Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

MÁY TÍNH BẢNG VÀ CÀ RĂNG CĂNG TAI - tiếp nữa

Beo tạm dừng một kì để  post bài viết theo Beo khá thú vị của một bạn FB,Nguyễn Anh Đức nhằm mục đích sẽ " phản biện " lại bạn ấy.
Cháu (tuy còn trẻ người non dạ) cũng xin góp thêm mấy ý cho cuộc trao đổi này, và cũng khẳng định luôn là những ý kiến bên dưới sẽ trái ý cô Beo Hồng nhưng vẫn xin mạn phép đưa ra trao đổi ạ. Dưới đây là bài đăng trên tường nhà cháu nên việc nhân xưng đều dành chung chứ không chỉ cụ thể ai, có nghĩa việc dẫn lại tại bài đăng của cô đây cũng không nhằm vào cô chủ nhà đâu ạ, . Dưới đây là phần dẫn:

"Về "đề án máy tính bảng" đang còn được xin ý kiến. Do còn đang xin ý kiến nên mới có vài góp ý để góp phần chặn lại khả năng đề án được chấp thuận (bởi cả phụ huynh và các ban ngành). Và cũng bởi chưa được xem nội dung đề án nên không nói đến tính khả thi của đề án ở đây. Chỉ có vài điều như sau:
- Thứ nhất (quan trọng nhất): Người lớn hãy thôi ích kỷ để nghĩ rằng cái gì có lợi cho mình thì cũng có lợi cho trẻ. Các cháu đã được mấy năm sống trên cõi này? đã tiếp thu được bao nhiêu kiến thức để mà phải trang bị máy tính bảng để các cháu tiếp thu thêm? Câu trả lời xin tạm xem ở những câu chuyện (có thể là giả nhưng nói việc thật) cười ra nước mắt về văn tả cảnh, tả người, tả con vật,...của trẻ (đặc biệt là trẻ thành phố).
- Thứ hai: Các vị muốn đặt nền móng đề gây giống một thế hệ cận thị, viễn thị, loạn thị để tiến hành hội nhập phát triển kinh tế trong thời hiện đại và sẽ còn hiện đại hơn hiện nay sao? Ở nhà các cháu xem tivi, nghịch máy tính, chơi điện thoại thông minh (của bố mẹ), và vô vàn thiết bị điện tử khác. Đến trường cũng lại "phải" - mặc dù các cháu rất thích - cắm cúi với cái máy tính bảng nữa. Thử hình dung xem các cháu phải hứng chịu lượng phóng xạ lớn cỡ nào khi chỉ có đi ngủ là ít (chỉ là ít chứ không hẳn thoát được) chịu ảnh hưởng của điện từ? Trong khi cả thế giới đang cố gắng ngăn chặn tác động tiêu cực của các thiết bị điện tử đối với sức khỏe của con người thì các vị muốn đầu độc con cháu chúng ta bằng cách đó mà chỉ nhằm phục vụ cái sự vị kỷ của chính các vị đã nêu thứ nhất.
- Thứ ba: Các vị muốn đặt nền móng để gây giống một thế hệ chỉ biết tới tri thức qua thế giới ảo (hoặc phần lớn tiếp thu qua thế giới ảo) để rồi khi ra ngoài đời thực, các cháu vẫn phải nhìn với một ánh mắt ngỡ ngàng, một sự ngạc nhiên khó tả? Hay các vị chỉ đơn thuần muốn các cháu "được bất ngờ"? với thế giới thực? Tôi không phủ nhận với sự phát triển hiện nay, những hình ảnh trên thế giới ảo rất giống thật. Nhưng đừng đánh lận trắng đen như thế. Ảo là ảo chứ không thể là thật. thay vì đầu tư cho các cháu tiếp thu cái ảo, hãy tổ chức cho các cháu đi xem cái thật ở ngoài đời để phục vụ nhu cầu tiếp thu của các cháu. Dã ngoại đâu phải là vấn đề khó khăn hơn đề án này?
- Thứ tư: Có mấy người trong số các vị trực tiếp hướng dẫn các cháu sử dụng máy tính bảng để học tập? Có hiểu được khó khăn của công việc thực tế không? Có đủ trình độ không trong khi một cài sự cố nhỏ thì đa số các vị cũng cần nhờ đến anh bạn thạo công nghệ gánh giùm? Cớ sao bắt các thầy cô phải thông thạo nhiều đến vậy? Các vị lấy ví dụ hiệu quả ở những quốc gia xa xôi nào đó đã nghĩ xem họ đã phải chuẩn bị nhân lực, trí lực đến giai đoạn nào mới áp dụng được như vậy để đạt hiệu quả mà các vị bê nguyên hiệu quả đó về xã hội nghèo nàn, lạc hậu, thiếu tri thức như ở Việt Nam chưa?
- Và thứ năm (tạm đến đây): Các vị bảo làm như vậy để các cháu được học mọi lúc, mọi nơi. Dừng một chút để xem lại ý thứ nhất, thứ hai và thứ ba ở trên. Thêm nữa là các vị có tính đến sự an toàn cho các cháu khi mang theo một khối tài sản lớn như vậy khi đi học, đi về nhà...? Hay các vị tiếp tục muốn là những bậc phụ huynh mẫu mực, hàng ngày đưa đón con tới trường? Để được làm giảm đi tính tự lập của các cháu, để được góp thêm phần vào tắc đường?....