Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

BẢO HIỂM XÃ HỘI HAY LÀ SỰ THIỂN CẬN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG ?

Các nhà nước hiện đại đều buộc công dân phải đóng bảo hiểm xã hội vì hai lí do.
 Thứ nhất, nhà nước cho rằng xã hội luôn có những người thiển cận, buông thả, thích phung phí, hưởng lạc. Khi còn trẻ khỏe, làm ra bao nhiêu ăn tiêu hết, lúc ốm đau hoặc khi về già trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bảo hiểm xã hội là cách nhà nước cưỡng bức công dân phải tiết kiệm để lo cho tuổi già hoặc khi sa cơ lỡ vận. (Ở các xã hội trước đây, khi không có bảo hiểm xã hội, việc nuôi người già cơ bản là trách nhiệm của con cháu. Con cháu chính là sổ hưu của các cụ ngày xưa.)
 Thứ hai, bảo hiểm xã hội cùng các chính sách thuế là những công cụ để nhà nước thực hiện chức năng „xã hội“, mà bản chất là tái phân phối thu nhập, san sẻ một phần tài sản của nhóm người có thu nhập cao sang nhóm người có thu nhập thấp, hoặc từ những nhóm có lợi thế về thu nhập (đàn ông, người độc thân) sang những nhóm có ít lợi thế hơn (phụ nữ, người có gia đình, người tàn tật...).
 Trở lại vấn đề bảo hiểm xã hội đang tranh cãi ở Việt Nam. Nếu xét trên mục đích của bảo hiểm xã hội là đảm bảo an sinh cho người lao động khi về già hoặc khi gặp cảnh ốm đau, thất nghiệp, thì việc cho phép người lao động lĩnh tiền một cục sau vài năm làm việc sẽ khiến cho mục đích đó hoàn toàn không đạt được. Giả sử một công nhân đi làm 3 năm, lĩnh bảo hiểm xã hội một lần được 20 triệu đồng, thì anh ta hoàn toàn có thể phung phí hết số tiền đó, và nếu anh ta cứ làm việc thời gian ngắn lại bỏ việc, lĩnh bảo hiểm xã hội một cục, thì đến tuổi hưu, anh ta hoàn toàn không có lương hưu. Thế thì bảo hiểm xã hội để làm gì? Nếu thế thì thà cứ miễn cho anh ta khỏi đóng bảo hiểm xã hội ngay từ đầu còn hơn. Cứ trả lương đầy đủ cho anh ta rồi để anh ta tự tiết kiệm! Song nếu con người ai cũng có khả năng tự lo cho bản thân như thế thì chúng ta đâu cần bảo hiểm xã hội làm chi?
 Chính sách cho lĩnh tiền bảo hiểm xã hội một cục là một chính sách nửa vời. Luật bảo hiểm xã hội mới dự thảo thực ra là hợp lý hơn rất nhiều. Người mất việc có thể được trợ cấp thất nghiệp một thời gian (do anh ta đóng bảo hiểm thất nghiệp) cho đến khi tìm được việc làm, còn bảo hiểm hưu trí thì chỉ khi nào đến tuổi hưu anh ta mới được lãnh, trừ những trường hợp đặc biệt như người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài sinh sống v.v. Có như thế thì bảo hiểm xã hội mới có ý nghĩa.
 Song vì sao chính sách đúng đắn đó lại gặp sự phản đối dữ dội của người lao động? Theo tôi có hai lý do. Lý do thứ nhất là sự thiếu niềm tin. Người lao động không tin rằng tiền của họ ở Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý hiệu quả, họ cũng không tin rằng sau 15-20-30 năm nữa họ sẽ có cơ hội nhận được số tiền hưu xứng đáng. Nói thẳng ra, từ các kinh nghiệm tồi tệ trong quá khứ, ví dụ như kinh nghiệm mua trái phiếu, nỗi sợ một ngày nào đó Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bị vỡ khiến người lao động không thể an tâm về tương lai của mình. Lý do thứ hai là những yếu kém của truyền thông và năng lực thuyết phục của chính quyền.

 Trong xã hội dân sự hiện đại, việc người dân phản đối một chính sách nào đó của chính quyền là bình thường. Đó là những hoạt động lành mạnh, cần được bảo vệ. Song một chính phủ tốt là một chính phủ không phải khi nào cũng chiều theo ý của số đông, bởi không phải khi nào số đông cũng đúng. Một chính phủ tốt là một chính phủ biết đưa ra những chính sách đúng và thuyết phục được số đông ủng hộ chính sách đó. Dĩ nhiên, thuyết phục không phải là dùng các biện pháp phi dân chủ để cưỡng bức, mà phải dựa trên truyền thông đúng đắn để số đông hiểu đúng về chính sách mới. Song trên hết, điều quan trọng nhất là bản thân chính phủ đó phải thể hiện ra được là họ nghiêm túc, trong sạch, thẳng thắn, đáng tin. Nếu không, nói gì dân cũng chẳng nghe, ngay cả nói đúng.
Copy từ Đinh Bá Anh