Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Khai ấn

Thành thói quen, trong rằm tháng Giêng, chị em nhà Beo năm nào cũng lượn một vòng khắp đình chùa miếu phủ phía bắc. Hành trình bắt đầu từ Mười O Ngã ba Đồng lộc. Xuống sân bay Vinh, đi chừng hơn bốn chục cây tới mộ mười O. Trên mộ lúc nào cũng có người cung tiến các O bồ kết gội đầu, gương lược…Có năm Beo cẩn thận, sắm biếu các O mỗi người một cái nón lá, một đôi dép mang tận Sàigòn ra. Vẫn biết các O không nằm dưới 10 nấm đất kia, mà thịt xương đã tan ra nơi nào quanh đó, nhưng lần nào cũng muốn khóc khi khấn vái các O. Trong vùng  còn hang Tám cô, gọi là tám cô nhưng thực ra là 4 cặp nam nữ, một tảng đá lớn sụp xuống chặn cửa hang khi họ chui vào  tránh bom. Đồng đội không làm cách nào cứu họ vì sự thô sơ của phương tiện ngày ấy. Đầu tiên họ còn được chuyền cháo và nước vào hang thông qua ống nứa, chiến tranh ác liệt khiến  cứu hộ bỏ cuộc. Truyền rằng, cả tuần sau đó còn nghe tiếng rên rỉ trong hang. Họ  may mắn hơn mười O Đồng lộc vì còn xương cốt để lại cho người thân, đỡ hận.


Nằm  gần như đối diện hai bờ sông Lam là  đền Bến Củi và lăng mộ ông Hoàng Mười. Giống như rất nhiều huyền thuyết liên quan đến xứ Nghệ xứ Thanh, các nhân vật nửa thực nử hư, được lịch sử và địa phương hóa khá đậm. Ông Hoàng mười khi  được gắn là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, hoàng tử của vua Thái tổ, khi thì là Hoàng tử thứ 10, con của vua sông biển Bát Hải đại vương. Đây là nơi rất nhiều đại đại gia hay về tế lễ mỗi khi chuẩn bị vụ làm ăn lớn. Ngoài áo mũ tiền vàng, đại gia tiến cụ  ngựa to bằng( có khi còn  hơn) ngựa thật. Mấy năm gần đây, Beo gặp cả  các em chân lấm tấm ghẻ móng sơn trắng quần trễ rốn gần tới ấy, cũng cúng ngựa. Cửa đền, sát bờ sông trong veo mênh mông nước có những cây lộc vừng cổ thụ, đẹp mê ly hồn trận. Đền nằm lưng chừng núi, nhỏ như  hầu hết những ngôi đền nguyên thủy Việt.


Vùng này còn đền Độc cước. Tích xưa cụ xuống biển trấn hải tặc thì địa tặc làm loạn và cụ lên bờ hải tặc lại bắt thuyền ngư dân. Cụ tự chẻ đôi người chia đôi nơi khiến cả hai tặc sợ chết khiếp, từ đấy dân yên ổn làm ăn. Tượng thờ cụ có nửa người, gọi Độc cước là vậy.


Nhỏ nên cảm giác linh thiêng. Những ngôi đền từ Vinh đổ ra bắc trùng tu mới đây chung một môtíp và quá lớn, dù rất đẹp, tương truyền là có công rất lớn của bác  đương kim bộ trưởng 4 T, như đền thờ bà Triệu, đền thờ An Dương Vương, Nguyễn Huệ…


Lấy Hà nội làm tâm. Đi về hướng tây có đền Và thờ Sơn tinh. Một tỷ phú Sơn tây, từ một người bán đồng nát, nhờ vụ giải tán kho vũ khí quân dụng lúc sau giải phóng với tướng Đoàn Khuê, phất lên khủng khiếp, đã cung tiến tiền để trùng tu đền Và bằng cách dỡ tan  đền cũ và đập nguyên đoạn tường rào  cổ, Beo uớc quãng hơn 20m. Tỷ phú đã cho nâng nền hậu cung đền, dân Hà Nội đổ lỗi cho trận lụt thế kỷ năm nọ là do hành động phạm thượng này mà ra. Beo thích nhất ở đền Và là  rừng lim cổ thụ bao quanh đền. Năm nay đi lễ muộn nên chưa kịp đến, chả biết ông tỷ phú lùn tịt kia có tha cho lim không.


