Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

LAN MAN CHUYỆN LUẬT VĂN HỌC


Bản đầy đủ thế này cơ



Chuyện vài tờ báo ở  TPHCM ghi sai tên một đề xuất dự án luật của
đại biểu Nghệ An Nguyễn Minh Hồng đã dấy lên một làn sóng ảo tưởng của hàng
loạt nhà thơ. Chỉ sau một ngày báo ra, có khoảng chục nhà thơ nhảy lên báo,
web, blog. Người thì dỗi ai bảo cứ làm thơ phản động cho lắm vào để giờ người
ta ra luật. Người thì thì bảo không được không được, hãy để các nhà thơ được tự
do sáng tạo, đừng bắt chẹt hồn thơ. Có  nhà thơ hứng lên còn bình ngon lành một bài
hoành tráng vì sợ luật nhà thơ (nếu có) sẽ triệt tiêu luật thơ (niêm luật trong
thơ).


Một điều rất buồn cười đã bám sâu trong tư duy văn nghệ sĩ
Việt là luôn mồm kêu gọi sự tự do, dân chủ nhưng cứ nghe đến luật là nổi đóa,
là chối ngay mà không hề ý thức được rằng, xã hội càng tự do thì luật càng
nhiều. Còn tự do kiểu không cần luật là sự tự do của: một là hạng lưu manh, du
đãng, hai là cầm thú, dứt khoát không phải của con người. 


Nếu hiểu như thế thì việc gì phải sợ luật? Và bất kỳ nhà
nào cũng cần có luật hết, cả những người làm văn học. Có thể, do những đặc thù
của văn học (vốn chuộng sự tự do trong tư tưởng) nên giới sáng tác tỏ ra khó
chịu khi nghe đến luật là điều dễ hiểu nhưng điều đó không có nghĩa làm văn học
thì không cần đến luật. Chả riêng gì tôi, nhiều người có thể nhìn thấy không ít
người trong giới sáng tác hiện nay nhân danh sự tự do trong sáng tác để xâm hại
đến các cá nhân, tổ chức. Chuyện giới văn chương đạp đâm nhau bằng văn chương
không thiếu và có cả những nhà văn chán đời, bất lực, bất mãn thời cuộc mà ngậm
tiền của các tổ chức cá nhân  bên ngoài
để chống phá đất nước. Điều này là có thì cớ gì văn học lại không có luật? Vấn
đề nằm ở chỗ những người soạn luật, phải soạn sao để bảo vệ lợi ích hợp pháp
của các cá nhân, tập thể nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sự tự do trong tư tưởng
của giới sáng tác văn chương.