Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

hình như, thế giới của ước mơ là một thế giới... đồng phục

đọc fb cũng có tính giáo dục cao (ít ra là cho bản thân mình). có nhiều điều hay lắm. mấy ngày nay mình cứ lan man trong đầu về một nhận xét (rất chủ quan, tài tử và có thể không pha học một tẹo nào cả; ai không thích, không đồng tình xin cứ tha hồ mà chém nha): thế giới mơ ước của con người là thế giới đồng phục.
mình đọc một số người nghĩ, mơ mộng hay thèm thuồng nước mĩ chẳng hạn. đó là một nước mĩ rất ngắn gọn dễ hiểu, có thể thu lại trong một (vài) câu, và do đó nó cũng khá đồng nhất. dẫn đến tình hình là có một thứ đồng phục được mặc lên cho “người mĩ”. khi chi li hơn, hay do nhu cầu cụ thể nào đó trong diễn ngôn, người ta thu hẹp cái tầm mức lại chút, và trong đó tính “đồng phục” lại còn rõ ràng, dứt khoát hơn nữa. thí dụ như “cộng đồng người việt ở mĩ” chẳng hạn.
có một dạo, một số người mình quen có câu nói đùa, đại khái là vầy: với các bà mẹ ở đại hàn thì nước mĩ chỉ có ba trường đại học: havard, yale và mit. sự thu gọn này, đơn giản hoá này, trong một chừng mực nào đó giúp mô tả và thấu hiểu cả nền giáo dục đại học hoa kì được dễ dàng hơn nhiều. và cũng từ trong thế giới ước mơ đó mà mình đọc thấy một ý cũng rất “đồng phục”: học trò havard chọn ngành học gì gì rồi thì ra trường cũng làm trong ngành tài chính. dù nói đùa hay thật, cái ý này không phải là không... hấp dẫn. thực tế ra sao thì mình chỉ cần duyệt qua cái danh sách bạn bè của mình, và con cháu họ đã từng mài quần ở havard.
**
trong một môi trường đồng phục thì (dầu chỉ ở mặt ngoài) tất sẽ có một sự thuần nhất. ở đó, mặc nhiên những sự đối nghịch sẽ không có chỗ. ấy cũng là một lí do mà những ai vô tình hay cố ý ném ra những điều không mấy tích cực vào khung trời mơ ước là những người... có vấn đề.
vui hơn nữa là khi khung trời mơ ước ấy thuộc kiểu: con cá sẩy là con cá lớn. hoặc miếng thịt dưới bóng nước kia thì luôn lớn hơn miếng thịt đang ngậm trong mồm. đó là trường hợp thỉnh thoảng mình được hỏi về cái thời gian sống trong quá khứ của mình. tuy là câu hỏi thật đấy, nhưng thường trong câu hỏi lại hàm chứa một kiểu trả lời, một kiểu đánh giá, một kiểu nói xác định ngầm. thường đây là loại câu hỏi mình ngại trả lời hơn cả. có rât nhiều lí do. người hỏi càng ít thân tình với mình mình càng né tránh. vì bên trong có rất nhiều “tế nhị'. thí dụ thôi: người lớn (ông,cha, chú, thầy học) của em nói rằng: blah blah. nếu cái nói rằng ấy hàm chứa một thứ so sánh mang chút tự hào của hôm qua so với hôm nay thì cho ăn kẹo mình cũng không đành nói khác. giá trị của sự thật và cái giá của xúc cảm không so được đấy, nhưng mình hay chọn phía (để yên cho) xúc cảm. 
còn nếu câu hỏi được đặt ra trong một nội dung chính trị, ý thức, niềm tin và niềm... không muốn tin, thì mình là ai mà xía vô đó cho mât công (vì vô ích)? người ta đã trót tin vào một mảnh giấy, tin vào một câu tuyên bố, tin vào một bản chương trình, chính sách hoành tráng trong khi với kinh nghiệm sống thực tế thì người ta thừa sức để hiểu khoảng cách từ các thứ văn/ngôn từ kia cho đến thực tế cuộc sống là bao xa. nhưng, khi đặt ra câu hỏi người ta đã hàm ý.. muốn tin, cần tin thì mình là ai mà toan tính xía vô? 

đôi khi em muốn tin 
đôikhi em muốn tin 
ôi những người, ôi những người...

(chôm của bác phạm duy với mục đích... cho dzui thôi, ngay cả minh hoạ cũng không).
*
một trong những nghiệm sinh lớn nhất của vài thế hệ người việt gần đây là một thế giới mơ ước cực kì đồng phục. thực tế cuộc sống, ở nước ta lẫn của thế giới trong mấy thập kỉ qua đã cởi bỏ bộ đồng phục ấy, để bày ra những thực tế khá trần trụi, không đẹp mắt. và cũng đã có không ít những cười cợt, dè bĩu quanh cái vùng trời ước mơ đồng phục ấy. ngay cả trình độ nhận thức và tư duy của một (vài) thể hệ cũng đã bị đem ra xài xể. 
vậy đó, nhưng hình như phương pháp giải độc của con người là đem một thế giới đồng phục khác để thay thế, để xoá nhoà cái thế giới đồng phục bị chán chê. đến độ, đôi lúc chỉ là sự thay thế một bộ từ vựng này bằng một bộ từ vựng khác. có câu chuyên đùa: người ta rốt cục rồi cũng biết ra...mác với lê là hai thằng. :) nếu đó là chỉ dấu của một bước khởi đầu rút chân ra khỏi bộ đồng phục thì đến bao lâu nữa sẽ có một bước tương tự cho bộ đồng phục mới hôm nay? 
***

có người sẽ vặn mình (và vặn rất đúng): vậy cái bộ đồng phục mới ấy là gì? thú thật, mình không có câu trả lời dứt khoát. chỉ mơ hồ nghĩ rằng đó là bộ áo quần mới của...hoàng đế. :)  :)
By: ANH HAT