Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Dương Trung Quốc-Tứ Đại Ngu (3)




Dương Trung Quốc
Bốn Điều Sai Năm Cũ (Tứ Đại Ngu)
Tứ Đại Ngu của Dương Trung Quốc: Văn Hóa Từ Chức
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Việt Nam Khóa XIII tháng 11 năm 2012, Dương Trung Quốc đã phát biểu chất vấn tại nghị trường quốc hội, đặt vấn đề “văn hóa từ chức” với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người lúc đó đang phải giải quyết các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại các tập đoàn kinh tế Vinashin và Vinaline. Đến khi nghe Thủ tướng trả lời hùng biện, chân thiết, khúc chiết, thấu lý đạt tình, nhận được sự tán dương của 496 đại biểu quốc hội (trừ 1 đại biểu bị miễn nhiệm, 1 đại biểu qua đời khi tại nhiệm, bản thân thủ tướng, và bản thân Dương Trung Quốc), Dương Trung Quốc đã vội vàng nói thêm rằng Dương Trung Quốc sở dĩ đặt câu hỏi là để xem Thủ tướng trả lời thế nào, và với nội dung Thủ tướng vừa đối đáp thì nhân dân yên tâm, tức là đã “an dân”. Dương Trung Quốc trong cái đại ngu thứ tư này đã phạm 3 điều xằng bậy như sau:
1) Thủ tướng – trên nguyên tắc và lý thuyết tổ chức – đứng đầu tất cả các Bộ. Như vậy, Bộ Quốc Phòng giữ yên bờ cõi, ấy là đại công. Bộ Công An đập nát phản động, tiêu diệt bạo loạn, trừng trị tội phạm, ấy là đại công. Bộ Ngoại Giao đem lá cờ đỏ sao vàng tung bay thắng lợi đối ngoại trên toàn thế giới, ấy là đại công. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn và Bộ Công Thương lập kỳ tích xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, ấy là đại công. Bộ nào cũng lập công, vấn đề là công nhiều hay ít, nhiều hơn hay ít hơn những khó khăn đang tồn tại. Như vậy, cái đạo lý nào cho phép Dương Trung Quốc hỗn xược thách đố Thủ tướng có dám từ chức hay không, khi quản lý yếu kém để Vinashin và Vinaline gây thất thoát tiền của quốc gia? Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là đánh giá rất cao việc đoái công chuộc tội. Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là công bằng, công minh, công chính. Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là dung hòa nhuần nhuyễn giữa lý và tình nên luôn khoan hòa và thiếu tính cực đoan. Dương Trung Quốc loạn ngôn, dám đem việc Vinashin và Vinaline ra để hỗn láo với Thủ tướng, làm lơ các đại công của các Bộ khác, mà – như đã nói ở trên – đều thuộc dưới quyền Thủ tướng. Thử hỏi, nếu Vinashin không làm thất thoát một xu con nào, nhưng Bộ Quốc Phòng làm mất nhiều tỉnh vào tay quân giặc, Bộ Nông Nghiệp gây ra nạn đói, Bộ Y Tế để dịch bệnh tràn lan, và Bộ Công An bó tay trước bạo loạn đốt phá, v.v., thì đất nước này sẽ ra sao. Dương Trung Quốc đã mị dân khi hùng hổ phát biểu như thể chỉ có Dương Trung Quốc mới “dám” chất vấn như thế. Cái cực đoan, phủ nhận công, phi lý, và bất công là những thứ ngoại lai mà Dương Trung Quốc đã hấp thụ từ bọn giặc nào để tự tung tự tác nơi nghị trường quốc hội Việt Nam như thế? Vinashin là rắn có đầu, và luật pháp nghiêm minh phải xử lý nặng những cái đầu ấy, tức những chức sắc hưởng lương của Vinashin để làm lãnh đạo Vinashin và làm Vinashin phá sản. Đặt vấn đề “văn hóa từ chức” phải chăng hàm ý rằng cứ từ chức là sẽ được “hạ cánh an toàn”, xem như đã giải quyết xong vụ việc?
2)  Dương Trung Quốc và một bộ phận nhỏ người Việt thường đem những thứ ngoại lai làm chuẩn mực cho các so sánh với nội tại của Việt Nam mà thiếu sự hiểu biết thấu đáo, mà cái gọi là “văn hóa từ chức” là một ví dụ. Chính họ nhìn hiện tượng ở nước ngoài rồi tự đặt ra cụm từ “văn hóa từ chức” với sự thán phục, trong khi thực ra chẳng có gì để mà gọi đó là “văn hóa”. Khi một tai nạn thảm khốc xảy ra tại một nước tư bản, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải nước ấy lập tức từ chức. Đó là quy định bất thành văn để giúp “Đảng” có được 3 điều như (a) thoát được cơn thịnh nộ của người dân, (b) Đảng không bị tổn hại trong kỳ bầu cử tiếp theo, và (c) giữ toàn vẹn danh tiếng và nguồn thu cho các nhà tư bản chủ nhân các công ty chế tạo xe hỏa hoặc tàu bè hoặc máy bay lâm nạn vì các nhà tư bản này cung cấp tài chính cho “Đảng”. “Nhận trách nhiệm quản lý yêu kém” và từ chức, biến tai nạn không phải do lỗi kỹ thuật thiết bị công nghiệp, và người từ chức sẽ được đền ơn bằng cách có một chức vụ cao cấp tại một trong những công ty tư bản ấy. Đây là việc mà bất kỳ ai cũng có thể kiểm chứng dễ dàng từ các nguồn thông tin mở. Làm gì có cái “văn hóa” và cái “tinh thần trách nhiệm” trong cái gọi là “từ chức” trong thế giới tư bản mà cứ tôn vinh, ca ngợi, và thán phục đến độ hỗn láo đem ra lập thành tích “chất vấn như Dương Trung Quốc đã làm.
3) Khi nhanh nhảu tự cứu mình trước cảnh thất bại vì không thể làm Thủ tướng bối rối hoặc mang nhục trước quốc dân, Dương Trung Quốc đã cho rằng câu chất vấn là để xem Thủ tướng trả lời ra sao. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà Dương Trung Quốc sử dụng để test (thử nghiệm) xem Thủ tướng có tài hùng biện không. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà Dương Trung Quốc sử dụng để ban ân cho Thủ tướng có cơ hội trổ tài hùng biện để “an dân” hầu ghi điểm son với toàn dân. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà Dương Trung Quốc sử dụng để đánh bóng tên tuổi của Dương Trung Quốc như nhân vật đại diện toàn dân tộc để nói lên tấm lòng của toàn dân tộc rằng toàn dân tộc đã an lòng, yên tâm trước câu trả lời chất vấn hùng biện của Thủ tướng, từ đó toàn tâm toàn ý ngưỡng mộ Thủ tướng và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo anh minh tài ba của Thủ tướng. Từ ngữ “an dân” của Dương Trung Quốc mang nội hàm bao gồm tất cả những ý tứ như thế. Và thật khó hiểu, không rõ Dương Trung Quốc đã “lập đại công” với Thủ tướng, hay Dương Trung Quốc đã phạm đại ngu thứ tư này.