Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

LUẬT VÀ TÒA ÁN QUỐC TẾ LÀ GÌ

(entry trả lời câu hỏi của bạn Song Quyền Nguyễn)
Luật Quốc Tế (LQT) thường được hiểu là bộ quy tắc ứng xử giữa các quốc gia với nhau. Có rất nhiều phạm trù khác nhau trong LQT, theo Wiki có thể chia ra thành:
1.  Công pháp quốc tế (Public International Law): chi phối mối quan hệ giữa các quốc gia
2.  Xung đột pháp luật (conflict of law): khi dịch “Xung đột pháp luật” có thể gây nhiều hiểu nhầm. “Conflict of Law” hay “Private International Law” là những công ước được thỏa thuận trước giữa các bên, nó thường được dùng để qui định quyền lực pháp lý.
3.  Luật xuyên quốc gia (supranational law): dịch vậy lại cũng vì hạn chế của ngôn ngữ, Supranational Law là bộ công pháp chi phối các mối quan hệ giữa các quốc gia, tuy nhiên, trong trường hợp này, các quốc gia tự giới hạn pháp quyền của chính mình và quy phục một tổ chức/quyền lực cao hơn.
Phần lớn các án kinh tế/kinh doanh sẽ thuộc quyền Xung đột pháp luật và Công pháp quốc tế. Công pháp quốc tế còn được dùng rất nhiều trong lĩnh vực chính trị/ngọai giao, có thể nói 70% luật quốc tế hiện hành thuộc phạm trù Công pháp quốc tế.
Luật xuyên quốc gia là một phạm trù không mới, nhưng nó mới được đưa vào sử dụng trong nửa sau thế kỉ 20. Hiện nay, chỉ  2 tổ chức có đủ quyền lực sử dụng và thi hành Luật xuyên quốc gia là Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc ( với một phân ban rất nổi tiếng của LHQ quen được gọi là tòa án quốc tế La Haye đặt tại Hà Lan) và Liên minh châu Âu.
Muốn hiểu rõ về lịch sử và quá trình hình thành của LQT thì diễn đạt khá dài. Beo nói thật gọn thế này:
*  Người đầu tiên viết nên một bộ qui tắc ứng xử quốc tế là ông Hugo Grotius (thế kỷ 16) ở Hà Lan. Ông cũng là người đặt nền móng cho LQT hiện đại. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Hugo Grotius chỉ chủ yếu viết về các qui tắc ứng xử khi có chiến tranh.
*  Triết gia vĩ đại người Đức Kant (thế kỷ 17) xây dựng nên Chủ nghĩa quốc tế (Cosmopolitanism), trong đó bao gồm bộ qui tắc ứng xử quốc tế làm nền tảng cho sự thành lập của Liên Hiệp Quốc cũng như LQT hiện đại.
Theo Kant, con người tuy tính cách khác nhau, phong tục tập quán khác nhau, nhưng bản chất là tính thiện và tư duy suy luận tương đồng nhau, Kant tin rằng nhân lọai sẽ cùng nhau suy luận ra một bộ luật chung. Bộ luật này sẽ thu phục tòan bộ các quốc gia về một Xuyên Quốc gia, nền móng cho một thời đại trường kỳ hòa bình của nhân loại.
*  Sau 2 chiến tranh thế giới, các quốc gia phương Tây đã làm theo đúng học thuyết của Kant: Woodrow Wilson, tổng thống Mĩ, tập hợp tòan bộ thành viên của khối Liên Minh và lập nên Liên minh Quốc gia, tổ chức tiền thân Liên hợp quốc. Tòan bộ LQT hiện tại đều dựa vào LHQ và các qui tắc ứng xử của họ.
Tuy nhiên, vì tính chất phi quân sự của LHQ, tòan bộ các bản giao ước, các bộ luật quốc tế LQT của họ chỉ mang tính chất tự nguyện. Các thành viên của LHQ có quyền tham gia hay không tham gia tất cả các công ước của LHQ, thậm chí ngay cả khi đã tham gia, nếu một nước lớn vi phạm những điều khỏan mà chính họ đặt bút kí tên đồng ý, thì vẫn rất khó để có thể trừng phạt họ. Lấy ví dụ như chiến tranh Iraq 2003, Mĩ đơn phương tiến hành cuộc chiến mặc dù không được sự đồng tình của đại đa số thành viên.  
Hơn thế, nếu nhìn lại lịch sử hình thành của LQT, có thể thấy mặc dù bản thân và tính chất của LQT là để hướng tới hòa bình, nó đã và vẫn đang được trục tam giác Mỹ-Trung-Nga sử dụng làm công cụ để kiểm sóat...toàn thế giới.

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

VỊNH ANH
























Em đã làm gì để anh phải phụ em? 
Nếu tình em không đủ dâng Hạnh phúc
Gánh ân tình buông ngón tay là tuột
Dốc thì cao, mà gió thì lại ngược...
(Hết yêu rồi thì để nhau đi).
By Thu Không

