Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

TRƯỜNG SA - HOÀNG SA VÀ NHỮNG CHUYỆN CHƯA BAO GIỜ KỂ



Trích đăng lại bài này từ facebook Lão Kuông, như một sự ủng hộ các bạn đang bị ném đá vì kể chuyện Trường Sa... quá đà.

Trong phạm vi những gì mình hiểu biết thông qua tự tìm tòi nghiên cứu, phỏng vấn những người có ảnh hưởng, có uy tín trong xã hội và Chính phủ, thông qua thực tế mắt thấy tai nghe khi ra Trường Sa và tiếp xúc với các chiến sĩ, mình xin được cung cấp thêm thông tin thế này để các bạn tham khảo nhé.
1.
Trung Quốc là nước lớn, mạnh hơn Việt Nam về mọi mặt như Kinh tế, Quân sự, Vũ khí, Đạn dược và tiếng nói trong Cộng đồng Quốc tế. Nếu "đánh nhau" tay đôi, thắng thua không biết, nhưng chắc chắn phía chịu thiệt hại nặng nề là Việt Nam của chúng ta. Khi nói chuyện với các tướng lĩnh từ cấp thấp đến cấp vừa, cấp cao của Việt Nam, mình phải ghi nhận một điều là chẳng ai "run sợ" nếu buộc phải sa vào tình thế chiến tranh. Chúng ta "anh hùng" 1, họ anh hùng gấp 1 triệu lần. Khi chúng ta hứa hẹn này kia trên bàn phím, họ đã và đang anh hùng bằng những hành động và việc làm thiết thực.
Các bạn có biết trong một chuyến đi đón công binh làm nhiệm vụ xây dựng từ một đảo chìm về lại đất liền, tai nạn đã xảy ra. Không rõ vì lý do gì mà chiến sĩ công binh này mất tích (có giả thiết trượt chân ngã rơi xuống biển khi đang câu cá). Rất nhiều tàu cứu hộ đã được phái ra vùng biển đó cấp tốc tìm kiếm trong nhiều ngày trước khi chấp nhận mất đi 1 người đồng đội. Dù đó là điều không ai mong muốn nhưng toàn bộ các chiến sĩ có mặt trên tàu cũng như các cấp chỉ huy tại đất liền đã bị kỷ luật từ quân đến tướng. Mất vạch, mất sao và nhiều hình thức kỷ luật cộng thêm khác nữa. Kể chuyện này để các bạn hiểu rằng mạng sống con người không phải là thứ để mang ra làm chuyện mua vui như vậy được. Mình nhấn mạnh, đó là sự mất mát của chỉ duy nhất 1 người.
Các bạn có biết khi Trung Quốc cử tàu hộ tống mang dàn khoan khổng lồ cao hàng trăm mét ra tìm cách thả xuống biển Đông để khai thác dầu khí, chiến sĩ của chúng ta trên các nhà giàn đã phải thay nhau theo dõi ngày đêm, kết hợp chặt chẽ với chỉ huy tại đất liền để giám sát nhất cử nhất động của tàu địch. Nếu bất cứ khi nào đội tàu hộ tống này có dấu hiệu ngưng lại tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì lập tức chúng ta phải cử tàu chiến ra "xua đuổi" không cho dàn khoan này được thả xuống dù với bất cứ lý do gì. Chúng ta “tuyệt đối yếu” hơn đối phương, trong khi chúng lại thường xuyên gây hấn, kích động để Việt Nam "ra tay" trước. Khi ấy, chúng sẽ có lý do hợp pháp để đánh chiếm vào những hòn đảo của chúng ta.