Mạn  này còn có chùa Mía, đền Mẫu, làng cổ Đường lâm. Cách đây hơn chục năm, Đường lâm làm Beo ngất ngây, giờ cái đoạn chặn xe thu tiền qua cổng làng từ ngoài đường đã khiến Đường lâm như chán vạn nơi khác. Chùa Mía, ngôi chùa có nhiều tượng và tượng đẹp nhất Việt nam (dĩ nhiên trong tiêu chuẩn đẹp của Beo bao hàm cả việc nó không hoành tráng kỷ lục  nọ kia). Beo có một kỷ niệm lần nào nghĩ cũng gờn gợn. Thói quen mang từ miền nam ra, mỗi lần lễ bái xong thường vuốt vào  tượng rồi xoa lên đầu lên tóc cho mát mẻ may mắn. Khi ấy chùa vắng vẻ nếu không đi nhằm ngày lễ trọng. Bức tượng Quan Thế âm phía phải chính điện gương mặt sống động tuyệt đẹp chập chờn trong ánh đèn dầu leo lét. Beo vừa xoa tay vào vạt áo Ngài bỗng nhiên, nguyên một bàn tay Ngài rời ra rơi vào tay Beo. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc  xương sống. Bức tượng  đất bị hư hại từ trước và bàn tay  đã được vá lại bằng thanh  tre trong lõi, biết vậy nhưng Beo sợ đến mức không lễ tiếp được nữa. Năm đó, tiền Beo kiếm được chỉ một tháng  đủ nuôi con chu du Anh, Mỹ đến tận giờ chưa hết.


Hướng Bắc Ninh có chùa Hàm Long, chùa Tiêu và Phật tích… Nơi nào cũng dầy dặn tích cổ kể cả ngày không hết. Phật tích đang được đại gia Phạm Nhật Vượng cung tiến  tu bổ lại. Khi tiến hành, phát lộ một cái tháp ngay dưới nền chính điện cũ. Bà bạn Beo,  học tới tiến sĩ thần phật học gì đó bên Mianma khuyên, đầu năm đầu tháng thì đừng nên tới Phật tích vì đấy là nơi ngày xưa các cụ trấn yểm âm binh, nhưng các cụ thua. Việc phát lộ cái tháp xây dở khiến đến giờ Beo mới tin bà bạn mình đúng tuy vậy  vẫn thích đến đây, phần vì phong cảnh trên cả đẹp, phần vì đại đức trụ trì là bạn lão í nhà Beo. Đại khái trong khi Beo cung kính dạ thưa thì có đoạn đối thoại thế này. Tao gọi mày bằng thầy khó quá. Thế anh cứ gọi em là  em cũng được. Thế thì mày phải đội mũ vào chứ đầu tóc mày thế kia anh em cũng vẫn khó gọi. Phật tích có một sư thầy viết chữ Hán cổ  rất đẹp. Năm ngoái Beo xin thầy chữ Cổ đạo thiểu nhân hành,  sai lão í đóng khung rồi treo trên tủ sách, về thấy lão đã treo chữ ngang còn xỏ xiên, ngang ngược gì chả được, thiên hạ chỉ xin  một chữ  lộc chữ phát, em tham xin gấp mấy lần, thế nó có nghĩa gì thế, Beo giải  lấy chồng dốt rất chán.


Beo cũng từng được chiêm bái bộ kinh cổ chép trên gỗ từ thế kỷ 13 để ở chùa Bồ Đà (dân gọi là chùa Bổ) bên Bắc Giang, thuở ấy chắc kẻ trộm đồ cổ chưa biết đến nên nó được để lỏng chỏng ngay trên mấy cái kệ gỗ sơ sài.


Kết thúc một ngày hướng này là đền bà Chúa Kho. Xe đỗ cách đền gần 2 cây số, kệ sắp lễ như kệ sách 5 tầng kín đầy sân rộng  phủ ngập chính điện, không ai lấy nhầm lễ ai. Làm ăn thì vay mà không làm ăn thì xin lộc rơi lộc vãi Bà. Beo hay được ưu tiên vào tận đại điện. Tưởng tượng cảnh quỳ trên lớp tiền dày 10 phân, tiền thiên hạ đứng ngoài thả vào lả tả trên đầu trên cổ khi mình hành lễ, dù Bà cho phát hay không thì cảm giác sung sướng cũng kéo dài rất lâu sau.


Vệt Quảng Ninh là nhiều điểm hành hương nhất. Xuất phát từ sáng sớm tại Hà nội, non tiếng sau là tới đền Chu Văn An. Đền mới được tu bổ, lại quá to quá hoành tráng với đá trắng đá xanh. Phụng mỏ như diều hâu, chỉ thấy tam linh vì tìm mãi không thấy con ly đâu. Mộ thầy trên cao 600m nữa, nghe đâu sắp được xây lại, còn là hoành tráng nữa. Thôi thì thích to cứ to, nhưng  phải đề biển cũng to mộ này ai cho tiền xây, nhìn ra bất kính bất nhã thêm bất nhân thế nào ấy, mà toàn là thầy cô giáo mới chán chứ.


