Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

CÁP TREO: TỘI ĐỒ THẾ MẠNG

***
Vì là chỗ tâm linh, nên không thể nói xàm. Beo đã 9 lần cả thảy leo lên tới chùa Đồng,  đỉnh cao nhất trong quần thể di tích Yên tử. Lần đầu tiên, khi ấy chưa có cáp treo, chùa còn nhỏ xíu như cái chuồng chim bồ câu và dàn chuông-cũng nhỏ xíu- khi thỉnh lên, mây tụ về rải mưa  mỏng như lụa trên mặt.
Beo lên đỉnh Ngọa vân khi mảnh bát đĩa người xưa còn vương vãi chìm dưới cỏ và lạc 6 tiếng đồng hồ trong rừng, xã phải cho người đi tìm.
Beo đã xuống cột mốc biên giới Việt Trung nơi sâu nhất, sát sông Nho quế, người bản địa thường bám đuôi ngựa phi lên còn Beo bò chẵn 7 tiếng đồng hồ, với sự trợ giúp của chú em Mai Thanh Hải.
Beo cũng đã đến suối cá thần Thanh hóa, thuở phải đi bè đu dây ngang sông. Nước trong vắt và đá cuội hình quả trứng. Thuở ấy, dưới chân đồi đặt mộ cụ Lê Lai và vợ còn cái hồ bán nguyệt, khi nói chuyện vọng âm đúng 3 lần. Beo đã đứng đấy, vừa lễ hai cụ vừa khóc, vào một sẩm tối cuối đông.
Beo cũng đã lên đỉnh Bà nà khi lan rừng còn bám vào những biệt thự cổ đổ nát hoang tàn, nở đầy hoa. Chuyến ấy đi khảo sát cùng ông Bá Thanh, đang sất bất sang bang vì bị đánh đấm rớt trung ương đợt đầu tiên.
Khoe những nơi thâm sơn cùng cốc  đã đặt chân đến trên đất nước mình, cả ngày chả hết. Nhưng buộc phải khoe để không bị ai đó mắng mỏ rằng, ngồi xứ  giãy chết mà phán chuyện thiên đường.
Beo  đã  đến tất cả (nhấn mạnh) những di tích liên quan đến Đức Phật và Chúa Giêsu, từ nơi các ngài sinh ra,  trong cung điện hay máng cỏ, cho đến nơi các ngài tạ thế, Đức Phật do bị tiêu chảy và Đức Chúa do bị đóng đinh treo lên cây  thập tự.
Beo cũng đã  đến  gần chục  thắng cảnh được UNESCO đóng đinh, ở Trung Quốc. Nhớ không chính xác, Tàu hình như được hơn  sáu chục di sản thế giới, tương tự Hạ Long hay Sơn Đòong. Tàu có cả di sản phi vật thể là giọng nói của một huyện.
Những nơi Beo kể, giá vé vào cửa chưa  chỗ nào quá 100 usd. Một cái động dài 3 cây số, cộng cả tiền đi thuyền trong động lẫn cáp treo sang mé núi bên kia, cũng chỉ có 250 tệ (tỉ giá 360 tệ=100usd).
***
Giờ kể sang chuyện cáp treo Yên tử.
Khởi động, cũng hai phe  đối nhau chan chát, y như Sơn Đòong bây giờ.
Lãnh đạo Quảng Ninh ngày ấy rất cứng. Và cáp treo đã chứng minh sự cương quyết đối đầu của họ là chính xác.
Tất cả những lập luận để chống lại việc  xây cáp treo ở Sơn Đòong, lãnh đạo Quảng bình hòan tòan có thể mượn mẫu hình cáp treo Yên tử để giải đáp một cách thỏa đáng.
 ***
Việc dành riêng cho lọai du khách chi 3 ngàn usd/lần vào Sơn Đòong là việc đếm cua trong lỗ. Cũng chưa biết con số này quý vị lấy từ đâu ra, nên chỉ tạm bình nhẹ nhàng vậy đã.
Với công nghệ và trình độ kĩ-mĩ thuật hiện nay, quy cho cáp treo phá vỡ cảnh quan hay ảnh hưởng đến môi trường kì quan thiên nhiên, là lập luận ấu trĩ. Mang tính phá- và- bĩnh nhiều hơn xây dựng, một khi đã có ví dụ trực quan Yên tử, chứng minh ngược lại.
Đi hỏi bạn bè thế giới, họ sẽ đặt cái hiệu quả lên song song và công bằng với sự an toàn của thiên nhiên, và nếu các bạn có nghiên cứu chút đỉnh, các bạn sẽ thấy cái cáp treo chả đụng chạm gì đến cái động cả, và với công nghệ Hang-Points của Tây, nó lại càng gây ít rung động đến cấu trúc tự nhiên. (Trích facebook Vũ Cát Cát).
Phản đối cáp treo, ngang với việc kêu gọi đóng cửa động. Nó giống như đẻ được cô con gái cực xinh nhưng dứt khóat không cho lấy chồng, vì sợ mất trinh. Và cô ấy, chết già trong  trinh trắng.
Suối cá thần Thanh hóa, Bà nà, Yên tử... những lần sau Beo trở lại, đông đúc  lởm khởm đi rất nhiều so với  khi còn hoang sơ nhưng, không vì thế mà bỉ bôi những đầu tư của chính quyền địa phương vào nó. Beo thấy rất rõ nỗ lực mang tính phục vụ ở những nơi ấy là không nhỏ, và rõ ràng, sự thuận lợi tiện ích thì  dễ chịu hơn hẳn.
Ăn xin, chặt chém, xả rác, khắc tên…hay buồn tay, chặt luôn đầu nàng Tô Thị Đòong về nung vôi ăn trầu, không phải từ cái cáp treo mà ra, do cái cáp treo mà có.
Người có lòng thật sự với danh thắng, lại mượn lời của Vũ Cát Cát: 

- Im mồm và đi nhặt túi nilon trên bờ hồ tiếp đi!