Nếu Beo là bà, người đứng đầu cái ngành làm chết 20 đứa trẻ vì một chủng loại thuốc, thì việc đầu tiên Beo làm là bỏ tiền ra, mời các chuyên gia hàng đầu, các tổ chức y tế hàng đầu, thậm chí cả các hãng dược liên quan hàng đầu thế giới, vào nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân của việc thảm sát hàng loạt kia, đến từ đâu.
Không tìm ra nguyên nhân chính xác, thì mọi biện pháp xử lí, y học hay hành chính, đều vô nghĩa. Bởi, cái chết sẽ còn tiếp diễn.
Một bạn trên facebook của Beo, lập luận rằng việc thân nhân phải cùng chịu trách nhiệm trong việc chích thuốc ngừa cho các bé, tương tự như cam kết phẫu thuật khác, là hợp lí và tình.
Bạn đã sai về cơ bản. Việc phẫu thuật là thao tác bị động (chữa những cái đã rồi) của khoa học. Phàm bị động không thể tránh được những rủi ro, thế nên ngành y cần sự cảm thông của thân nhân bằng một tờ giấy chia sẻ trách nhiệm trước những rủi ro ấy. Chích ngừa là hành động chủ động, trang bị thêm cho một sinh linh vừa bước vào đời ít vốn liếng để tồn tại khoẻ mạnh.
Khi đã chủ động gần như tuyệt đối đến thế, mà ngành y lại bán cái trách nhiệm ấy cho thân nhân, kinh dị hơn, lái dư luận chuyển sang gam màu hình sự khi bán cái tiếp cho công an, là hành động phi nhân tính, ngu xuẩn không cách gi tha thứ.
Việc thứ hai, nếu Beo là bà, Beo sẽ tổ chức họp báo ngay lập tức sau tai nạn xảy ra, trước xin lỗi gia đình nạn nhân và nhân dân, sau trấn an dư luận bằng những chứng cứ khoa học về sự an toàn của vaccine, khuyến cáo cha mẹ vẫn rất nên tiếp tục cho bé chủng ngừa, nhân danh một bộ trưởng, một bác sĩ.
Dĩ nhiên, bà không làm thế.
Bà giao cho cơ quan chức năng đi tìm, lỗi ai nấy chịu. Sòng phẳng một cách lạnh lùng, trước sinh mạng con người.
Không trân quý con người, thì đúng là bà chỉ xứng đáng làm bộ trưởng (riêng) xứ ta mà thôi.
Chứ người thường, chẳng ai làm thế !