Nếu tình huống xấu nhất là Trung Quốc chiếm thành công 1 đảo của Việt Nam (điều này khó có khả năng xảy ra) thì chúng ta sẽ làm gì? Lên tiếng nhờ cộng đồng quốc tế ủng hộ mình ư? Cũng được, nhưng Trung Quốc sẽ ngay lập tức la làng lên rằng họ không đi xâm lược, không đi đánh chiếm đảo của Việt Nam. Họ chỉ đang "đòi lại" những gì thuộc về “chủ quyền bấy lâu nay” của họ. Trung Quốc sẽ ngay lập tức ngang ngược nói rằng chính Việt Nam mới đi chiếm đảo của Trung Quốc và bây giờ "bị lấy lại". Hãy nhìn vào những gì Trung Quốc đang ngày đêm bắc loa tuyên bố một cách trơ trẽn về Hoàng Sa sẽ hiểu điều mình nói. Tất cả những gì Trung Quốc CẦN, CẦU MONG VÀ CHỜ ĐỢI LÚC NÀY chính là một hành động thiếu kiềm chế bất kỳ từ phía Việt Nam để họ có thể đàng hoàng phát pháo. Và đó cũng chính là điều mà tất cả chiến sĩ của chúng ta ngoài hải đảo phải thuộc nằm lòng. Phải luyện chí rèn gan, giữ vững lập trường và kiên định để tránh tuyệt đối phạm vào sai lầm như vậy.
2.
Còn về vấn đề kiện tụng, ngay khi ngồi ở trên tàu ra Trường Sa mình đã hỏi một luật sư có tiếng. Cô ấy nói Việt Nam không thể nào làm như vậy được. Thứ nhất, chúng ta đang bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (bạn nào có comment ý này vô cùng chuẩn xác). Nếu chúng ta chỉ cần "lên gân" với Trung Quốc thì có thể hàng chục triệu gia đình sẽ lâm vào cảnh lầm than bằng những đòn đánh vào kinh tế. Để thoát ra khỏi sự lệ thuộc này, cần rất nhiều nỗ lực và thời gian. Thứ hai, ngay cả nếu chúng ta "kiện thắng" thì tòa án Quốc tế cũng không có chức năng hành pháp. Họ CHỈ CÓ THỂ KÊU GỌI bên "thua kiện" thực hiện điều ABC nào đó. Tòa án Quốc tế không giống như tòa án trong nước để có thể có chế tài buộc ông A bà B nào đó phải vào tù hay ông C phải bồi thường cho bà D vài chục triệu, trả lại tang vật trong vụ án v.v... Tức là đừng quá kỳ vọng việc tòa án Quốc tế sẽ giúp chúng ta bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ai đó nói rằng chúng ta cần “đánh động” thì xin thưa, việc đi kiện tụng như thế chẳng đánh động được cái gì ngoài việc khiến cho Trung Quốc có cớ sử dụng các đòn trừng phạt phi quân sự nhắm tới Việt Nam. Cùng với đó, họ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để gây sức ép lên cộng đồng Quốc tế và cô lập Việt Nam, bao vây kinh tế v.v... Trong khi đó, cái mà chúng ta cần nhất bây giờ là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Quốc tế. Thế nên phương án kiện là KHÔNG NÊN VÀ KHÔNG THỂ, vì chúng ta sẽ bị hại nhiều hơn lợi. Và cũng cần nói thêm rằng việc "tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Quốc tế" không đồng nghĩa với việc phụ thuộc hoàn vào vào một "Quốc gia đồng minh" nào cả. Thật ngây thơ khi cho rằng Mỹ, hay Nga hay Nhật sẽ giúp chúng ta một cách vô tư và họ chẳng có ý đồ gì trong đó. Nên nhớ, tiền của dân nước ngoài ta đóng thuế, máu của binh sĩ người ta không có mang qua "cúng chùa" cho Việt Nam đâu ạ. Điều này sẽ rất dễ để hình dung ra được khi các bạn tránh được việc đồng nhất giữa việc bảo vệ chủ quyền biển đảo với việc "chống một mình Trung Quốc".
