Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

TRƯỜNG SA - HOÀNG SA VÀ NHỮNG CHUYỆN CHƯA BAO GIỜ KỂ (tiếp)



4.
Cũng trong chuyến đi 10 ngày lênh đênh trên biển, có một sự bất ngờ tới mức "gây sốc" cho toàn bộ đoàn công tác. Đó là dù quan sát ở bất cứ góc độ nào, cũng chỉ thấy có ta và.. ta và... biển. Thế nhưng ngay khi tàu HQ960 "tình cờ" chạm trán với tàu hải giám Trung Quốc (bẻ lái cắt ngang vuông góc) thì ngay lập tức thấy lù lù 2 tàu chiến của hải quân Việt Nam xuất hiện. Tất cả mọi người đều không biết các tàu chiến này ở đâu ra, và càng sốc hơn nữa khi được cho biết họ đi theo bảo vệ đoàn công tác ngay từ khi rời cảng!!! Chưa hết, khi đặt chân lên tới An Bang, mình còn được tận mục sở thị một buổi huấn luyện của đặc công biển Việt Nam với hành trình bơi hàng chục km mỗi ngày luyện tập mang theo vũ khí đổ bộ vào đảo và hiệp đồng tác chiến với các chiến sĩ tại trận địa. Có thể tin hay không tùy bạn, nhưng họ còn có khả năng nằm im dưới nước sâu trong suốt nhiều giờ đồng hồ cho đến khi được lệnh tiếp tục "hành quân" vào đảo.
Tuy nhiên, tất cả các trang thiết bị vũ khí, súng ống đạn được, quân lính tinh nhuệ… của chúng ta không phải được sinh ra để tấn công mà là phòng thủ. Việt Nam còn yếu, nên chủ trương của chúng ta là đối thoại và hợp tác, dựa trên việc thu thập, củng cố rồi tuyên truyền các bằng chứng lịch sử để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Quốc tế. Việt Nam không bao giờ đối đầu, không bao giờ dùng vũ lực, không bao giờ "phát pháo" trước trong mọi tình huống để kẻ thù có thể dựa vào làm nguyên nhân gây chiến. Trong khi đó, chúng ta bằng mọi giá bảo vệ chủ quyền tất cả những đảo chìm, đảo nổi, bãi cạn... mà chúng ta đang có. Luôn luôn bày tỏ quan điểm phản đối, nêu rõ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán không thể tranh cãi của Việt Nam với các đảo, quần đảo, bãi cạn mà chúng ta thực sự có chủ quyền, BAO GỒM CẢ NHỮNG NƠI ĐÃ BỊ KẺ THÙ DÙNG VŨ LỰC CHIẾM ĐÓNG TRÁI PHÉP (trong lịch sử). Điều mà các bạn hay gọi là "nhai đi nhai lại".
5.
Liên quan đến việc tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc ngăn chặn, xua đuổi, bắn phá khi khai thác trong khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và tàu cá Trung Quốc ngang ngược tiến vào quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt trái phép thì do chính những nhà báo của mình NHIỀU KHI không nắm rõ thông tin nên việc tuyên truyền dễ gây ra những nhầm lẫn căn bản.
Đầu tiên phải hiểu thế này. Trường Sa và Hoàng Sa là quần đảo tức là gồm nhiều đảo nhỏ. Với mỗi đảo thì chúng ta lại có rất nhiều thuật ngữ liên quan đến việc xác lập chủ quyền, nhưng gần gũi nhất có lẽ là "lãnh hải". Nếu chỉ xét riêng về lãnh hải, thì các bạn cứ tạm hiểu như một vòng tròn kim cô xung quanh các đảo. Nếu chúng ta xác lập chủ quyền ở 1 đảo, thì mặc nhiên chúng ta có thêm chủ quyền ở một đường biên lớn hơn chạy xung quanh đó nữa.
Tập hợp các đường viền như vậy ở tất cả các đảo mà chúng ta có chủ quyền nó sẽ là nơi chúng ta mặc nhiên đi lại và khai thác. Chứ không phải cứ lấy cây bút rồi khoanh một vòng "to đùng" bao hết các đảo lại cho rằng đó là vùng bất khả xâm phạm của mình. Vậy nên chủ quyền của chúng ta sẽ là một vùng thực sự rất... loằng ngoằng, có chỗ thì chồng chéo, có chỗ bị "hở" ra. Và theo luật, cái chỗ hở đó là hải phận quốc tế. Dù nhìn vô bản đồ nó có vẻ nằm hoàn toàn trong "khu vực" quần đảo Trường Sa.
