Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

HOA NƠI CHIẾN TRƯỜNG

1- bốc phét về vụ hoa + súng một tẹo nhé. Thật ra ý tưởng parody một hình ảnh cũ này không mới. Thậm chí parody theo kiểu tương phản, thay súng bằng hoa cũng không mới. Rất nhiều người đã làm rồi. Tuy thế để làm nó cho hay ho thì lại rất khó. Vấn đề cốt lõi của các tác phẩm parody nằm ở việc chọn nguồn để parody. Nếu chọn nguồn sai, bản cải biến sẽ nhạt nhẽo và thậm chí phản cảm, theo nghĩa thiếu di sự duyên dáng và minh triết mà một bản parody hậu hiện đại cần phải có. Vấn đề thứ hai của Parody là chọn điểm và chọn chất liệu để parody ( sẽ nói rõ hơn trong ví dụ bên dưới)
2-Sự minh triết ở đây là gì? đó là - như Linda Hutcheon từng dẫn lại định nghĩa của Ziva Ben- Porat, 1979 về parody như sau: "Biếm phỏng (parody) là sự tái hiện mạo xưng, thường có tính hài nhạo, nhắm vào một văn bản văn chương hoặc một đối tượng nghệ thuật", là sự "tái hiện lại một hiện thực đã được mẫu hóa, dạng hiện thực mà bản thân cũng đang tái hiện lại một hiện thức gốc khác", "với mục đích bóc trần ra mưu chước hay phương sách của văn bản mẫu thông qua sự đồng hiện của cả hai mã trong cùng một thông điệp - và như vậy, sự minh triết ở đây chính là việc thông qua bản parody thành công, toàn bộ mưu chước hay phương sách, mục đích hay bài học ẩn giấu của bản gốc, đều sẽ bị bóc trần ra trong một ánh sáng mới, nhiều phần hài hước. 
3- Không phải ngẫu nhiên, các thủ pháp parody luôn được nhân vật hề chèo sử dụng. Như chúng ta biết, trong các vở chèo cổ, Hề chèo chính là một nhân vật hai mặt, mà các hành vi hay lời thoại của nhân vật đó luôn ngầm ẩn vạch trần các mưu chước của phe quyền lực trong xã hội, dù là thần quyền hay vương quyền. 
4- các thủ pháp của hề chèo bao gồm đế, giễu, nói ngoa, phóng đại, nói kép nghĩa, nói lái, nói xuyên tạc, và nhất là kiểu nói parody trong nghệ thuật hề chèo Bắc Bộ. Lấy một thí dụ mà theo tôi là tiêu biểu cho thao tác "tái hiện mạo xưng (alleged representation) hay "xuyên văn cảnh hóa" (trans-contextualization) thường thấy ở parody. Trong một vở chèo cổ, câu nói nền phông Tiếng lành đồn xa, Tiếng dữ đồn xa đã bị hề biếm phỏng thành Quan đồn lột da, Quan phủ lột da, hay trong một vở khác, hề nhại người nói chữ: Con Chiến quốc đa nhi phúc đại tự vâm vâm sa lao thượng bất đắc. Tuy nhiên, nghĩa của câu này, theo cách hiểu của hề là: Con "đánh nước" (hề hiểu "chiến quốc" theo nghĩa đen là "đánh nước") vào nhiều nên bụng to như vâm cát bò (hề hiều "lao" là "bò lên bò xuống" chứ không phải "con bò") lên chẳng được. Hà Văn Cầu, Hề chèo, NXB Văn Hóa, 1973, (tr. 42, 43) 
5.
6-Như ta thấy, ngoài việc chọn đúng chất liệu để parody, Bùi Chát cũng chọn đúng điểm để parody. Việc anh không thay đổi câu đầu, câu giữa, hoặc chọn cách can thiệp nào khác vào bản gốc, mà chỉ thêm vào câu cuối một chữ đã cho thấy đầy đủ tài năng của anh trong việc tìm ta điểm dễ tổn thương nhất trong bản gốc để tác động vào và rồi để lột trần ra được cả một hệ thẩm mỹ tàng ẩn sâu trong bản gốc ấy, tức hệ thẩm mỹ bị chi phối bởi hình hệ tư duy về thế giới cũ. 
7-trở lại với các tác phẩm hoa nơi chiến trường, có thể thấy mục đích parody ở đây chính là việc thông qua parody các bức ảnh chiến tranh chụp trực tiếp trên chiến trường- thay súng bằng hoa, nghệ sĩ muốn tìm cách vạch trần ra tính phi lý của chiến tranh, cũng như tính giả mạo của cái gọi là ảnh phóng sự chiến trường mà ai cũng biết rằng sự ttrung thực của các bức ảnh ấy luôn là kết quả của việc lựa chọn đăng bức nào và không đăng bức nào để có lợi cho phe ta và có hại cho phe địch.

8-Với mục đích này, theo tôi việc chọn lựa các bức ảnh nguồn của tác giả là chưa thành công. Các bức ảnh nguồn có vẻ như được chọn một cách ẩu, không có concept xuyên suốt. Có những bức đậm tính bạo lực quá, chẳng hạn bức ảnh một tù binh phe kia đang bị một lính phe này giữ tay để cho một lính khác đạp vào mặt. Ở đây, sự tàn bạo thực tế của bản gốc đã vượt quá khả năng giễu nhại của bản parody, và làm cho hành vi parody mất đi sự hài hước và do đó-minh triết mà nó cần phải có, để chỉ còn là một trò đùa ác độc và vô duyên. Ngoài ra, các điểm parody cũng như vật liệu parody ( các cành hoa) cũng cho thấy sự thiếu lao động của nghệ sỹ, khi chúng thiếu đi sự tinh tế của một kẻ hiểu bản gốc đến đáy. Theo góc nhìn của tôi, dường như các cành hoa cũng như các điểm mà cành hoa được đặt vào trên các bức ảnh gốc đều là các chọn lựa theo kiểu ngẫu hứng (copy and paste) chứ chưa phải là kết quả của các suy tư chặt chẽ và các thử nghiệm kĩ lưỡng 
8- Nói tóm lại, về ý tưởng, triển lãm "Hoa nơi chiến trường" là ok. Nhưng về thực hiện thì chưa tới. Có lẽ nghệ sĩ của "hoa nơi chiến trường" chưa đủ sức là một người đọc lý tưởng, và do đó, chưa thể đủ tầm để chuyển hoá ý tưởng của anh/chị ta thành ra tác phẩm tốt.
9-hoặc cũng có thể nghệ sĩ của Hoa nơi chiến trường mắc một bệnh chung của nghê sĩ Việt Nam- mới nẩy ra 1 ý tưởng là đã lao vào làm ngay, không bỏ thời gian nghiên cứu để biến ý tưởng đó(idea) thành 1 lõi cốt khái niệm (concept) cho tác phẩm.
Bài của Như Huy