Kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992 do 72
nhân sĩ chủ xướng, gọi tắt là Kiến nghị 72 theo yêu cầu của chính các vị
này, đã được hơn 5000 người ký tên ủng hộ vào lúc bài này được viết ra. Đó là
một kết quả tích cực, tương tự như Tuyên Ngôn 8406 trước đây, trong đó
một số đông đảo người Việt Nam đã công khai lên tiếng muốn chấm dứt độc quyền
của ĐCSVN.
Kiến nghị 72 đã chia rẽ các bạn
tôi thành hai phe, một phe ủng hộ và một phe không ủng hộ. Điều đáng nói cả hai
phe đều có những nhận định gần như nhau.
Trước hết là về hiến pháp.
Hiến pháp là hợp đồng sống chung của
một dân tộc. Nó xác định chúng ta muốn sống với nhau như thế nào và xây dựng
với nhau tương lai chung nào. Nó có thể được viết thành văn bản hay không nhưng
nó bao giờ cũng là điều quan trọng nhất đối với một quốc gia. Từ đó có ít nhất
hai hệ luận.
Hệ luận thứ nhất là mọi người Việt Nam
phải có chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau khi thảo luận về hiến pháp. Không được
có tiếng nói tương đương với bị loại bỏ, chỉ có tiếng nói phụ họa tương đương
với bị khinh bỉ và áp bức. Như vậy thảo luận về hiến pháp là quyền trên đó ta
không thể nhân nhượng. Không thể có quan hệ xin-cho. Không ai có thể
chối cãi một thực tế là đảng cộng sản có bạo lực và đã dựa vào bạo lực này để
tước đoạt nhiều quyền cơ bản của nhân dân, cư xử không khác một lực lượng chiếm
đóng. Chúng ta không thể phủ nhận thực trạng đáng phẫn nộ này trong khi chưa
thay đổi được nó, nhưng không phủ nhận không có nghĩa là chấp nhận. Trên hiến
pháp không thể có vấn đề yêu cầu và kiến nghị. Một bản lên tiếng chung
phù hợp hơn. Vả lại chúng ta đều biết rằng ban lãnh đạo cộng sản sẽ bỏ ngoài
tai tất cả.
Hệ luận thứ hai là hiến pháp không phải
là một văn bản mà ta có thể viết ra sau một vài ngày tìm hiểu và suy nghĩ. Tại
mọi nước dân chủ phát triển, như nước Pháp nơi tôi đang sống, đều có những
chuyên gia về luật hiến pháp. Tôi được biết một vài người trong họ. Đó là những
người sau khi dành hàng chục năm để học hỏi và nghiên cứu về luật hiến pháp đã
dành phần còn lại của đời mình để quan sát ảnh hưởng của từng chọn lựa của hiến
pháp trên xã hội và rút kinh nghiệm. Tuy vậy họ rất thận trọng khi nói về hiến
pháp. Đọc qua bảy kiến nghị và nhất là bản Dự Thảo Hiến Pháp 2013 người
ta có thể thấy rõ là sự thận trọng đó đã vắng mặt trong Kiến nghị 72. Bản
kiến nghị đã có thể soạn thảo một cách ngắn gọn và thuyết phục hơn.
Có những điều dù rất quan trọng cũng
không cần và không nên đưa vào hiến pháp vì chỉ là những vấn đề hoặc thủ tục
hoặc của một giai đoạn.
Hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều tối
cần thiết. Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi đã là những người đầu
tiên sau ngày 30/04/1975 chủ trương lập trường này và đã gặp nhiều khó khăn
nhưng chúng tôi vẫn kiên định. Vấn đề quan trọng đến nỗi chúng tôi đã đề nghị
một đạo luật được biểu quyết qua trưng cầu dân ý. Chúng tôi chỉ có thể hoan
nghênh những ai chủ trương hòa giải dân tộc. Nhưng dầu sao đó cũng chỉ là vấn
đề của một giai đoạn lịch sử chứ không phải là một điều để đưa vào hiến pháp.
Thủ tục bầu cử cũng thế, chỉ nên là đối
tượng của một luật bầu cử chứ không phải là của hiến pháp vì có những điều bắt
buộc phải thay đổi, thí dụ như sau một cải tổ hành chính cần thiết, và không
thể sửa đổi hiến pháp quá thường xuyên. Vả lại cách bầu cử quốc hội trong dự
thảo hiến pháp này cũng không ổn. Thí dụ như qui định phải thu thập đủ 10.000
chữ ký ủng hộ để được ra ứng cử là quá đáng, gần như là một sự cấm đoán cho
những người không có hàng tỷ đồng để vận động. Hay qui định hễ một sắc tộc
thiểu số nào có quá 20% dân số trong một tỉnh thì phải có một thượng nghị sĩ
trong khi mỗi tỉnh chỉ có hai thượng nghị sĩ. Làm thế nào để xác định sắc tộc
–vĩnh viễn từ thế hệ này qua thế hệ khác hay có thể thay đổi?- của mỗi người?