LUẬT BIỂU TÌNH

  (bài hơi dài nhưng rất hay, hãy chịu khó đọc hết)
Biến động từ việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dẫn đến những cuộc tuần hành tự phát bị kẻ xấu lợi dụng như tại Bình Dương, khiến dấy lên sự tập trung cực kỳ bất thường của một số ý kiến vào việc phải có ngay dự án Luật Biểu Tình.
Trong phiên họp tại Quốc hội Việt Nam chiều ngày 26-5-2014, vài đại biểu đã đề nghị đưa Luật Biểu Tình vào chương trình nghị sự trong kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014) để có thể thông qua trong kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2015) với các lý do như nhân dân có nhu cầu lớn về biểu tình, chính vì chưa có khung pháp lý của một Luật Biểu Tình nên mới dẫn đến bạo động và bạo loạn vừa qua, và thậm chí Quốc hội Khóa XIII này phải xây dựng Luật Biểu Tình để trả nợ nhân dân vì nhiều khóa qua đã không có Luật Biểu Tình , v.v.
Ý kiến của tôi về hiện tượng bốc đồng này như sau:
 1) Người ta cho rằng nhân dân có nhu cầu lớn về “biểu tình”, rằng “biểu tình” ở Việt Nam là do nhu cầu thể hiện lòng yêu nước, và rằng “biểu tình” ở Việt Nam xuất phát từ những mục đích, yêu cầu chính đáng. Nhu cầu ấy “lớn” đến đâu, không ai có thể đưa ra bất kỳ cơ sở nào để định lượng và định tính, chưa kể sự phân định rõ ràng về ngữ nghĩa từ ngữ “biểu tình” của tiếng Việt. Vì vậy khi ý nghĩa ngữ nghĩa học chính thức của “biểu tình” trên thế giới là để bày tỏ sự phản kháng đối với chính quyền vì quyền lợi của một nhóm dân bị cho là xâm hại, thì có vị phải ra sức giải thích rằng “biểu tình” ở Việt Nam là để thể hiện lòng yêu nước, vậy phải chăng Luật Biểu Tình sẽ được viết rõ hơn thành Luật Biểu Tình Kiểu Việt hoặc Luật Tụ Họp Đông Người Bày Tỏ Lòng Yêu Nước? Và phải chăng họ muốn xúc phạm nhân dân thế giới khi cho rằng “biểu tình” ở Việt Nam xuất phát từ những mục đích, yêu cầu chính đáng, cứ như thể mỉa mai nhân loại biểu tình vì những mục đích, yêu cầu không chính đáng vậy.
 2) Người ta đổ thừa rằng vì chưa có khung pháp lý, chưa có Luật Biểu Tình, nên mới dẫn đến bạo động và bạo loạn vừa qua, trong khi bất kỳ người dân Việt Nam đàng hoàng nào cũng biết rõ rằng không phải chỉ có các bộ luật mà còn có các quy-định-như-luật tức các pháp lệnh và nghị định để điều chỉnh các hành vi, phục vụ các yêu cầu sinh hoạt xã hội, dân sinh. Nghị định 38/2005 của Chính phủ là cơ sở pháp lý để người dân “biểu tình đúng luật”. Cho đến nay vẫn chưa có đúc kết về tác dụng của nghị định này, chưa có bất kỳ kiến nghị nào về nghị định này, và cũng chưa có ai hay tổ chức luật nào ra sức tư vấn cho người dân biết về nội dung của nghị định này để hành sử khi có nhu cầu “biểu tình”. Chỉ tập trung đòi có Luật Biểu Tình đến độ lụp chụp quy chụp bảo do thiếu Luật Biểu Tình gây ra bạo loạn và bạo động, vậy những bạo động và bạo loạn đốt phá kinh hoàng ở Luân Đôn, Liverpool, Manchester và các thành phố lớn khác của Anh Quốc ngày 11-8-2011, hay ở Detroit Hoa Kỳ ngày 23-7-1967 mà đã nửa thế kỷ trôi qua vẫn chưa thể hồi phục kinh tế của Detroit, phải chăng vì hai quốc gia ấy chưa có Luật Biểu Tình? Sự tồn tại của luật về giao thông không bao giờ để chấm dứt các vi phạm giao thông. Làm ngơ với Nghị định 38/2005 chỉ với một ngụ ý hô hào người dân đừng thèm tuân theo các nghị định hay pháp lệnh hay bất kỳ văn bản pháp luật nào khác nếu chưa có cái gọi là “luật”.
 3) Người ta thậm chí còn cho rằng biểu tình gây bất ổn ở các nước là do các nước đó đa đảng và có những bức xúc mâu thuẫn chính trị giữa các phe nhóm đảng phái ấy. Hóa ra biểu tình ở các nước ấy là do sự choảng nhau giữa các đảng viên các đảng khác nhau, chứ người dân họ không có quyền biểu tình sao? Lại là một sự xúc phạm đến người dân các nước.
 4) Việc quá chú mục vào Luật Biểu Tình tình cờ trùng hợp với các quan tâm kỳ lạ của các nhóm chống Cộng ở nước ngoài đến luật này, khoác cho việc biểu tình trái pháp luật vừa qua tấm áo “yêu nước”, phải chăng đã không nhìn nhận việc người nông dân tích cực canh tác là yêu nước, học sinh tích cực học giỏi là yêu nước, y bác sĩ tận tụy vì người bệnh và không bao giờ chích nhầm thuốc là yêu nước, công chức tận tụy vì nhân dân là yêu nước, quan chức giao cho công an những kẻ đến hối lộ là yêu nước, tu sĩ hết lòng an dân là yêu nước, ngư dân cố gắng bám biển là yêu nước, doanh nhân cố gắng tồn tại để đóng thuế nhiều hơn là yêu nước, người thầy dốc sức dạy học gấp trăm lần mức thù lao nhận được là yêu nước, các chiến sĩ đang nắm chặt súng dõi mắt trên trận địa là yêu nước, v.v. Phải “xuống đường”, phải giơ biểu ngữ, phải hét vào loa, v.v., mới được gọi là yêu nước để có “Luật Xuống Đường” tức “Luật Biểu Tình” sao?
Nhất thiết phải có Luật Biểu Tình, đơn giản vì đó là một trong vô số quyền hiến định của Việt Nam. Khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm 2013, các luật hiện hành đều phải được điều chỉnh cho phù hợp, các luật mới đều sẽ được lập ra để tương thích, và vấn đề tùy thuộc vào quỹ thời gian và đặc biệt là theo thứ tự ưu tiên như thông lệ tốt của cơ chế quản trị văn minh tiến bộ bất kỳ.Việt Nam chưa là cường quốc. Việt Nam có bao vấn đề nhức nhối về kinh tế phải ưu tiên giải quyết. Việt Nam có bao vấn đề nhức nhối về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải phải ưu tiên giải quyết. Việt Nam có bao vấn đề nhức nhối về giáo dục phải ưu tiên giải quyết. Việt Nam có bao vấn đề nhức nhối về các món nợ công phải ưu tiên giải quyết. “Quyền biểu tình” dứt khoát không thể đứng đầu danh sách ưu tiên; và do đó, trong khi chờ đợi để thực hiện theo lịch trình lập pháp của Thủ Tướng đối với Luật Biểu Tình, Nghị định 38 năm 2005 vẫn còn hiệu lực để làm khung pháp lý cho nhu cầu biểu tình của người dân – nếu thực sự có nhu cầu ấy.
Dường như các vị đại biểu khi vội vàng vinh danh Luật Biểu Tình do cần có cái cớ để che đậy sự bất lực của cơ quan chức năng không giám quản và xử lý nổi sự cố tương tự như ở Bình Dương đã làm ngơ trước sự thật là Luật Biểu Tình đòi hỏi rất nhiều thời gian để chuẩn bị vì Quốc hội nhất thiết phải xem xét sửa đổi một số luật khác có liên quan đến Luật Biểu Tình như Luật Lao Động, Luật Hình Sự, v.v., để giúp sự thông qua dự án Luật Biểu Tình được thuận lợi vào thời điểm đệ trình. Chưa kể, Bộ Tài Chính và các Bộ có liên quan còn phải làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, để rà soát nội dung hợp đồng bảo hiểm; chẳng hạn với bảo hiểm nhân thọ thì liệu đã có điều khoản chấp nhận bồi thường nếu chủ hợp đồng thương vong do chủ động tham gia biểu tình hoặc bị hại do biểu tình chưa, và nếu chưa thì liệu các doanh nghiệp này có tăng mức bảo phí và ký lại hoặc hủy hợp đồng hay không, và các phương án xử lý khiếu nại phát sinh từ việc hủy hợp đồng bảo hiểm, v.v.
Trong khi chờ đợi để thực hiện theo lịch trình lập pháp của Thủ Tướng đối với Luật Biểu Tình, Nghị định 38 năm 2005 vẫn còn hiệu lực để làm khung pháp lý cho nhu cầu biểu tình của người dân – nếu thực sự có nhu cầu ấy. Trước mắt, những việc sau đây nhất thiết phải được thực hiện:
- Tái phổ biến nội dung Nghị định 38/2005, thêm các Thông tư hướng dẫn, nếu cần, để củng cố “khung pháp lý”.
 - Do tất cả các lập luận đều quy về nội hàm “bày tỏ lòng yêu nước”, khi có các nhóm dân đăng ký “biểu tình”, chính quyền ngay lập tức bảo đảm tổ chức ngay tại địa điểm “biểu tình” những quầy tuyển quân dành cho những người dân biểu tình muốn thể hiện lòng yêu nước qua việc đăng ký nhập ngũ, quầy “hiến máu” dành cho những người dân biểu tình muốn thể hiện lòng yêu nước qua việc hiến máu phục vụ quân đội, quầy “hiến tặng” dành cho những người dân biểu tình muốn thể hiện lòng yêu nước qua việc trao tặng tiền bạc, nữ trang, điện thoại, xe cộ, v.v., dùng bán đấu giá lấy tiền đóng góp cho Quốc Phòng, v.v. Bộ Tài Chính cần thiết kế biểu mẫu cũng như công thức định giá các vật hiến tặng để ghi công của những người dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước.
  Làm cho dân giàu, đó chính là thể hiện cái tài của người yêu nước chân chính.
 Làm cho nước mạnh, đó chính là thể hiện cái tài của người yêu nước chân chính.
 Dân giàu, nước mạnh, mới chống giặc ngoại xâm hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất, vững bền nhất.
Đừng xảo biện rằng Hiến pháp hiến định quyền biểu tình nên phải có ngay Luật Biểu Tình, rằng không có Luật Biểu Tình là vi hiến, và rằng chỉ cần soạn xong Luật Biểu Tình là đã “trả xong món nợ với nhân dân”.
Dân chưa giàu, nước chưa mạnh, dân mãi chịu thua thiệt xử bức trên thương trường quốc tế, nước mãi bị lân bang dọa nạt lấn xâm, đó không những là món nợ dai dẳng mà còn là sự tủi nhục khôn khuây của những “chính khách” của đất nước này. Các đại biểu quốc hội thuộc phạm trù gọi là “chính khách” ấy.
“Chính khách” chân chính không trốn núp đàng sau dự án Luật Biểu Tình.
Người dân Việt Nam chân chính không bao giờ cho rằng các “chính khách” có công lớn với tổ quốc Việt Nam và dân tộc Việt Nam khi ban hành xong Luật Biểu Tình.
Nhất thiết phải có Luật Biểu Tình, đơn giản vì đó là một trong vô số quyền hiến định của Việt Nam, chứ không phải vì đó là Luật Về Lòng Yêu Nước!
Bài của ông Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, có lược cho ngắn bớt

