Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

V. ƠI, ÔNG CÓ MUỐN NGHE NÓI THẬT KHÔNG ?



Nơi trang trọng nhất nhì cuốn sách, ông để lời Phạm Thị Hoài, bình thế này: “ Trong cuốn tiểu thuyết phản lịch sử, phản hư cấu, phản hiện thực và phản tiểu thuyết này, các nhân vật chính của tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng nhất, Truyện Kiều, và cả tác giả của nó, Nguyễn Du, bước thẳng ra từ hư cấu và lịch sử để lăn lộn trên một bàn cờ thế sự quái đản mà dường như tất cả chúng ta đều có mặt”.

Tôi, thì lại thấy ở cái lời bình kia đầy một sự “đểu ngầm”, V. ạ. lăn lộn trên một bàn cờ thế sự quái đản mà dường như tất cả chúng ta đều có mặt, ấy thế mà lại phản cả lịch sử lẫn hiện thực, thì cuốn sách ấy nó là cái chi chi?

Lịch sử, hư cấu, hiện thực, tiểu thuyết...là những khái niệm tối giản, phổ thông nhất của nghệ thuật, phản tất như thế, liệu có thể bình gọn lại: phản nghệ thuật.

Còn tôi, thì bình thế này.

Dù trong bất cứ hình dong áo mão cân đai nào, thì tiểu thuyết buộc phải chứa trong nó tính thiện.

Đốt viết như lên đồng, giải phẫu đến tận từng nơ ron thần kinh của cái ác trong Tội ác và trừng phạt. Gấp sách lại, lồng lộng những là bản thiện với nhân văn.

Gấp sách ông lại, tôi chỉ thấy những cóp nhặt sự vụ từ báo chí, từ facebook. Thành thật xin lỗi ông vì không có từ nào thay thế cho nhẹ nhàng, đỡ làm tổn thương ông hơn: một sự cóp nhặt trong tâm thế nhỏ mọn và tủn mủn.

(Tôi đọc đúng 3 lần, để xem có thay đổi được nhận xét ác mồm kia không, nhưng lần sau, điều đó còn rõ hơn lần trước.)

Phàm phận nhà văn, để cho mình tan chảy trong bàn cờ thế sự quái đản, rồi hằn học rồi cay cú bức bối đưa cả vào văn chương, thì tác phẩm, chỉ ở tầng hạ đẳng.

Thời của những tiên tri giả, tiên tri thật, mới quý.