Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

NỖI LO TRONG SA LÔNG

*** Người ta thẩm định một khoa học
gia qua thành quả của công trình nghiên cứu nhưng người ta thẩm định một trí thức
qua thái độ của người này.


Trên đây là ý của Trương Nhân Tuấn trong một bài viết, đại
để ông cho rằng xã hội Việt nam hiện nay đã chết lâm sàng do tầng lớp trí thức
không dám dấn thân bày tỏ thái độ trước áp bức bất công, gọn lại là chống chính
quyền. Riêng hai dẫn chứng từ Nga và Pháp để từ đó “làm mẫu” cho trí thức trong
nước Beo hơi lăn tăn.
Theo hiểu biết hạn hẹp của Beo, Sakharov đấu
tranh chống chạy đua vũ trang, chống phổ biến chính các loại vũ khí ông phát
minh ra, để bảo vệ quyền sống của con người, chứ nhà ông này yêu Xô viết gần chết,
sau khi được phục hồi nhảy ra làm ông nghị (phái thân đảng cộng sản) một thời
gian. Trường hợp Emile Zola cũng nhờ bác Tuấn coi lại, vì bênh vực Dreyfus mà phải
tị nạn sang Anh hay trốn án phạt trong vụ này 1 năm rồi quay lại Pháp.


Khi mà « dân oan » đã trở thành một tầng lớp
rộng lớn …Khi mà người yêu nước, bất đồng chính kiến với đảng CSVN, cho dầu chỉ
mới lên tiếng một cách ôn hòa, thì bị trù dập, tù đày... Một nữ nhà báo, thật
can đảm, vạch trần những nhơ nhớp bẩn thỉu của gia đình một đại quan công an
thì bị công an bắt. Một nhà báo khác dùng thủ thuật để vạch trần những nhũng
nhiễu của công an thì cũng bị công an
bắt. Một tờ báo nói thật bị đóng cửa ;
một trang web nói thật cũng bị đóng cửa. Từ đó không ai dám nói thật. Chân lý
không còn thì xã hội đó là xã hội của những tên lưu manh, điểu giả.


Những điều bác nói đều đúng cả. Phi logique nó nằm ở đây:
thế những sự việc viện dẫn ra bác lấy thông tin từ đâu, nếu không phải từ chính
báo chí trong nước - nơi bác cho rằng đang không ai dám nói ra sự thật. Một nhà
báo…một tờ báo…một trang web…bị cư xử bất công, từ đó rút ra kết luận bao trùm xã
hội chỉ còn toàn hạng lưu manh đểu giả, điều này e phải coi lại toàn bộ tư duy của
bác Tuấn trí thức, chứ không chỉ  là chuyện
phi logique.


Thế giới sẽ không biết đến Sakharov mà trao  Nobel hòa bình, cho dù ông có bị chế độc độc
tài quản thúc trăm năm đi nữa, nếu ông không là cha đẻ của bom Hydro. Giá trị của
việc biểu lộ thái độ chính trị của ông lớn chính nhờ xuất phát điểm cao như vậy.


Bác Tuấn nói Việt không thiếu gì Sakharov, nhưng sao
không thấy họ lên tiếng. Và vì không nghe thấy nên bác tiếp tục suy luận thứ
hai, xã hội Việt chết lâm sàng khi trí thức không (dám) bày tỏ chính kiến.


Suy luận sau tệ hơn suy luận trước vì nó bắt đầu từ lối
nghĩ, không thấy có tức là nó không có.


*** Trong y học, chết lâm sàng chỉ tình trạng não bộ
không còn họat động, cơ thể bất động chờ chết.


Lâm sàng Việt, dẫn vài ba ví dụ nhỏ nhặt, nó thế này.


Bác Tuấn chỉ thấy nguyên thủ Việt dẫn bầu đoàn thê tử
sang làm ăn với Myanma, vì đăng đầy các báo. Cái bác không thấy là những chuyến
đi không công bố của họ, làm gạch nối giữa ASEAN, Mỹ với Myanmar, để đạt được
những bước dài trong tiến trình dân chủ hóa như hiện nay.


Bác Tuấn chỉ thấy cảnh công an thu gom mấy người biểu
tình ở Hồ Gươm, vì đăng đầy trên các trang mạng cá nhân. Cái bác không thấy
cảnh hai bác Dũng, Sơn (thứ trưởng ngoại giao) đập bàn đập ghế với đồng cấp
Trung quốc hay hàng loạt các bài binh bố trận khác của chính quyền nhằm bảo vệ
chủ quyền quốc gia. Một cuộc chiến mà cả bác và em đều biết rất rõ rằng, ta còn
lâu mới thắng. (Chưa kể chỉ  bằng cách ra
Bờ Hồ hô đả đảo).


Còn những cái sau đây, chỉ cần bác đáo về nước trong vòng
ba ngày là thấy ngay, thấy hết.


