Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Văn hóa kinh doanh Mỹ (lạm bàn)

Quyết định rút khỏi thị trường Trung Quốc của Google đã gây xôn xao cộng đồng internet lẫn kinh tế với hai chiều suy nghĩ trái ngược nhau. Một bên chỉ trích sự vô trách nhiệm của Google khi bất tuân những cam kết với chính quyền lúc mới gia nhập thị trường Trung Hoa, còn một bên cho rằng đó là quyết định mang đậm màu sắc văn hóa kinh doanh Mỹ. Tôi cho rằng lựa chọn rời khỏi thị trường Trung Quốc của Google là đầy bản lĩnh khi gã khổng lồ đứng giữa áp lực chính trị và cám dỗ của một thị trường đầy tiềm năng. Qua chuyện Google, chúng ta có thể thấy được một phần đặc điểm văn hóa kinh doanh Mỹ, một quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng bổ sung để thúc đầy sự phát triền tột bật.


Rất bản lĩnh trong kinh doanh!  Đầu năm 2006, Google chấp nhận mọi điều kiện ràng buộc của chính quyền Trung Quốc để có thể gia nhập thị trường. Ngay cả những điều khoản đi ngược lại tiêu chí kinh doanh của Google như cho phép người có chức năng được quyền kiểm soát tài khoản email của một số cá nhân hoạt động nhân quyền, hay tích hợp tường lửa vào các kết quả tìm kiếm. Bất chấp phản ứng mạnh mẽ của cư dân mạng nói chung và người sử dụng Google ở các nước khác nói riêng, Google vẫn tự biến mình thành công cụ của chính quyền để có thể tiếp tục bành trướng thế lực. Đây là một bước đi táo bạo.


Cho đến đầu năm 2010, Google quyết định rời khỏi Trung Quốc. Nhận thấy tình hình kinh doanh không như mong đợi, rắc rối với tin tặc và vấn đề chính trị, Google một lần nữa thề hiện bản lĩnh khi đổ sông toàn bộ những cố gắng và tiền bạc trong 4 năm qua ở Trung Quốc. Quyết định ra đi còn thể hiện Google thật sự là một gã khổng lồ không bị khống chế bởi các thế lực chính trị. Sự ngạo mạn của Trung Quốc bị dập tan và thay thế bằng hụt hẫng khi lần đầu tiên chính quyền bị từ chối bởi một công ty nước ngoài. Điều này cho thấy Mỹ rất thực tế khi đặt lợi ích lên hàng đầu và ít bị chi phối hay ảnh hưởng bởi cảm xúc hay tác động xung quanh.


Mặt khác, hợp chủng quốc Hoa Kỳ vẫn có những suy nghĩ trái ngược. Lấy ví dụ Yahoo! từ chối việc sáp nhập với Microsoft. Đầu năm 2008, Microsoft chào hàng mua lại cổ phiếu của các cổ đông Yahoo! với giá cao hơn thị trường 65%, hay đổi ngang cổ phiếu Microsoft với tỉ lệ 0.95 cổ phiếu Microsoft cho 1 cổ phiếu Yahoo! Đây là một giao dịch siêu lợi nhuận cho các cổ đông Yahoo! lúc bấy giờ, thế nhưng giám đốc Yahoo!, Jerry Yang, đã cố gắng ngăn cản việc mua bán này. Theo tôi, việc làm của giám đốc Yang thể hiện rõ lối suy nghĩ của một người phương Đông. Jerry Yang là người Mỹ gốc Trung Quốc, đồng sáng lập ra Yahoo! Đối với ông ta, Yahoo! là một đứa con tinh thần. Được sinh ra và nuôi dưỡng bởi chính bản thân Yang. Vì thế, mặc dù tình hình tài chính khó khăn, và biết rõ sáp nhập với Microsoft sẽ mang lại một tương lai tốt hơn, thế nhưng giám đốc Yang không thể chấp nhận việc con mình rơi vào tay người khác. Quyết định của Yang cũng rất bản lĩnh khi bất chấp tất cả và nguy cơ mất vị trí giám đốc, thế nhưng lại bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cảm xúc bản thân.


