Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

HÀ NỘI NGƯỜI

*** CEO một công ty. Đương
kim bà Hội đồng Hà Nội. Vào hàng có nhan sắc. Sinh đứa con thứ hai, Hĩm phải
cắt bỏ toàn bộ khu vui chơi giải trí vì phát hiện một khối u. Mình dạy, thuyết
phục thằng chồng thông cảm.


Thằng chồng không thông cảm.
Hĩm, ngậm đắng nuốt cay, chịu. Chả chịu thì cũng biết làm gì khi mà y học chưa
phát minh ra  cái khu ấy nhân tạo hay
thay ghép của người khác như đã làm với tim gan phèo phổi. Hĩm nhất dạ chiều
chuộng mẹ chồng. Xe hơi cổ phiếu nhà cửa, cũng nhất dạ đứng tên chồng.


Tối qua, phone cho mình, Hĩm
cười sằng sặc mất mấy phút  mới kể được
chuyện, ra tòa li dị.


Chồng Hĩm liệt kê lí do li
dị, cho tòa và thêm cho cả bố Hĩm, Hĩm lang chạ với giai. Tổng cộng hơn 20
thằng. Không ít thằng trong số này nay đang nằng nặc đòi Hĩm, biến điều không
thể thành có thể, kiếm miếng cho bõ tiếng trong danh sách đen kia.


Chồng Hĩm liệt kê tài sản để
phân chia, tên ai nấy giữ. Hai đứa con nhường Hĩm nuôi tất mà nếu  chồng 1 vợ 1 thì Hĩm phải chu cấp. Cô làm
kinh doanh khá giả tôi công chức ba cọc ba đồng nuôi con…không tốt bằng.


Mình dạy, không thể lấy sự đê
tiện ra để đối đầu với sự đê tiện. Coi như đi chợ bị giật mất bóp. Tỉ tỉ cổ
phiếu, ba dinh cơ …chỉ  bằng cái bóp tiền
lẻ đi chợ, đàn bà mới dám nghĩ được điều ấy.


Mà, chồng Hĩm cũng chả phải
hàng hiếm hàng độc gì, suy ra từ chính đời mình.


Dân Hà Nội, gốc mấy đời.


*** Mình loay hoay tìm lời
giải, vì sao mà những Chế Linh Thanh Tuyền Tuấn Vũ Kì Duyên…ăn khách ở thủ đô
thế? Vì sao các đương kim diva divo Hà Nội chỉ được giá ở Sàigòn? Lẽ thường,
phải ngược lại mới đúng. Ở đây mình nói thuần góc độ âm nhạc, không dính dáng
mảy may tới chính chị chính em. Phòng
trà Hà nội, lần nào ra cũng thấy trưng trang trọng những cái tên mà ở Sàigòn, xếp
dưới cả Đan Trường Đàm Vĩnh Hưng mấy bậc và nằm trong diện hát lót chờ ca sĩ
chính. Hầu hết các trường phái nghệ thuật (tạm gọi) phát sinh ở Hà nội, nhưng không
thể tồn tại và phát triển trên đất ngàn năm ôn
vật, phải đi ngụ cư. Gu thẩm mỹ của người Hà Nội lười nhác uể oải đến vậy
hay là vì lí do gì khác?


*** Thời bà ngoại, Mémé rồi
đến ngay mình bây giờ, vẫn  giữ rịt quan
niệm, chỉ hàng thô bỉ vô giáo dục mới nhìn (chỉ mới nhìn thôi) vào ngực phụ nữ.
Mình còn nhớ như in, ánh mắt ý nhị quay đi khi đo áo cho nữ của bác thợ may gần
phố Nhà thờ. Nay, nhan nhản những thằng đàn ông bình bàn công khai vú vê đàn bà.
Báo đăng nhiều nhất đậm nhất, đều từ Hà nội.


Liên tục có sự cố ở những
chung cư cao cấp. Đấu tranh với ban quản lí, bằng các hình thức vừa buồn cười vừa
hạ tiện, chỉ vì vài chục ngàn bạc phí dịch vụ/tháng. Điều này rất ít thấy ở
Sàigòn, kể cả những chung cư cho người thu nhập thấp. Người ta chưa kịp chuẩn
bị tiền bạc cho mức sống thoát nghèo hay chưa kịp chuẩn bị văn hóa sống
trong không gian đô thị?


Sẽ phải nghĩ kĩ, vì đâu, ra
nông nỗi.