Các ý như tăng cường sức mạnh quân sự, tăng cường trợ giúp ngư dân bám biển thì Việt Nam đã và đang làm rất tốt. Còn phải làm đến thế nào mới thỏa lòng tất cả mọi người thì đó là câu hỏi không thể có đáp án chung. Cách đây 4 năm, việc di chuyển từ tàu hải quân vào tiếp cận nhà giàn được thực hiện bằng... dây thừng! Hiện nay chúng ta đã có xuồng CQ có thể vào tận nơi một cách dễ dàng. Trước kia các chiến sĩ phải phấn đấu cả 6 tháng trời để được một lần gọi bộ đàm về liên lạc với đất liền thì ngày nay, 100% đảo nổi đảo chìm và nhà giàn của chúng ta được trang bị trạm thu phát sóng vệ tinh của Tập đoàn viễn thông. Chúng ta có cả hệ thống liên lạc internet đủ mạnh để thực hiện họp online, chữa bệnh từ xa. Đời sống ở Trường Sa giờ đây đã hoàn toàn thay đổi.
3.
Ngày trước, mỗi khi đọc tin Trung Quốc khai trương một tòa nhà nào đó ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm đóng phi pháp, mình rất cay cú và tự hỏi "tại sao một việc đơn giản thế mà Việt Nam không làm, cứ để cho Trung Quốc một mình một chợ?". Ngày hôm nay thì thấy nó khởi công xây nhà. Ngày mốt thì thấy nó rồng rắn đưa người ngựa ra đốt pháo khánh thành. Ngày sau nữa lại thấy nó làm sân bay. Ngày sau sau nữa lại thấy nó đưa khách ra tham quan du lịch? VẬY TẠI SAO VIỆT NAM KHÔNG CHỊU LÀM NHƯ VẬY MÀ CỨ PHẢN ĐỐI LÊN PHẢN ĐỐI XUỐNG LÀM GÌ???
Và đến khi mình được nghe chuyện về lực lượng công binh, là những người đi phá mìn mở đường xây nhà trên đảo thì mình đã tự có câu trả lời rồi. Tóm lại một cách đơn giản và dễ hiểu thì xây nhà trên đất liền khó 1 thì đặt một viên đá trên mặt biển khó gấp 1 vạn lần. Mình ước gì tất cả các bạn có thể tận mắt chứng kiến nhà giàn có 8 cây cột thép choài ra làm "chân chống" với mỗi cây cột có đường kính khoảng chừng nửa mét, lại được giằng thêm hàng chục cây thép nhỏ hơn để đan kết vào nhau sừng sững giữa bạt ngàn sóng nước. Và nếu các bạn biết rằng cách đó 4 năm, những nhà giàn vững chắc kiên cố như một tòa lâu đài thép đã bị kéo đổ nhào xuống biển, mang theo cả một tiểu đội mãi mãi không bao giờ trở về được đất liền, các bạn sẽ "cảm" được một phần của công việc xây cất ở nhà giàn cũng như trên các đảo.
Hãy thử hình dung, nếu bạn đang ở giữa một đảo san hô, xung quanh ngập nước chừng 1m, xuồng CQ không thể nào tiếp cận, tàu hộ tống chở theo nguyên liệu là xi măng đá tảng buộc phải neo đậu cách đó chừng 5km thì bạn sẽ làm thế nào để mang vác được xi măng, gạch, đá, sắt thép rồi canh thủy triều lên xuống để đổ cho được một cây cọc bê tông đầu tiên xuống rồi "khô lại" giữa lòng biển khơi? Hãy cố hình dung đi. Chỉ cần hình dung với nhiệm vụ là một cây cọc bê tông duy nhất chứ chưa nói tới những gì lớn lao to tát. Khi đã lờ mờ tìm ra một cách làm nào đấy, bạn sẽ tự có câu trả lời cho câu hỏi "đơn giản" được bôi hoa toàn bộ ở phía trên.
Cũng có thể tiết lộ với các bạn rằng ở phạm vi bán kính chừng 1km quanh các đảo (thay đổi tùy theo diện tích) là cơ man các cọc bê tông sừng sững để sẵn sàng "nghênh chiến" với các loại tàu thuyền... [Các chi tiết sâu hơn liên quan đến vũ khí và hệ thống chiến đấu, phòng thủ ở đoạn này đã bị cắt ]. Thực sự, nếu được đặt chân lên một đảo tại Trường Sa, các bạn sẽ biết rằng "Việt Nam tuy không hiếu chiến, nhưng để đánh được vào các đảo của Việt Nam là cả một vấn đề".