Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI CÁ THÁNG TƯ –TIẾP THEO



 BÀI CỦA ĐINH HẢI BẰNG TRÊN SOI 
TỪ CHÂM BIẾM THÀNH CA NGỢI
Và Tien Phong Online lược dịch thành thế này:
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, 42 tuổi, vợ của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, được biết đến không chỉ bởi tài năng mà còn là một người phụ nữ rất giàu có và đầy quyền lực.
Sinh năm 1970, những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Thủy Tiên cũng như bao em bé Việt Nam khác đều trải qua những tháng ngày mưa bom bão đạn. Cha cô qua đời khi cô mới lên năm. Mẹ cô một mình nuôi cô cùng năm anh chị em khác. Bản thân Thủy Tiên đã hiểu được những cực nhọc của người mẹ một thân một mình nuôi con.
“Mẹ tôi là một giáo viên và rất nghiêm khắc với con cái. Bà thường răn dạy chúng tôi rằng chìa khóa của sự thành công là làm việc chăm chỉ. Tôi nhớ mãi câu nói đó”, bà Thủy Tiên chia sẻ.
Cái tên Thủy Tiên bắt đầu được nhiều người biết đến vào năm 1990 khi cô bước vào lĩnh vực điện ảnh với vai diễn trong phim “Vị đắng tình yêu”. Tuy nhiên, khi tên tuổi đang trên đường ghi dấu ấn, cô đã quyết định từ giã và chuyển sang làm tiếp viên hàng không cho Vietnam Airlines, một công việc mà nhiều phụ nữ Việt ước ao lúc bấy giờ.
Một thời gian sau khi lập gia đình, Thủy Tiên đã trở thành Tổng giám đốc Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP). Hiện nay, bà Thủy Tiên đang quản lý 25 công ty gắn liền với các thương hiệu thời trang cao cấp, đầu tư vào các trung tâm thương mại với doanh thu hàng năm lên tới 500 triệu đô la.
Không “ồn ào” như những phụ nữ giàu có khác, bà Thủy Tiên chỉ khiêm tốn nói rằng: “Tôi mới đi được một nửa chặng đường của thành công”. Điều này được bà lý giải cho mục tiêu của mình trong thời gian tới là có thể đạt được doanh thu 1 tỷ đô la mỗi năm.
Chia sẻ về những nỗ lực để có được ngày hôm nay, bà Thủy Tiên khẳng định: “Tôi đã nghiên cứu mọi khía cạnh của ngành kinh doanh từ A đến Z, giúp tôi có thể cạnh tranh ở mức độ cao nhất”. Bà cũng cho rằng, thành công lớn của bà đó chính là biết được những gì “người tiêu dùng Việt Nam cần”.
Tập đoàn của bà hiện là nhà phân phối độc quyền của nhiều thương hiệu hạng sang nổi tiếng khắp thế giới như Burberry, Ferragamo và Rolex.
(Tiền Phong)
*
Thực là một sự khác biệt hoàn toàn từ văn phong đến thái độ trong bản gốc so với bản đã được “lược dịch” hoặc “phóng tác” trên báo Việt Nam. Điều đáng nữa là các báo Việt đều nhấn mạnh (và lấy làm tự hào?) việc các nhân vật nữ kia được “báo Anh ca ngợi”, đặc biệt đó lại là tờ The Guardian. Nói cho đúng, bài viết gốc trên tờ này không ca ngợi cũng chẳng đả kích gì các nhân vật này, mà chỉ tường thuật lại như họ thấy ba nhân vật đại diện cho tầng lớp nữ doanh nhân đang lên của Việt Nam. Họ thấy rõ cái hợm hĩnh khoe của lố bịch của Thủy Tiên nhưng cũng ghi nhận sự thành đạt của bà. Họ nêu rõ về thân thế của chồng bà và ngầm đặt câu hỏi về tuyên bố “tự mình làm nên tất cả từ tay trắng” của bà, sau khi đã cho thấy tính cách khó đoán và có phần giả dối của bà ngay từ những giới thiệu đầu tiên về bà trong bài. Không hiểu do trình độ ngoại ngữ, hay do cố tình, qua báo Việt, tất cả những miêu tả hai chiều và những quan sát đầy tinh tế của phóng viên nước ngoài lập tức được quy về cách miêu tả một chiều đầy tán dương, ngưỡng mộ.
Nhưng sự khác biệt rõ nhất về tư duy báo chí nước ngoài và phóng viên nước ta có lẽ là ở khâu chọn ảnh.

                                                                                Ảnh: Nana Chen
Bức ảnh dùng trong bài gốc với cảnh Thủy Tiên mặc đồ trắng muốt ngồi co ro hút nước cam trên ghế mây gần bể bơi đầy sư tử đá, với cô hầu gái mặc đồ ngủ màu vàng lom khom đứng cạnh lột tả được rõ nhất sự hợm hĩnh khoe của thiếu tinh tế của Thủy Tiên, và vô cùng ăn nhập với đoạn miêu tả Thủy Tiên trong căn nhà có tới “mười cô giúp việc mặc đồ ngủ”. Ai đã xem phim nước ngoài tả cảnh các gia đình giàu có (dù là hiện đại, dù là mới giàu) cũng thấy người giúp việc nhà giàu bao giờ cũng phải mặc đồng phục, hoặc ít nhất là ăn mặc tươm tất, không bao giờ có chuyện mặc đồ ngủ trước mặt chủ như ở nhà Thủy Tiên. Bà chủ hả hê và cô đầy tớ khúm núm trong khung cảnh bể bơi với thiết kế lổn nhổn pha cột đá Hy Lạp với sư tử đá Trung hoa, đặc trưng của nhà giàu ít học, thực sự là một hình ảnh phản cảm cho thấy rõ ác ý của phóng viên The Guardian với Thủy Tiên, nhưng không báo Việt nào nhận ra điều này. Có lẽ, phóng viên ta đã quá quen với việc gắn “phản cảm” và “lộ hàng”, nên trước một sự phản cảm vì lộ đầu đất thế này, chúng ta vô cảm.

Nhưng tệ nhất ở đây là đạo đức làm báo. Hoặc bạn dịch (một phần) bài báo kia lên, giữ đúng cái tinh thần của người viết, hoặc bạn không nói gì cả, im lặng giữ cho mẹ chồng “ngọc nữ” được cao quý như vàng ròng. Còn bạn không thể lấy một bài báo đầy tính châm biếm, bỏ hết đi những hành văn có chủ ý của người ta, thêm những câu sáo rỗng của mình vào, phủ một lớp men bốc thơm như ý, rồi đổ ngược lại nói là người ta khen đại gia nước mình. Nịnh thế không đáng là nịnh!
CÒN TIẾP