Du học sinh, chí ít là tất cả con cái bạn bè Beo, đều
quay về khi học xong. Hàng ngàn triệu phú từ trẻ tới cực trẻ từ Đông Âu đã và đang
thu dọn tài sản để trở về và không thể nói, họ vinh thân phì gia thì quốc gia thêm
phần yếu kém. Cao ốc vài chục tầng mọc lên gần như hàng ngày. Hàng loạt khu đô
thị mới ở Hà nội, Sài gòn, Đà Nẵng, Cần thơ…bắt buộc cư dân phải tập tành dần dần
văn hóa sống trong đầy đủ sang trọng. Beo rời Việt nam hôm chưa có chợ hoa đường
hoa, nhưng phố xá cũng đã rực rỡ, siêu thị nghẹt người mua sắm. Cuộc sống đang
trôi về phía phồn vinh phú túc.


*** Nhưng, giờ thì Beo đang ngồi đây, một thành phố lạnh
lẽo của nước Mỹ, và lẩn thẩn nghĩ, cứ cả ngày ôm cái computer đọc báo, vài
tháng nữa không khéo cũng lại lo sốt vó, xã hội Việt đã chết thật, chứ không chỉ
lâm sàng.


  Cái này copy bên nhà bạn cave
núi


Viện sĩ Sakharov sau khi được
Gorbachev trả tự do vào 12/1986 đã tận dụng không khí có chút cởi mở ở thời
điểm đó để hoạt động chính trị khá tích cực.  Trong cuộc bầu cử demi-dân
chủ vào Quốc hội Liên Xô 3/1989 ông được bầu vào Quốc hội- tất nhiên để hoạt động
chính trị-nhưng không phải để làm ông nghị phái thân cộng sản như chị viết.


Lúc này Liên Xô chỉ có 1 đảng
là đảng Cộng sản, nhưng viện sĩ Sakharov cùng với Boris Yeltsin-cựu bí thư
thành ủy Moskva đã bị thất sủng (nhưng được 90% dân chúng Mạc tư khoa bầu trong
cuộc đối đầu với 1 nhân vật được Kremli hậu thuẫn), nhà kinh tế Popov, giáo sư
sử học Afanasev và Palm- 1 đại diện đến từ Baltik (phong trào ly khai khỏi Liên
Xô đang dâng lên khá mạnh ở 3 quốc gia Litva, Latvia, Estonia này) đứng đầu
nhóm đại biểu tạm gọi là đối lập dân chủ-nhóm Các đại biểu liên vùng (Межрегиональная депутатская группа -МДГ). Các thành viên nhóm này có
nhiều quan điểm khác nhau, nhưng thống nhất với nhau ở 1 điểm- đòi bỏ điều 6
Hiến pháp Liên Xô về sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bài phát biểu của
viện sĩ Sakharov tại kỳ họp QH bị đa số các đại biểu (thân CS) huýt sáo phản
đối đến nỗi mà tại Moskva người dân xếp hàng dài (hihi, chắc là có tổ
chức) gửi điện phản đối những hành động thô bạo chống Sakharov của đa số
bảo thủ. Đó cũng là đợt Cavenui em chuẩn bị về phép, sau khi mua vé rồi ra bưu
điện gửi điện về VN báo ngày về nước thì đúng là ngày người ta xếp hàng ở bưu
điện gửi điện đến QH đông như vậy. Thấy em đứng vào hàng, nhiều người hỏi em
cũng gửi điện ủng hộ Sakharov à, em bảo không em đánh điện về nhà, thế là người
ta bảo nhau cho em chen ngang gửi điện trước.


Sakharov sớm qua
đời nhưng ông chính là thủ lĩnh tinh thần của phe dân chủ đối lập với đảng
Cộng sản, những người gần gũi với ông về quan điểm tiếp tục sát cánh với
Yeltsin đấu tranh để loại Đảng CS ra khỏi chính quyền. Nhiều người trong số họ
sau này tiếp tục đối lập với Yeltsin nhất là sau khi Yeltsin dùng vũ lực ở
Chechnya.


Bà vợ của Sakharov, bà Yelena
Bonner, người đàn bà có gương mặt lúc nào cũng rầu rĩ và liên tục hút thuốc lá,
cũng tham gia hoạt động chính trị. Đầu năm 1991 khi quân đội Liên Xô nổ súng ở
Vilnius (thủ đô Litva), bà đề nghị rút tên chồng bà ra khỏi danh sách những
người đoạt giải Nobel hòa bình vì không muốn tên chồng bà đặt cạnh tên
Gorbachev, người bị coi là có trách nhiệm liên đới trong vụ nổ súng này.


Bà Bonner mới qua đời năm
ngoái, 6/2011 tại Boston (Mỹ).


Đính chính với chị Beo mấy
thông tin về ông Sakharov như vậy thôi, chứ Cavenui không tham gia thảo luận về
vai trò của trí thức với cả phản biện, những đề tài mà Cavenui thấy cũng tào
lao.