Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

TRANH CHỮ NHƯ HUY VẼ BÙI NGỌC TẤN



Vài ý cá nhân, rời rạc, và có khi lạc đề về nhà văn Bùi Ngọc Tấn (BNT)
1- Theo mình đoạn BNT tả/kể về cái cây trước cửa sổ phòng của đôi vợ chồng trẻ, tức cái cây (cây gì không nhớ) dần dà trở nên thân thiết với cả hai, để rồi một ngày cả hai bỗng thấy trống vắng và xa lạ khi nằm bên nhau, mà rồi mãi mới nhận ra sự trống vắng trong tâm hồn họ lại có nguyên nhân từ việc cái cây ngoài cửa sổ đã bị chặt lúc nào họ không biết, mà lý do bị chặt là để đào hầm chống bom Mỹ- đoạn ấy quả là một đoạn viết rất cao tay về chiến tranh, tức về điều gì đó sâu xa có tính phi/phản tự nhiên, có nghĩa là BNT qua chi tiết ấy đã "làm lộ ra" (dùng chữ của Heidegger) cái "sự-thật" tận căn về chiến tranh: tính phi/phản tự nhiên và phi/phản nhân tính của nó, mà làm lộ ra một cách như-không, nhẹ như không, như đùa. Đấy là điểm cao thủ của BNT. Và đoạn văn đó có lẽ là một trong những đoạn văn hay nhất viết về chiến tranh trong văn học VN
2- Đoạn BNT tả cảnh đôi vợ chồng trẻ đạp xe về đêm muộn và phải ngủ nhờ ở một trường học (?), và ở chính nơi đó vợ của nhân vật chính loã thể tắm dưới ánh trăng có lẽ cũng là một trong những đoạn văn đẹp nhất viết về tình yêu thời chiến của văn học Việt Nam, mà ở đó, tính tình cờ, thiên nhiên, sự ngẫu nhiên, và cả những hiểm nguy của không gian xa lạ, sự-không-biết, tính hương xa (exotic) đã làm nền rất thành công cho khoảnh khắc người nam và người nữ, trong một khung cảnh tối tăm và lưu lạc, gặp được chính bản thể (being/substance)của nhau ( có lẽ trong văn học Việt Nam có một đoạn văn khác có thể so sánh được với đoạn văn này ở các tính chất kể trên- đó là đoạn văn của Phạm Thị Minh Thư trong "Có một đêm như thế", mà ở đó, một cô gái trẻ, trên đường đi sơ tán, do xe đạp hỏng đã phải trú lại một đêm ở một khung cảnh xa lạ, bên những người bạn xa lạ…)
3-câu chuyện về già Đô, khi ra lại cuộc đời, phải trú ngụ tạm ở nhà nhân vật chính, lủi thủi như một chiếc bóng, ngày đi nhặt rác và ăn xin, tối muộn rón rén vào nhà ngủ nép sát tường không dám gây tiếng động để rồi sáng hôm sau lại dậy sớm đi ra đường kiếm sống, và rồi một ngày khuất dạng, biến mất khỏi gia đình nhân vật chính ( cũng như biến mất luôn khỏi tiểu thuyết)- có lẽ là một trong những câu chuyện xuất sắc nhất của văn học Việt Nam nói về tình huống (condition) của con người nói chung trong xã hội Việt Nam, thậm chí hơn thế, trong cõi đời này, một tình huống có rất nhiều điểm chung với những gì Kafka luôn quan tâm tới trong các tác phẩm của ông.
4- truyện ngắn "Người Chăn Kiến" có lẽ là một đốm sáng loé lên cuối cùng của BNT- sau cái "truyện kể năm 2000"
5- "Viết về bè bạn" và "Biển và chim bói cá" là những thất bại rất nhạt. Nếu như "Viết về bè bạn" hầu hết chỉ là các bài viết thù tạc, kiểu dùng-chữ-giả-ơn, theo nghĩa tầm thường nhất của khái niệm này, và không có gì đáng nói, thì "Biển và chim bói cá" cho thấy cái khả thể của một BNT nếu không bị đi tù- một khả thể rất đáng sợ của một nhà-văn-trung-bình-thời-đổi-mới
6- Trong truyện kể năm 2000, nếu mình nhớ không nhầm, có đoạn BNT gặp Tô Hoài, và được nhà văn này khen, "văn anh đẹp đấy". Đó là một lời khen về tiếng Việt chính xác, và theo mình là rất-đáng-kể
7- nghe nói BNT có một cuốn hồi kí mới viết trước khi qua đời. Không biết ra sao nhỉ? chắc có lẽ nếu in thì mình vẫn mua
8-Ở VN, và có lẽ ở nhiều xã hội đầy ẩn ức và ít-học, nhà văn luôn được sùng bái. Sự sùng bái này theo mình không chỉ là sự sùng bái mang hơi hướm hiện đại, tức sự sùng bái cái gọi là author, đã được Roland Barthes và Derrida giải kết cấu từ lâu. Sự sùng bái này thậm chí còn mang hơi hướm thần bí, theo nghĩa nó ban cho nhà văn một vị thế đôi khi lên đến mức Shaman. Hình ảnh các người hâm mộ ngồi quây quần hoặc là ở độ cao thấp hơn ngước lên các nhà văn và cười hiền lành cầu tài, hoặc là ngồi sán lại bên cạnh các nhà văn với tay chân quặp chặt (như bắt được của quý) vào vai hay khuỷu tay các nhà văn ( dĩ nhiên với các chiếc miệng cười run run mím chi đầy vẻ kính ngưỡng và sợ hãi) có lẽ là hình ảnh cliche nhất trong mối quan hệ nhà văn-người đọc kiểu Việt Nam, thậm chí có khi nó còn cliche hơn những hình ảnh lãnh tụ cười bác ái ôn tồn vẫy tay chào quần chúng.
Cộng thêm vào đây- nhiều nhà văn cũng nghĩ về mình như các shaman, để rồi để râu, cạo trọc, uống rượu, thờ Phật, cầu cơ và phán tiên tri qua thơ. Chúng ta có thể thấy đầy các shaman này ngoài cuộc đời ( và trên Facebook, dĩ nhiên)
9- Không cần phải nói là các status trên đây chỉ để bốc phét cho vui