Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

BỊA ?


Link đây http://www.vietnamnet.vn/hcm/201008/Gan-mac-du-hoc-cau-am-co-chieu-tha-ho-pha-phach-931566/


Lần lượt từng nhân vật một cái nhể. Nguyễn Văn Đức đầu tiên (mẩu này lộn xộn khi Đức khi Tuấn, nhưng hình như là một người nên Beo chọn tên Đức). Để thua được 100 ngàn USD trong sòng bài bên Úc, chí ít bạn Đức này cũng phải chẵn tròn 21 tuổi. 21 mới thi đại học tại Việt nam thì quả bạn này có vấn đề về trí tuệ chứ không hẳn thi trượt đại học do ăn chơi. Sau nữa làm cách nào gia đình chuyển ngân sang Úc được tới 100 ngàn để Đức đánh bạc. Nếu có bạn Đức thật ngoài đời thì đề nghị Vietnamnet nên công bố danh tính bố mẹ bạn Đức vì đủ  căn cứ truy tố trước pháp luật các vị này rồi đấy.


Theo quy định của ngân hàng nhà nước, ngoài số tiền học được chuyển cho du sinh theo đúng giấy báo của trường, chỉ được phép chuyển thêm 5 ngàn USD sinh hoạt phí/ năm. Còn tiền tiêu trong các loại thẻ visa hay master, phụ huynh hoàn toàn kiểm soát được từng xu mua gì ngày nào ở đâu bao nhiêu tiền và chặn được mức rút tối đa hàng tháng. Nếu có rút tiền mặt thì tối đa cũng chỉ  được 800 USD/ ngày (bạn Sinh Phạm dùng đô Mỹ nên tớ đổi ngược  từ tiền Úc qua bằng chừng ấy), hai tháng vị chi 61ngày X 800USD = 48 800. 51 200 USD còn lại không chuyển ngân lậu thì làm sao Đức có?


Vì Sinh Phạm không nói rõ Đức học ở vùng nào bên Úc nhưng vùng nào thì giá ăn ở ký túc 1 ngàn đô/tháng cũng đã là siêu bèo, thế mà Đức còn ở chỗ thấp hơn để dôi dư ra thác loạn nơi vũ trường quán bar thì nơi đó hẳn là bèo tấm bèo cám bèo dưới cả bèo và quan trọng nhất, tại sao nước Úc - vốn rất chặt chẽ trong các level ăn ở giáo dục này nọ - lại cho những trường cấp ấy, nhận du sinh?


Beo chưa từng vào vũ trường quán bar bên Úc nên không dám biên tiếp khả năng thác loạn của Đức đến đâu hay như thế nào.


Mẩu thứ hai là chuyện một bạn nữ tên Giang. Bạn nào ở London làm chứng cái chứ hồi qua bên ấy, Beo thấy đón taxi là một cực hình so với các phương tiện công cộng khác và khả năng Giang bị bạn học cho là đứa đần hơn là dân sang rất cao, khi bước chân ra khỏi nhà là leo lên taxi. Mẩu này cũng dính chuyện ký túc xá. Ký túc thường là du sinh có tiền mới dám ở vì đắt vãi linh hồn, thuê căn hộ  bên ngoài rẻ và tự do hơn rất nhiều. Cái này ngược với Việt ta nên có thể bạn Sinh Phạm nhầm chăng?


Vì không biết gì về chuyện du sinh Nhật nên Beo không dám bàn mẩu về một bạn bên Nhật.


***


Các cháu du sinh ở New Zealand, Úc, Mỹ, Anh, Canada, Sing…mà Beo quen biết hầu hết rất ngoan, chịu khó học, hòa nhập được với cuộc sống nước sở tại đặc biệt ý thức trong việc tôn trọng luật pháp. Đừng ảo tưởng sang các nước tiên tiến là được nhàn nhã hơn trong việc học. Kỳ thực hai con Beo phải tự học ngoài giờ lên lớp rất nhiều. Sát các kỳ thi, các cháu tụ tập học nhóm ở nhà Beo đến 1/2h sáng là chuyện thường. Hai  món giải trí thông dụng nhất là rủ nhau đi xem phim mới và du lịch balô mỗi kỳ nghỉ ngắn. Chưa thấy ai đứng ra làm một cái thống kê để biết con số chính xác nhưng theo quan sát trực tiếp của Beo, tỉ lệ du sinh Việt quay về nước sau khi học xong là rất cao.


Thật ra bài báo trên không đáng  phải phản biện dài dòng đến thế này nhưng do trưa nay, một chị sau khi đọc xong nó đã bày tỏ lo lắng với Beo gần tiếng đồng hồ trên alô nên Beo biên ra những gì  mình biết để giúp các chị thêm một nguồn tham khảo, khác với vietnamnet.