Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

Trương Thái Du

Copy bài này của bác Trương .Xin cáo lỗi vì không cách nào cmt để xin phép chủ nhân được


Vệ quốc ở kỷ nguyên “Biên giới mềm”


Có nhiều định nghĩa “biên giới mềm” và nhiều cách vận dụng nó vào muôn mặt đời sống xã hội. Nếu “Biên giới cứng” theo truyền thống là đường phân định cụ thể giữa hai quốc gia, thì “Biên giới mềm” chỉ ra ảnh hưởng vô hình của một quốc gia, một cộng đồng nào đó lên các chủ thể khác.


Dưới làn sóng toàn cầu hóa mãnh liệt đang diễn ra, “biên giới mềm” của nhiều quốc gia gần như được bành trướng một cách hợp pháp hằng ngày hằng giờ. Với những người thủ cựu, họ nhìn nhận toàn cầu hóa như một con ngáo ộp thực dân nhưng lại thiếu khách quan trước lợi ích mà nó mang lại. Chính vì nhân loại đã đi qua hai cuộc thế chiến khủng khiếp để chia chác thị trường nên toàn cầu hóa chắc chắn là lựa chọn hòa bình, ít ra là ở bề mặt. Quan trọng là khi ấy, hòa bình sẽ có tâm thế chủ động. Bất ổn hoặc chiến tranh không còn là giải pháp cuối cùng.


Hơn bao giờ hết, ở kỷ nguyên lạ lẫm này, tôi bỗng thấy việc bảo vệ và xây dựng tổ quốc mà người Việt Nam thường phân biệt rõ rệt thực ra là một. Không còn phải quyết tâm “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Trong vấn đề khai thác hay không khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên, hình như có một lý lẽ “ngầm” nhân danh vệ quốc mà tạm dừng dự án. Lý lẽ ấy vận động rất linh hoạt, nó là xương sống chống lưng cho những vấn đề thiết yếu và không hề thiếu quan trọng của dự án là môi trường sinh thái, không gian văn hóa Tây Nguyên, hiệu quả kinh tế, công nghệ v.v…


Vệ quốc lúc nào cũng cao quí, nhưng vệ quốc không đúng chỗ, đúng nơi, đúng lúc, có khi lại trở thành lực lượng cản trở tiến hóa của xã hội. Trong khi nhiều người đang phản đối dự án khai thác quặng nhôm tại Tây Nguyên thì ngay giữa Hà Nội, ngày 22.5.2009 tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được khởi động. Trung Quốc đã cho vay phần lớn giá trị công trình là 552 triệu Mỹ kim. Họ cũng sẽ trực tiếp thi công theo chuẩn Metro GB của mình. Vậy thì theo logic phản đối kia, công trình này cũng phải dừng ngay lại với những lý do sau: vị trí nhạy cảm về an ninh (thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước), công nghệ Trung Quốc lạc hậu, phá vỡ cảnh quan cổ điển của Hà Nội ngàn năm văn hiến v.v… Thậm chí ở góc độ “để dành cho con cháu”, thì tuyến đường sắt có nhiều lý do dừng lại hơn bô xít vì tiền vay ấy các thế hệ sau phải è cổ ra mà trả nợ cả vốn lẫn lãi.


Việc dừng dự án khai thác quặng nhôm Tây Nguyên hiện nay không còn quan trọng bằng việc những người phản đối sẽ tạo tiền lệ xấu cho công cuộc toàn cầu hóa mà nhân dân Việt Nam đã hào hứng và chủ động tham dự. Nhờ vào sự tham dự ấy, từ năm 1986 đời sống của đại bộ phận dân chúng ngày càng được cải thiện. Có thể sẽ có ý kiến hoan nghênh mọi quốc gia trừ… Trung Quốc. Nếu làm được điều này, có lẽ người Mỹ, người Úc, người Tây Âu đã làm trước chúng ta từ lâu rồi.


Quay mặt lại toàn cầu hóa, người Việt Nam chỉ còn con đường bế quan tỏa cảng và viễn cảnh tụt hậu. Quay mặt lại với gã đại tư bản nhà nước giàu sụ mang tên Trung Quốc hàng xóm (đang lăm lăm lợi dụng toàn cầu hóa để mở rộng biên giới mềm ở khắp thế giới), chỉ khiến môi trường sống của đất nước và khu vực bị ô nhiễm bởi thù hận. Không ai có thể chọn cha mẹ, cũng như chẳng quốc gia nào có thể chọn vị trí địa - chính trị dễ chịu. Không phải thế kỷ 21 người Việt Nam mới trở thành láng giềng của Trung Quốc. Hơn một ngàn năm lập quốc bên cạnh họ, tổ tiên Hoàng Việt đã rút ra biết bao nhiêu bài học quí giá: luôn hành xử khôn ngoan, cương nhu đúng lúc và cổ xúy cho hữu hảo.


Yêu cầu ngừng ngay dự án khai thác quặng nhôm Tây Nguyên là hành xử thụ động và dễ dãi nhất mà những người trí thức Việt Nam có thể thực thi, trong muôn ngàn cách yêu nước bền bỉ và chông gai khác như cải cách giáo dục, chấn hưng văn hóa, khơi thông dân trí, kinh bang tế thế, đấu tranh chống tham nhũng… nhằm góp phần mở rộng “biên giới mềm” của đất nước. Đó mới là phương cách vệ quốc hữu hiệu trong kỷ nguyên mới mẻ này.