Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

...NÉM CHO DÂN KHÚC XƯƠNG...

Copy từ facebook Phạm Hưng
Tôi không nghĩ các bạn vì quá yêu nghề giáo của mình, hoặc của người khác mà phản ứng dữ dội thái quá đến thế trước sự việc VTV chiếu câu chuyện "Nhặt xương cho thầy" hay còn có tên khác là "Trao thương cho trò". Tôi nghĩ các bạn chưa thoát ra được hội chứng sợ người ta không coi trọng mình, hoặc thảm họa hóa vấn đề theo thuyết âm mưu.
Khiêm tốn một chút, bình tĩnh một chút đặc biệt là đối với những người làm cái nghề cần có đức tính, tố chất đó thì thấy vấn đề cực kì là bình thường, chẳng có gì. Nên đón nhận câu chuyện hài hước, ngộ nghĩnh đó là một món quà vui, ý nghĩa dù phảng phất sự chua chát trong cái ngày mà thời trong phim chưa có. Thời đó chưa có ngày Thầy Đồ.
Các bạn nóng mặt, thậm chí có cậu Tiến sĩ triết còn ấm ức khóc lóc ăn vạ VTV bằng một bài viết khi cho rằng mẩu chuyện là cái tát vào mặt giới giáo viên thì thật quá đáng. Rồi tự suy diễn là VTV xem các thầy như giới trộm cắp, đĩ bợm. Thật là không thông minh và quái gở cho tư duy của một giáo viên triết, ĐH tp HCM. Sao phải căng thẳng, nâng cao quan điểm đến thế. Tại sao không thể mỉm cười bâng quơ rồi đỏ mặt nhớ lại xem đã bao lần mình giả vờ đứng sau lưng cô sinh viên xem bài, rồi liếc trộm khe áo ngực cô ấy!
Khi biết rằng những câu chuyện đại loại giống chuyên VTV chiếu là có sẵn trong kho tàng văn học dân gian thì các bạn lại quay sang phê phán về thời điểm chiếu 20/11. Đúng vậy không? Hay vẫn chỉ là hình ảnh ông Đồ trong phim không đẹp?
Nếu các bạn nghĩ nghề nào đó theo các bạn là nghề có ý nghĩa cao quí thì rõ ràng một năm có 365 ngày, ngày nào cũng ý nghĩa và cần được tôn vinh. Đâu cần phải là ngày cụ thể này, cụ thể nọ.
Các bạn nhao nhao la ó phản đối câu chuyện, giống như dã dân đánh hôi trộm chó đâu có biết rằng là một người thầy đúng nghĩa thì cần luôn khiêm tốn và dạy dỗ học trò, nhất là bọn trẻ con đầu còn cứt trâu nhớ một điều là nghề nào trong đời cũng là nghề cao quí. Không có sự phân biệt, không nên nhồi nhét cho những cái đầu thơ ngây bê- tông hóa ngay trong đầu nghề nào cao quí nghề nào không cao quí, nghề nào chả ra gì.
Nếu như đứa bé sinh ra mà thấy được cảnh bác sĩ phụ khoa đỡ đẻ ngồi trực giữa hai chân mẹ nó, đón đỡ nó lúc giây phút chào đời thì chả cần giới bác sĩ bắt nó công nhận thì nó cũng khóc ré lên lương y là nghề cao quí nhất.
Nếu một xác chết vô thừa nhận trôi sông mà nhìn thấy hình ảnh người chèo thuyền đi nhặt xác thì hẳn nhiên linh hồn của cái xác sẽ quì xuống lạy tôn vinh nghề nhặt xác trôi sông là nghề cao quí nhất.
Các bạn nịnh đời phá cổng trường đạp lên nhau để nộp đơn xin học cho con đâu có hiểu là thà nhặt xương cho thầy như trong phim còn hơn chứng kiến cảnh bố mẹ mình xô đẩy bố mẹ bạn trước sự dửng dưng dự đoán trước của giới giáo viên.
Tôi dám cam đoan là những nhà giáo chân chính, có lương tri và lương tâm sẽ trầm ngâm, ưu tư trước câu chuyện được VTV3 chiếu trong ngày Hiến chương.
Tôi dám chắc là bản thân các bạn đang la ó, khóc lóc, đòi lại "công bằng" vẫn chưa phân biệt nổi đâu là Thầy giáo đâu là Thợ giáo.
Tôi nghĩ rằng, phần lớn các bạn do mải mê tập trung công việc bàn giao con chữ cho học sinh nên khi thấy VTV3 kể câu chuyện đã vội vơ hết vào mình bức xúc một cách không đúng mực. Biết đâu, cậu học trò trong phim chính là cậu bé Đỗ Viết Khoa làm nghề dọn xương cho ông thầy đã cao chạy xa bay thì sao? Nếu đúng thế thì các bạn cần có lời xin lỗi và tạ ơn VTV3 khi đã trót hồ đồ la làng ăn vạ.
Tôi dừng ở đây vì không muốn các bạn vì giận mà mất khôn, không biết là tôi viết như vậy không có nghĩa là tôi không có những thầy cô tôi yêu mến, kính trọng. Không có nghĩa là tôi không có những người bạn là giáo viên mà tôi cảm mến phục tài. Không có nghĩa là những người ruột thịt gần gũi nhất của tôi không từng và đang là thầy giáo, cô giáo.
Tất nhiên tôi không quên nhắn các bạn một lời cuối là các bạn từng đã lên án chuyện thầy trò nào đó oánh nhau trên bục giảng, nhưng bản thân các bạn cũng đang ầm ĩ giật đầu, bứt tóc, vác đá ghè nhau với VTV ngay trên bục Hiến chương 20/11 của mình mà không biết.