Thêm một đoạn ngắn nữa là tới Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi thảnh thơi nằm trước khi mang oan án vì đàn bà. Nhìn những cây đại 600 năm tuổi trong sân chùa, Beo liên tưởng chuyện cụ dùng mỡ viết lên lá cây, kiến ăn mỡ đục lá  thành chữ Lê lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần, rồi thả  xuống sông cho dân gian truyền tụng với chuyện rùa đòi Gươm ngoài hồ Hoàn Kiếm. Đánh thẳng vào đức tin, vào tâm linh dân chúng, làm dân vận như cụ quả là bậc siêu, sau này ngoài cụ Hồ ra, chưa ai bắt chước thành công.


Cách Côn sơn dăm cây là đền Kiếp bạc, nơi diễn ra hầu hết những sự kiện lớn nhất trong đời thánh tướng Trần Hưng Đạo. Kiếp Bạc cũng là nơi duy nhất thờ đủ gia đình gồm vợ, 6 người con, 2 con rể là vua Trần Nhân Tông và tướng Phạm Ngũ Lão cộng với hàng loạt danh tướng thời Thánh, tổng cộng 30 pho. Dưới bệ tượng Thánh Trần có một đường hầm vừa đủ người chui qua chừng hơn chục mét. Các cụ già, năm thì bảo chui qua để cầu tự, năm lại bảo cầu duyên. Cái gì Beo cũng dư nhưng năm nào cũng chui, chẳng khấn được gì vì lồm cồm bò sợ cụng đầu. Coi như được thánh ngự, an tâm cả năm.


Trên đường tới Yên tử có lướt ngang đền Sinh thờ Trần bát đế. Không rõ đền này được xây dựng từ năm nào nhưng Beo đóan nó được xây để bất phân kém cạnh  đền Lý bát đế. Hồi chiến tranh trường học sinh miền nam đóng ở đấy nên dĩ nhiên đền cũ đã bị phá sạch sành sanh. Ai dị đoan thì lấy đấy làm ví dụ sửa mình, phá đình phá chùa thế mà ăn lộc chùa mệt nghỉ, leo lên tướng tá mấy chục ông có lẻ sau này.


Beo leo Yên tử từ khi khi chưa có cáp treo và chùa Đồng còn nhỏ xíu như chuồng chim bồ câu. Nằm trên đỉnh cao nhất mà phần bằng phẳng có thể đứng lễ chỉ quãng mấy chiếc chiếu,  xung quanh chùa Đồng là vực. Thỉnh mấy tiếng chuông, lúc sau mây tụ thành mưa ào tới, thanh sạch như người thoát trần. Con suối mùa hành hương thường cạn, nơi ngày xưa đức Vua ném cây gậy trúc bảo với 36 nàng phi nếu gậy chảy ngược lên núi thì các nàng quay về triều còn nếu chảy xuôi theo dòng thì được theo ta. Một số nàng tuẫn tiết tại chỗ, số còn lại chết rải rác trên đường hồi kinh. Chết ở đâu dân lập miếu thờ tại đó. Beo mấy lần ném thử ở  mấy khúc suối khác nhau, gậy đều chảy xuôi.


Đến Yên tử mới thấy  ngưỡng mộ người xưa. Từ bỏ ngai vàng về nơi thâm sơn cùng cốc, làm bạn với mây trời và với thầy lang người… Trung quốc An Kỳ Sinh. Yên tử sau này có cáp treo và rác, những chỗ nguy hiểm nhất có tay vịn bậc đi. Beo mê  hàng tùng, đẹp như không có thật. Nguyên vùng rừng đông bắc  đi trên trực thăng quân sự, cứ chỗ nào thấy Tùng mọc nhiều là y như rằng, dưới ấy có phế tích thời Trần. Giống Tùng này Beo còn thấy một hàng trước cửa Tỉnh ủy Gia Lai. Dân bảo ngày xưa cả Gia Lai toàn Tùng. Giải phóng về, Bùi San, chủ tịch ủy ban quân quản ra lệnh chặt Tùng trồng bàng thay thế. Đầu hè sâu đen to bằng ngón chân cái ăn bàng trụi lá. Ông Bùi San này còn có tích được đi vào thi ca khi về làm bí thư (hay chủ tịch Beo không nhớ rõ) Huế, Bùi San cùng với Trần Hoàn, Hai thằng hợp lực phá đàn Nam Giao để  trồng sắn.


Quảng Ninh là địa phương Beo đánh giá quản lý khai thác di tích thắng cảnh tốt nhất Việt Nam . Không thể hiểu nổi tại sao năm nay lại mời phó vua liền bà về khai ấn khai hội Yên Tử. Beo để ý, dân đồng chiêm làm lễ tịch điền khôn vật. Vua đi cày lấy hình quay TV thôi, chứ chính lễ các cụ hành trước đó cả rồi ( thà vua giả cày thật còn hơn vua thật đi giày rồi cày trên ruộng khô không khốc). Thằng cháu nó lú thì còn thằng chú nó khôn.