(bài hơi dài nhưng rất hay, hãy chịu khó đọc hết)
Biến động từ
việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dẫn đến những cuộc tuần hành tự
phát bị kẻ xấu lợi dụng như tại Bình Dương, khiến dấy lên sự tập trung cực kỳ
bất thường của một số ý kiến vào việc phải có ngay dự án Luật Biểu Tình.
Trong phiên họp
tại Quốc hội Việt Nam chiều ngày 26-5-2014, vài đại biểu đã đề nghị đưa Luật
Biểu Tình vào chương trình nghị sự trong kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014) để có thể
thông qua trong kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2015) với các lý do như nhân dân có nhu
cầu lớn về biểu tình, chính vì chưa có khung pháp lý của một Luật Biểu Tình nên
mới dẫn đến bạo động và bạo loạn vừa qua, và thậm chí Quốc hội Khóa XIII này
phải xây dựng Luật Biểu Tình để trả nợ nhân dân vì nhiều khóa qua đã không có
Luật Biểu Tình , v.v.
Ý kiến của tôi
về hiện tượng bốc đồng này như sau:
1) Người
ta cho rằng nhân dân có nhu cầu lớn về “biểu tình”, rằng “biểu tình” ở Việt Nam
là do nhu cầu thể hiện lòng yêu nước, và rằng “biểu tình” ở Việt Nam xuất phát
từ những mục đích, yêu cầu chính đáng. Nhu cầu ấy “lớn” đến đâu, không ai có
thể đưa ra bất kỳ cơ sở nào để định lượng và định tính, chưa kể sự phân định rõ
ràng về ngữ nghĩa từ ngữ “biểu tình” của tiếng Việt. Vì vậy khi ý nghĩa ngữ
nghĩa học chính thức của “biểu tình” trên thế giới là để bày tỏ sự phản kháng
đối với chính quyền vì quyền lợi của một nhóm dân bị cho là xâm hại, thì có vị
phải ra sức giải thích rằng “biểu tình” ở Việt Nam là để thể hiện lòng yêu
nước, vậy phải chăng Luật Biểu Tình sẽ được viết rõ hơn thành Luật Biểu Tình Kiểu Việt hoặc Luật Tụ Họp Đông Người Bày Tỏ Lòng Yêu Nước?
Và phải chăng họ muốn xúc phạm nhân dân thế giới khi cho rằng “biểu tình” ở
Việt Nam xuất phát từ những mục đích, yêu cầu chính đáng, cứ như thể mỉa mai
nhân loại biểu tình vì những mục đích, yêu cầu không chính đáng vậy.
2) Người
ta đổ thừa rằng vì chưa có khung pháp lý, chưa có Luật Biểu Tình, nên mới dẫn
đến bạo động và bạo loạn vừa qua, trong khi bất kỳ người dân Việt Nam đàng
hoàng nào cũng biết rõ rằng không phải chỉ có các bộ luật mà còn có các
quy-định-như-luật tức các pháp lệnh và nghị định để điều chỉnh các hành vi,
phục vụ các yêu cầu sinh hoạt xã hội, dân sinh. Nghị định 38/2005 của Chính phủ
là cơ sở pháp lý để người dân “biểu tình đúng luật”. Cho đến nay vẫn chưa có
đúc kết về tác dụng của nghị định này, chưa có bất kỳ kiến nghị nào về nghị
định này, và cũng chưa có ai hay tổ chức luật nào ra sức tư vấn cho người dân
biết về nội dung của nghị định này để hành sử khi có nhu cầu “biểu tình”. Chỉ
tập trung đòi có Luật Biểu Tình đến độ lụp chụp quy chụp bảo do thiếu Luật Biểu
Tình gây ra bạo loạn và bạo động, vậy những bạo động và bạo loạn đốt phá kinh
hoàng ở Luân Đôn, Liverpool, Manchester và các thành phố lớn khác của Anh Quốc
ngày 11-8-2011, hay ở Detroit Hoa Kỳ ngày 23-7-1967 mà đã nửa thế kỷ trôi qua
vẫn chưa thể hồi phục kinh tế của Detroit, phải chăng vì hai quốc gia ấy chưa
có Luật Biểu Tình? Sự tồn tại của luật về giao thông không bao giờ để chấm dứt
các vi phạm giao thông. Làm ngơ với Nghị định 38/2005 chỉ với một ngụ ý hô hào
người dân đừng thèm tuân theo các nghị định hay pháp lệnh hay bất kỳ văn bản
pháp luật nào khác nếu chưa có cái gọi là “luật”.
