T.N: Chị làm sao e đối phó với Ba S.S. khi giấy li hôn đã hiệu lực cả năm , vậy mà suốt ngày ra cửa hàng e như 1 ông chủ chưa kể đêm về đứng trước nhà canh. Nay tuyên bố bà cấm yêu thằng nào và tui bám bà suốt đời. Huhuhu e làm phiền chị mà chẳng biết hỏi ý kiến ai
E ghét him kinh khủng , ko còn 1 tình gì , chỉ còn nghĩa đứa con, mà nhậu nhẹt say xỉn nay yêu cầu e phải có nhiệm vụ đưa vốn him làm ăn chứ 38 tuổi rồi ko có mặt mũi về ăn bám ông bà già.
Chiều đang hút thuốc quăng ngay điếu thuốc vô mắt e…
1.Cả ngày nay ở chỗ làm, cứ ám ảnh câu chuyện của em, quên ngược quên xuôi. Về đến cửa, chìa khóa móc ngón tay út mà đổ lộn tung đồ ra kiếm.
Chị ám ảnh về quá khứ của chính chị và một vài người bạn.
Một cô, từng có thời gian làm phó cho chị. Một mình nuôi hai con, bố mẹ và…chồng. Anh ta sức dài vai rộng khỏe mạnh to cao, nhưng ngại đi làm. Nó chạy chọt xin hết chỗ nọ chỗ kia, anh ta làm vài ba bữa chán, nghỉ ở nhà, nhậu và moi tiền nó tiêu.
Chồng nó y như Ba S.S. Đòi một khỏan tiền làm vốn kiếm sống mới chịu li hôn. Cũng phải lần đưa tiền thứ tư hay thứ năm gì đó, mới lôi được anh ta ra tòa.
Anh khác, một tấc đến giời, không nghề ngỗng công việc. Dĩ nhiên, vợ phát lương. Quởn việc, lê la đâu anh ta nói xấu vợ đấy. Anh ta nói nhiều đến nỗi, mấy cô bạn của vợ anh ta chưa kịp ngồi xuống đã hỏi nhau: “Đại gia ấy kể chuyện vợ ngủ ngáy to với chị chưa ?”. Câu quen thuộc với tất cả, từ vợ anh ta: “ Kệ. Đừng nghe những gì anh ấy nói”.
Trong tất cả tật xấu của đàn ông, lười nhác và lèm bèm là bẩm sinh. Phàm bẩm sinh, khó có thể cải tạo hay thay đổi, nghĩa là phải chấp nhận. Nếu lười nhác còn có phương cách cho anh ta “động tay động chân”, lèm bèm thì vô phương chữa. Lười nhác khiến chúng ta mệt mỏi vì phải gánh cả hai phần việc xây nhà lẫn xây tổ ấm, lèm bèm lại khiến chúng ta khinh khi nhưng suy cho cùng, lèm bèm vô hại hơn lười nhác. Có không nói ra thì “khán giả” của anh ta cũng thấy anh ta “bẩn bẩn”, như chúng ta thấy mà thôi.
Em là đứa bất hạnh, một tật đủ khổ, Ba S.S. có cả hai.
Nói thì nhanh và dễ. Chấp nhận nổi hai tật bệnh họan kia là cả một quá trình đấu tranh tâm não mệt mỏi. Chấp nhận bằng cách tự an ủi, phước phần trời cho mình ngắn hơn bạn bè hay “kệ”, như cô vợ anh kia, sẽ giảm bớt rất nhiều cắng đắng trong sinh họat gia đình- nhất là những cắng đắng bắt nguồn từ nỗ lực cải tạo anh ta của chính chúng ta. Còn khi không chịu đựng nổi nữa, thì bỏ của cải, bỏ tiền mua lấy tự do, như cô phó của chị.
Chị tự ngẫm từ chính đời mình, với tự do ấy, thời điểm nào chúng ta cũng có lãi, giá nào cũng rất rẻ.
Trường hợp của em, em dũng cảm vượt một bước dài, và đã có tự do. Anh ta không còn bất cứ quyền lực nào, trong tình cảm của em. Theo chị, đó là điều may mắn.
Chị là em, chị sẽ nhờ ông bà nội của S.S. và nếu đã có bạn trai mới, thì nhờ thêm bạn ấy trợ giúp thóat sự đeo bám nhùng nhằng của anh ta.
Xã hội mình, đủ thứ cơ quan hành pháp lẫn hội đòan phụ nữ, nhưng sẽ chẳng một ai đứng cạnh chúng ta trước những bạo hành tinh thần như em đang chịu đựng. Trò đời, cũng ít người đứng về phía chúng ta lắm, nhất là khi chúng ta ăn nên làm ra sau khi ly hôn, dù họ biết mười mươi sự thể.
Khổ thân em.
Nhưng, chị dặn này, có hai điều phải luôn luôn nhớ. Phải tự yêu thương lấy thân mình, tránh đi, né đi những điều có thể khiến anh ta dùng bạo lực mà việc ném điếu thuốc đang cháy vào mặt em, là dấu hiệu chẳng lành.
Thứ nữa, tuyệt đối đừng để cho S.S. biết những gì đang diễn ra giữa em và ba nó. Khi nào nó đủ lớn đủ nhận thức, tính sau.
Sông có khúc người có lúc. Cố lên em yêu.