Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

BÀI CỦA NGUYỄN THANH SƠN

Có hai hình ảnh tiêu
biểu của báo chí Việt Nam
thời kỳ trước, đó là cái loa phường và bản tin khu phố. Tôi còn nhớ cứ mỗi buổi
sáng, trong khi các cụ tổ hưu cặm cụi cắm mắt vào đọc mục xã luận trên trang
nhất của tờ báo Nhân dân (được dán vào một ô xi măng che bằng lưới mắt cáo), lũ
trẻ con chúng tôi lại chen dưới nách các cụ để xem chương trình truyền hình
buổi tối ở trang thứ tư. Nếu so sánh hình ảnh của thời kỳ đó với hình ảnh trình
bày bắt mắt của các sạp báo hiện nay, khối lượng
thông tin khổng lồ trên Internet và số lượng hùng hậu của các kênh truyền hình
Việt Nam, người ta có thể cảm thấy khâm phục về sự “tiến bộ vượt bậc” của báo
chí Việt Nam trong thời gian vừa qua. Thực tế thì như thế nào?


 Giai đoạn “cởi
trói” trong thời kỳ đổi mới đã đem lại một sinh lực mạnh mẽ cho báo chí Việt Nam . Trong thời
kỳ đó, những phóng sự của các tờ báo T.T, L.D, T.P thậm chí cả V.N hay V.N.T đã
góp phần thúc đẩy một xã hội minh bạch hơn về thông tin, có trách nhiệm hơn
trong phát ngôn và thực sự hình thành một “quyền lực thứ tư” của công luận.
Chính trong thời kỳ ấy, một trong những chủ đề thường được đề cập nhất trong
những cuộc thảo luận của giới trí thức Việt Nam
là “khi nào ở Việt Nam
sẽ có báo chí tư nhân?”. Giới trí thức Việt Nam hi vọng rằng, việc hình thành
báo chí tư nhân sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình dân chủ hóa và thể chế
hóa xã hội dân sự, tạo thành tiếng nói phản biện mạnh mẽ và qua đó, thúc đẩy sự
phát triển về chính trị, kinh tế và xã hội của Việt nam.


 Tuy vậy, tháng
11 năm 2006, trả lời phỏng vấn trên báo Nhân Dân về vấn đề báo chí tư nhân, thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh Việt Nam sẽ “không cho phép bất kỳ hình thức
tư nhân hóa báo chí nào cũng như không để bất cứ ai sử dụng báo chí cho lợi ích
cá nhân”. Cuối năm 2009, khi phê duyệt “Đề án qui hoạch báo chí cho đến năm
2020”, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm qui hoạch là “đảm bảo để báo
chí thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng; cơ quan Nhà
nước, tổ chức xã hội và diễn đàn của nhân dân; không để tư nhân chi phối hoạt
động báo chí; không để các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động báo chí để chống
phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.


 Các tuyên bố
cứng rắn này lại không hẳn thống nhất với chủ trương của Bộ Thông tin Truyền
thông muốn “xã hội hóa” hoạt động báo chí, trong đó có việc cho phép các công
ty tư nhân tham gia vào các công đoạn xây dựng nội dung, phụ trách phát hành và
tiếp thị cho các tờ báo và tạp chí. Chủ trương này đã dẫn đến việc ra đời của
các nhóm, sau này là các công ty tư nhân, tham gia trực tiếp vào việc sản xuất,
phát hành và tiếp thị cho các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, các kênh
truyền hình, các mạng thông tin và thậm chí, cả các đài truyền hình. Có thể kể
đến công ty NVV, công ty SFM, FPT, BHD, DV và sắp tới được hứa hẹn là “người
khổng lồ” AVG.


 Trừ AVG, được
coi là công ty có cơ sở hạ tầng và kế hoach phát triển bài bản, được đầu tư
hoàn hảo, ở buổi ban đầu, các công ty tư nhân tham gia vào hoạt động báo chí
thường phải chấp nhận hoạt động dưới giấy phép báo chí của một cơ quan, tổ chức
nhà nước nào đó, hay nói một cách khác, cho dù họ hoàn toàn khống chế quá trình
sản xuất nội dung, điều hành bộ máy phát hành và tiếp thị các sản phẩm truyền
thông, họ cũng không thực sự “sở hữu” ấn phẩm đó, và thỏa thuận hợp tác của họ
với cơ quan chủ quản của ấn phẩm hay kênh truyền hình này hoàn toàn có thể bị rút
lại vào bất cứ lúc nào. Sự “chênh vênh” về sở hữu khiến các công ty tư nhân này
chịu áp lực lớn về việc thu hồi đầu tư và khai thác thương mại “ngay lập tức”,
nên họ thường quan tâm tới việc thu hút quảng cáo và thương mại hóa các sản
phẩm của mình hơn là tạo dựng uy tín thông qua chất lượng bài viết và tăng số
lượng phát hành. Hệ quả của vấn đề này là xu hướng “lá cải hóa” hàng loạt các tờ
báo, tạp chí, kênh truyền hình, mạng thông tin Internet và tạo ra áp lực “bình
dân hóa” thông tin lên các ấn bản hay các kênh truyền hình truyền thống khác.


