Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

LUẬT VÀ TÒA ÁN QUỐC TẾ LÀ GÌ

(entry trả lời câu hỏi của bạn Song Quyền Nguyễn)
Luật Quốc Tế (LQT) thường được hiểu là bộ quy tắc ứng xử giữa các quốc gia với nhau. Có rất nhiều phạm trù khác nhau trong LQT, theo Wiki có thể chia ra thành:
1.  Công pháp quốc tế (Public International Law): chi phối mối quan hệ giữa các quốc gia
2.  Xung đột pháp luật (conflict of law): khi dịch “Xung đột pháp luật” có thể gây nhiều hiểu nhầm. “Conflict of Law” hay “Private International Law” là những công ước được thỏa thuận trước giữa các bên, nó thường được dùng để qui định quyền lực pháp lý.
3.  Luật xuyên quốc gia (supranational law): dịch vậy lại cũng vì hạn chế của ngôn ngữ, Supranational Law là bộ công pháp chi phối các mối quan hệ giữa các quốc gia, tuy nhiên, trong trường hợp này, các quốc gia tự giới hạn pháp quyền của chính mình và quy phục một tổ chức/quyền lực cao hơn.
Phần lớn các án kinh tế/kinh doanh sẽ thuộc quyền Xung đột pháp luật và Công pháp quốc tế. Công pháp quốc tế còn được dùng rất nhiều trong lĩnh vực chính trị/ngọai giao, có thể nói 70% luật quốc tế hiện hành thuộc phạm trù Công pháp quốc tế.
Luật xuyên quốc gia là một phạm trù không mới, nhưng nó mới được đưa vào sử dụng trong nửa sau thế kỉ 20. Hiện nay, chỉ  2 tổ chức có đủ quyền lực sử dụng và thi hành Luật xuyên quốc gia là Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc ( với một phân ban rất nổi tiếng của LHQ quen được gọi là tòa án quốc tế La Haye đặt tại Hà Lan) và Liên minh châu Âu.
Muốn hiểu rõ về lịch sử và quá trình hình thành của LQT thì diễn đạt khá dài. Beo nói thật gọn thế này:
*  Người đầu tiên viết nên một bộ qui tắc ứng xử quốc tế là ông Hugo Grotius (thế kỷ 16) ở Hà Lan. Ông cũng là người đặt nền móng cho LQT hiện đại. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Hugo Grotius chỉ chủ yếu viết về các qui tắc ứng xử khi có chiến tranh.
*  Triết gia vĩ đại người Đức Kant (thế kỷ 17) xây dựng nên Chủ nghĩa quốc tế (Cosmopolitanism), trong đó bao gồm bộ qui tắc ứng xử quốc tế làm nền tảng cho sự thành lập của Liên Hiệp Quốc cũng như LQT hiện đại.
Theo Kant, con người tuy tính cách khác nhau, phong tục tập quán khác nhau, nhưng bản chất là tính thiện và tư duy suy luận tương đồng nhau, Kant tin rằng nhân lọai sẽ cùng nhau suy luận ra một bộ luật chung. Bộ luật này sẽ thu phục tòan bộ các quốc gia về một Xuyên Quốc gia, nền móng cho một thời đại trường kỳ hòa bình của nhân loại.
*  Sau 2 chiến tranh thế giới, các quốc gia phương Tây đã làm theo đúng học thuyết của Kant: Woodrow Wilson, tổng thống Mĩ, tập hợp tòan bộ thành viên của khối Liên Minh và lập nên Liên minh Quốc gia, tổ chức tiền thân Liên hợp quốc. Tòan bộ LQT hiện tại đều dựa vào LHQ và các qui tắc ứng xử của họ.
Tuy nhiên, vì tính chất phi quân sự của LHQ, tòan bộ các bản giao ước, các bộ luật quốc tế LQT của họ chỉ mang tính chất tự nguyện. Các thành viên của LHQ có quyền tham gia hay không tham gia tất cả các công ước của LHQ, thậm chí ngay cả khi đã tham gia, nếu một nước lớn vi phạm những điều khỏan mà chính họ đặt bút kí tên đồng ý, thì vẫn rất khó để có thể trừng phạt họ. Lấy ví dụ như chiến tranh Iraq 2003, Mĩ đơn phương tiến hành cuộc chiến mặc dù không được sự đồng tình của đại đa số thành viên.  
Hơn thế, nếu nhìn lại lịch sử hình thành của LQT, có thể thấy mặc dù bản thân và tính chất của LQT là để hướng tới hòa bình, nó đã và vẫn đang được trục tam giác Mỹ-Trung-Nga sử dụng làm công cụ để kiểm sóat...toàn thế giới.