Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Ý TƯỞNG PHỤC DỰNG THĂNG LONG THÀNH

Phục dựng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới


 Bài này đăng trên blog Huy Minh (http://huyminh.wordpress.com/2010/10/09/tao-su-kien/) và trên vnexpress (http://vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Van-hoa/2010/10/3BA2163C/)


Hãy dành riêng Hoàng thành hiện nay cho công việc nghiên cứu. Nhân dân, với niềm ham hiểu biết và kính ngưỡng tổ tiên, nhìn vào một khu vực khai quật hiện còn nhiều bề bộn, liệu sẽ đoán định được bao nhiêu về quá khứ? Còn gì bằng nếu thành Thăng Long được xây dựng lại, ở một vị trí khác, đúng với quy mô vốn có trong lịch sử? Sẽ ra sao nếu chúng ta quy hoạch từng khu vực riêng về triều Lý, triều Trần, triều Lê… với những đường nét kiến trúc được phục dựng một cách cẩn thận và đẹp tới từng chi tiết nhỏ? Trong khung cảnh đó, những người phục vụ vận trang phục của các triều đại xa xưa và bán những món cổ truyền? Điện ảnh sẽ được hưởng lợi - hãy học hỏi cách Hàn Quốc quảng bá văn hóa của họ ra nước ngoài bằng điện ảnh; du lịch được hưởng lợi - một điểm đến thỏa mãn bất kỳ du khách nào; Hà Nội không đi một nước cờ sai trong mục tiêu xây dựng một thủ đô văn hóa. Du khách bốn phương khi đặt chân đến đây có thể có được câu trả lời: vì sao thành Thăng Long lại trở thành di sản tầm cỡ toàn cầu, và bản thân chúng ta thỏa mãn nhu cầu được biết, tổ tiên đã sinh sống và trị nước ra sao, một cách sinh động và cụ thể.


Nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng nói, lịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục; nó còn khích lệ. Nó làm nguôi ngoai, đem lại sự bình tâm, nó xoa dịu những nôn nóng cũng như những âu lo và cung cấp chỗ dựa cho niềm tin và hy vọng. Giữa những ưu tư nặng nề trước các khó khăn hiện tại, nó đưa lại sự tĩnh tâm thư thái khi thanh thản chiêm ngưỡng quá khứ vì dường như ta được tham dự vào sự bất tận của thời gian và vĩnh hằng của muôn vật. Nó là một phương thuốc tuyệt vời chống lại sự nản lòng và bi quan. Khi ta có được cái may mắn thuộc về một dân tộc có sau lưng mình nhiều thế kỷ lịch sử, thì trong những lúc thất vọng hay hoài nghi, sẽ là một khích lệ tuyệt diệu nếu biết nhớ lại thiên sử thi anh hùng dài lâu của tổ tiên và rút lấy từ trong các bài học của quá khứ những sức mạnh cần thiết để đối mặt với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.


Có những người nhìn chỉ thấy cơ hội, lại có những người nhìn chỉ thấy khó khăn. Cơ hội không phải là một từ xấu theo nghĩa ban đầu của nó. Tôi không lạc quan đến nỗi cho rằng, phục dựng lại thành Thăng Long là một việc dễ dàng. Sự khó khăn không nằm ở tài chính, hay ở việc tìm kiếm một địa điểm hợp lý trong một thủ đô đã được mở rộng, mà nằm ở các công trình cụ thể.


Theo tôi, có hai cách tiến hành:


Thứ nhất: Chúng ta hiểu biết về quá khứ đến đâu sẽ phục dựng đến đó, làm chính xác tới từng chi tiết cũng như vật liệu, từ thềm điện Kính Thiên, chiếc đầu rồng đất nung cho tới những viên gạch xây thành... thể hiện rõ kết quả nghiên cứu về thành Thăng Long của các ngành liên quan như khảo cổ, mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng… Chúng ta đưa những đúc rút từ nghiên cứu vào đời sống thực, chứ không dừng lại ở sự miêu tả mang tính sách vở khô khan.


Thứ hai: Có thể sáng tạo ở những chi tiết không thể tìm hiểu được, mà Việt Phủ Thành Chương là một gợi ý điển hình. Chẳng hạn, cổng phủ của họa sĩ Thành Chương không giống bất kỳ chiếc cổng làng cổ nào trên đất nước Việt Nam, nhưng người dân ngắm nhìn nó đều thấy thân thuộc, vì nó được xây dựng từ việc quan sát hàng trăm chiếc cổng làng đẹp và nổi tiếng nhất. Nó đã hoàn thành việc chứa đựng hồn cốt Việt Nam . Tôi có gọi đó là sáng tạo đỉnh cao cũng không có gì là quá đáng. Sáng tạo là một đặc quyền mà lịch sử không làm được nữa và được ban tặng riêng cho những người đang sống. Sau này nếu có tư liệu xác đáng sẽ bổ sung sửa chữa cũng không có gì là muộn.


Có thể sẽ xảy ra những tranh luận sâu rộng, thậm chí tới từng chi tiết kiến trúc. Cần có sự liên kết, phối hợp của nhiều ngành, vì công trình không chỉ là tòa thành với những dãy cung điện mà còn có nhà cửa, đình chùa, các đồ đạc nội thất, đồ dùng sinh hoạt, thậm chí trang phục, đồ ăn thức uống… Hợp tác cùng làm một việc lớn như vậy là điểm yếu thường thấy của chúng ta. Nhưng, sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy? Hãy hỏi ý kiến nhân dân, quan tâm tới luận điểm của giới trí thức và đặt niềm tin vào các nghệ nhân. Bày tỏ sự tôn kính đối với tổ tiên bao nhiêu, con cháu sẽ tôn trọng chúng ta bấy nhiêu. Đừng quên rằng, rồi đây chúng ta cũng đều trở thành quá khứ.


Xin được gửi đi ý tưởng này, mong nhiều người có thể suy nghĩ tiếp cùng tôi.


NGUYỄN HUY MINH