Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

"Không có gì mới”




Tác giả: GS Liam Kelley của  ĐH Hawaii. Người dịch: Vũ thị Phương Anh
Tôi có một phát hiện.
Bất cứ khi nào các học giả VN phải đối diện với những ý tưởng khác biệt với những điều được xem là chính thống ở VN, là họ lại đưa ra nhận xét rằng điều đó “không có gì mới”.
Gần đây hình như tôi đã viết về điều đó ở trên blog này khi tôi nói về những nhận xét của DTQ về cuốn Bên thắng cuộc của Huy Đức. Nhưng những nhận xét tương tự như vậy tôi cũng được nghe mỗi khi tôi nêu ra một điều gì, hoặc bất kỳ ai khác có nêu ra một điều gì không giống với những điều mà hệ thống chấp nhận.
OK, nếu nhận xét “không có gì mới” là một cách đưa ra lời phê bình về mặt học thuật, thì những người đưa ra lời phê bình ấy chắc phải có hàm ý rằng ở VN có những điều thực sự mới mẻ về mặt học thuật. Vậy, điều mới mẻ về mặt học thuật ấy ở đâu? Những học giả VN đã đưa ra những điều mới mẻ về mặt học thuật ấy là ai thế? Tên các tác phẩm của họ là gì? Vì quả thật tôi không hề biết đến những tác phẩm đã được viết ra và đáng được xem là “mới” này.
Mà điều gì đã làm cho những tác phẩm này được xem là “mới” nhỉ? Phải chăng đó là các tác phẩm đã sử dụng những phương pháp hiện đại để tạo ra một cách nhìn mới về quá khứ, như những học giả Ấn Độ đã làm khi nghiên cứu “giai cấp cùng đinh”*? Nếu vậy, những lập luận mà các học giả VN đã tạo ra từ những phương pháp hiện đại mới mẻ này là gì thế?
Khi đưa ra nhận xét “không có gì mới”, phải chăng các học giả VN nghĩ rằng họ là những thành viên bình đẳng của thế giới học thuật toàn cầu (và trong bối cảnh ấy họ có thể đưa ra nhận xét về giá trị học thuật của các tác phẩm của người khác)? Nếu vậy, những tác phẩm nào của họ có thể đưa ra để so sánh với những tác phẩm đã được viết ra tại các quốc gia khác trong nhiều thập kỷ vừa qua? Điều gì đã cho phép một học giả VN cái quyền phê phán tác phẩm của người khác bằng nhận xét “không có gì mới”?
Có lý do chính đáng nào (về mặt học thuật) khiến tôi cứ phải nghe mãi lời nhận xét này không? Hay đó chỉ là một phản ứng cảm tính được thốt ra trong tâm trạng mặc cảm? Nếu quả thật là có lý do thì xin hãy chỉ ra những chứng cứ khoa học cho thấy nhận xét ấy là đúng (ví dụ, đã có ai viết ra được cái gì có thể xem là "cạnh tranh" được với HĐ hay không?) Còn nếu đó là do mặc cảm, thì mọi người hãy dừng lại đừng chỉ phê phán người khác như thế mà hãy lo đi nghiên cứu để tạo ra những gì thực sự là "mới" đi. Như thế thì được cả đôi bên đấy!
Theo như tôi biết thì lời nhận xét “không có gì mới” chẳng qua chỉ là một cách để các học giả VN tự biện hộ cho sự tầm thường hiện có của mình mà thôi. Nhưng thực ra chẳng có cách nào biện hộ cho sự tầm thường được, vì không có gì có thể cản trở chúng ta đạt đến đỉnh cao.
*Ghi chú của người dịch: “subaltern studies” là một thuật ngữ của ngành lịch sử/nhân học/văn hóa học, không rõ được dịch ra tiếng Việt là gì, người dịch không phải chuyên ngành nên dịch tạm vậy, ai có nghề xin sửa giúp nhé.