Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Doanh nhân: nợ đời và sự cô độc!!

Đời doanh nhân ở xứ này thật khổ, khổ đến mức khốn
nạn! Trước thì gọi là bọn con buôn, đám bóc lột giá trị thặng dư, thiệt xứng
đáng bị tru di, diệt chủng; sau thì một mình loay hoanh giữa thương trường,
xông pha hoặc sống hoặc chết! 


Họ sống chết tự thân, không một khiên che chắn...
pháo giấy, pháo tay, những gì lấp lánh như lớp áo mỏng che bên ngoài sự hiềm
nghi, đố kỵ, và biết đâu đấy cả lòng tự phòng thủ của những gì đứng trên nhân
dân? 


Ý chí, nghị lực, sự nhạy cảm, lòng quyết tâm và cả
sự đơn độc là những gì họ có!


Một lão là đại gia đất miền Trung này, nói với tôi:
Nếu muốn sống hãy biết lobby! Hiển nhiên là như vậy, xưa nay, quyền lực và cả
sự vinh nhục được song hành bởi vị thế chính trị và đồng tiền! Nhưng lobby cũng
là con dao hai lưỡi nếu làm dấy lên những nghi ngờ, lòng tự phòng thủ của
thượng tầng xã hội.


Những người tiên phong làm giàu, những doanh nhân
tạo dựng những thương hiệu đầu tiên ở xứ này như  Nguyễn Văn Mười
Hai, Tăng Minh Phụng, Bùi Xuân Hải (tức Hải Đồ Cổ)... đều đã chết dập chết
vùi trong cay đắng, trong nước mắt, trong tủi nhục đớn đau hoặc đã từng chịu
chết như vậy. 


Cái chết (trong kinh doanh) của họ rất bất thình
lình, cô độc, tuyệt vọng, thậm chí có cái chết lãng xẹt đến mức nực cười. 


Hãy so sánh: 


Vinashin đổ nợ 86 ngàn tỷ đồng - Chính Phủ tái cơ
cấu thậm chí vì Vinashin không trả được nợ mà Việt Nam bị đánh tụt
chỉ số tín nhiệm. Bao nhiêu tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ
cỡ ngàn tỷ, vài ngàn tỷ, thậm chí vài chục ngàn tỷ. Không ai phải chịu trách
nhiệm!! "Tôi không có trách nhiệm gì". 


Doanh nghiệp Nhà nước tồn tại trên cơ sở bóc lột tài
nguyên dân sinh! Trên cái mệnh đề bất khả xâm phạm - tồn tại lố bịch: Kinh tế
thị trường xã hội chủ nghĩa. Những nắm đấm của nền kinh tế, cứ thế đấm vỡ mặt
người dân, và người dân buộc phải hài lòng!


Còn doanh nghiệp dân doanh – Có những cái chết kiểu
cây cao giữa đám bụi rậm. 


Hồi tháng 12 năm ngoái, Tw Đảng ra Nghị quyết trung
ương 9 về Doanh nghiệp và Doanh nhân có nói đến vai trò, vị trí của tầng lớp
này. Đích thân ngài Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến VCCI huấn thị, trao nhiệm
vụ.


Một đột biến trong sự chậm trễ và doanh nhân cần
nhiều hơn thế! Đó là cơ chế, là sự bảo trợ, trọng thị thực sự của quốc gia. Là
ý chí mãnh liệt ham làm giàu chân chính của công dân. 


Nhưng buồn cười và đớn đau là đến giờ đó chỉ là cơn
chém gió bốc đồng??


"Quốc gia là con thuyền doanh nhân là người
chèo lái con thuyền đó".


Oái oăm thay, người Việt ghét giàu, căm thù và ham
muốn sự giàu có. Nếu không giàu được, chúng ta lựa chọn ước muốn: mọi người đều
nghèo như như nhau. Đại gia, Đám cưới khủng, dàn siêu xe ... là những từ đầy dị
ứng! Dậu đổ bìm leo, một  doanh nhân rủi may ngã trên thương trường, một
đám reo hò thỏa sức cho những nguyền rủa của mình! Cơn liên hoan điên rồ của
truyền thông bắt đầu!


Sự ấu trĩ này nhẽ ra phải được đào mồ chôn chặt từ
hai mươi, hoặc chí ít là 15 năm trước?? Nhưng ở Việt Nam nó đang là
một phạm trù tâm lý bất biến, được nuôi dưỡng ngàn đời bởi tư tưởng tiểu nông
cào bằng.


 


Công ty Bình An lênh đênh giữa giông tố, trong những
tiếng kêu gào ở trạng thái man rợ, hoặc tiền man rợ, trong số ít đồng cảm, ta
thấy những cắc cớ đâu đó!