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

MỘT TÍ TẸO VỀ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ NHÓM KIÊN ACB

NHTM chính là nơi (quán, cửa hàng,...) mua bán tiền và những thứ tương đương. Có ai đó từng ví các ngân hàng thương mại của chúng ta hiện nay hoạt động không khác gì các tiệm cầm đồ: sơ khai và đơn giản.
Có ít nhất vài lần mình được rủ rê mời mọc làm cổ đông của NHTM. Một lần (khi NHNN nâng tỷ lệ vốn pháp định của NHTM từ 20 lên 70 tỷ đồng) là vì mình có cuốn sổ tiết kiệm cỡ triệu đô-la do đứng tên giúp vài anh bạn không tiện lộ danh: có phải tiền mình dư ra đâu mà mua cổ phần và làm cổ đông! 

Lần khác, đích danh chủ tịch HĐQT mời vì cứ nghĩ mình có nhiều tiền. Thực tế lúc đó mình cũng có tí tiền thật. Nghe vị chủ tịch kia nói hay quá tại văn phòng, bụng dạ cũng đã xiêu xiêu để có thể trở thành "nhà tư bản tài chính" - thuật ngữ mà vị đó đã dùng. Sau đó chưa đầy một giờ cả bọn kéo nhau đi đánh chén ngoài nhà hàng, rượu vào cao hứng nên vị chủ tịch kia định nghĩa: "làm ngân hàng là rủ những thằng ngu có tiền nộp vào một rọ để mình dùng tiền đó chơi trò chơi của mình!". Nghe xong câu đấy là mình trong lòng tắt ngúm ngay cái ý định làm cổ đông NHTM. Lý do không phải vì mình được coi là ngu, cũng không phải vì có quá ít tiền: đơn giản là cảm nhận thấy ghê ghê thế nào ấy...Cũng còn một lần thứ ba khi các quỹ tín dụng nông thôn bắt đầu được nâng cấp lên thành các NH đô thị, có một anh bạn góp ý là nên thành cổ đông lớn của một NHTM, nhưng mình đã từ chối thẳng thừng - chắc cũng do ấn tượng với cái định nghĩa kia.
Cá nhân mình không thích Kiên ACB dưới góc độ con người, có lẽ là do cảm tính hay trực giác gì đấy, chứ không có một lý do cụ thể nào. Khi vụ việc xảy ra, mình hy vọng sẽ được chứng kiến một phiên tòa xét xử những doanh nhân có học và có đầu óc hàng đầu Việt Nam, xem tòa sẽ làm gì với những hiểu biết của họ. Thế nhưng trên thực tế chỉ có Kiên là đã chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc về sự việc, số còn lại không hiểu vì sao lại không thể hiện được độ sắc sảo kiến thức/trí tuệ vốn có của mình, kể cả hai người mà mình có quan hệ và quen biết ít nhiều. Thế mới biết nguy cơ tù tội cũng làm cho con người ta thui chột, nên họ buộc phải lựa chọn cách hành xử như vậy. 

Cho dù án còn chưa tuyên, nhưng quyết định cuối cùng của tòa dường như đã rõ - và mình thì thấy hài hước. Quan điểm cá nhân của mình thì chỉ có một hai nội dung là có sự vi phạm, nhưng chưa gây hậu quả cho các bên có thể bị hại, thì có thể bị phạt hành chính là cùng chứ không phải án gì này nọ.
Ngoài yếu tố có thể do bị chính trị hóa thì không muốn bàn tới, mình chỉ có mỗi một câu hỏi duy nhất: thế lực tài phiệt (chứ không phải quyền lực chính trị) nào muốn nhóm của Kiên vào tù? Cũng là câu hỏi thế thôi, có vài võ đoán rời rạc nhưng có lẽ rồi đây cũng sẽ rõ ràng hết cả ấy mà.
Những việc được biết mà nhóm của Kiên đã làm thì nhiều nhóm khác trong hệ thống tài chính ngân hàng cũng đã làm y chang. Họ còn làm nhiều việc khác mà chúng ta chưa được biết một cách công khai. Thôi thì cũng mong cho nhiều ai đó không bị lấy làm ví dụ như nhóm của Kiên! 
Với thông tin công khai không đầy đủ, phiên tòa này cũng đã cho chúng ta thấy được bản lĩnh của mỗi doanh nhân có liên quan là như thế nào. Chúng ta chính thức cũng biết được cách hành xử của các cơ quan hữu quan chức năng và hệ thống tư pháp trước những nội dung quá hiển nhiên và giản đơn liên quan tới hoạt động doanh nghiệp như thế. Biết thì cũng để biết thế thôi...
Nhưng suy cho cùng, cái định nghĩa về NHTM của vị chủ tịch HĐQT nọ cho tới giờ này vẫn đúng ở ta thì phải. Và chúng còn là những tiệm cầm đồ nữa...
Vì đâu nên nỗi?