3) Người
ta thậm chí còn cho rằng biểu tình gây bất ổn ở các nước là do các nước đó đa
đảng và có những bức xúc mâu thuẫn chính trị giữa các phe nhóm đảng phái ấy.
Hóa ra biểu tình ở các nước ấy là do sự choảng nhau giữa các đảng viên các đảng
khác nhau, chứ người dân họ không có quyền biểu tình sao? Lại là một sự xúc
phạm đến người dân các nước.
4) Việc
quá chú mục vào Luật Biểu Tình tình cờ trùng hợp với các quan tâm kỳ lạ của các
nhóm chống Cộng ở nước ngoài đến luật này, khoác cho việc biểu tình trái pháp
luật vừa qua tấm áo “yêu nước”, phải chăng đã không nhìn nhận việc người nông
dân tích cực canh tác là yêu nước, học sinh tích cực học giỏi là yêu nước, y
bác sĩ tận tụy vì người bệnh và không bao giờ chích nhầm thuốc là yêu nước,
công chức tận tụy vì nhân dân là yêu nước, quan chức giao cho công an những kẻ
đến hối lộ là yêu nước, tu sĩ hết lòng an dân là yêu nước, ngư dân cố gắng bám
biển là yêu nước, doanh nhân cố gắng tồn tại để đóng thuế nhiều hơn là yêu
nước, người thầy dốc sức dạy học gấp trăm lần mức thù lao nhận được là yêu nước,
các chiến sĩ đang nắm chặt súng dõi mắt trên trận địa là yêu nước, v.v. Phải
“xuống đường”, phải giơ biểu ngữ, phải hét vào loa, v.v., mới được gọi là yêu
nước để có “Luật Xuống Đường” tức “Luật Biểu Tình” sao?
Nhất thiết phải
có Luật Biểu Tình, đơn giản vì đó là một trong vô số quyền hiến định của Việt
Nam. Khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm 2013, các luật hiện hành đều phải
được điều chỉnh cho phù hợp, các luật mới đều sẽ được lập ra để tương thích, và
vấn đề tùy thuộc vào quỹ thời gian và đặc biệt là theo thứ tự ưu tiên như thông
lệ tốt của cơ chế quản trị văn minh tiến bộ bất kỳ.Việt Nam chưa là cường quốc.
Việt Nam có bao vấn đề nhức nhối về kinh tế phải ưu tiên giải quyết. Việt Nam
có bao vấn đề nhức nhối về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải phải ưu tiên
giải quyết. Việt Nam có bao vấn đề nhức nhối về giáo dục phải ưu tiên giải
quyết. Việt Nam có bao vấn đề nhức nhối về các món nợ công phải ưu tiên giải
quyết. “Quyền biểu tình” dứt khoát không thể đứng đầu danh sách ưu tiên; và do
đó, trong khi chờ đợi để thực hiện theo lịch trình lập pháp của Thủ Tướng đối
với Luật Biểu Tình, Nghị định 38 năm 2005 vẫn còn hiệu lực để làm khung pháp lý
cho nhu cầu biểu tình của người dân – nếu thực sự có nhu cầu ấy.
