Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

THỜI GIAN

Sà vào đống ảnh cũ, thuở còn
chụp bằng phim 36  tấm, tự dưng buồn thỉu.


Có 3 bức chụp với Trịnh Công
Sơn, 2 bức ở Huế 1 bức ở nhà Mai, dì ruột của nghệ sĩ Bùi Công Duy.


Ngày ấy, sao mọi người đẹp
thế không biết.


Ngày Trịnh mất, cơ man văn
nhân kẻ sĩ lên báo kể về những kỉ niệm với Trịnh như những người bạn vong niên
tâm giao. Mình, không đến Duy Tân và cũng chẳng ra Gò Dưa, ngồi với  Sâm Thương 15 phút quán cóc gần nhà Trịnh.
Hai anh em không nói câu gì, im lặng cho đến khi Sâm Thương bỏ đi. Sâm Thương là
người  biết nhiều nhất những bí mật thuộc về Trịnh. Ông là nhà
văn, nhà viết kịch bản điện ảnh, lâu rồi không xuất hiện nên ít người còn nhớ. Cho
đến tận giờ chưa thấy một lần, ông mượn Trịnh để PR, như các kẻ sĩ kia.


Một người nữa, cũng không
mượn Trịnh để PR như lâu nay rất nhiều người đổ tiếng ác:  Đỗ Trung Quân. Mặc dù nếu muốn, Quân có dư cả tư
cách lẫn những kỉ niệm với Trịnh để mang ra 
xài. Quân, nếu mình nhớ không
nhầm thì giống mình, không phải fan của Trịnh. (Trịnh vs nhạc Trịnh).


Câu cuối cùng mình trao đổi
với Trịnh:


- Ối, sao tay anh lạnh thế


- Tay
lạnh nhưng trái tim anh ấm


Trịnh nhắc câu ấy đến ba lần,
như kiểu đấy là một lời  nhạc vừa sáng
tạo hay  câu danh ngôn.


Nhân nhắc đến Quân. Trong  album có tấm hình chụp với gia đình Họa sĩ Hoàng Ngọc Biên, người Quân
coi như thầy. Thật tiếc nhân vật chính  mình muốn nhớ nhất bị khuất gần nửa
mặt sau mấy bông hoa khô Đà lạt cắm vào  cái gùi Tây nguyên: bà vợ Họa sĩ  và là cô giáo dạy tiếng Pháp cho đứa viết cour thiếu sờ trong một entry gần đây. Bà không biết, cái chữ Sờ kia đã được dùng làm … điểm tựa khốn khổ,  giúp chống đỡ sự xấu
hổ cho một vị dịch giả lừng danh đất Việt thời nay.


Oan cho bà, vì người dạy  viết cour có sờ là một ông thầy, cao to đẹp
giai, ba lần lên xe bông  li dị đủ 3 và 4
lần vượt biên đều không thoát.


Chiều kia, mình đang lơ vơ
trước cửa văn phòng, thầy sầm sập đi ra, mặt tím bầm. Tự dưng thầy nắm khuỷu
tay mình, lôi sềnh sệch khỏi cổng trường. Thầy nấc nghẹn từng chặp, tay giơ mãi
cho mình coi một bao rưỡi thuốc lá Mai và một cái xăm xe đạp, được phân phối
theo tiêu chuẩn.


Hồi đó mình trẻ con,  biết gì về trí thức cũ miền Nam đâu nên chỉ đứng đần mặt. Sau lần đấy thầy cũng không nhớ mình là ai.
Thầy vượt biên lần chót, nghe nói thế, và không biết đi có thoát không.


Những bức ảnh, rửa bằng loại
giấy và công nghệ tốt nhất thời ấy của Thông tấn xã, nên còn đẹp nguyên.


Chợt có ý nghĩ, khi nào nghỉ làm,
mình sẽ bỏ thời gian đi tìm lại, người trong ảnh.