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

DẠY CON

1.
hôm qua mấy cha con đi dạo Sài Gòn, tôi có ghé mua một cái tai nghe cho Hà Thi để em nghe nhạc, vì em rất thích nghe nhạc nhưng lại không muốn làm ồn. Lúc vào thương xá Tax, đâu chừng 2 tiếng sau, chúng tôi lấy tai nghe ra thử, thì phát hiện nó chỉ phát một bên, nghĩa là nó bị lỗi. Tôi nói Thi cầm tiền, ra chỗ cũ, nói mua lại cái khác, lần này nhớ thử trước. Hà Thi hỏi sao mình không bắt họ đổi, vì cái này bị hư mà, tôi nói rằng một phần lỗi của mình, vì mình đã không thử, nên Thi cứ cầm tiền, ra đúng chỗ cũ, mua lại cái tai nghe cũ, chỉ cần nhớ thử. Tôi biết chắc chắn người bán hàng sẽ đổi cho Thi tai nghe mới, nhưng tôi không muốn nói với Thi điều đó. Đúng như tôi nghĩ, người bán hàng lập tức đổi hàng mới, lấy ra thử và còn xin lỗi Thi. Điều đó làm Thi vui, THi nói cô ấy thật tử tế, và gắn tai nghe nhạc cả buổi tối
thực ra cũng không sai nếu tôi đùng đùng dắt Thi ra cửa hàng và bắt họ phải đền cái mới, nhưng tôi không phải là loại người như thế, và tôi muốn con cái mình, chúng sẽ giống tôi, chúng sẽ cảm nhận cuộc sống theo cách mình thể hiện với mọi người.
2.
một hôm tôi đi về, rủ Văn lên phòng mở máy lạnh nằm. Văn hỏi Phú đi đâu về, có gì vui không? Tôi đùa, đi công chuyện thôi, nóng thấy mẹ, vui gì. Lát sau, đỡ mệt, tôi hỏi lại. còn Văn hôm nay đi học sao, có gì vui không? Nó cũng làm bộ mệt mỏi, vui gì đâu, nóng thấy mẹ. Đại khái vậy, chúng tôi thường có những trao đổi như thế. Tôi không khuyến khích cũng không cấm đoán bọn trẻ nói về chuyện gì, cứ để chúng tự do trao đổi, theo cách mà chúng học từ tôi, nếu tôi có chửi thề, tôi không thể cấm con mình đừng làm thế, mà đằng nào mai mốt lớn lên nó cũng chửi thề, tại sao chúng không nên học từ mình.
3.
tôi thường nói rằng, cha mẹ, là người thầy lớn của con cái, chúng ta không thể hy vọng vào thế hệ sau nếu từ thế hệ này chúng ta không tốt đẹp, làm sao chúng ta hy vọng bọn trẻ sẽ lớn lên văn minh, sạch sẽ, có ý thức, tốt bụng... trong khi chúng ta còn khạc nhổ, xả rác, đái bậy, không xếp hàng, chạy xe lấn tuyến, tranh cướp thức ăn ở quầy tự chọn, và sẵn sàng làm mọi thứ để có tiền?
cho nên, bọn trẻ, thực ra không cần phải dạy chúng, điều chúng ta cần làm là sống cho đàng hoàng tử tế, là được
Copy từ facebook Đàm Hà Phú


Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

TÌNH BẠN THEO KIỂU TÀU

Thùng Rác dịch từ nguyên bản tiếng Nga, Beo lược bỏ một số đoạn cho ngắn bớt, không ảnh hưởng gì đến quan điểm tác giả