Tốt gỗ hay nước sơn? Mỹ rất chú trọng hình thức. Mặc dù nội dung cũ, nhưng lúc nào cũng phải hoàn thiện và thay đổi bề ngoài đề tự làm mới mình. Lấy ví dụ hãng điện thoại AT&T, hãng di động lớn nhất nước Mỹ. Chỉ trong vòng vài năm từ 2001 tới 2007, công ty đã đổi tên nhiều lần. Từ AT&T thành Cingular, rồi Cingular ngược lại AT&T. Vẫn công ty ấy, vẫn cách kinh doanh ấy, thế nhưng bản hiệu, logo, màu sắc tượng trưng thay đổi liên tục đã đánh lừa khách hàng về sự phát triển, đổi mới của công ty. Điều này chứng tỏ một khi đã đạt tới một mức nhất định của chất lượng sản phẩm, điều quan trong nhất đối với các nhà kinh doanh Mỹ là gây ấn tượng với khách hàng. Việc tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ là vô nghĩa khi người tiêu dùng đánh giá sản phẩm qua bề ngoài.


Việc chú trọng hình thức trong văn hóa kinh doanh được khẳng định ở sự thất bại của Sprint. Sprint cũng là một trong những ông lớn của ngành kinh doanh viễn thông. Sprint đã không ngừng trau dồi kỹ thuật, gia tăng chất lượng cuộc gọi, thế nhưng đã thất bại đổi mới hình thức. Trong mắt người tiêu dùng, Sprint là một công ty già cỗi và lạc hậu – mặc dù dẫn đầu về công nghệ 3G và 4G. Nhiều dự đoán Sprint sẽ phá sản trong năm nay hoặc năm tới.


Có gan làm giàu… Vào cuối thế kỷ 19 khi Mỹ không còn là thuộc địa của Anh, người dân trên toàn thế giới tập trung di cư qua Mỹ, miền đất hứa. Miền đất hứa ngoài đất đai màu mỡ hay những mỏ vàng khổng lồ, Mỹ còn là một nơi tạo điều kiện cho bất kỳ ai có thể phát huy ý tưởng kinh doanh của chính mình. Một điều mà không thể tìm được ở bất kỳ nơi nào trên thế giới lúc bấy giờ. Hình thức đầu tư, cho vay cũng xuất hiện thời gian đó. Tính gan dạ làm kinh doanh tồn tại cả trăm năm và ăn sâu vào suy nghĩ của người Mỹ. Học sinh Mỹ dám tạm gác lại việc học để theo đuổi một phát kiến của mình. Nếu văn hóa kinh doanh Mỹ không có tính gan dạ này thì ngày nay chúng ta không có những công ty lớn như Microsoft, Dell, Facebook, v.v


… nhưng hay vội vàng và liều lĩnh. Thế nhưng không phải ý tưởng nào cũng thành công. Có rất nhiều người đã quá vội vàng gia nhập thương trường khi chưa nắm rõ những kiến thức cơ bản, và những ý tưởng xa rời thực tiễn hay không nắm bắt được sở thích khách hàng. Tính liều lĩnh này như là một con dao hai lưỡi. Chính vì văn hóa tự do phát triển ý tưởng đã thúc đẩy ngân hàng hay các công ty tài chính dễ dàng hơn trong vấn đề mượn nợ. Một khi mô hình kinh doanh bị thất bại, như một phản ứng dậy chuyền, người làm kinh tế không còn khả năng chi trả cho tiền mượn ngân hàng dẫn tới khủng hoảng tài chính, như vụ khủng hoảng cho vay như hiện nay.


