Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

copy của TUANDDK

Các Cẩm phạt từ văn chương lù lù bước ra đường phố


-         Thôi, thế thì tôi chỉ còn cách li dị vợ tôi mà thôi !


-         Chết nỗi ! Tại sao thế ?


-         Tôi đã dặn nó thỉnh thoảng phải bảo trẻ nhỏ ra ném sấu ngoài phố, không thì để nhà cửa cho rõ bẩn thỉu, cống rãnh cho nó ngập lụt, cho thầy MinToa thỉnh thoảng biên phạt, thì tôi mới có dịp phạt lại vợ thầy ấy, thế mà nó cứ để con tôi ngoan như bụt, nhà cửa sạch như lau, như chùi ! Con khốn nạn, con ác phụ !


Câu chuyện bi hài của thầy cẩm MinĐơ vì cái “chỉ tiêu” 5 ngàn bạc Đông dương đã được nhà văn Vũ Trọng Phụng, cũng là ông vua phóng sự đất Bắc đưa vào văn chương từ những năm đầu thế kỷ 20. Cái chỉ tiêu này đã khiến những viên sở cẩm “đè vợ nhau” ra mà phạt văng tê, phạt như có thâm thù với nhau. Khốn nạn cả cho những thằng phu xe biết luật. Và ngay chính các thầy, trong câu chuyện than vãn trà dư tửu hậu đã trỏ mặt hỏi nhau: Chúng ta là cẩm phạt!?


Khốn nỗi, bóng ma “chỉ tiêu” cho các cẩm phạt nay đã từ văn chương lù lù bước ra đường phố khi Hà Nội vừa chính thức giao chỉ tiêu phạt cho CSGT. Tất nhiên, còn lâu các vị MinĐơ, MinToa tân thời này phạt lẫn nhau, bởi giờ đây, “những thằng phu xe” đã đầy đường.


Hoàn toàn không có tiền lệ trong lịch sử công an nhân dân cách mạng về chuyện giao chỉ tiêu phạt. Cũng không rõ căn cứ của thứ chỉ tiêu, mà người ta vẫn đang tranh luận không rõ là một biểu hiện của quyết tâm chống tiêu cực trong nội bộ lực lượng CSGT, hay là biến thái của căn bệnh thành tích- được nghĩ ra căn cứ trên số lượng CSGT, hay trên số lượng vi phạm. Chỉ biết chắc một điều là với chỉ tiêu này, mỗi ngày trên đường phố thủ đô, chắc chắn phải có 415 “thằng phu xe” vi phạm, bị phạt, bị “giam giữ nồi cơm”. Tác giả của cái chỉ tiêu, ông Trưởng phòng CSGT CA Hà nội, thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, trả lời báo chí: "Thời tiết chuyển sang hè, tình trạng không đội MBH, lạng lách trên đường ngày càng gia tăng ở bộ phận thanh, thiếu niên…”. Vì vậy, thì cứ tạm hiểu cái chỉ tiêu sinh ra là bởi… trời nóng và “một bộ phận” tóc xanh tóc đỏ không đội mũ bảo hiểm.


Có người đã tính, số lượng CSGT sau khi Hà Tây sáp nhập về  Hà Nội là khoảng hơn 800 người. Nếu tính cơ học, với chỉ tiêu 415 trường hợp vi phạm mỗi ngày thì mỗi CSGT phải phạt 2 trường hợp. Tức là CSGT ngày nào cũng phải tìm ra vi phạm và “phu xe” thì kiểu gì cũng phải vi phạm.


Phản ứng ngay sau khi cái quy định kỳ cục kia được đưa ra, Hà Nội lập tức xảy ùn tắc hàng loạt trong dịp nghỉ lễ 30-4. Tắc 3 tiếng đồng hồ ở Láng- Hoà Lạc. Ùn 4 km ở khu vực đường Pháp Vân… Ùn tắc sinh ra bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự bất lực của lực lượng CSGT trong việc phân luồng, hướng dẫn giao thông, chứ không phải sinh ra từ việc đội mũ bảo hiểm hay không. Đứng giữa cảnh ùn tắc “đi không nổi về không xong” đó, nhiều người đã chua chát đặt câu hỏi: Phải chăng vì cái chỉ tiêu quái đản này, lực lượng CSGT đã chỉ lo xử phạt, thay vì tích cực hướng dẫn giao thông? Phải chăng cái chỉ tiêu này đã chính thức thay đổi nhiệm vụ của các ông cẩm, từ hướng dẫn, đảm bảo giao thông, sang thành một thứ cẩm chỉ chuyên đi rình phạt? Và cảnh sát, ngoài nhiệm vụ duy trì trật tự giao thông, đã có thêm chức năng làm kinh tế khi theo quy định, lập biên bản xử lý là họ được trích % số tiền xử phạt?


Chỉ tiêu, theo định nghĩa, là mức quy định phải đạt trong kế hoạch. Nếu kế hoạch là giảm thiểu ùn tắc, là giảm số vụ tai nạn giao thông thì chỉ tiêu của các thầy cẩm đương thời hoàn toàn không phải chỉ là phạt. Bởi chỉ tiêu phạt chỉ có thể phục vụ cho một kế hoạch thô thiển hơn là đảm bảo cho thành tích phạt được nhiều, thu được lớn % “hoa hồng phạt”. Và hoàn toàn xảy ra trường hợp viên cẩm nào cũng đạt chỉ tiêu nhưng ùn tắc, tai nạn thì vẫn hoàn ùn tắc tai nạn. Như thế, CSGT thủ đô sẽ hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ?


Và vậy thì tại sao Hà Nội không đặt chỉ tiêu mỗi tuần, mỗi tháng, thậm chí mỗi quý giảm đi được một, trong số 64 điểm ùn tắc (trên 2h đồng hồ) đang hành hạ người dân mỗi ngày? Tại sao không đặt chỉ tiêu các đội CSGT phải đảm bảo ở mỗi ngã tư, mỗi điểm mà mình phụ trách không được để xảy ra ùn tắc?


Cũng may là các ông cẩm PCCC chưa học tập kiểu giao chỉ tiêu, chứ nếu ngành PCCC mà có chỉ tiêu thì chắc không còn cách nào khác là phải đốt chợ để chữa cháy.


Nếu họ Vũ còn sống, hẳn ông sẽ phải viết được mấy cái “Số đen” với nhân vật chính là những viên cẩm phạt suốt ngày ẩn ẩn núp núp với ước mơ, không phải là đường thông hè thoáng, mà mong sao cho những thằng phu xe vi phạm, để phạt cho đủ chỉ tiêu.