Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

TẾT VỚI CHẢ NHẤT HAY VĂN HÓA PHẢN VĂN HÓA!

*** Beo để ý, trước và sau
Tết, tịnh không một ông cựu ông tân nào hàng cuốc da đi thăm trại trẻ mồ côi
hay nơi nuôi người già cơ nhỡ, tinh đến chỗ lắm tiền nhiều bạc. Cũng không biết
ai cố vấn cho các ông, năm ngoái chiều 30 bác Khỏe thăm bộ công an, binh lính
lục tục đóng bộ quay lại cơ quan đón tiếp trong một chiều lẽ ra giành cho gia
đình, cho ông bà tổ tiên. Ngần ấy người trong hội trường không bằng ngần ấy lần
chửi thầm, Beo chớ kể làm người.


28 Tết năm nay, Beo cũng nhận
được cái trát triệu tập vừa gấp vừa nghiêm đi đón chào bác Lú. Tận hôm nay mới
đọc được. Hoặc các bác í không có gia đình, hoặc không có ông bà tổ tiên chứ
chả nhẽ,  cái văn hóa thăm viếng tối
thiểu đậm đà bản sắc dân tộc ta như thế, mà
cũng không biết.


*** Từ thời kỳ đổi mới đến
nay, mới có hai cuộc cách mạng thực sự được tiến hành triệt để. Một là cấm đốt
pháo. Những cảm xúc linh thiêng phút giao mùa chết theo cùng tiếng pháo. Và thế
là, thay vì  chờ hiệu lệnh pháo nổ để đốt
nhang khấn vái bàn thờ thiên, bàn thờ tổ tiên, đám trẻ nay nhao ra đường, hướng
mắt vào cái đồng hồ cả mặt lẫn kim hình chai bia  quảng cáo mà ti tu oan uizaaaaaaaa. Cuộc cách mạng thành công thứ hai là  đội nồi cơm điện. Chưa thấy tổng kết (trung
thực) nào  từ ngày úp cái mũ vừa nóng vừa
bất tiện kia tai nạn vỡ óc giảm được bi nhiêu phần trăm để oánh giá tiếp.


Cũng chưa thấy ai nghĩ cách hạn
chế bia rượu. Hàng trăm thứ tệ nạn sinh ra từ bia rượu, diễn ra hàng ngày hàng
giờ. Ai cũng thấy ai cũng biết và không ai nghĩ chuyện chống lại nó. Hẳn rất
nhiều người đàn bà, nhất là ở miền Nam , sẽ dựng tượng thờ ông lãnh tụ
nào làm triệt để được cuộc cách mạng này, bởi nó sâu sắc hơn chuyện bia rượu
say xỉn, nó là một cuộc cách mạng về lối sống.


*** Ngoại trừ các đức tin
thuộc về tôn giáo thì con người ta hẳn phải khủng hoảng niềm tin ghê gớm lắm
mới suốt ngày chăm chắm vào cụ rùa Hồ Gươm đến thế. Theo đà này, cụ mà
thăng  hẳn đó là ngày tận thế, tận thế
giới luôn chứ chả riêng tận Việt. Nhẹ nhất cũng quy trách nhiệm này nọ cho dăm
bảy ông bà đi chăn kiến. Beo mà là ông Cỏ, Beo lôi tuột cụ lên bờ, đè nghiến cụ
ra xem giới tính là gì, cụ già hay trẻ và, quan trọng nhất là xem trời đất có
vần vũ giông bão gì lúc cụ bị đè nghiến ra ấy, hay không.


*** Nghe nói năm nay tới vài
triệu người coi chương trình Táo quân của VTV. Nội dung các chương trình này
phải nói là rất khá (riêng năm nay chưa coi), tuy nhiên các nhân vật mà nó lốt
vai khiến Beo rất khó chịu. Táo quân là nhân vật dân gian thờ phụng, hầu hết
các gia đình người Kinh đều long trọng tiễn ông đi và nghênh đón ông về vào dịp
Tết. Các vùng quê Bắc Bộ và một phần Tây Nam Bộ, dân vẫn thờ Ngọc Hoàng Thượng
đế, kính cẩn ngang thờ Phật, thờ Chúa. Nay các đấng cao minh từ bi ấy biến
thành những thằng hề dở gái dở zai bằng xương bằng thịt, cấn cá trong đầu không
thể chịu được. Đến Ngọc Hoàng thượng đế còn ra nông nỗi vậy, chả mấy nả Đức
thánh Trần, Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông hay
gần nhất đang nằm ườn đấy…sẽ tái thế qua Xuân Bắc Công Lý Vân Dung mà múa
hát cười cợt.  Khi người ta cố gắng tạo
dựng lòng tin cho công chúng vào một con rùa thì lại hồn nhiên phá hoại những
nhân vật thuộc về đức tin, như thế.