CRƯM: PHÉP THỬ CHO MỐI QUAN HỆ NGA- TRUNG
Quan điểm của Bắc kinh về vấn đề Crưm đã trở thành rất quan trọng đối với nền chính trị thế giới, nhất là trong tình hình một cuộc chiến tranh thông tin khốc liệt đang diễn ra xung quanh cuộc khủng hoảng này.
Giới vận động hành lang thân Trung quốc (TQ) ở Nga cố gắng chứng minh, rằng trong vấn đề này TQ luôn ủng hộ Nga. Bằng chứng khi biểu quyết cho nghị quyết về "Vấn đề Crưm" tại HĐBA Liên hợp quốc, đại diện TQ đã mỉm cười khi bỏ phiếu trắng. Thật nực cười khi việc bỏ phiếu trắng lại được coi đồng nghĩa với ủng hộ, và tại sao chúng ta lại nhất định phải cảm thấy nụ cười của nhà ngoại giao TQ là đáng mến?
Nếu nhìn vào thực chất của vấn đề thì TQ đang bị rơi vào một tình cảnh rất trớ trêu. Rõ ràng, đối với họ các sự kiện xẩy ra ở Ki-ev (lật đổ bằng vũ lực chính quyền hợp hiến) hay ở Crưm (mất một phần lãnh thổ quốc gia) là điều không thể chấp nhận được. Trong trường hợp đầu TQ buộc tội Phương Tây, trường hợp sau - buộc tội Nga.
Hơn thế, kết quả của cuộc khủng hoảng này đã giáng một đòn nặng vào các quyền lợi của TQ ở Ukraina, nhất là ở Crưm.
Một ví dụ, dự án xây dựng cảng nước sâu ở phía tây Crưm, phần quan trọng trong dự án "Con đường tơ lụa mới" và là đầu mối cho việc xuất khẩu lúa mì từ Ukraina sang TQ.
"Con đường tơ lụa mới" hiện là một trong những dự án địa chính trị quan trọng nhất của Bắc kinh, nó mang tính chống Nga lộ liễu đến mức mà kể cả những nhà vận động hành lang thân TQ cũng không thể chối bỏ. Dự án này có thể giết chết hoàn toàn Transsib (xuyên Xi-bê-ri) và Sevmorput (đường biển phía Bắc), những con đường giao thương huyết mạch nối Á-Âu của Nga.
Trong dự án "Con đường tơ lụa mới", TQ dự định xây dựng tuyến đường sắt xuyên Trung Á với khổ đường châu Âu. Cảng nước sâu ở Evpatory (thuộc Crưm) sẽ là một đầu mối quan trọng. Để tiếp tục thực hiện dự án TQ buộc phải nhìn nhận một cách thực tế  rằng Crưm đã thuộc về Nga, một điều rất khó nuốt với họ. 
Có nhiều khả năng dự án của TQ thuê 3 triệu hec-ta đất của Ukraina (một phần nằm ở Crưm) ít nhất bây giờ cũng phải hoãn lại. Sự tồn tại của dự án này được Ki-ev (dưới thời Yanukovich) ra sức chối cãi, nhưng ở Bắc kinh người ta chẳng thèm che đậy. Một điều thú vị của dự án này là phía đối tác TQ người thuê là Tập đoàn Công nghiệp-Xây dựng Tân cương, một đơn vị thuộc Quân đội TQ. Chính tập đoàn này đã nhận được 5% diện tích lãnh thổ của Ukraina với quyền miễn trừ hoàn toàn và khả năng có thể thuê thêm đất. Đến mức trên Internet của Nga liên quan đến các dự án kể trên đã xuất hiện tin đồn, một trong những nguyên nhân chính của việc sát nhập Crưm vào Nga là để phá vỡ việc thực hiện các dự án trên.
QUAN ĐIỂM MẬP MỜ
Chính quyền Bắc kinh không phê phán bất kỳ phe nào trong cuộc khủng hoảng Crưm. Ở cấp chính thức, tuyên bố của các quan chức TQ là hoàn toàn mập mờ. Để đưa ra quan điểm thực tế họ đã có một thứ khác: tờ báo tiếng Anh Hoàn cầu Thời báo. Nó không phải là cơ quan ngôn luận của ĐCS TQ, nhưng chính vì thế nó trở thành một công cụ tuyệt vời để nêu ra quan điểm thực sự của Bắc kinh về các vấn đề tế nhị mà họ không thể nói công khai chính thức.
Ngay sau cuộc Trưng cầu dân ý ở Crưm trên Hoàn cầu Thời báo có bài viết :"không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nó có thể làm tiền lệ cho các cường quốc can thiệp vào công việc nội bộ của TQ ở các vùng Tân cương và Tây tạng, những nơi đang tồn tại căng thẳng sắc tộc và phong trào li khai. Ủng hộ việc tách Crưm ra khỏi Ukraina bằng trưng cầu dân ý có thể coi như là sự giả dối, bởi vì chính TQ năm 2005 đã có luật cấm các vùng lãnh thổ tách ra khỏi quốc gia. Luật này cho phép sử dụng sức mạnh trong trường hợp Đài loan tuyên bố độc lập với TQ qua trưng cầu dân ý hoặc qua các thủ tục khác".
Nhưng vài ngày sau, chính trên tờ báo này lại có hẳn một bài xã luận dưới tiêu đề "Ủng hộ Nga là hợp với quyền lợi của TQ". Nội dung cơ bản của nó là "vấn đề Ukraina từ lâu đã vượt ra khỏi ranh giới của một quốc gia... Hiện nay Nga và TQ tạo ra một vùng đệm cho lẫn nhau, cho phép hai chúng ta hồi sinh đất nước của mình. Nếu nước Nga của Putin lùi bước trước sức ép của của Phương Tây thì điều đó sẽ trở thành một đòn đánh mạnh vào các lợi ích chiến lược của TQ".
SỨC MẠNH RÕ RÀNG
Từ quan điểm quân sự, chiến dịch ở C-rưm có thể coi như một kiệt tác của Quân đội Nga. Không còn nghi ngờ gì về việc điều này đã gây một ấn tượng sâu sắc với Bắc kinh, những người hiểu rõ hơn ai hết ngôn ngữ sức mạnh. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho sự đối đầu với Nga là không thể chấp nhận được với Bắc kinh.
Và lãnh đạo TQ không thể không nhìn ra Nga đã bỏ ngoài tai những phản đối của Phương Tây, trong khi Phương Tây không thể đưa ra được một biện pháp trừng phạt có ý nghĩa nào về quân sự cũng như kinh tế.  Cái gọi là trừng phạt chỉ là trò hề, còn "biện pháp trả đũa của NATO" như một vở bi hài kịch. Ở đây, Nga thể hiện sức mạnh của mình và đã chiến thắng.
Bây giờ sẽ phải làm gì tiếp, hay nói cách khác là Mátx-cơ-va có khả năng đưa ra các bài học từ những sự việc đã xảy hay không? Điều kết luận quan trọng nhất là bây giờ và trong tương lai phải tiếp tục nói chuyện với TQ trên thế mạnh, không cần phải nhường nhịn. Nhất là chẳng có mảy may một nguyên nhân nhỏ nào để mà nhường nhịn. Chúng ta chẳng có lý do gì mà phải "thưởng" cho Bắc kinh khi mà họ chẳng giúp đỡ gì chúng ta.
Một trong những lỗi lầm to lớn nhất sẽ là việc bán cho TQ máy bay Su-35S, chưa cần nói đến hệ thống tên lửa phòng không S-400. Cần chấm dứt ngay lập tức việc bán những vũ khí hiện đại nhất cho kẻ thù chính tiềm tàng của mình.  Nếu vào những năm 90 việc bán vũ khí còn được biện hộ rằng nó giúp cho các Tổ hợp Công nghệ quốc phòng (OPK) tồn tại (nhất là khi đó Bắc kinh mua vũ khí với số lượng lớn và giá trị cao), thì ngày nay lý do đó đã không còn nữa mà các lý do khác cũng chẳng xuất hiện thêm. Các OPK ngày nay không đủ công suất để đáp ứng các đơn đặt hàng trong nước, ngoài ra chúng ta có thừa các khách hàng khác mà không phải là kẻ thù tiềm năng của Nga.
Thêm vào đó, TQ chỉ mua vũ khí theo những lô hàng nhỏ mà mục tiêu duy nhất của họ là để đánh cắp công nghệ.
Mátx-cơ-va trong thời gian của khủng hoảng Ukraina đã có những bước đi đúng đắn trong quan hệ với Phương Tây, đã không bị dọa nạt bởi con "hổ giấy". TQ không phải là hổ giấy, TQ trong phần lớn các mặt đều mạnh hơn Phương Tây. Nhưng hiện tại thì sức mạnh của TQ cũng có giới hạn. Việc Nga sát nhập Crưm không phải là một tiền lệ cho TQ (TQ cũng chẳng cần tiền lệ, họ luôn luôn hành động dựa trên khả năng và ý muốn của mình), mà ngược lại, Nga cho TQ thấy rằng TQ cần phải giảm bớt sự thèm thuồng của mình với lãnh thổ phía Đông của Nga.
Chúng ta có thể tiếp tục lặp đi lặp lại điệp khúc "quan hệ đối tác chiến lược", nhưng về bản chất quan hệ phải trở nên thực tiễn và cứng rắn ở mức tối đa. Nếu Mátx-cơ-va quyết định rằng phải nhường nhịn TQ trong việc gì đó, thì trong tương lai tất cả những gì chúng ta đạt được bởi chiến thắng Crưm sẽ trở thành những vấn đề lớn cho chúng ta ở phía bên kia của nước Nga (Viễn đông).  Lỗi lầm sơ đẳng nhất là coi TQ như một đối trọng với Phương Tây. Trung quốc - mối đe dọa chính với chúng ta, Phương Tây chẳng có liên quan gì ở đây.
Chơi với TQ rất dễ nhưng sau đó thì đã muộn để gỡ lại.



Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Vụ án bầu Kiên và các triết lý của luật pháp

