Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

HIẾN PHÁP CỦA AZIT NEXIN


*** Sáng, mắt nhắm mắt mở đọc cái này trên Tiền phong, đọc xong dụi mắt 8 lần vẫn cứ tưởng là chuyện của Azit Nexin.
Đề xuất chủ tịch nước nắm bộ công an, quốc phòng và ngoại giao …với quy định của Hiến pháp hiện hành, quyền lực pháp lý - thực tế của Chủ tịch nước rất hạn chế, chỉ mang tính hình thức.
… nếu khẳng định Chủ tịch nước là chức vụ cao nhất của Nhà nước, thay
mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang thì
thiết chế này phải được nắm các bộ công lực gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ ngoại giao, còn Thủ tướng Chính
phủ nắm những bộ còn lại và quản lý chính quyền địa phương.
Tác giả tuyệt kiến này, dĩ nhiên không phải ông nhà văn Thổ, mà của ông GS.TS Phạm Hồng Thái, Chủ nhiệm khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội).
***
Theo sự hiểu biết chật hẹp của mình, các thể chế trên thế giới này, từ tam
quyền phân lập đến quân sự độc tài, từ cộng hòa cho đến quân chủ, từ quang minh chính đại đến tù mù u tối, thảy đều có một điểm chung nhất: xây dựng hình ảnh quyền lực tuyệt đối cho chính phủ điều hành (quyền thật đến đâu hay cơ chế kiểm soát quyền ấy thế nào lại là một chuyện khác).
Mình trực diện 2 lần  Bush, 2 lần Clinton, trong đó 1 lần khi ông không còn làm tổng thống và Obama 1 lần, rất buồn cười là lần nào mình cũng liên tưởng đến mấy ông vua quan trong các vở chèo tuồng, với các thủ tục xuất hiện màu mè riêu cua phát sốt phát rét. Sự màu mè có chủ ý rất rõ: tôn vinh quyền lực tuyệt đối của tổng thống đất nước hùng mạnh nhất thế giới.
***
Hiểu nôm na, hiến pháp giống như bộ luật cái. Bộ luật cái này  minh thị tổ
chức hệ thống quyền lực một quốc gia, xác định bổn phận của nhà nước trước các quyền công dân và cuối cùng, xác định các chế độ sở hữu trong xã hội.
Thực tế, quyền lực tối cao hiện chia cho 4  ông và gần như không ông nào có … thực quyền. Thứ quyền duy nhất ông chủ tịch nước được toàn quyền thực thi không phải thông qua bộ chính trị là quyền kí bản án tử hình. Tương tự, với ông thủ tướng là kí bổ nhiệm ai đó khi  đủ 17 vị đã gật
và ông tổng bí thư là nhắc nhở quần thần thực thi những việc đã được…tập thể nhất trí thông qua.
Nhìn vào những gương mặt cụ thể đang điều hành đất nước hiện nay, có thể thấy rằng ngay cả khi được trao thực quyền thì cũng không ai có đủ uy lực để dám thực thi hết quyền của mình.
Việc sửa đổi hiến pháp chí ít để áp dụng cho một vài thế hệ, chứ không phải nhìn vào những gương mặt cụ thể của ngày hôm nay để rồi định đoạt bản hiến pháp xoay vần quanh những gương mặt ấy, như ý kiến của ông dáo xư trên kia..
*** Kì họp cuốc hội rồi mình vắng nhà, chỉ đọc thông tin qua báo. Coi như báo chí ghi đúng đi, thì việc bàn cãi hăng hái của các vị dân bảo về bỏ phiếu tín nhiệm nguyên thủ, nó có một từ tiếng Anh cực chuẩn để diễn tả boondoggles,   thật tiếc mình không tìm được từ tiếng Việt  đắt  tương ứng, nó na ná  nghĩa trò mèo, trò rỗi hơi toi cơm tốn của.

Trò mèo là bởi, giả như bên A có các bằng chứng chứng minh bên B ra những quyết sách sai lầm hay điều hành yếu kém thì bên B, có thể có gấp đôi bằng chứng chứng minh, không phải mình tôi quyết, thậm chí chứng minh được cả tôi có quyết thế đâu. Bất tín nhiệm vào mắt.

Ở toàn cõi Việt nam này, chỉ cần quan tâm tí tí đến chính trị là có thể rành rẽ  điều trên, chưa nói tầm đại biểu cuốc hội.

Vậy tại sao nó lại được khơi ra ?

Thì thế, mới gọi là trò mèo.

***

Cái hiến pháp Azit Nexin của  ông trưởng khoa luật, mình đồ rằng nằm trong hệ thống trò mèo đang diễn ra này.