@. Beo sống đủ lâu và đủ quảng
giao để thấm câu này (cấm cười): trái đất tròn và bé tẹo.
TaiLong và con cái ít
chịu ăn đồ Việt nên lâu lâu
Beo mới đi chợ Tàu. Ông đứng ở quầy tôm cá tươi. Tầm 60. Nhớ mặt ông từ lần làm Beo tức ứa gan. Nhờ ông cưa (người Mỹ ko chặt dao như ta vì tạo đầu xương
nhọn nguy hiểm) con cá. Ông nói tiếng Anh rất tệ, mồm pạc pạc pạc tay ra dấu
chặt chặt chặt đúng 3 cú, quay lại lấy cá, ông cưa mỏng dính thành gần chục khứa. Nhìn mặt mình, ông buông một
tràng tiếng Hoa, tự hạ hỏa chắc là xin lỗi.
Những lần sau, nhác Beo
từ xa, ông đã hớn hở đứng chờ phục vụ. Và, rất lạ, dù biết mười mươi Beo người
Việt, nhưng ông dứt khóat không nói tiếng Việt nên tòan phải pạc pạc chặt chặt, cho đến một hôm…
@. Có lần trong inbox, một
bạn hỏi xoay quanh chuyện phá thai khi ko có bảo hiểm, ko thạo đường, ko biết ngọai
ngữ…Đóan là du sinh mới sang, Beo chỉ dẫn tận tình và ngỏ ý, nếu cần Beo có thể giúp đưa đến cơ sở y tế.
Bạn từ chối. Bẵng đi. Rồi
quên.
@. Phụ cận Boston có một
vùng sát biển. Đây là nơi hứng gió bão
đầu tiên và mạnh nhất mỗi khi anh zời
khó ở. Mà bão tuyết thì kinh lắm, kinh gấp đôi bão ở nhà bởi thêm màu tuyết trắng chói mắt, xói vào tận óc, đau buốt thái dương.
Rất nhiều ngư dân Hải
Phòng cư trú ở vùng này, lai rai từ đận 79 đến tận giờ vẫn dắt díu bảo lãnh
nhau sang.
Trong một trận bão như
thế, khi bão chưa tan, nhóm thiện nguyện tự phát kêu gọi nhau trên
FB, đã góp tiền xong.
XONG, bởi theo quy
định của luật pháp, khi số tiền quyên lên đến 10 ngàn đô thì chủ tài khỏan phải
ra sở thuế làm thủ tục khai báo. Thủ
tục khó
và lằng nhằng đến mức, tại Mỹ có hẳn một nhánh luật sư chuyên “cò” khai
thuế. Thế nên, cứ tới 9.9 ngàn các nhóm tự động dừng, ko tiếp nhận thêm.
Luật nào cũng có kẽ hở.
Ở đâu chẳng có người gian. Các lọai Hila-Đàm sẽ xuất hiện khi có nhà hảo tâm cho
bằng tiền mặt. Theo thói quen, người Mỹ ít khi dùng tiền mặt. Người Việt ít khi
dùng thẻ. Và chúng ta đã tòan thắng ngay trên đất Mỹ trong cuộc chiến tranh
tiền tệ này.
Mối quan hệ ba bên người
hảo tâm-người đứng ra quyên góp-người nhận quyên góp, được xếp vào lọai giao
dịch dân sự. Nếu có tranh chấp, chiểu theo các quy định giao dịch dân sự mà hành.
@. Quay lại với chuyến đi
đến vùng tâm bão. Khởi xướng là một facebooker gốc Đức, tên cô nàng đọc trẹo
lưỡi viết rất khó nhớ, Beo đặt tạm là Tóc Hoe.
Họat động của các nhóm này, cũng hệt Việt nam, muôn hình vạn trạng cách tụ họp nhau. Báo cáo tài chính công khai trên mạng xã hội hay như nhóm Beo tham gia, Tóc Hoe khi kết thúc chuyến đi đã gửi email cho từng người đóng góp bản kết tóan, cẩn thận chụp kèm cả các hóa đơn mua hàng.
Gần 50 người đóng góp, 7
người đi tận nơi. Tòan trẻ con 18, 20. Tổng số tiền được đổi thành áo lạnh,
chăn và nước suối. Tới nơi, số hàng này
đã được các nhà cung cấp chờ sẵn. Nhóm chọn cách mang tới từng nhà vì tại nhà
mở của thành phố, đồ cứu trợ đã tràn ngập. Hai
bạn nữ cảnh sát da đen hỗ trợ đi cùng.
Căn hộ đầu tiên, 3 phòng.
Hai anh em thuê chung. Hộ em 4 người, hộ anh gồm 2 vợ chồng và …6 đứa con, lít
nhít tầm mẫu giáo nhà trẻ.
Ông anh, lần đầu tiên nói
tiếng Việt với Beo, Cảm ơn bà. Cũng chỉ nói đúng
câu ấy.
Vợ ông cực xinh. Trẻ măng, mịn
màng tròn trịa. Nhận ngay ra Beo, em là
người hỏi chị chỗ phá thai….
Beo, sau lần gặp ấy,
không quay lại chợ Tàu lần nào nữa.