Nhiều chính khách lên tiếng yêu cầu xử lý nghiêm vụ bầu Kiên. Tôi không thích lắm cụm từ “xử lý nghiêm” bởi hai lẽ: không chỉ bầu  Kiên mà tất cả các vụ án đều phải xử lý nghiêm, hơn nữa, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, cho đến thời điểm này ông Kiên và các nghi can vẫn chưa có tội thì sao biết mà xử lý nghiêm? Ở đây không có nghiêm hoặc không nghiêm mà chỉ có xử lý đúng pháp luật và công lý.
Chàng thanh niên ngờ nghệch?
Tội phạm học - một ngành khoa học nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện phạm tội của con người - đã chỉ ra rằng: trong cơ chế thực hiện tội phạm, người bị hại đóng vai trò tương đối quan trọng. Rất nhiều vụ án xảy ra, người bị hại cũng có lỗi. Điều này không quyết định trách nhiệm hình sự nhưng nó lại có ý nghĩa rất lớn để ngăn ngừa tội phạm.
Khi đi mua hàng, việc đầu tiên ai cũng biết là thứ mình mua đang nằm ở đâu, hình hài thế nào, tình trạng ra sao. Thế nhưng, lại có đại gia như Hoà Phát dễ dàng giao hàng trăm tỷ đồng cho bầu Kiên mà không hề biết số cổ phiếu đó nằm ở đâu! Có nhiều lý do được đồn đoán, nhưng lý do dễ chấp nhận nhất có lẽ là sự tin tưởng. Bởi lẽ đặt trong bối cảnh 2010 nền kinh tế tăng trưởng hầm hập, bầu Kiên lúc đó không chỉ là một cái tên mà đã trở thành một khái niệm của quyền lực: kinh tế, uy tín và cả những lời đồn đoán về “thứ đứng phía sau” bầu Kiên. Phải chăng những thứ thực quyền và hư quyền đó khiến bầu Kiên, chỉ với cái tên, đã là sự đảm bảo cho một thương vụ mua bán cổ phiếu hàng trăm tỷ đồng?
Không chỉ có Hoà Phát, cứ xem thời điểm đó nhà nhà, người người buôn đất mới thấy sự lên đồng của nền kinh tế và cơn say lợi nhuận của xã hội khi mà chỉ cần một tờ giấy viết tay, một bản photo dự án... là người ta đã có thể xuống tiền mua căn hộ mà chẳng cần biết nó nằm ở đâu, hình hài thế nào.
Không phải không có cảnh báo nhưng có lẽ chưa đủ ép-phê hoặc cơn say lợi nhuận lấn át tất cả...
Bị hại là chính mình?
Bầu Kiên và nhiều yếu nhân của ACB bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một danh từ thú vị trong luật hình sự Việt Nam. Hậu quả nghiêm trọng, theo giải thích đó, là thiệt hại về tài sản và các hậu quả khác. Ở đây không có ý định phân tích cấu thành của tội này mà chỉ lưu ý về cái gọi là thiệt hại (hậu quả) do hành vi cố ý làm trái gây ra.
ACB là ngân hàng cổ phần, tài sản của ACB là tài sản cá nhân, tổ chức đã góp vốn vào đó. Việc đầu tư chứng khoán, uỷ thác đầu tư... gây thiệt hại (mất tài sản) của ACB là quá rõ. Nhưng trong một công ty cổ phần, việc định đoạt vốn, tài sản, phương án kinh doanh, phân chia lợi nhuận... có cơ chế rõ ràng: cái gì thuộc thẩm quyền của đại hội cổ đông, cái gì thuộc hội đồng quản trị. Khi hội đồng quản trị đã được trao quyền quyết định thì sự rủi ro nếu có xảy ra, các cổ đông phải vui vẻ chấp nhận. Nếu có tranh chấp thì có quyền kiện hội đồng quản trị để yêu cầu bồi thường theo cơ chế tố tụng dân sự.
Ông Kiên gây thiệt hại cho chính ông Kiên dưới giác độ luật Hình sự không có gì phải bàn, song, để thuyết phục số đông chắc phải mất thời gian và không loại trừ có sự vênh vẹo giữa luật Hình sự và luật Doanh nghiệp. Công tố và toà án có lẽ không sai và cấu thành tội phạm lạnh lùng không biết nói, nhưng những nhà lập pháp không thể làm ngơ. Bởi lẽ, nó động chạm đến quyền tự định đoạt của doanh nghiệp - ngay cả khi họ mất tài sản.
Cũng có thể lập luận rằng hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý làm trái gây ra không chỉ là tài sản mà còn những hậu quả vô hình, đó chính là sự bất ổn, xáo trộn của hoạt động kinh tế. Nhưng những bất ổn của kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng không dễ định lượng và cũng không đơn giản đổ lỗi cho một ngân hàng.
Rủi ro đến từ luật?
Để đảm bảo các hoạt động kinh tế - trong đó có hoạt động ngân hàng, tiền tệ - được trật tự và ổn định, nhà nước - với chức năng của mình - phải đặt ra hệ thống các quy định. Vi phạm các quy định này dẫn đến thiệt hại phải chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất là trách nhiệm hình sự. Đó là logic mà các nhà lập pháp và thực tiễn lý giải.
Nhìn vào thực tế, một trong những điểm yếu nhất của hệ thống pháp luật nước ta chính là sự thiếu ổn định, thiếu nhất quán và rất nhiều khoảng trống. Pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng không nằm ngoài thực trạng đó. Điều 106 luật Các tổ chức tín dụng là quy phạm uỷ quyền khi cho phép ngân hàng uỷ thác đầu tư theo quy định của ngân hàng Nhà nước. Nhưng hành vi cho nhân viên uỷ thác lại xảy ra trước khi có điều 106 và quy định cấm của ngân hàng Nhà nước.
Sự tranh cãi về pháp luật khi áp dụng là chuyện không hiếm nhưng không phải ở đâu người ta cũng bất lực. Nguyên tắc suy đoán vô tội khẳng định: nếu có nghi ngờ về pháp luật thì (phải) giải thích có lợi cho người bị buộc tội. Việc tranh cãi về điều 106 và hiệu lực của quy định của ngân hàng Nhà nước - do chưa ai giải thích rõ ràng - cho thấy có sự nghi ngờ ở đây.
Không chỉ vậy, sự tranh cãi về việc bầu Kiên đầu tư vốn vào các công ty tài chính là hoạt động kinh doanh hay góp vốn đã cho thấy môi trường pháp lý hoàn toàn đem đến sự rủi ro. Khi luật không quy định, khi luật còn mâu thuẫn thì buộc người ta phải viện dẫn nguyên tắc của luật, trong trường hợp này, là: được làm những gì luật không cấm!
Khi còn những bất cập về luật và giải thích luật thì vẫn còn đó những rủi ro pháp lý, điều tối kỵ với một môi trường kinh doanh lành mạnh!
Cái còi và thanh kiếm
Người ta có thể tranh luận về sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực kinh tế nhưng chỉ là can thiệp đến mức nào chứ không thể phủ nhận vai trò của nhà nước đối với hoạt động kinh tế. Triết lý ở đây là “chính phủ tồi còn hơn không có chính phủ”!
Hàng loạt những sai phạm diễn ra trong thời gian dài, một dòng tiền khổng lồ chảy vòng vèo ngầm trong nền kinh tế từ ACB đến các công ty con của ACB, chảy ra thị trường tài chính nước ngoài qua hoạt động buôn vàng, chảy cả vào tài khoản của Huyền Như - 4.000 tỉ đồng biến mất như bị hút bởi lỗ đen... nhưng hệ thống cảnh báo không rung chuông và cuối cùng, chỉ thanh kiếm của sự trừng phạt là được lạnh lùng rút khỏi vỏ.
Quản lý hình như đang nắm cái cần phải buông và buông cái cần phải nắm!
Bài của Luật Sư Đinh Thế Hưng

