
Con chị nằm ngay dưới chân cột một nhà sàn. Cái muổng inốc chị đút sữa, cái
chén chị gửi theo con còn nguyên và bé còn một mảnh sọ. Sau câu chuyện ấy, vẫn
những bức tranh hình họa khá vụng về, nhưng mình thấy nó tình cảm hẳn, đổi từ
trạng thái ngô nghê sang ngây thơ trẻ con.


Chuyện này mới toanh, Chủ
tịch xã Đức Lạc huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bị đình chỉ công tác vì bỏ nhiệm sở để
lo cho mẹ già bị ung thư trong cơn lũ dữ vừa qua ở miền Trung. Phải nói thêm là
nhà ông cũng bị ngập gần tới nóc. Mình mà là ông chủ tịch xã Nguyễn Văn Tuấn
kia, thì không chỉ chức chủ tịch xã mà đến chủ tịch nước mình cũng kiếu, để ở
bên mẹ mình vào những thời điểm ấy. Nhưng hình như hầu hết bạn đọc của mấy tờ
báo mạng không nghĩ giống thế thì phải, họ đòi ông bỏ mẹ cứu dân.


Trong đời mình ba lần vuốt
mắt người thân, lần nào mình cũng ân hận vì đã không sống tử tế hơn với họ. Với
bà ngoại, gần 30 năm đã qua mình vẫn ước giá mình đi làm sớm  hơn 5/7 năm vào thời điểm bà mất, mình có
nhiều tiền  để bà sung sướng những năm
cuối đời. Với em trai, giá mình đừng mắng mỏ nó chuyện vợ con ngay trước khi nó
mất. Hay với cậu mình, giá mình bỏ  nhiều
thời gian hơn lắng nghe ông kể lể về quá khứ, cho dù có đầy hơi men đi chăng
nữa. Nỗi ân hận kéo lê đi rất lâu vì mình không thể còn cơ hội chuộc lại lỗi
lầm.


Một ku phóng viên của mình,
mẹ nó bệnh nặng, dù cơ quan đang thiếu người kinh khủng mình vẫn đuổi nó ra
biệt phái Hà Nội cho nó  ở bên bà cụ.
Mình chỉ bảo với nó, báo thì làm cả đời nhưng mẹ chỉ có một. Mồm nó vâng dạ đầy
cảm động nhưng chân nó, 10h đêm mình alô ra vẫn đang trong quán nhậu. Entry này
mình viết riêng cho nó, để nó hiểu suy nghĩ, quan niệm của mình về ba chữ, tình
cha mẹ.