Biết rõ quyền lợi bản thân. Một điều thú vị của văn hóa kinh doanh Mỹ là người Mỹ hiểu rõ và tận dụng triệt để các quyển công dân và quyền lợi kinh doanh của mình. Mặt tốt nó giúp giữ vững trật tự và sự công bằng cho mọi người. Mặt khác, nó gò bó việc giao tiếp giữa người và người trong xã hội, đồng thời gia tăng các vụ kiện tụng.


Nhìn xa trông rộng. Những đặc tính của văn hóa Mỹ nêu ra trong bài này đều xuất phát từ một suy nghĩ chung là đặt lợi ích lên hàng đầu. Thế nhưng những lợi ích này không chỉ đơn thuần là ngắn hạn mà còn cho tương lai xa. Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục mua dầu thô từ các nước khác trong khi lưu trữ gần như toàn bộ lượng dầu khai thác được. Mặc dù giá dầu tăng cao, bán sản lượng dầu lưu trữ lúc này sẽ mang lại lợi nhuận cao, thế nhưng Mỹ vẫn tiếp tục mua dầu của các nước khác. Một khi nguồn năng lượng đen này cạn kiệt thì lợi nhuận Mỹ thu về là khổng lồ.


***


 Mỗi nền văn hóa đều có cái hay và cái dở của riêng họ. Và Mỹ đã thành công trong việc hòa quyện các cái hay và loại bỏ những cái dở qua các bài học đúc kết từ sự thất bại. Để đối mặt tính đa dạng chủng tộc, tôi nghĩ Mỹ đã chú trọng giáo dục học sinh cách tổ chức và cách làm việc trong cùng một tập thể. …


Còn tiếp về giáo dục Mỹ

Cá tháng tư ?

751 ngư dân Việt Nam đang bị bắt giữ tại nước ngoài (vnexpress)


Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Hội nghị bàn về tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ hôm qua  cho biết, từ năm 2006 đến nay đã có 641 vụ với 1.186 tàu và 7.045 ngư dân của Việt Nam bị bắt giữ và xử phạt tại các nước, vùng lãnh thổ. Theo thống kê sơ bộ, hiện còn khoảng 751 ngư dân vẫn còn bị giữ ở nước ngoài. Malaysia đang bắt 450 người, Indonesia giữ 280 người, Philippines giữ 21 ngư dân Việt Nam.


Tỉnh có tàu cá bị bắt giữ và xử phạt nhiều nhất là Kiên Giang: 58 tàu, Cà Mau 56 tàu. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng bị vướng 46 tàu, Bình Định 43 tàu và Quảng Ngãi 47 tàu. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, đã có 30 tàu cá của Việt Nam cùng 208 người bị các nền kinh tế khác bắt giữ.


Theo đại diện Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến hết tháng 3 năm nay có 277 ngư dân bị lực lượng chức năng các nước khác bắt giữ. 189 người được trả tự do qua đường ngoại giao, 57 ngư dân về nước sau thỏa thuận trên biển.


"Số lượng tàu cá thực tế bị bắt giữ còn cao hơn nhiều so với số liệu, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên ngư dân đã không khai báo với các cơ quan chức năng trong tỉnh mà tự ý thoả thuận hoặc nộp phạt trên biển", đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết.


Với tỉnh Quảng Ngãi, tình hình còn phức tạp hơn khi số tàu thuyền và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ ngày càng nhiều. Đặc biệt thời gian gần đây, Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu cá, tài sản của ngư dân kể cả khi họ vào quần đảo Hoàng Sa để tránh bão.


Thống kê từ năm 2005 đến hết ngày 16/12/2009, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 111 tàu và 1.247 ngư dân bị nước ngoài, vùng lãnh thổ bắt giữ. Trong các nước, vùng lãnh thổ, thì Trung Quốc bắt nhiều nhất với 60 tàu và 732 ngư dân Việt Nam, tiếp theo đến Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Đài Loan.