Không dễ, không cần và không nên. Trong một hệ thống bầu cử lương thiện và tự
do một cộng đồng đông đảo, dù sắc tộc hay tôn giáo hay văn hóa, tự nhiên có
trọng lượng.
Đó chỉ là vài thí dụ điển hình.
Và bên cạnh những điều đúng Dự Thảo
Hiến Pháp 2013 của Kiến nghị 72 cũng có những chọn lựa rất vội vã.
Chế độ tổng thống được đưa ra như một
lẽ tự nhiên. Do một tình cờ lịch sử hai nước dân chủ mà chúng ta tiếp xúc nhiều
nhất là Mỹ và Pháp lại cũng là hai nước dân chủ phát triển duy nhất trên thế
giới theo chế độ tổng thống. Từ đó nảy sinh ra một phản xạ quen thuộc của trí
thức Việt Nam là nghĩ ngay tới chế độ tổng thống khi nói về dân chủ, dù đây là
một chế độ vừa dở vừa nguy hiểm. Nó rất dễ đưa tới tham nhũng và độc tài, hoặc
xung đột bế tắc giữa lập pháp và hành pháp. Chế độ tổng thống của Pháp được tất
cả các chuyên gia hiến pháp đánh giá là một sai lầm to lớn của tướng De Gaulle.
Mỹ là nước duy nhất trên thế giới mà chế độ tổng thống đã thành công, nhưng đó
chủ yếu là nhờ hai yếu tố: một xã hội dân sự vốn rất mạnh từ thời lập quốc và
một tổ chức tản quyền rất dứt khoát. Trong trường hợp một nước nghèo, chưa có
truyền thống dân chủ, xã hội dân sự còn rất yếu, lại tập trung quyền hành như
Việt Nam chế độ tổng thống gần như chắc chắn đưa tới độc tài và tham nhũng. Vả
lại chính chúng ta cũng đang nếm hương vị đầu tiên của một chế độ tổng
thống với ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều quyền lực hơn cả bộ chính trị
đảng cộng sản. Ai hài lòng?
Một thiếu sót lớn khác của Kiến nghị
72 là không hề nói đến tản quyền. Các chính quyền địa phương, mà đơn vị cơ
sở là xã theo dự thảo hiến pháp của kiến nghị, chỉ có những quyền hành chính
không đáng kể. Mặc nhiên Kiến nghị 72 chấp nhận mô hình tập quyền trung
ương. Trái với một thành kiến sai nhưng khá lan tràn tại Việt Nam, công thức
tập quyền trung ương không bảo đảm thống nhất đất nước mà còn đưa tới chênh
lệch giữa các vùng và tệ sứ quân như ta có thể đã bắt đầu thấy. Tản quyền là xu
hướng áp đảo của thời đại này và là kết luận của hơn hai thế kỷ thử nghiệm dân
chủ. Thật đáng ngạc nhiên khi nhóm Kiến nghị 72 không biết đến. Càng
ngạc nhiên hơn nữa khi họ đồng thời cũng đề nghị một quốc hội gồm hai viện (với
một thượng nghị viện trong đó mỗi tỉnh đều có hai đại biểu dù dân số khác
nhau). Tại sao phải có hai viện? Thực ra thượng viện chỉ có ở những nước tản
quyền và có mục đích để các địa phương dù trọng lượng kinh tế và dân số khác
nhau vẫn có được tiếng nói ngang nhau trong một số trường hợp. Thượng viện, có
thể gọi là viện lãnh thổ, chỉ có lý do hiện hữu ở những nước tản quyền. Không
có tản quyền thì thượng viện vô nghĩa và vô ích.
Thể chế chính trị, chính quyền trung
ương cũng như các chính quyền địa phương, là những đề tài quan trọng và phức
tạp vượt khuôn khổ của bài này. Tôi sẽ đề nghị một số tài liệu để độc giả có
thể tham khảo (1). Những nhận xét trên đây chỉ có mục đích minh họa một nhận
định: hiến pháp là điều rất hệ trọng cần được nghiên cứu và thảo luận đến nơi
đến chốn. Không thể vội vã viết ra một hiến pháp.
còn tiếp