 Báo chí tư
nhân, chính vì vậy, ở điều kiện hiện nay, chắc chắn không thể trở thành tiếng
nói phản biện mạnh mẽ. Tình thế “danh không chính” khiến họ bắt buộc phải thỏa
hiệp cùng với các cơ quan chủ quản, và họ sẵn sàng bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức
nghề nghiệp để đạt được mục tiêu thương mại ngắn hạn (xét cho cùng, họ là các
doanh nghiệp tư nhân có công cụ làm ăn là các cơ quan báo chí chứ không phải
một cơ quan báo chí có mục tiêu cao cả nào). Sự thỏa hiệp này sẽ tạo cơ hội cho
họ tiếp tục tích lũy về mặt tư bản, và sự tham gia của các nhóm lợi ích và các
tập đoàn kinh tế tư nhân vốn có quan hệ chặt chẽ với chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn
nữa quá trình tư hữu hóa truyền thông theo hướng phục vụ lợi ích thương mại của
họ, dẫn đến cái mà ta gọi là “sự xuống cấp của đạo đức nghề báo” trong thời gian
vừa qua. Nếu như quá trình này tiếp tục được đẩy mạnh, thì hi vọng báo chí tư
nhân trở thành một kênh truyền thông mang tính phản biện sẽ càng ngày càng trở
nên xa vời.


 Rất may là, sự
thay đổi mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện truyền thông mới đã đem đến
một hi vọng, dù có mờ nhạt, cho báo chí Việt Nam . Một nghiên cứu gần đây nhất
của khách hàng của chúng tôi, công ty Yahoo! Vietnam cho thấy, tính tới thời
điểm này, có đến hơn 30 triệu người Việt Nam có khả năng tiếp xúc với mạng Internet,
và tại bốn thành phố lớn là Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ,
lần đầu tiên thời gian của người Việt Nam dành cho Internet đã nhiều hơn thời
gian họ dành cho các ấn phẩm. Sự xuất hiện của các mạng xã hội như Facebook,
ZingMe, Linkedin…đã thay đổi cách thức người ta tiếp nhận và phổ biến thông
tin. Sự tham gia tích cực của người Việt Nam vào các mạng xã hội (trung bình
mỗi một người Việt Nam là thành viên của tám mạng xã hội khác nhau, và mỗi một
người trong số họ có trung bình là 82 người bạn trên mạng xã hội) đã thúc đẩy
sự phát triển của một nền “báo chí công dân”. Chúng tôi thường nói, mỗi một người
có một tài khoản facebook, một trang blog trên Yahoo!360 hay thậm chí chỉ một
tên lóng trên một mạng thảo luận nào đó đã có thể được coi là một phóng viên.
Nếu người đó có một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh- anh ta đã trở thành
một paparazo, còn nếu chiếc điện thoại đó có chức năng quay phim, và anh ta lại
có một tài khoản trên YouTube hay Clip.vn, bạn phải coi anh ta là một phóng
viên truyền hình rồi đó. Hình thức mạng xã hội cũng cho phép những nhà báo lành
nghề và giầu kinh nghiệm, những người không chấp nhận thỏa hiệp với các vấn đề
xã hội, chính trị hay kinh tế, tìm được công chúng cho các bài viết của mình. Trang
blog của một số người như nhà báo H.D (trang Osin), nhà văn NQL (trang Quê
Choa), nhà văn T.H thu hút hàng chục nghìn lượt người xem mỗi ngày- không kém
gì một tờ báo trung bình ở Việt Nam .


 Cái kẹt lại ở
giữa là các cơ quan báo chí truyền thống Việt Nam . Một mặt, nó chịu áp lực sức ép
“thương mại hóa” của báo chí tư nhân- cạnh tranh về nguồn thu quảng cáo, “chẩy
máu chất xám”, “bình dân hóa” nội dung, cạnh tranh về bạn đọc; mặt khác, nó
chịu áp lực của “báo chí công dân”- uy tín nghề nghiệp phải dựa vào thái độ rõ
ràng dứt khoát, có chính kiến về các vấn đề chính trị, xã hội hay kinh tế nóng
hổi. Đây quả thật là một tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” không dễ gì giải
quyết của báo chí truyền thống Việt Nam .