Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

SƠ LƯỢC VỀ VĂN MIẾU

Trước khi nói về văn miếu, xin nói về... võ miếu đã, vì hệ thống đền miếu của Trung Hoa cổ, cũng như của các chư hầu thần phục nó, chia ra hai ban, văn võ song toàn.
1/. Võ miếu:
Hệ thống cúng tế của võ miếu được hình thành vào đời Đường Huyền tôn. Niên hiệu Khai Nguyên thứ 19 (722), Đường Minh Hoàng cho xây dựng "Thái công Thượng phụ miếu", chủ yếu thờ Thái công Vọng (Khương Tử Nha), phó tự là Trương Lương, với 9 vị lương tướng khác cùng phối hưởng. Nghi lễ cúng tế võ miếu (cũng như văn miếu) được cử hành vào tiết Trọng xuân và Trọng thu hàng năm.
10 vị lương tướng phối hưởng được chia ra: tả ban là Bạch Khởi, Hàn Tín, Gia Cát Lượng, Lý Tĩnh, Lý Tích; hữu ban là Trương Lương, Điền Nhượng Thư, Tôn Võ, Ngô Khởi, Nhạc Nghị.
Sau đó, qua các đời người ta lại thêm vào, khiến danh sách võ tướng cứ thế dài ra, nào Phạm Lãi, Tôn Tẫn, Hoắc Khứ Bệnh, Mã Viện, Quản Trọng, Bành Việt, Quách Tử Nghi v.v... thành ra tới 64 người.
Sau đó, trải biến thiên của lịch sử, các đời Tống, Nguyên, Minh, danh sách thờ tự khi trồi khi sụt, vì mỗi triều đại đều muốn đưa thêm "danh tướng" của mình vào, hoặc tinh giản đi những vị không phù hợp. Đến đời Thanh thì chỉ còn thờ mỗi Quan Vũ. Rồi chiến loạn liên miên, Hoa kiều phiêu bạt tứ phương, dựng "Quan đế miếu" ở những nơi họ ngụ cư, Quan miếu chính là hình thức biến tướng của võ miếu, và nhờ đó mà giăng trải cùng khắp thiên hạ.
2/. Văn miếu:
Nếu võ miếu thờ bậc lương tướng, thì văn miếu là để thờ các vị danh nho. Khởi nguồn từ Trung Hoa, văn miếu lan truyền sang các nước Đông Nam Á, tạo nên thanh thế lớn cho Nho học.
Thành ngữ Trung Hoa có câu “Bắc Khổng tử, Nam Văn Xương”, ý nói về phong tục thuở xưa, ở miền bắc Trung Hoa, văn miếu là đền thờ Khổng tử, còn ở miền nam thì văn miếu thờ Văn Xương. Vì vậy, Văn miếu thời cổ có hai loại: thờ Khổng tử, và thờ Văn Xương.
a. Miếu Văn Xương:
Văn Xương đế quân, tức Thục vương Trương Dục, ngoài chức năng cai quản việc văn học và khoa cử, ông còn được xem là vị thần tống ôn, được dân gian vùng Tứ Xuyên tin tưởng là có tài phép chuyên trị ôn dịch.
Văn Xương đế quân cùng với Đại Khôi tinh quân, Châu Y tinh quân, Thuần Dương đế quân và Quan Thánh đế quân được tôn xưng "Ngũ Văn Xương", theo quan niệm cổ Trung Hoa, là một bộ các vị thần chủ trì văn học.
Miếu Văn Xương luôn có hai thư đồng câm điếc đứng hầu, tượng trưng cho thiên cơ bất khả lậu.
Kể từ Nguyên, Minh trở về sau, do biến thiên hưng vong của triều đại, quy mô việc tế tự Văn Xương cũng theo đó mà nhạt dần. Tuy nhiên, ở tỉnh Tứ Xuyên, "Văn Xương cung" ở Thất Khúc sơn, thuộc huyện Tử Hoài vẫn là một thắng cảnh cuốn hút du khách. Hàng năm, vào ngày vía Văn Xương (mùng 3 tháng 2 âm lịch), ở đây tổ chức ngày hội lớn gọi là "Hội Văn Xương", tao nhân mặc khách khắp nơi tụ về đề thơ ngâm vịnh.
Văn Xương tinh quân dù là vị thần văn học đỡ đầu khoa cử, tống trừ dịch bệnh, nhưng phạm vi ảnh hưởng không tỏa khắp, nên miếu thờ Văn Xương phải cam chịu mai một dần, để miếu Khổng tử dương danh thiên hạ, truyền bá văn minh Hoa Hạ cho khắp trung nguyên, và lan rộng ra cả các chư hầu.
b. Miếu Khổng tử:
Khổng miếu, còn gọi Phu tử miếu, Chí thánh miếu, Tiên sư miếu, Tiên thánh miếu, Văn Tuyên vương miếu, thường gọi tắt là Văn miếu.
Đây là ngôi đền dùng để thờ Khổng tử, vị triết gia được tôn xưng "Vạn thế sư biểu".
Năm 478 tr.Cn, tức một năm sau khi Khổng tử mất, Lỗ Ai công cho xây dựng đền thờ ở quê hương ông (huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông) để tưởng nhớ. Đó là ngôi Văn miếu đầu tiên ở Trung Hoa.
