Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

NỖI SỢ HÃI MÀU NHIỆM

1. Tôi xếp các tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn vào dòng văn-học-hiện-thực-xã-hội-chủ-nghĩa, theo nghĩa nghiêm túc nhất của khái niệm này. 
Ông là người đầu tiên, chứ ko phải các nhà văn-thơ phản kháng chế độ, từ bỏ sự tô hồng cuộc sống trong tác phẩm và, ông cũng không bôi đen tất cả như các nhà văn-thơ phản kháng kia. Ông bình tĩnh nhìn nhận rồi kể lại một cách đơn giản đời sống, như nó ĐANG thế.
Dĩ nhiên, tôi tuyệt đối ko tin ông đơn giản. Ông chọn cách viết khôn ngoan ấy để lừa mị người đọc vào cảm giác, ông là người chép sử trung thực.
Ngày xưa, tôi từng có lần so ông với Ehrenburg khi đọc Cù lao Tràm. Cái vênh vao duy nhất với ông  nhà văn Nga khi so sánh, xã hội ở kinh đô ánh sáng (cuốn Paris sụp đổ) phong phú hào sảng, xã hội nơi cù lao của ông Tuấn rị mọ như hồng hoang.
Chung dòng với ông Tuấn, sau có Triệu Xuân (Giấy trắng) và mới nhất có 2 tập Đại gia của Thiên sơn. Triệu Xuân không có văn và Thiên Sơn, bỏ tập hai đuối sụp xuống, ở tập một- những trang nội tâm nhân vật bị cường điệu quá mức thành thử, chỉ còn thấy mỗi “đầu” ông tác giả, tả xung hữu đột hết nhân vật nam đến nhân vật nữ.
Vậy nên, Nguyễn Mạnh Tuấn lồng lộng đứng chủ đạo một dòng văn, như Tố Hữu bên dòng thơ Cách mạng vậy.
Điều duy nhất tôi không chịu đựng được trong hầu hết (mà hình như tôi đọc chả sót cuốn nào) tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn, là khi ông viết về tình yêu nam-nữ. Loài người có 3 giới tính, nhân vật của ông này phi cả ba.
2. Hai cuốn mới nhất của ông, Nỗi sợ hãi  màu nhiệm dễ đến cả năm sau xuất bản tôi mới có sách và Phần hồn, chưa kịp đọc hết thì để quên ở sân bay.
Gần ba chục năm, “vốn sống” trong ông từ Cù lao Tràm ngày nào vẫn ngồn ngộn, như thể ông chỉ cần cúi xuống nhặt lên, là thành văn.
Vốn sống ấy, giờ đây tráng thêm một lớp  chiêm nghiệm của thời gian, đọc thú vị vô cùng. “ Sự trong sạch nào cũng phải đấu tranh mới có. Không biết sợ hãi chưa chắc đã thành anh hùng, mà biết sợ hãi chẳng hẳn đã hèn kém”. (Sách cũ, ông ít triết lý thế này lắm).
Tôi vừa đọc lại Nỗi sợ...và vẫn phì cười  từng đoạn như lần trước. Vài chục trang sách, câu chuyện (hình như) là có thật, nhưng nó ám vận vào cả một quãng dài thể trạng tâm thần của xã hội đang sống.
Nhà văn, lớn hay trung bình hay nhỏ, ở chính điều đó.

(*) Đầu tiên ông tưởng mình bị đái dầm, sau đấy là di tinh. Nỗi sợ...kể về quá trình “chữa” bệnh nam khoa khó nói này.
Hình ảnh có chút liên quan. Đây là dòng dõi nhà ông Tuấn. Chưa đọc nên ko bình.