Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

KIỂM TOÁN CUỐI NĂM …

Copy của Đoàn Ngọc Thu
1. Hôm qua có một người bức xúc với tôi rằng sao người giàu lại bị ghét? Khó trả lời thật. Vì bản thân tôi cũng vô cùng ức chế với kiểu nói: chị thì lo gì đến tiền? Nhà chị hết tiền thì biển hết nước bla bla bla…
 Chuyện gần đây nhất, ra một cuốn sách đẹp, một họa sỹ đương thời có tranh bán chạy và đắt vào loại nhất nhì làm bìa, minh họa. Những nhà văn nhà báo nổi tiếng nhất về “chữ đắt” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng viết lời tựa.
 Một cuộc”Gặp bạn ngày mở sách” ấm cúng và sang trọng được coi là: Chơi ngông, cậy có tiền… Sách bán thì lại bị dè bỉu là, lắm tiền thế mà không tặng, bắt mua.
 Thời buổi kinh tế thị trường, nhưng khái niệm “dùng chùa” và “miễn phí” xem ra là xu thế chủ đạo, kể cả hưởng thụ văn hóa…
 Trong buổi tiệc cuối năm rượu ngon cho người lớn, thức ăn ngút ngát cho trẻ nhỏ nhưng những đứa trẻ chỉ mải chạy nhởn chơi, đồ ăn gần như chả đụng đến.
 Người lớn, cũng có người cứ cầm ly rượu, nhấp 1 ngụm rồi bỏ một chỗ. Rồi lại lấy ly khác… Lãng phí không? Có chứ. Nhưng đó là một phần của cuộc sống.
 Thế  nhưng có không ít người, cả một số bài báo mạng, lên án, cho rằng, những sự phí phạm đó là vô nhân đạo, khi mà biết bao trẻ em nghèo đang đói cơm rách áo.
 Hôm trước có một người hỏi tôi, nếu tôi có thật nhiều tiền, hàng trăm triệu đô la, cả tỷ đô la… tôi sẽ làm gì? Mua một căn biệt thự ở nước ngoài? Cho các con cuộc sống vương giả? Đi du lịch khắp thế giới???
 Tôi nói rằng ước muốn của tôi dính đến tiền nó là sự không tưởng, phi hiện thực. Bởi tôi chỉ mong, làm được nhiều nhiều tiền để có thể cứu giúp cho những người đang thiếu cơm ăn, áo mặc, của đất nước tôi thôi, chứ chẳng to tát đến sang bên ngoài hình chữ S?
 Nhưng bao nhiêu là đủ để không ai bị đói, không ai bị rét? Không ai bị sống cầu bơ cầu bất ngoài đường không chốn che nắng che mưa?
 Giàu đến như Bill Gate, dồn gần hết cả tài sản cho mục đích nhân đạo cũng chỉ là để nghiên cứu ra thuốc chưa bệnh hiểm nghèo, để có một cái quỹ cứu trợ cho một số nhỏ nhoi những người đói nghèo trên thế giới.
 Một đồng nghiệp lớn tuổi và danh tiếng của tôi, đã làm ra cả một cái quỹ, đã kêu gọi biết bao tấm lòng để mang CCT đến cho các cháu nhỏ vùng xa xôi. Nhưng thì cũng chỉ được 1 vùng đó, 1 số ít ỏi trong muôn vàn cháu còn chẳng có cơm mà ăn. Những điều anh và các bạn làm cũng đã là quá nhiều, quá sức… Và đừng bắt anh không được đi oto, không được uống một chai rượu ngon, hay mua tặng vợ một bộ đồ trang sức đắt tiền chứ?!
 Cũng như những người đi xe chục tỷ, cầm túi vài trăm triệu, uống  rượu cả chục triệu/chai, mà vui lên thì không biết bao nhiêu chai là đủ… Họ có quyền sống như thế, vì họ làm ra đồng tiền bằng trí tuệ, bằng sự đầu tư công sức, nhất là họ không ăn chặn, không tham nhũng, không ăn cướp-theo nghĩa bóng…
 Những người đó, tôi biết, họ vẫn âm thầm làm từ thiện. Từ bữa cháo hàng tuần cho những trẻ ung thư không có suất cháo cuối tuần, từ những thùng chăn, áo ấm lên miền núi, từ những xe gạo vào vùng lũ miền Trung… chỉ có là, chẳng nói câu nào. Chẳng lên báo cầm cái biển to đùng ghi tiền tài trợ…
 Nhưng họ cũng chẳng phải Bill Gate, họ cũng không phải Chúa để cứu rỗi mọi sự khốn khó. Và họ có bớt ăn ngon, bớt mặc đẹp, dùng hàng đắt cũng chỉ là đỡ được nhiều thì 1 năm, ít thì vài tháng cho những người thiếu ăn thiếu mặc.
 Vậy thì sao, người giàu bị ghét?
Chẳng trả lời được, nên lấy câu chuyện tuyết rơi Sapa để làm phần kết. Ở  cái xứ nhiệt đới mà vốn hầu như chẳng bao giờ có tuyết…người ta đi ngắm tuyết hẳn là chuyện bình thường, chuyện rất nên làm nếu có điều kiện ( thời gian, kinh tế..)
 Rõ ràng, người đi ngắm tuyết chẳng làm ra tuyết, chẳng có lỗi khi trâu bò lợn gà của bà con miền núi bị chết, chẳng chịu trách nhiệm về việc người vùng tuyết rơi bị lạnh hơn khi tuyết không rơi?
 Chưa nói rằng, họ đi đến đó, là tận mắt nhìn thấy cảnh nghèo khổ, rét lạnh… những bức ảnh của họ đem về, sẽ động lòng trắc ẩn bao nhiêu người từ tâm.
 Cũng chưa nói rằng, chính những người đi ngắm tuyết đó, đã làm những việc thiện nhiều hơn rất nhiều những kẻ ở nhà, ngồi trong phòng và làm “anh hùng bàn phím” bàn toàn chuyện quốc gia đại sự. Ngỡ như rằng, nếu họ có tiền, họ sẽ đem làm từ thiện hết, họ sẽ không ăn, không tiêu, chỉ để dành cho trẻ em nghèo.
 Ngỡ như rằng, những kẻ cứ rêu rao đạo đức, lên án tham nhũng, ăn hối lộ, chưa từng bao giờ cầm cái phong bì, nhận một món quà có giá trị để làm cho ai đó một việc gì…

 Và án tử hình, cho kẻ giết người, cướp của… nhìn thấy nhãn tiền là có của bị cướp, có người bị chết với án tử hình cho kẻ tham nhũng, đẩy biết bao người có nhà thành không, con đang có học thành thất học, sa vào tệ nạn… làm cho bao người đói nghèo, khổ sở do bị cướp (mà ko biết) có ranh giới của sự khác biệt nào không?