Đời Bắc Ngụy, năm +489, xây dựng Khổng miếu tại kinh thành (nay thuộc huyện Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây). Qua đời Đường, năm 630, Thái tôn hạ chiếu, lệnh cho khắp nơi phải xây dựng văn miếu, tôn vinh Nho học. Từ đó, văn miếu được các thể chế Trung Hoa công nhận và đặt ra quy chế thờ tự chặt chẽ trang nghiêm.
Lúc ban đầu, văn miếu chỉ thờ Chu công và Khổng tử. Sau, người ta lại thêm vào 72 môn đệ của Khổng. Cứ thế, mỗi triều đại lại thêm các danh nho vào, đến đời Trung Hoa Dân Quốc đã là 162 vị thánh hiền.
Khi Trung cộng chiếm đại lục thì Khổng tử bị hạ bệ, bởi chủ tịch Mao không thể nào chịu được nổi việc ngoài mình ra, lại còn có một vị "Tố vương" (ông vua không ngai) khác được tôn sùng.
Rồi "Cách mạng văn hóa" nổ ra, Trung Hoa rơi vào kiếp nạn 10 năm đại loạn (1966-1976), các di tích văn hóa cổ xưa đều bị phá hủy, Khổng tử bị Cộng đảng phê bình, đền miếu thờ Khổng bị trưng thu, tượng Khổng bị lật nhào. Khí thế cách mạng của Hồng vệ binh quả là có sức mạnh kinh hồn, bình địa cả giang san.
Mãi đến năm 1984, việc tế lễ Khổng tử ở Văn miếu Khúc Phụ (văn miếu đầu tiên) mới được khôi phục, và các văn miếu trên toàn đại lục mới được tôn tạo phục hồi. Và từ năm 2004, năm bắt đầu thành lập hệ thống Học viện Khổng tử, thì nghi thức tế tự Khổng tử ở các văn miếu được chính quyền đứng ra chủ trì trang trọng.
Ngoài Khúc Phụ, Sơn Đông, hiện ở trung quốc còn có rất nhiều văn miếu cổ xưa nổi tiếng, như văn miếu ở Trịnh Châu (thuộc tỉnh Hà Nam) được xây dựng vào đời Hán Minh đế (năm 58-75), Khổng miếu ở Bắc Kinh (năm 1306), văn miếu Thiên Tân (1436), văn miếu Bình Dao ở Sơn Tây (1163), văn miếu Chính Định ở Hà Bắc (1374), văn miếu Nam Kinh (1034) v.v... Các văn miếu trở thành trọng điểm di tích văn hóa của quốc gia.
3/. Văn miếu ở các nước:
- Đài Loan: Khổng miếu ở Đài Nam là văn miếu đầu tiên ở lãnh thổ này, do Trần Vĩnh Hoa dựng vào năm 1666. Vào ngày 28 tháng 9 hàng năm, nơi đây đều cử hành đại lễ, do đích thân thị trưởng làm chủ tế.
Khổng miếu ở huyện Đại Đồng, Đài Bắc, cũng là ngôi văn miếu danh tiếng. Năm 2008, tổng thống Mã Anh Cửu từng đích thân làm chủ tế trong ngày đại điển ở đây.
- Triều Tiên: Ngoại trừ Trung quốc ra, thì Triều Tiên là đất nước có nhiều văn miếu nhất. Khi còn là nước Cao Ly, ở đây đã bắt đầu kiến tạo văn miếu. Thời Triều Tiên Thái tổ Lý Thành Quế (1335-1408), nhà vua đã ban lệnh cho khắp địa phương các cấp đều phải xây văn miếu. Văn miếu Triều Tiên ngoài Khổng tử ra, còn thờ 18 vị thánh hiền của họ.
Tổng cộng Triều Tiên có 362 tòa văn miếu. Sau Đệ nhị Thế chiến, đất nước chia đôi, rất nhiều văn miếu ở Bắc triều Tiên bị chuyển đổi mục đích sử dụng; Nam Hàn vẫn bảo tồn và hoạt động tế tự cho 232 văn miếu trên phần lãnh thổ của mình.
- Nhật Bản: tại đây có các văn miếu cổ xưa như Văn miếu Nagasaki; Văn miếu Bunkyo-ku, Tokyo; Văn miếu Nagasaki.
- Indonesia: ở ngoại ô phía nam thủ đô Jakarta, một văn miếu được hoàn thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2010, do Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono chủ trì lễ khánh thành, kêu gọi mọi người dân cùng nhau xây dựng một xã hội hài hòa hợp tác.
4/. Văn miếu ở Việt Nam:
Trong số các phiên thuộc của đế quốc Trung Hoa xưa kia, thì Việt Nam là nước chịu tác động văn hóa Trung Hoa sâu sắc nhất.
Văn miếu được kiến tạo sớm nhất ở Việt Nam, theo các thư tịch chính thức, là Văn miếu thời Lý ở kinh đô Thăng Long, xây dựng năm 1070. Sang đời Trần, năm 1397, các phủ đều phải xây dựng trường học, văn miếu cũng theo đó mà lan tỏa khắp nước.
Các văn miếu cổ nổi tiếng có Văn miếu Hà Nội, Quốc Tử giám ở cố đô Huế, Văn miếu Hội An, Hải Dương; ngoài ra, có một số văn miếu mới được xây dựng, như Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai), văn miếu Vĩnh Phúc...
Đối tượng và nghi thức thờ cúng của văn miếu Việt Nam được mô phỏng theo quy chế tế tự của Trung Hoa, tuy có đưa thêm các danh nho bản quốc vào thờ.
By: Vinh Huy Le