Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

BOSTON VÀ KHÔNG CHỈ BOSTON

Cái nôi tri thức, nhưng sao? 
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu đến Boston vào năm 2007 để dự một khóa học ngắn hạn khi đi qua hầm ngầm dưới eo biển trong dự án Big Dig rất nổi tiếng mà được dịch ra tiếng Việt là Đường hầm lớn.
Dự án này được xem như một kỳ quan cả về mặt kỹ thuật lẫn chính trị của Hoa Kỳ khi nó kéo dài từ cuối thập kỷ 1970 đến đầu những năm 2000 và được thi công trong những điều kiện và địa hình kết sức phức tạp với kinh phí tăng từ hơn 1 tỷ lên 22 tỷ đô-la cho hơn chục cây số công trình giao thông.
Tất cả những gì tinh vi nhất, phức tạp nhất của nền chính trị Hoa Kỳ được phản ảnh rất rõ trong dự án này. Những công nghệ xây dựng tiên tiến và kỹ thuật quản lý hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ đã được áp dụng.
Tuy nhiên, dự án đã gặp vô số rắc rối cả về kỹ thuật và quản lý ở nơi có Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), luôn xếp số 1 thế giới về các ngành kỹ thuật và Đại học Harvard luôn xếp số 1 thế giới về các ngành quản lý.
Khó có nơi nào trên thế giới có thể sánh được với Boston về những thành tựu của giáo dục và khoa học, nhưng những Big Dig vẫn luôn là một phần tất yếu của cuộc sống.
Người Boston thừa nhận vấn đề của mình để họ đạt được những điều tốt hơn, lớn hơn đang ở phía trước chứ họ không có thói quen đổ lỗi.

Vì cách mạng hay chân lý?
Hầu như không ai phản bác Boston là cái nôi của cách mạng Mỹ. Những sự kiện quan trọng nhất đã xảy ra ở đây. Thảm sát Boston (Boston Massacre) và Tiệc trà Boston (Boston Tea Party) mà nó có liên quan mật thiết đến Những đứa con của tự do (Sons of Liberty) là hai sự kiện nổi bật nhất.
Lực lượng quan trọng nhất dẫn đến cuộc cách mạng giải phóng 13 thuộc địa bắc Mỹ chính là Những đứa con của tự do mà nhiều người cho rằng, nếu không có họ thì sẽ không có cuộc cách mạng Mỹ.
Có nhiều giả thuyết về nơi họ bắt nguồn (Boston, New York hay Connecticut), nhưng đóng vai trò quan trọng nhất có lẽ là Những đứa con của tự do ở Boston do John Adams, người sau này trở thành một trong những cha đẻ và tổng thống thứ 2 của Mỹ lãnh đạo cho dù ông không có tên chính thức trong đó do phải hoạt động công khai.
Những đứa con của tự do được ra đời để chống lại chính sách thuế khóa hà khắc của chính quyền thuộc địa của người Anh. Thực chất đây là một hội kín đã tổ chức hàng loạt các hoạt động gây bất ổn hay dựa vào một số sự kiện xảy ra để tạo thanh thế và uy tín của mình, trong đó phải kể đến Thảm sát Boston và Tiệc trà Boston.
Ngày 3/05/1770, trong một vụ đụng độ ở thành Boston, quân đội Anh xả súng làm chết 5 người và làm bị thương 6 người. Mạng người là quan trọng, nhưng với mức thiệt hại này, nhiều người cho rằng đó chỉ là đổ máu của một vụ nổi loạn thông thường.
Tuy nhiên, Những đứa con của tự do đã phóng đại nó thành một vụ thảm sát để dấy lên lòng căm thù với quân đội thuộc địa và tranh thủ sự ủng hộ của công chúng.
Các binh lính Anh dính líu đã bị bắt. Lúc bấy giờ, hầu hết mọi người đều tin rằng những binh lính này là có tội và họ đã không tìm được luật sư bảo vệ cho mình. Cuối cùng họ đã nhờ Luật sư Jonh Adams.
Tuy rất sợ việc bào chữa cho những người đã xả súng vào dân chúng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mình, nhất là ở vị trí của người lãnh đạo cách mạng, nhưng với lương tâm và nghề nghiệp của mình, luật sư John Adams cùng với Josiah Quincy đưa ra các chứng cứ xác đáng để chứng minh rằng 6 binh lính Anh vô tội, kể cả đồn trưởng Preston. Chỉ có hai người bị kết tội ngộ sát.
John Adams đã có phát biểu nổi tiếng trong vụ này rằng: “Thực tế là những thứ cứng đầu; và cho dù những điều chúng ta mong muốn, những khuynh hướng của chúng ta và những tiếng gọi từ cảm xúc của chúng ta là gì, chúng không thể thay đổi sự thực và chứng cứ.”
Tuy vụ thảm sát có kết cục như vậy, nhưng nó đã dấy lên lòng căm thù của dân chúng thuộc địa để sau đó ba năm xảy ra Tiệc Trà Boston. Ngày 16/12/1773, Những đứa con của tự do đã tổ chức bạo loạn để đổ trà của Công ty Đông Ấn thuộc chính quyền thuộc địa xuống biển ở cảng Boston.
Về vật chất, cuộc nổi loạn này chỉ làm thiệt hại một ít tài sản của các doanh nhân (chưa đến 1 triệu đô-la quy về giá trị hiện nay). Tuy nhiên, nó đánh dấu con đường bạo động để dành độc lập của Mỹ. Một loạt sự kiện đã được kích hoạt sau đó để đến ngày 04/07/1976, nước Mỹ chính thức tuyên bố độc lập.