KHÔNG ĐỀ

ô
lượm trên net

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

BÁC TỔNG TRỌNG VÀ CHỨNG BỆNH MÙ MÀU

Hôm qua, có một bác đọc cho tôi nghe một bài Sấm truyền trong dân gian như sau:
Thứ nhất là loạn xướng ca
Thứ nhì loạn cá, thứ ba loạn tiền
Bao giờ loạn gạo thì yên.
Ứng vào thời buổi hôm nay ta thấy rất chuẩn xác:
LOẠN XƯỚNG CA là thực trạng suy đồi xuống cấp loạn chuẩn về văn hoá, đạo đức, lối sống mà TW vừa bàn. LOẠN CÁ là chuyện Trung Quốc từng bước xâm lược Việt Nam, phá rừng đầu nguồn làm lũ lụt, ô nhiễm môi trường chết cá; xâm lấn gây hấn trắng trợn trên biển làm bà con ngư dân không thể đánh cá như xưa. LOẠN TIỀN là chuyện Tham nhũng, Ngân hàng, Tín dụng , lừa đảo...sôi sục mấy năm nay.
BÁC TỔNG TRỌNG VỚI BA CÁI “LOẠN” TRONG LỜI SẤM TRUYỀN
Theo dõi trên báo chí mươi năm gần đây, ta thấy bác Tổng Trọng chỉ quan tâm đến LOẠN XƯỚNG CA và LOẠN TIỀN, không biết gì về LOẠN CÁ. Mấy năm trước khi Trung Quốc bắt đầu gây “loạn cá” ở Biển Đông, Thủ tướng đã tỏ thái độ rõ ràng, nhưng bác Trọng trong vai trò Chủ tịch Quốc hội lại nói một câu xanh rờn: “Biển Đông không có gì mới”. Câu này đã trở thành slogan của bác để cư dân mạng nói riêng và xã hội nói chung mỉa mai, giễu cợt và nhận dạng.
Đến khi đất nước lâm nguy, bác ấy vẫn không tỏ thái độ gì kể cả khi gặp gỡ với dân nói chuyện hành lang, vẫn say sưa chống LOẠN TIỀN, mở Hội nghị chống tham nhũng với những đại biểu mang gương mặt buồn thiu, và nhiệt huyết chống LOẠN XƯỚNG CA bằng Hội nghị TW vừa diễn ra, một việc mà lẽ ra bác phải làm từ nhiệm kỳ trước. Nội dung chống LOẠN XƯỚNG CA đặt ra trong chính thời điểm này khiến người ta nghĩ hình như LOẠN XƯỚNG CA đang biến tấu tinh vi chuyển sang LOẠN TIỀN rồi, vì một chủ trương lớn về văn hoá cũng sẽ đi kèm ngân sách lớn, cho nên bác cần ra tay định hướng để chống LOẠN TIỀN có hiệu quả hơn?!
Là người đã được bác Trọng tỏ ý quý mến từ mười mấy năm trước, khi bác còn làm TBT Tạp chí Cộng Sản tôi đã từng tin cậy vào cốt cách trí thức của bác, mang về cho bác và một số lãnh đạo cao cấp sách của Trosky và Thư của những người Đệ tứ Pháp gửi Đảng CSVN với những thiện chí hoà giải dân tộc và đối thoại về tư tưởng. Tôi không biết bác xử lý những cái đó thế nào, nhưng tôi vẫn tin vào cốt cách nho nhã, văn nhân của bác. Không thể có chuyện một TBT lại cố tình làm ngơ trước những bước gặm nhấm xâm lấn có bản chất xâm lược của Trung Quốc mà cả thế giới trông thấy? Chắc là có nguyên do sâu xa, sâu kín gì đây?
Có người nặng lời nói bác là tay sai Tàu. Nhưng tôi nghĩ Tàu chỉ làm việc với Tướng, bác cùng lắm chỉ là hàng Tá. Nên dù bác có lòng ngấm ngầm yêu nước thương dân muốn thương lượng với lãnh đạo cấp cao của Tàu để hỏi về cái 16 CHỮ VÀNG và NHẬN THỨC CHUNG của lãnh đạo hai nước bây giờ xử lý ra sao, vẫn thờ hay vứt vào sọt rác, mà Tàu từ chối không gặp bác như thông tin báo New York Time đã nêu, là chuyện dễ hiểu, dễ cảm thông cho bác. Có người nói bác im lặng có lẽ vì các Đại ca chưa thống nhất ý kiến, nên bác không biết nói theo ai. Nhưng tôi biết bác Trọng là người giữ ý, giữ nguyên tắc lắm. Cho dù có chuyện bác được các Đại ca đặt vào ghế TBT, bác ấy cũng vẫn rất khách quan không thể hiện sự thiên lệch nào đâu! Thậm chí, có bậc Trưởng thượng đã 5 lần ủng hộ bác thăng tiến đến Ngai Vua đi nữa mà có sinh nhật tròn tuổi, bác cũng không nhân đó mà viết bài cám ơn, ca tụng.
CHỨNG MÙ MÀU VỀ VĂN HOÁ CHÍNH TRỊ?
Tôi thiên về góc nhìn văn hoá để giải mã ứng xử khó hiểu của bác Tổng Trọng. O.Spengler, nhà triết học văn hoá hịện đại người Ðức đã đưa ra một quan niêm về văn hoá luôn luôn thu hút sự chú ý của các nhà tư tưởng suốt thế kỷ hai mươi. Theo ông, mỗi nền văn hoá lớn đều vốn có một “ngôn ngữ cảm nhận thế giới bí hiểm” mà chỉ có tâm hồn nào thuộc về nền văn hoá đó mới hiểu biết nổi, những nhà tư tưởng lỗi lạc của các nền văn hoá khác nhau là những người mắc bệnh mù màu, không thấy được nhược điểm của mình mà cứ giễu cợt những sai lầm của nhau.
Từ quan niệm này soi vào bác Tổng Trọng cũng có thể thấy bác dù rất có TÂM với đồng bào và Tổ Quốc, nhưng có vẻ đang bị chứng MÙ MÀU VỀ VĂN HOÁ CHÍNH TRỊ: Chỉ thấy MÀU ĐỎ của cờ, của lửa, của bùn Bauxit, của đuốc thế vận hội, của ánh đèn sân khấu, mà không nhìn thấy màu XANH của rừng đầu nguồn bị Trung Quốc mua và phá hoại, màu xanh của nước Biển Đông đang bị giặc xâm lược Trung Quốc khuấy đục, lấn chiếm, cướp bóc và gây hấn.
Cũng có thể gọi bác là “nhà chính trị mắc bệnh SÁNG LỬA nhưng MÙ MƯỚC”. SÁNG LỬA là vì bác ấy đang chống tham nhũng theo kiểu Công tử Bạc Liêu đốt đồng tiền to để soi đồng tiền nhỏ bị rơi trong bóng tối. SÁNG LỬA vì bác ấy quan tâm nhiều đến ánh đèn sân khấu, ánh sáng màn bạc, lửa đuốc Thế vận hội và Asiad. Còn MÙ MƯỚC là vì bác tỏ ra không nhìn thấy Biển Đông có cướp biển từ Trung Quốc đã từng bước đặt chân vào xâm lược lãnh hải Việt Nam từ hàng chục năm nay.
Với một cái nhìn lạc quan tin cậy những văn nhân, tôi vẫn tin rằng bác Tổng Trọng sẽ lên tiếng về Biển Đông trong ngày một ngày hai, vì máu ngư dân, máu nhân dân đã đổ nhuộm đỏ dần mặt nước biển Đông, nên chắc chắn bác đã nhìn thấy biển! Hy vọng lắm thay!