Nông dân có thể cho công ty nợ tiền mua sản phẩm đến
hàng tỷ, thì đó không phải là nông dân nghèo, đó là những triệu phú, tỷ phú
thực sự. Những con người này biết đâu đó, nhờ Bình An mà giàu lên (đại gia) như
vậy? Hãy đọc lại lời ông Trần Văn Trí – Tổng giám đốc Tổng công ty Bình An
trả lời phỏng vấn Vnexpress (Trụ sở triệu đô tại Mỹ của Bianfishco là nhà thuê):  “Suy
nghĩ nhiều nhất của tôi hiện nay, sau khi trả nợ cho hơn 30 hộ mà mỗi hộ chỉ có
1-2 tỷ đồng, còn gần chục hộ nông dân “đại gia”, có thể mời tham gia đại hội cổ
đông và bầu vào HĐQT để họ trở thành đồng chủ sở hữu nhà máy"
 -  để
kiểm nghiệm điều này.


Ngân hàng chối Bình An, lập tức một loạt báo chí bâu
vào, tiếp đó là công bố những khoản nợ "khủng" - ngàn tỷ của công ty
này, rồi nói một cách đầy ám chỉ: Đại gia thủy sản (bà Diệu Hiền) trốn nợ bằng
cách đi nước ngoài chữa bệnh. Dư luận nháo nhào cả lên, thả sức ném đá, hoặc
kêu than đau đớn đầy hận thù. 


Tuyệt! Một đòn giết Bình An, giết luôn những người
nông dân là chủ nợ của Công ty.


[Ngay cái tít Trụ sở triệu đô là đi thuê của
Vnexpress cũng đầy tính câu view rẻ tiền – Không câu view, báo chí đã chết! Và
thế là sự câu view bằng trí tuệ sự cảm thông đã bị thủ tiêu?? Nhẽ đương nhiên!]


Nhiều lúc tôi tự hỏi: Liệu có hay không một âm mưu
thôn tính Bình An? Tất nhiên đó chỉ là giả định? Mà trong nhiều trường hợp giả
định không chắc đã khác với sự thật!


Thẩm định giá của Bình An là bao nhiêu, bao gồm nhà
máy, các khối bất động sản và thậm chí cả thị phần thủy hải sản, thương hiệu
tầm ảnh hưởng... Nói như vậy để biết Bình An có đủ sức vượt qua sóng gió hay
không? Có đủ sức trả nợ và rồi bình an thực sự hay không? Kinh doanh ai
chả nợ? Ai chả vay ngân hàng? "Không vay nợ người ta gọi đó là lều doanh
nghiệp chứ nhà doanh nghiệp nỗi gì"? 


Trong sóng gió thì thái độ, cách hành xử nói lên
nhân cách con người, nhân cách doanh nghiệp. Hãy xem ông Trần Văn Trí bày
tỏ: “không để nông dân phải bán nhà vì Bình An”, hãy xem công ty
này sẵn sàng bán nhà máy, bán cả cái xe của vị Chủ tịch HĐQT để trả nợ. Gia
đình bà Diệu Hiền giờ đã không đủ tiền để trả phí điều trị ở Mỹ: "Vì
bệnh của vợ tôi quá nặng. Khi bị tai biến, vợ tôi liệt nhẹ cánh tay trái phải
mổ để chữa, sau đó sử dụng hóa chất trị ung thư. Chữa bên Mỹ không đủ tiền, hôm
họp báo tôi nói tốn 500.000 USD, đó như là tiền đặt cọc lúc nhập viện, còn để
mổ khối u phải tốn khoảng một triệu đô. Do vậy, vợ tôi phải nằm thêm ít lâu nữa
mới về được".


Ồ vâng! Tất cả  tiềm lực tài chính đang được
những người chủ của Bình An dồn vào việc trả nợ, trong đó có cả việc trả nợ cho
người nông dân (những nông dân tỷ phú) - chả ai trong họ bị bệnh như bà Diệu
Hiền. Còn sinh mạng bà Diệu Hiền thì phải phó thác cho trời vì không đủ
tiền?? 


Những người chủ của Bình An không chạy trốn, không
trốn nợ để dồn sức chữa bệnh cho người vợ, người mẹ của mình dù họ có thể làm
như vậy. Không khôn ngoan, họ đã lựa chọn đương đầu, dám chịu trách nhiệm dù
trong đơn độc.


Xem thế cũng biết được phần nào cái tâm thế kinh
doanh của Bình An, cũng là biết thêm sự vật lộn của doanh nhân. Hy vọng,
vượt qua giông tố, Bình An lại bình an! Hy vọng nhiều hơn cho nợ đời doanh nhân
Việt vơi bớt nhọc nhằn!


Quốc gia là con thuyền, doanh nhân là người chèo lái
con thuyền đó! Đừng để người chéo lái con thuyền đơn độc, tự chết.


NGUỒN