Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ...


1.
Lấy ví dụ về chuyện làm tình.
Anh kia, loay hoay mãi. Chị kia, với tờ Nhân dân đọc. Thi thoảng ngấc đầu, chị hỏi, xong chửa?. Chị đọc đến hết cả mục cáo phó, anh vẫn loay hoay.
Cách nay trăm năm có lẻ, Goethe, Schiller, L.Tolstoi, A.Sekhov...cà kê dê ngỗng đủ các giai đoạn rồi may-ra, mới cho các nhân vật của các ông lên giường. Đôi khi, lên giường rồi cánh đàn ông vẫn vật vã đau đớn canh cánh nỗi lo dân nước nỗi năm châu, và các liền chị, tha hồ bay bổng tới tận mục cáo phó báo Nhân dân.
Các nhà phê bình gọi đó là văn học lãng mạn cổ điển, hay đại loại tương đương.
Một vài năm giở lại đây.
Lấy hai ông đang ăn khách hàng đầu thế giới H. Murakami và E. James ví dụ, cho nó tiêu biểu.
Chả tán tỉnh hẹn hò mộng mơ mê mệt say đắm gì ráo trọi, uỵch luôn.
Uỵch không cả dạo đầu. Tới đâu thì cảm hứng lên tới đó. (Rất có thể đấy là lý do báo Nhân dân trở nên ế ẩm).
Nhà phê bình văn học, ở đây cụ thể là ông Vương Trí Nhàn, gọi đó là văn hóa quà vặt.
2.
Mình không ở nhà khi Hội sách TP HCM kết thúc, nhưng kịp lượn lờ 2 lần. Mua sách thì ít mà chủ yếu, nhìn ngắm hít thở  không khí rất trẻ trung, rất trí thức của cái hội hai năm một lần này.
Công tác tổ chức phải nói là hoàn hảo, so với tất cả các thể loại hội hè khác tại Lừa quốc, không riêng gì hội sách vở.
Số lượng sách tiêu thụ là con số thực sự hân hoan.
Trong những đơn vị dẫn đầu về số lượng, không thể phủ nhận, có những nhà làm sách dẫn đầu Việt nam hiện nay về chất lượng, Nhã Nam chẳng hạn.
Mình, cũng như ông Vương Trí Nhàn, chưa từng đến một cái hội sách cuốc tế nào để so sánh cho biết người biết ta.
Mình, cũng như ông Vương Trí Nhàn, tin rằng Tới những hội chợ đó là những con người nghiêm túc làm việc để nghiên cứu thị trường và xác định những hướng đi của đời sống sách vở trong những năm tới.
Nhưng mình khác ông ở chỗ, mình cho rằng việc phân tích nghiên cứu thị trường là của dăm vài ông chuyên môn sâu về nghiêm túc, nhiều lắm cũng chỉ trăm ông hết đất. Và để xác định hướng đi của đời sống sách vở, thì việc duy nhất của các ông ấy là đong đếm cái đám đông mà ông Nhàn mỉa mai gọi, đám tíu tít theo kiểu chợ huyện chợ phiên đầu thế kỷ. Chứ không dựa vào họ, thì nhà nào nhà nấy tự sướng tự sản rồi tự tiêu à?
Và hơn ai hết, không đợi người thuê người bảo, những người như ông Nhàn phải nhảy ngay vào góp một tay xây dựng một thứ tạm gọi là văn hóa tinh hoa, làm nền làm gốc cho văn hóa đám đông song hành phát triển.
Với một đề nghị nho nhỏ,  ông phải  đón đầu dẫn lối đám đông kia đi, chứ đừng áp chuẩn từ cách nay cả thế kỉ rồi bắt liền bà vừa đọc báo Nhân dân vừa rên rỉ khi làm tình.

P/S:  mình là thần đọc chùa ở các nhà sách Boston và chắc chắn rằng, những tác giả  ông Vương Trí Nhàn xếp vào dạng cao quý trí thức, toàn đại hạ giá. Trọn bộ Goethe bìa cứng hẳn hòi, có 39 đ trên giá gốc 129đ.