Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

GIÁO SƯ VÀ DÁO XƯ-2

4. Học hàm giáo sư gắn rất chặt với lợi nhuận, cũng như hầu hết-nếu không muốn nói là tất cả- các danh vị của Mỹ bao giờ kèm sau nó cũng là lợi nhuận.
Có lẽ vì thế mà họ giàu. Họ không cần thứ hữu danh nhưng vô thực. Giấy rách thì họ vất luôn làm lại tờ  giấy mới khác, chứ còn cái lề, giữ để mà chi cho thành chắp vá.
5. Beo đứng nguyên buổi sáng mưa và rét ở Văn Miếu, phần vì có 2 người bạn được phong Phó giáo sư trong buổi lễ hôm ấy, phần vì muốn quan sát thần khí của các thành phần tham gia.
Hào hứng. Trân trọng. Nhưng...
Bài phát biểu lê thê vừa đọc vừa nói vừa giảng của nguyên thứ trưởng Trần Văn Nhung, cho thấy, ông chẳng coi người nghe của mình, những trí thức bậc cao nhất nước nhà, là cái thá gì khi yêu cầu họ phải online, USB chứ đừng gửi cho hội đồng tài liệu gần hai chục cân. Ông cũng (tự) minh oan khi so sánh tỷ lệ giáo sư trên đầu người của ta còn thua nước Đức...
Thôi thì ông bậc cây đa cây đề, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, phàm gắn hai chữ nhà nước tất lẽ dĩ ngẫu,  ông nói gì kệ ông, nhưng đến bài phát biểu của tân giáo sư trẻ nhất, thì...
6. Trong lễ tốt nghiệp đại học của Giai Xinh, cậu tốt nghiệp loại giỏi nhất đại diện các tân cử nhân phát biểu. Đã mấy năm mà ý tứ  Beo vẫn không quên bởi, có thể trích ra như danh ngôn hàng chục câu trong bài nói ngắn đầy hài hước, làm cả hội trường  bò ra cười ấy.
Cậu bảo, đại ý: lớp chúng ta cần nhanh hơn. Nếu có người chắn phía trước, tức chúng ta chưa đủ nhanh. Lớp chúng ta cần mạnh hơn. Nếu vẫn thất bại, tức chúng ta mạnh chưa đủ.
Cậu cảm ơn mỗi bố mẹ.
Hôm ở Văn Miếu, ghi nhanh cảm xúc của mình, Beo viết: Bài phát biểu với những kính thưa, cảm ơn, đề nghị của tân giáo sư trẻ nhất, nó là của nô lệ nói với ông chủ.
Tâm thế và tư thế tiêu biểu, của một  nô lệ.