Ban thờ Nam Tào-Bắc Đẩu tại
chùa Mía.




MYANMAR

Khai bút. Chả lẽ chửi bậy.
Một cái xứ nghèo như Việt ta cách đây 30 năm, thế mà trong hiệu sách có hàng
trăm tựa sách giới thiệu về văn hoá lịch sử thể chế…viết rất đơn giản và hấp
dẫn với người nước ngoài. Vào hiệu sách nhà mình, tìm đỏ con mắt bên phải toét
con mắt bên trái mới ra một cuốn mà đọc thử, Việt ta chính hiệu đây còn déll
hiểu, nói gì tây.


Thứ nữa, từ trung tâm thành
phố lớn tới chợ chồm hổm nơi tỉnh lẻ, rất sạch. Không một cọng rác. Nếu phải so
sánh thì còn sạch hơn NYork. Mỗi tội bụi vì vỉa hè đất với gạch loang lổ.


Cảm nhận chung là thú vị khi
thấy lại đất nước mình một thuở. Xe đò xe bus nêm cứng người đeo bám từ nóc tới
cửa xe. Hàng cơm quán nhậu trên vỉa hè cạnh cống rãnh ồn ào. Khẩu vị không quá
cay như Thái và cũng không quá nồng càry như Ấn. Myanmar hạn chế tối đa nhập khẩu
nên hàng Trung quốc lèo tèo vài ba loại trái cây lê táo hay vòng nhẫn giả đá
quý. Ấy vậy nhưng mỏ đá quý lớn nhất đã thuộc về Trung quốc. Một đại gia Hà thành
cũng là chủ nhân một mỏ đá quý tại đây. Và như một lẽ đương nhiên, tất cả các
hàng quán vào loại sang trọng nhất đều của người Trung quốc, nói thách như quỷ.




Cấm chụp hình binh lính là
quy định ngặt nghèo nhất bên cạnh quy định nhà báo và luật sư thì visa phải xin
từ Bộ ngoại giao, sứ quán không có quyền cấp. Quy định theo chiêm tinh những
người đẻ vào ngày thứ Ba mới được thượng quốc kỳ, thứ Tư mới được hạ cờ và xứ
này còn không giống ai ở chỗ một tuần có tới 8 ngày. 24h của ngày thứ Tư được chia
đôi. Ngần ấy ngày ở Myanmar không gặp một cuộc cãi vã gây gổ trộm cắp, cũng
không thấy va quẹt tai nạn giao thông nào, dù nước Myanmar như một bãi xe nghĩa
địa khổng lồ, chạy ầm ầm ngoài đường. Rất hiếm xe máy và có thấy cũng chỉ ở các
tỉnh lẻ.



Chùa chiền đẹp thôi rồi là
đẹp. Nghèo thế mà chùa phủ toàn vàng ròng. Hình chụp chùa Swedagon ở Yangoon
với 60 tấn vàng và vẫn được đắp vàng tiếp tục hàng năm bằng tiền công đức của
khách thập phương. Các pho tượng Phật khiến mình cực kỳ ấn tượng về vẻ tươi sáng
rất đời, không trầm tư như trong chùa Trung Quốc và đương nhiên, không vô cảm
như tượng Phật Việt Nam .



Đạo Phật tại Myanmar theo phái Nam tông khổ hạnh. Khất thực trước
6h sáng và  không ăn  khi đã quá ngọ. Mình mà tu ở đây chỉ một tháng
bảo đảm eo thon như hoa hậu.



Làm công quả ở chùa.



Gái Myanmar đẹp cực
kỳ.
Da nâu mắt to mặt hiền.




Mua một thẻ internet 1.300đô
và không  dùng được. Đứa bán nó  khăng khăng không phải lỗi tại nó và không hoàn
tiền. Điện thoại quốc tế chỉ gọi được 
tại tiếp tân khách sạn. Ngoài đường rất nhiều trạm điện thoại công cộng thế này.


* Chúc mừng năm mới tất cả
các bạn ghé thăm blog Beo nhé.


* Nhím còi: Tối nay chị vượt
biên tiếp, quay về sẽ viết riêng tặng bé một entry về đàn ông.


* Sau 16 sẽ trả nợ tất cả các
bài năm cũ chưa viết xong.