Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Học

Tổng 3 thế hệ nhà tớ còn 6 nhóc liên quan đến cái sự học hành. 4 đại học, 1 lớp 1 và nàng- thèm đi học lắm zồi nhưng bố mẹ ông bà nội ngoại chưa quyết được trường, sau nhiều buổi hết bàn thảo căng thẳng đến vận động hành lang lẫn lộn nhau.


Không nên chui vào chỗ rắc rối, vậy nên tớ chỉ kể chuyện 4 nhóc đại học. 2 Bển 2 Này. So sánh từng chương mục.


Thời gian học trên lớp. Bển ít hay nhiều tùy thuộc vào khả năng tiếp thu, vào tính nết chăm hay lười, vào có chỗ trong lớp hay không để rồi một mùa lấy nhiều hay ít lớp. Để quản lý du sinh, Bển quy định mỗi mùa phải học tối thiểu 13.5 credit tương đương quãng 3 môn, dân bản xứ  thì thoải con gà mái. Này đơn giản hơn rất nhiều vì sêm sêm với giờ hành chính, lớp học như trại lính vì giống y trang nhau, ai cũng như ai.


Thời gian tự học. Bển nhiều gấp bội Này. Trước ngày thi có khi Bển học đến 1-2 giờ sáng. Thư viện Bển 10h đêm mấy tầng lầu còn kín mít trò. Thư viện Này nhỏ quá nên trò đi đâu học không rõ, về nhà năm thì mười họa mới thấy cầm cuốn sách lim dim.


Thầy. Niềm tự hào của Bển là đã có chỗ trong lớp của CIO này Nobel kia. Giá trị của trường phần lớn cũng từ đội ngũ thầy mà định ra. Này thì không được chọn thầy nên không rõ  thế nào. Giá trị của thầy do điểm bài kiểm tra  của trò định ra. Nói xấu thầy sau lưng thì hai bên như nhau.


Chương trình học. Bển nặng hơn Này chút đỉnh, về cơ bản là tương đương. Không biết sao Này hay đòi hỏi phải giảm chương trình, trong khi Bển giai xinh học tự nhiên vẫn phải học lịch sử và triết, gái đẹp học xã hội vẫn có môn toán. Khác nhau cơ bản nhất là các bài giảng của thầy Bển dựa trên các thông số thật, chính xác và cập nhật, thầy Này thông số cũ và giả định nhiều quá. Để làm bài kiểm tra về phân tích tài chính, giai xinh Bển phải bỏ 60 đô mua một báo cáo tài chính của một công ty thật, trên nền đó mà làm bài. Gái đẹp Này thì phải tự tưởng tượng ra các tình huống của một công ty ma. Mai mốt ra trường, muốn ma lần thế nào cho ra thật thì công ty phải dạy lại từ đầu còn thật sẵn rồi thì kiếm tiền nuôi bố mẹ ngon.


Còn nữa, Bển học rất nhiều về đạo đức, các môn chuyên ngành trong giáo trình có hẳn một chương về đạo đức ứng xử của ngành ấy. Hỏi Này sao hok thấy con học môn đạo đức, bị nó mắng cho đạo đức là thứ có sẵn, có thừa, xử thì tùy cơ ứng biến, việc gì phải học. Ngẫm cũng không phải vô lý.


Giải trí. Bất cứ chỗ nào, xe bus, tàu điện ngầm, phòng gym, đi bộ trên đường…đều thấy quãng 6-70% nhóc Bển không dắt tai nghe nhạc thì cũng ôm cuốn sách tờ báo. Xếp hàng từ 6 giờ sáng mua đĩa nhạc khi 10h tiệm mới mở cửa  có khổ thân tôi không cơ chứ. Chúng có thể bàn luận sôi nổi suốt bữa ăn về một cuốn phim (dở kinh theo tớ) hay kể nguyên nội dung một cuốn tiểu thuyết cho nhau nghe qua điện thoại. Này chỉ mê games, giúp việc xúc một tô cơm để cạnh bàn phím thì nó ăn, không thì nhịn, mắng nó nhe rằng cười không cãi, hòa cả làng. Cả hai đều không bao giờ chịu đi nghe nhạc cổ điển dù giá vé chỉ ngang kịch hay xiếc, Này thậm chí còn miễn phí, cũng không.


Này cực kỳ chú trọng hình thức, nhịn khổ nhịn sở để giữ vòng eo 58, 7h sáng đã bịt mặt như ninja sợ đen. Đưa tuýp kem chống nắng mắt trước mắt sau quăng mất. Bển ăn phình như rơi vào thùng bột nở, bôi chát rất nhiều nước hoa kem dưỡng ẩm keo bóng tóc toàn hàng hiệu. Rên rỉ ôi tiền của tôi Bển thơm chụt chụt đành tắt volume. Quần áo hai bên cả trăm bộ mỗi đứa, chúng đồng thanh kết luận, chưa bằng mẹ, xong phim luôn.