Copy của DƯƠNG THẮNG

GIAI CẤP CÔNG NHÂN












Có sử dụng hình của Zen Sony và một số bạn khác

NHỤC NHÃ VÀ ĐAU XÓT-kì 2

1.
Sự ngu muội là đặc quyền không- thể- tước- bỏ của đám đông, là sự thật khách quan.
Chiến tranh, bạo loạn  là ý chí của bọn lãnh đạo, những người vượt trội đám đông về tri thức.
Thế giới hiện đại đẻ ra những khái niệm bình đẳng- nhân quyền nhằm vào hai mục đích: hạn chế bớt tham vọng cá nhân của lãnh đạo và phủ dụ đám đông được-ngang- hàng- lãnh đạo.
2.
Có thể viện ra rất nhiều lí do xã hội, an sinh để giải thích sự cuồng nộ của đám lưu manh trừ duy nhất một lý do không thể biện minh, có kẻ cầm đầu ném đá giấu tay: truyền đơn kêu gọi biểu tình rải từ hôm trước, chai xăng, gậy hệt chuẩn nhau, phớt lờ lời van xin tuyệt vọng căng ngang cổng Chúng tôi là công ty Nhật, Hàn, Singapore... đầy rẫy dẫn chứng cho những sự có- chuẩn- bị, rất rõ ràng.
Chưa khi nào, Beo có cảm giác nhục nhã cho dân tộc mình bằng lúc nhìn thấy tấm băng chăng ngang cổng công ty Hàn quốc Chúng tôi yêu Hoàng Sa Trường Sa.
Quái gở, cho chúng ta.
3.
Đêm ở Bình Dương.
Beo đứng ngay giữa đám lưu manh. Kẹp đôi, ba trên những chiếc xe máy hầu hết mang đầu số 37-38-39, rút cán cờ ra đập phá chính bát cơm của chúng.
Beo đứng rất lâu. Cho đến khi đám lưu manh kia di chuyển sang nơi khác, Beo vẫn đứng nhìn những đôi giày bán thành phẩm cong queo cháy, nó không khác gì cái xác  cậu thanh niên ăn trộm chó bị cả làng vây đốt chết, cũng cong queo.
4.
Lương, các chế độ theo quy định của luật lao động trong các khu CN tốt hơn hẳn các doanh nghiệp ta bên ngoài. So với cùng năng xuất, thu nhập của một công nhân trong công ty 100% vốn nước ngoài cao hơn 1.5 lần ( 200 / 350usd). Thời gian phải làm cầm chừng hoặc nghỉ chờ đơn hàng ảnh hưởng đến thu nhập, cũng ít hơn hẳn.
Và, hãy nhìn tấm hình minh họa để thấy, họ không chỉ chui rúc trong những căn nhà trọ tồi tàn. Xung quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp đều có các cửa hàng trợ giá (được gọi cửa hàng bình ổn giá).
Trưng lên những thảm cảnh đời sống công nhân làm đắng lòng  buốt tim bạn đọc, nhưng báo chí hoặc cố tình lờ đi hoặc không thấy, việc tổ chức cuộc sống hết sức tạm bợ không phải không có phần từ thói quen sống lúi xùi theo tiếng miền Nam, của chính công nhân.
Vậy nhưng, vì sao Bình Dương luôn luôn dẫn đầu cả nước trong những vụ việc bất đồng giữa chủ nước ngoài và người làm thuê? Nguyên do yếu kém của lãnh đạo tỉnh  quá nhiều nơi đã viết, riêng Beo trả lời  chỉ bằng duy nhất một câu hỏi: Bạn đã bao giờ chứng kiến cảnh công nhân Nhật, Hàn...làm việc chưa?
So sánh được điều ấy, bạn sẽ hiểu bản chất của những bất đồng ngoại-nội triền miên và, Beo nghĩ rằng còn kéo dài trong vài thế hệ người Việt nữa.
5.
Beo đóng câu chuyện đầy nhục nhã và đau xót này lại, bằng một kết luận bất cần diễn giải: phải cách chức ngay toàn bộ dàn lãnh đạo Bình Dương.

Đó mới chính là những kẻ phá hoại trực tiếp công sức máu xương của những  người lính, đang đối đầu từng phút giây ngòai muôn trùng biển kia.
Mẹ ơi! Con phải đi!
(Xin lỗi tác giả, Beo không biết tên)



Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

NHỤC NHÃ VÀ ĐAU XÓT - kì1

Hình chụp tại các khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương và Tp Hồ Chí Minh





 Cổng khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã bị bít lại bằng các container. Những công nhân vô tội ngơ ngác nhìn nhau, mất một ngày công nữa rồi. Hãy bấm vào hình để thấy những hàng chữ, những nỗi nhục nhã của xứ lừa.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

THÁNG BA ĐÀN BÀ ĐI BIỂN- tiếp

4
Biến cố HD-981 có làm chính phủ thay đổi đường lối ngoại giao  với Trung Quốc. 
Chắc chắn không. Trừ khi có chiến tranh, nhưng chiến tranh chắc chắn không thể xảy ra.
Đường biên giới dài dằng dặc, nghiệt ngã như số phận dân tộc này góp một phần không nhỏ trong thực tế khi xây dựng đường lối ngoại giao với TQ. 
Nếu là bạn, bạn chọn cách nào: Mềm mỏng nhưng cứng rắn (ngầm) hay đối đầu để xung đột liên miên?
Thể nào cũng có bạn hỏi dẫn chứng cứng rắn ngầm. 
Không cứng rắn thì trang bị soái hạm (chữ của báo Tiền phong not Beo), mua máy bay, đóng tàu lớn cho cảnh sát biển ...làm gì ?. Cũng đừng quên, Việt nam hiện nay nằm trong top 25 nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới.
Và, nếu không cứng rắn, sự kiện HD 981 có xảy ra?
5.
Nếu đánh nhau với Tàu liệu sẽ có những nước nào giúp mình. Có đúng là đường lối ngoại giao lâu nay đã khiến cho VN không có bạn?
Có một điều phải nằm lòng,  mục đích chiến tranh bây giờ không phải như xưa.
Trước đây, khi các chế độ xã hội đang hoàn thiện, các nước liên minh với nhau để bảo vệ lý tưởng chính trị của mình. Còn thời điểm lịch sử này, đánh nhau chỉ với lý do duy nhất làm giàu mà thôi.
Việc Nga ko nhúng vào tranh chấp biển Đông là dẫn chứng rõ ràng. Lãng mạn nhất cũng đừng mơ Putin bỏ tiền bảo vệ cộng sản.
Chính trị thế giới, ai chẳng là bạn của nhau. Quan trọng khi có biến, ai chung thuyền với ai. Từ EU già nua đến rồng phượng châu Á, đương nhiên sẽ đứng thuyền nào có lợi kinh tế cho họ.
Và như thế, ngoài Mỹ đứng trung gian đã coi như một sự ủng hộ, bạn nghĩ các nước chọn Tàu hay chúng ta. 

(Về sự đúng – sai trong đường lối ngoại giao Việt, Beo sẽ trả lời entry sau, Hòa Bình nhé).