Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

copy từ Đàn chim việt







Căn bệnh trầm kha hoang tưởng của thế kỷ?


 Nguyễn-Khoa Thái Anh


Thật sự tôi cảm thấy có một chuyện gì không ổn trong sự hồ hỡi của một số người hải ngoại reo mừng quá độ, tuyên bố vung vít, diễn giải sự kiện một cách chủ quan cho sự trở về của Luật sư Lê thị Công Nhân như một chiến lợi phẩm, đạt được do chính sự tranh đấu hậu cần (hải ngoại) của mình. Có ai cảm thấy sự phong thánh của cô Công Nhân như một Jeanne D’arc của Pháp, hay con cháu hai Bà của Việt Nam không, hay chỉ riêng tôi?


Hình như trong mấy chục năm qua, từ ngày đảng Cộng sản Việt Nam đổi mới, mở cửa để tìm lối thoát cho mình, Việt Nam đã có nhiều điều tệ hại, tiêu cực hơn những tiến triển khả quan cho đất nước và dân tộc. Có phải do các nỗi uất ức không lối thoát,  những cơn tuyệt vọng trầm luân vì thực trạng tụt hậu về nhân quyền, mất chủ quyền của đất nước mà những lên án, cáo buộc, hô hoán của nhiều người hải ngoại đã trở thành những lời nguyền rủa thừa thải, những tuyên bố, phát biểu ồn ào,  vô nghĩa, những bài thơ sáo rỗng, không đi đến đâu? Nhiều lúc tôi ước ao trời cao có mắt, biến những lời chửi rủa thù hằn, những phát biểu thậm xưng này thành những bài kinh cầu thành tín, mầu nhiệm có thể biến đổi thực tại Việt Nam, thay thế lãnh tụ với những người biết đặt quyền lợi của đất nước trên quyền lợi cá nhân, phe đảng mình!


Ảo vọng đầu tiên của những kẻ cuồng nhiệt tự gán cho mình cái mác dân chủ ở hải ngoại là sự cuồng tín, thịnh nộ của chính họ trong một thế giới cách biệt ở hải ngoại. Ảo tưởng thứ hai là họ có thể tạo ảnh hưởng, gây tác động đến những diễn biến ở trong nước. Không hiểu trong thâm tâm sâu thẳm họ có tin rằng sự hô hào ồn ào, chị hát em nghe của họ sẽ gây phản cảm, không thuyết phục được ai ngoài sự trấn an cho con tim bé nhỏ, nỗi lòng thấp thỏm hoài nghi cho sự bất lực của chính mình?


Không hiểu người ta có thể áp dụng tâm lý học Tây phương để gọi cho hội chứng của căn bệnh hoang tưởng trầm kha này là “projection” (phóng rọi) không? Nói nôm na, trường hợp projection/phóng rọi xảy ra khi chủ thể (người trong cuộc) vì một hạn hẹp hay bất lực nào đó không đạt được ước muốn của mình nên ‘phóng rọi’ ước muốn đó vào đối tượng mình tin yêu. Chẳng hạn như cha mẹ ủy thác hay đặt trọng vọng đỗ đạt cao vào con em mình, hoặc giả khán giả đem ước ao thành đạt hay chiến thắng đặt vào tài tử ciné hay cầu thủ/vận động viên của đội nhà. Ở đây, khi chính bản thân con người vì nỗi sợ hay một lý do nào đó không dám, hoặc không làm được một điều gì thì tất nhiên họ cần thần tượng hóa hay thúc đẩy một nhân vật dũng cảm nào đó thay thế cho họ.


Theo tâm lý học, đây có thể là một ước muốn bình thường nếu nó không đi quá trớn. Cha mẹ không thể ép buộc con cái phải đỗ đạt cao, học hành quá sức nếu môn học đó không đúng sở thích hay năng khiếu của con mình. Cả một dân tộc lại càng không thể gán ghép nhiệm vụ, trọng trách của họ cho một vài cầu thủ đối trọng trong khi mình chì là kẻ bàng quan, làm khán giả reo hò, cổ vũ như trong một trận đấu bóng.


Nhiều quý vị đọc giả đã nghe những lời nói chân tình của Lsư Lê thị Công Nhân khi Tường Thắng của đài SBTN hỏi: “Lsư  Lê thị Công Nhân có gì nhắn nhủ với người Việt hải ngoại không?”


“Tôi rất mệt… cũng không biết nhắn nhủ một điều gì cả…” Cô nhắc lại hai câu hỏi của Công An bên mật vụ ở Hà Nội khi họ vào phỏng vấn khi cô đang ở tù Thanh Hóa, hai câu đã gây rất nhiều ấn tượng với cô:Chị có thấy rằng là chị đã thất bại chưa? Chị có thấy rằng cuộc đời chị dở dang không?” Rồi cô mượn hai câu này để nói lên tâm tư mình, nhắn nhủ 90 triệu người Việt, 87 triệu trong nước và khoảng 3 triệu người ở hải ngoại:


“Tôi thấy rằng là tôi không thành công, tôi chưa thành công và tôi thấy rằng mọi thứ cũng thật sự là dở dang,” cô nói tiếp một sự kiện sau đây mà cô lập lại đến 3 lần: “Tôi chỉ có thể làm cái phần của tôi, chứ tôi không thể làm được cái phần của 90 triệu người Việt Nam khác và nếu như cái lý tưởng của tôi có thất bại thì tôi nghĩ rằng đó cũng là điều rất đúng… và mọi thứ có dở dang thì nó cũng không cần phải nói nhiều vì các anh chị và mọi người cũng biết công việc và tất cà các khía cạnh khác của cuộc sống và dù có gì đi chăng nữa thì tôi nghĩ rằng tôi đã có những việc làm và những giây phút mà mình cảm thấy thật sự tự do đó là khi tôi sống theo cái lý tưởng của tôi và rất may là sau 3 năm ngồi sau song sắt nhà tù thì tôi thấy rằng cái lý tưởng đó nó không sai (nó không sai), nhưng có thể cuộc đời tôi sẽ không thể thành công vì lý tưởng đó, nhưng đối với tôi thì điều đó nó cũng không phải quá quan trọng.


“… Và tôi nghĩ rằng với những gì mà tôi đã làm thì có lẽ nó hơn cả những gì mà cái cá nhân tôi trong cái tỉ số dân số học này có thể làm được thì quá sức của tôi rồi…”


Nói tóm lại những người tự gán cho mình cái mác dân chủ cần phải làm bổn phận của quý vị và hãy để yên cho “nữ anh thư” của mình hai chữ bình an.


“Leave her alone!”


 Đây là ý kiến bình tĩnh nhất, khôn ngoan nhất trên mạng hải ngoại cho đến hôm nay. Đây hình như cũng là người duy nhất không muốn em Công Nhân tái tù vì với cái đà ăn theo nhau vung vít thế này, thì việc em í quay lại Thanh Hóa được đếm bằng ngày.