Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

NGƯỜI

2 tuần, băng đường bộ qua ba bang nghèo nhất và một bang giàu nhất
Ấn Độ. Mất đến hai ngày đầu không biết gọi tên cảm xúc của mình là những gì.
Ngày thứ ba thì định vị lại được và thấy cực thú vị khi thưởng thức nơi bao
lâu nay vốn được coi là một trong những cái nôi hiếm hoi sản sinh ra văn minh
nhân loại và, nền văn minh ấy vẫn bảo toàn nguyên vẹn, như cách nay cả
ngàn năm.


Mọi sinh vật ở đây được sống bình đẳng như người. Bò, cho ta sữa
để sống khi chào đời, giống như mẹ ta. Bò nghênh ngang khắp chốn cùng nơi. Sân
bay, khách sạn, muỗi to gần bằng
con ruồi quơ tay chí ít vớ được hai con. Quạ rợp đầu khỉ sóc rợp cây. Những con
chó cực đẹp lành hiền, nếu có lỡ  bị dẫm vô chân thì cũng chỉ oẵng lên rồi giương
cặp mắt đầy trách móc bỏ đi, không cắn lại. Sư thầy của chùa Việt nam quốc tự
kể, cách nay 7 năm rắn hổ mang và chó sói rất nhiều, các thầy có lời xin chúng tôi đến đây chỉ tu tập không làm hại
gì ai
, dần dà họ cũng bỏ đi, giờ lâu lâu mới về.



Khách sạn mang nghĩa
có giường nằm (màu xanh xanh), 
bếp ăn, thùng nước sát bếp ăn vừa uống vừa tắm. Toilet
thiên nhiên, nếu trong thành phố  là …vỉa hè. Sự xấu hổ trở nên lạc lõng
khi thấy gần như toàn thể đàn ông Ấn tè ngoài đường. Ngay tường rào sang trọng
của dinh tổng thống ở New Delhi, tương đương như chỗ Dinh Thống nhất hay Lăng
Bác của ta, làm 3 cái bồn tiểu đàn ông công cộng, phơi tơ hơ ra mặt đường không
buồn che chắn. Dĩ nhiên kèm theo cái thú ị đồng này là mùi xú uế. Thứ duy nhất
mình không muốn tận hưởng nhưng vô phương chống chọi. Nó theo vô phòng ăn phòng
ngủ ám vào đầu vào tóc. Nó khiến cho rất nhiều phong cảnh tuyệt đẹp mình phải
chụp qua lớp kính màu trên ô tô.


Phân bò được dùng làm phân bón và đun nấu. Nó được vắt bằng tay và
trong thành phố thì phơi khô bằng cách dán lên vách nhà. Bức hình dưới ghi chưa
đủ vì bên cạnh bức tường phân thì trong tiệm bánh, còn dê và heo thân thiện dưới tấm phản nằm của ông chủ tiệm.


(hì hì, chú áo vàng vừa tè xong ngay bên cạnh cửa hàng bán càri
nóng sốt đùng đùng này)



Mình phân vân mất mấy ngày trước quyết định có nên chụp hình hay
không những cảnh này, vì thấy bất nhẫn. Nhưng rồi, thói quen có sức mạnh thật đáng
sợ. Hình như bất cứ ai cũng có thể  xin tiền một cách rất hồn nhiên, không
riêng gì ăn mày. Trong khu di tích di sản thế giới của Unesco, một chú cảnh sát
sau khi thấy mình cho tiền mấy người làm cỏ lẵng nhẵng theo chìa tay money
money
. Mình thèm vô trong khu vực cấm gần chết. Tới chỗ vắng, mình gạ, nếu
cho tao vào tao cho tiền, chú dứt điểm, không. Tốt. Thà đi ăn xin chứ không
chịu nhận hối lộ. Ngoài súng, cảnh sát Ấn thay vì cầm dùi cui là cây gậy trúc,
như gậy đánh chó.



Lùi vào chừng 1 mét là bóng cây mát, nhưng không, chú hướng dẫn
viên lôi tuột cả đoàn ra cái nắng giữa trưa để dẫn giải. Và thà phải nói to gấp
đôi cho cái đám núp bóng râm nghe chứ chú không nhượng bộ thói quen người Ấn
của chú. Con người, súc vật,
rau quả…tất thảy  lầm lụi trưng dưới ánh mặt trời.


Rất hiếm gặp hiệu thuốc hiệu sách nhưng cực kì thông dụng là
nghề  cắt tóc cạo râu. Một lần làm mặt
thế này hết quãng  hơn 2 ngàn Việt. Một
kí gạo 10 ngàn. 1 kí cải bắp 1 ngàn.

Ai cũng biết, Ấn hiện nay là
một cường quốc phần mềm trong công nghệ thông tin.
Chú đánh giày đang nghe
tường thuật bóng đá qua  ĐTDĐ
và chiếc máy vi tính công
cộng ở sân bay Kolkata.







Sống là thế, chết còn giản
đơn hơn nữa khi mang ra sông, chất củi đốt là xong một kiếp làm người. Mình
tưởng phong tục đốt xác chỉ có ở sông Hằng hóa ra không, cứ có sông là thấy. Cũng
kẹt xe. Cũng biểu tình. Có điều quên ko hỏi biểu tình phản đối hay ủng hộ cái gì.
Suốt hai tuần không hề gặp một tai nạn giao thông hay đám đánh lộn nào.



Nàng người Mỹ, ở một mình
trong ngôi chùa Hàn quốc rộng mênh mông đã hơn 4 tháng. Nàng bảo, tao  bằng lòng
với cuộc sống của mình hơn bất cứ đâu. A, mà nàng không một mình, nàng ở chung
với Roney. Roney hình như thèm có người trò chuyện nên bện chặt lấy mình, đu
hai chân trước vào balô níu kéo. Không dám qua khỏi cổng, đi khá xa vẫn thấy Roney dõi theo.



Trở về với những tiện nghi bảo
bọc vây quanh, cũng chưa biết, mình hay họ, những người sống như thuở hồng hoang kia, ai người hạnh phúc hơn. Thế nên,
quan niệm về hạnh phúc bấy nay, ít nhiều xôn xao.