Chưa hết, trong lịch sử một số đảo chúng ta đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đi. Cho nên, dù cái đường vòng quanh đảo đó là lãnh hải của Việt Nam nhưng trong thực tế nếu tầu thuyền của ngư dân đi vào đó thì sẽ bị xua đuổi và bắn phá. Tức là các tàu đó bị bắn phá do xâm phạm vào "lãnh hải có được vì chiếm đóng trái phép" của Trung Quốc, nhưng lại là "lãnh hải dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế và căn cứ lịch sử không thể tranh cãi" của Việt Nam. Cho nên báo chí sẽ phải đưa tin là tàu cá ngư dân bị bắn trong vùng lãnh hải "của Việt Nam". Thậm chí Bộ Ngoại Giao cũng phải tuyên bố như vậy. Và chính sự nhập nhằng này cũng khiến nhiều người cho rằng chúng ta quá hèn kém khi để cho ngư dân bị vạ lây như vậy.
Tương tự với việc Trung Quốc xua đội tàu cá hàng chục chiếc "tràn vào khu vực Trường Sa và Hoàng Sa" của Việt Nam để đánh bắt trái phép. Trong thực tế, quanh năm suốt tháng đều có tàu cá của Trung Quốc "mon men" đến gần các đảo của Việt Nam. Và khi này, chắc chắn 100% chiến sĩ trên đảo sẽ theo quy trình để có hành động xua đuổi thích hợp và mức cao nhất là sẵn sàng chiến đấu không khoan nhượng nếu việc xua đuổi không thành công.
Tuy nhiên, nếu các tàu cá này đi vào những vùng "lỗ thủng" của lãnh hải đan xen giữa các đảo thì thực tế không xâm phạm lãnh hải Việt Nam nhưng vẫn coi là "ùa vào khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam được". Điều tương tự xảy ra nếu các tàu này đi vào lãnh hải của các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị đánh cướp bằng vũ lực và chiếm đóng trái phép trong quá khứ. Chưa kể theo thông lệ quốc tế, nếu tàu họ "vô tình" đi vào một vùng lãnh hải nào đó thực sự hoàn toàn thuộc Việt Nam thì mình cũng không thể nào ra bắn phá mà trước tiên là xua đuổi. Và trong đại đa số các trường hợp, khi mình xua đuổi thì nó sẽ dời đi. Nhưng báo chí vẫn coi đấy là việc ùa vào vùng lãnh hải của Việt Nam.
6.
Tóm lại những việc mà chính phủ đang làm - THEO CÁ NHÂN MÌNH ĐÁNH GIÁ - là hoàn toàn đúng đắn về đường lối chính sách, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của đất nước. Sau khi đi thực tế, theo cách gọi của đoàn công tác, là "thăm và kiểm tra các đảo" thì phải nói là mình hoàn toàn yên tâm rằng ít nhất là các đảo mình đang giữ sẽ khó mà bị Trung Quốc đánh chiếm. Những sự vi phạm chủ quyền theo dạng quấy nhiễu của Trung Quốc chúng ta đều có quy trình đối phó an toàn nhất.
Về phía cộng đồng quốc tế, chúng ta đang làm cực tốt việc "nhai đi nhai lại bài ca phản đối" mọi lúc mọi nơi, trên mọi phương diện dù sự vi phạm có lớn như con voi hay nhỏ như con kiến. THEO THÔNG LỆ LUẬT PHÁP QUỐC TẾ, ĐIỀU ĐÓ LÀ CỰC KỲ QUAN TRỌNG! Chúng ta cũng chấp nhận việc "gây hiểu lầm" về năng lực bảo vệ ngư dân hay năng lực phòng thủ khi sẵn sàng ra tuyên bố chủ quyền ngay cả trong trường hợp thực ra chúng ta chỉ bị vi phạm chủ quyền theo lý thuyết. Theo mình, đây là một đánh đổi cực kỳ quan trọng và dũng cảm. Các bạn hãy đọc thật kĩ phần trên để hiểu và cùng đi giải thích cho nhiều người khác cùng hiểu nữa.
Việc tốt nhất mà mỗi người chúng ta có thể chung tay, theo mình chính là nâng cao nhận thức, kiến thức về luật biển, về UNCLOS, phải hiểu được lãnh hải là gì, đường cơ sở là gì, cơ sở xác lập chủ quyền biển đảo thế nào, vùng nội thủy là gì, vùng đặc quyền kinh tế là gì, thềm lục địa là gì, thềm lục địa mở rộng là gì... v.v... và v.v... Chừng nào làm được như vậy chúng ta mới mong hiểu đúng, hiểu rõ và hiểu sâu về tình hình chiến sự tại Biển Đông.