Thắng đúng, thua sai?
Những đứa con của tự do đã đóng vài trò rất lớn trong Cách mạng Mỹ và hầu hết những người tham gia tổ chức này được coi như những anh hùng, những nhà yêu nước. Tuy nhiên, dưới góc độ khách quan của lịch sử, nhiều người cho rằng trong suốt quá trình hoạt động của mình, nhất là giai đoạn ban đầu, họ chỉ là những người nổi loạn.
Thậm chí, trang USHistory.org viết rằng họ chỉ là những kẻ du thủ du thực. Nếu lịch sử nước Mỹ không sang trang hay theo một chiều hướng khác thì những người này sẽ được viết khác đi.
Trang này cũng viết, trong cuộc cách mạng Mỹ, chỉ có khoảng một phần ba dân số Mỹ là ủng hộ và đi theo cách mạng, một phần ba đi theo chính quyền thuộc địa và một phần ba chẳng theo bên nào cả.
Khi cuộc cách mạng Mỹ thành công thì những người ở bên thắng cuộc được xem là anh hùng còn những người ở phía bên kia bị cho là những kẻ phản bội. Ngược lại, khi chính quyền thuộc địa còn thì những người làm việc cho họ được tôn vinh.
Nhiều người, nhiều gia đình đã phải li hương. Bi kịch nhất là đối với những gia đình có cả người ở cả hai phía. 
Cần phải có thời gian để những vấn đề nêu trên trong cuộc cách mạng Mỹ cũng như cuộc chiến Nam - Bắc sau này nhòa dần đi trong tâm trí người Mỹ. Những thế hệ sau đó đã không còn bận tâm nhiều và họ đã cùng nhau tạo dựng lên nước Mỹ ngày nay.

Lời kết
Nhắc đến Boston những ngày gần đây không thể không nhắc đến vụ đánh bom khủng bố vào ngày 15/04/2013 trong Cuộc thi Marathon được tổ chức ngày Ngày yêu nước (Patriot’s day) của Mỹ từ năm 1897.
Cuộc thi này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân Boston nói riêng, nước Mỹ nói chung. Vụ đánh bom xảy ra vào lúc và ở nơi mọi người không ngờ nhất bởi những phần tử cực đoan với động cơ bắt nguồn từ việc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Có rất nhiều điều để nói qua sự kiện này.
Về khía cạnh ứng phó, người dân  Boston nhìn nhận vấn đề rất thực tế và bình tĩnh giải quyết nó. Nhiều người đã tham gia hay hỗ trợ nhà chức tránh việc giải quyết hậu quả, trong khí hầu hết người dân Boston vẫn tập trung vào những công việc hàng ngày của mình.
Rất khó tìm được những ánh mắt tò mò theo dõi sự kiện làm phiền hay gây khó khăn cho việc khi thực thi nhiệm vụ của các nhà chức trách.
Boston với chiến tranh và hòa bình cũng là một vấn đề đáng được mổ xẻ. Nơi tập trung không ít những đỉnh cao tri thức của nhân loại đang kiến tạo hòa bình hay gây ra bất ổn và chiến tranh ở nơi này nơi khác trên thế giới là câu hỏi không dễ trả lời.
Ví dụ, Harvard là ngôi trường danh tiếng vào loại bậc nhất thế giới và rất nhiều người Việt Nam muốn học, nhưng đây là nơi sản sinh ra bom Napal và hình thành tư tưởng diều hâu của Henry Kissinger - những thứ đã gây không ít khổ đau cho dân tộc Việt Nam.  
Qua hành trình đến Boston, đến nước Mỹ, tôi đã hiểu rõ hơn rằng Boston, nước Mỹ hay bất kỳ một nơi nào đó - ở đâu cũng vậy đều có những điều tốt đẹp đi kèm với những thứ bốc mùi.  Mức độ tốt đẹp của cuộc sống tùy thuộc vào sự tương quan của hai nhóm này.
Nếu nhìn theo thuyết âm - dương thì mỗi sự vật, hiện tượng hay mỗi con người đều có phần trắng và phần đen hay nói cách khác vừa như thế này vừa như thế kia. Gần như không thể tìm ra những thứ chỉ trắng hoặc chỉ đen, hoặc chỉ tốt hoặc chỉ xấu.
Ở đâu cũng thế, tâm lý và hành vi của con người là như nhau. Nếu sự việc được nhìn dưới lăng kính tích cực với tinh thần xây dựng muốn cải thiện mọi thứ thì mọi chuyện sẽ tốt lên. Nếu ai nhìn vấn đề dưới lăng kính theo chiều ngược lại thì là người đầu tiên phải chịu sự khổ đau hay chí ít là sự khó chịu cho bản thân mà chúng sẽ bào mòn năng lượng và ý nghĩa của cuộc sống.
Tôi chọn cách nhìn bằng nửa ly nước đầy.
Copy từ facebook Huỳnh Thế Du