Dường như các vị
đại biểu khi vội vàng vinh danh Luật Biểu Tình do cần có cái cớ để che đậy sự
bất lực của cơ quan chức năng không giám quản và xử lý nổi sự cố tương tự như ở
Bình Dương đã làm ngơ trước sự thật là Luật Biểu Tình đòi hỏi rất nhiều thời gian
để chuẩn bị vì Quốc hội nhất thiết phải xem xét sửa đổi một số luật khác có
liên quan đến Luật Biểu Tình như Luật Lao Động, Luật Hình Sự, v.v., để giúp sự
thông qua dự án Luật Biểu Tình được thuận lợi vào thời điểm đệ trình. Chưa kể,
Bộ Tài Chính và các Bộ có liên quan còn phải làm việc với các doanh nghiệp bảo
hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm trong nước và nước ngoài hoạt động
tại Việt Nam, để rà soát nội dung hợp đồng bảo hiểm; chẳng hạn với bảo hiểm
nhân thọ thì liệu đã có điều khoản chấp nhận bồi thường nếu chủ hợp đồng thương
vong do chủ động tham gia biểu tình hoặc bị hại do biểu tình chưa, và nếu chưa
thì liệu các doanh nghiệp này có tăng mức bảo phí và ký lại hoặc hủy hợp đồng
hay không, và các phương án xử lý khiếu nại phát sinh từ việc hủy hợp đồng bảo
hiểm, v.v.
Trong khi chờ
đợi để thực hiện theo lịch trình lập pháp của Thủ Tướng đối với Luật Biểu Tình,
Nghị định 38 năm 2005 vẫn còn hiệu lực để làm khung pháp lý cho nhu cầu biểu
tình của người dân – nếu thực sự có nhu cầu ấy. Trước mắt, những việc sau đây
nhất thiết phải được thực hiện:
- Tái phổ biến
nội dung Nghị định 38/2005, thêm các Thông tư hướng dẫn, nếu cần, để củng cố
“khung pháp lý”.
- Do tất
cả các lập luận đều quy về nội hàm “bày tỏ lòng yêu nước”, khi có các nhóm dân
đăng ký “biểu tình”, chính quyền ngay lập tức bảo đảm tổ chức ngay tại địa điểm
“biểu tình” những quầy tuyển quân dành cho những người dân biểu tình muốn thể
hiện lòng yêu nước qua việc đăng ký nhập ngũ, quầy “hiến máu” dành cho những
người dân biểu tình muốn thể hiện lòng yêu nước qua việc hiến máu phục vụ quân
đội, quầy “hiến tặng” dành cho những người dân biểu tình muốn thể hiện lòng yêu
nước qua việc trao tặng tiền bạc, nữ trang, điện thoại, xe cộ, v.v., dùng bán
đấu giá lấy tiền đóng góp cho Quốc Phòng, v.v. Bộ Tài Chính cần thiết kế biểu
mẫu cũng như công thức định giá các vật hiến tặng để ghi công của những người
dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước.
Làm
cho dân giàu, đó chính là thể hiện cái tài của người yêu nước chân chính.
Làm cho
nước mạnh, đó chính là thể hiện cái tài của người yêu nước chân chính.
Dân giàu,
nước mạnh, mới chống giặc ngoại xâm hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất, vững bền
nhất.
Đừng xảo biện
rằng Hiến pháp hiến định quyền biểu tình nên phải có ngay Luật Biểu Tình, rằng
không có Luật Biểu Tình là vi hiến, và rằng chỉ cần soạn xong Luật Biểu Tình là
đã “trả xong món nợ với nhân dân”.
Dân chưa giàu,
nước chưa mạnh, dân mãi chịu thua thiệt xử bức trên thương trường quốc tế, nước
mãi bị lân bang dọa nạt lấn xâm, đó không những là món nợ dai dẳng mà còn là sự
tủi nhục khôn khuây của những “chính khách” của đất nước này. Các đại biểu quốc
hội thuộc phạm trù gọi là “chính khách” ấy.
“Chính khách”
chân chính không trốn núp đàng sau dự án Luật Biểu Tình.
Người dân Việt
Nam chân chính không bao giờ cho rằng các “chính khách” có công lớn với tổ quốc
Việt Nam và dân tộc Việt Nam khi ban hành xong Luật Biểu Tình.
Nhất thiết phải
có Luật Biểu Tình, đơn giản vì đó là một trong vô số quyền hiến định của Việt
Nam, chứ không phải vì đó là Luật Về Lòng Yêu Nước!
Bài của ông Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, có lược cho ngắn bớt